Cảng Bridgetow, Barbaros, Liên Bang Tây Ấn
Tôi được bảo là mình sẽ đứng chờ một chiếc "thuyền buồm", mặc dù những "cánh buồm" của IS Imfingo ngầm chỉ bốn tuốc-bin gió đứng vươn mình trên thân tàu trơn láng. Vì được trang bị với PEM (Proton Exchange Membrane - Màng chuyển đổi Proton), công nghệ giúp biến nước biển thành điện năng, nên thật dễ hiểu tại sao cái tên lại mang tiền tố "IS" cho "Infinity Ship" hay.. "Tàu vô tận".
Dù được tôn vinh như là bước chuyển mình chẳng thể tranh cãi của ngành hàng hải tương lai, nhưng số chúng chỉ xuất hiện hiếm hoi trên mặt biển dưới cái mác chính phủ. Nhưng chiếc Imfingo thì lại khác. Nó được đặt dưới quyền sở hữu và điều hành bởi tư nhân. Thuyền trưởng của Imfingo không ai khác chính là Jacob Nyathi.
Khi tôi sinh ra, đất nước tân Nam Phi đang sống trong thời kỳ hậu A-pác-thai. Vào những ngày cuồng nhiệt đó, chính phủ không chỉ hứa hẹn một nền dân chủ "mỗi người một phiếu" mà còn là nhà cửa, việc làm trên khắp đất mẹ. Cha tôi nghĩ những cải cách đó sẽ mang hiệu lực tức thì. Ông không biết những mục tiêu dài kỳ đó chỉ đạt được sau nhiều năm.. sau nhiều thế hệ lao động. Ông nghĩ rằng nếu chúng tôi bỏ lại mảnh đất tiên tổ, bỏ lại bộ lạc để định cư nơi thành thị thì nhà cao cửa rộng cùng công việc tiền lương hậu hĩnh sẽ nghiễm nhiên chờ chúng tôi tới.
Cha tôi là một người suy nghĩ giản đơn, một người làm công theo ngày. Tôi không thể đổ lỗi cho ông đơn giản vì sự thiếu học, hay vì giấc mơ của ông về một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả gia đình. Và cứ như vậy, chúng tôi chuyển tới Khayelitsha, một trong bốn thị trận lớn bên ngoài Cape Town. Một cuộc sống với sự đớn đau, với sự vô vọng và nghèo khổ tới độ nhục nhã. Cuộc sống đó chính là tuổi thơ tôi.
Vào đêm chuyện xảy ra, tôi đang từ bến xe buýt về nhà. Lúc đó khoảng tầm 5 giờ sáng, tôi vừa tan ca từ quán T.G.I's Fridays ở bến Victoria. Đó là một buổi tối may mắn. Tiền boa được nhiều, và tin vui đến từ giải Bóng bầu dục thế giới khiến bất cứ người dân Nam Phi nào cũng cảm thấy mình gần hơn ba thước so với mặt trời. Đội Springboks lại đánh bại đối thủ All Blacks thêm một lần nữa.
(Anh cười với kỷ niệm tràn về)
Có lẽ những dòng suy nghĩ đó đã khiến tôi sao nhãng hoặc do sự mệt mỏi sau giờ làm việc, nhưng tôi vẫn có thể cảm thấy cơ thể mình phản xạ theo bản năng trước khi thật sự ý thức được tiếng súng. Nhưng tiếng súng này không như bao tiếng súng khác, không xuất phát từ khu phố tôi ở, không trong cái thời buổi đó.
"Mỗi người một súng" là câu khẩu hiệu tôi nằm lòng cả đời ở Khayelitsha. Và như một người lính dạn dày chiến trường, ở đây anh mang kỹ năng sống còn chảy trong huyết quản. Với tôi, kỹ năng đó bén ngọt như dao sắc. Hạ thấp trọng tâm, tôi cố gắng định hướng âm thanh đồng thời lần tìm điểm tựa vững chắc để ẩn náu. Hầu hết nhà cửa tại đây đều gia cố tạm bợ với gỗ vụn, mái thiếc hay những tấm nhựa cho việc che nắng mưa. Hỏa hoạn quét qua những thứ tàn dư này mỗi năm chí ít một lần, vì thế đạn xuyên qua chúng dễ dàng như xuyên qua không khí.
Tôi chạy thục mạng và tới nấp sau một tiệm cắt tóc, nơi dựng lên nhờ thế đứng của một chiếc công ten nơ cỡ xe hơi. Nó không an toàn, nhưng chắc vẫn trụ vững được vài giây, đủ để giữ mình và chờ tiếng súng ngớt, chỉ có điều suy nghĩ đó không thành hiện thực. Tiếng súng lục, tiếng shotgun và một thứ âm thanh bạn không thể nhẫm lẫn, một thứ âm thanh khiến bạn hiểu ai đang cầm khẩu AK. Tiếng súng kéo dài quá lâu vo với một trận ẩu đả băng nhóm thông thường.
Nay còn là tiếng la ó, tiếng kêu gào, và trong không khí mùi khói bắt đầu lan tỏa. Đâu đó, tôi nghe đám đông đang tiến tới gần. Bước ra từ chỗ nấp, tôi thấy hàng chục con người, vẫn đang trong quần áo ngủ, hô hoán: "Chạy! Chạy khỏi đây! Bọn chúng đang tới!".
"Ai tới?" - những con người với gương mặt trẻ hơn gạn hỏi, và những ông lão, bà lão thì cố chạy trối chết. Họ mang trong mình những bản năng hoàn toàn khác, những bản năng sinh ra từ cái thời họ còn là nô lệ ngay tại mảnh đất quê hương. Vào những ngày đó, tất cả mọi người đều hiểu "chúng" là ai, và nếu "chúng" có tới, tất cả những gì bạn cần làm là chạy và cầu nguyện.
Anh có chạy không?
Tôi không thể chạy. Còn gia đình, còn mẹ, còn hai em gái.. họ sống chỉ cách vài nhà với trạm radio Zibolene, chính xác nơi mà đám đông vừa bỏ chạy. Tôi không hề suy nghĩ. Tôi thật ngu ngốc. Tôi nên nhanh chân vòng ngược lại, tìm một con hẻm hay một con đường yên ắng hơn.
Tôi cố gắng len qua đám đông, đâm đầu về hướng đối điện. Tôi nghĩ mình có thể đứng bên lề của những căn nhà ổ chuột, nhưng sớm muộn thì tôi cũng bị xô ngã, đổ nhào lên mé tường gắn bằng những lớp nhựa mỏng. Với hàng tá những thứ quái quỷ đè lên người, tôi khó lòng thoát thân và cũng chẳng thể thở lấy một hơi.
Có ai đó chạy, đạp lên người.. đầu tôi va mạnh xuống nền đất. Tôi gồng mình vùng dậy, nhưng luống cuống mà ngã lăn ra con đường kế bên. Khi nhìn thấy chúng, người tôi vẫn nằm úp trên mặt đường. Ở trước mắt.. mười cho tới mười lăm bóng hình in trên nền ngọn lửa rực cháy khu ổ chuột. Không thể điểm mặt, nhưng tiếng chúng rên rỉ tôi vẫn nhất nhất nghe rõ. Chúng lê lết chậm rãi... với hai cánh tay giơ lên..từ từ hướng về phía tôi.