73. Tìm đường vào Palestine
Asher vì nghĩa vụ với gia đình phải ở lại phía Bắc một thời gian. Nati về lại Tel Aviv. Còn tôi, phần vì cuồng chân, phần vì tò mò, phần vì nhớ Jehad, tôi quyết định sang Palestine. Nhưng đây không phải là một quyết định đơn giản. Tôi đã phải đắn đo rất nhiều có nên sang Palestine hay không: nơi đây có an toàn hay không? Có cần giấy tờ gì hay không? Sang Palestine rồi Israel có cho tôi vào lại hay không? Palestine trên báo chí luôn là một điểm đỏ trên miền xung đột. Thời điểm tháng năm này lại càng nhạy cảm hơn, bởi đây là tháng hay có xung đột phản đối sự thành lập đất nước Israel. Những người bạn Israel của tôi, khỏi phải nói, phản đối việc đi sang bờ Tây như thế nào. Ngay cả Đại sứ quán Việt Nam cũng khuyên nếu sang Palestine thì chỉ nên đi theo đoàn, đặt tour thôi.
Nhưng khi quyết định đi rồi, tôi lại cũng chẳng biết sẽ đi bằng cách nào. Thông tin trên mạng cực kỳ hiếm, chính sách của họ thì thay đổi liên tục tùy vào tình hình an ninh trong khu vực. Những người tôi biết thì chưa sang Palestine bao giờ. Jehad cũng mù tịt không biết thủ tục sang như thế nào. Lần trước anh sang Israel, anh sang bất hợp pháp bằng cách nhảy qua West Bank Barrier, bức tường ngăn cách giữa Israel và Palestine (bức tường được ví như bức tường Berlin ngăn cách Đông và Tây Đức thời kỳ chiến tranh lạnh ngày xưa). Tất cả những gì anh có thể bảo tôi là tìm đường đến trạm kiểm soát Tappuah, bắt xe bus đến Nablus rồi gọi anh ra đón.
Tôi ra bến xe bus ở Tel Aviv hỏi xe đi Tappuah thì ai cũng nhìn tôi ái ngại. “Cháu đi Tappuah làm gì?”, “Để sang Nablus ạ”. Mọi người cứ nghe tôi nói đến Nablus hay Palestine là lắc đầu bỏ đi. Phải hỏi đến hai chục người, tôi mới gặp một người muốn nói đến vấn đề này. Anh bảo “Em dại lắm, đừng có nói với người Israel là em muốn sang Palestine. Em phải hỏi xe bus đi Ariela, một thị trấn của Israel. Trước khi đến Ariela có một cái bùng binh lớn, xuống đó, đi bộ về phía Tappuah Junction. Ở đó sẽ có xe bus màu vàng đi Palestine. Hỏi bất cứ xe bus màu vàng nào họ có đến Nablus không?”. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao anh lại nắm rõ vậy, vì người Israel đâu được phép sang Palestine đâu. Anh cười bảo rằng anh không phải người Israel. Anh sang Palestine tình nguyện cho một tổ chức phi chính phủ, bây giờ đang ở Israel tham quan thôi.
Tôi làm theo đúng chỉ dẫn của anh đến Tappuah Junction, đợi khoảng mười phút thì thấy một chiếc xe bus màu vàng trờ tới. Tôi vào Palestine mà không có bất kỳ một trở ngại nào, thậm chí còn không bị chặn lại kiểm tra hộ chiếu ở trạm kiểm soát. Tôi chỉ biết mình đang ở đất Palestine khi các banner quảng cáo được viết bằng tiếng Ả Rập thay vì tiếng Hebrew. Cảnh vật xung quanh cũng thay đổi dần. Nếu Israel là một quốc gia phát triển và ngăn nắp thì Palestine có vẻ hoang tàn hơn nhiều với những đống đổ nát chỗ này chỗ kia do xung đột triền miên. Nếu taxi của Israel có màu trắng đặc trưng thì taxi Palestine mang màu vàng với lá cờ Palestine tung bay. Nếu ở Israel, đường phố ngăn nắp tuyệt nhiên không có người bán hàng rong thì ở đây, vỉa hè tràn ngập các món ăn của người Ả Rập. Trong lúc chờ Jehad tới đón, tôi mua cho mình một cái falafel (bánh mỳ nhân đậu xay ran, món ăn đặc trưng của Israel, Palestine cũng như khu vực Trung Đông). Tôi không tin vào tai mình khi người bán hàng bảo giá chỉ 2NIS. Ở Israel bèo lắm cũng phải 10NIS. Một chai nước ở Israel phải 7-8NIS thì ở đây chỉ 1,5NIS. Thật khó có thể tin là hai nước cạnh nhau, dùng chung một đồng tiền mà giá cả lại chênh lệch đến vậy. Tôi đi bộ loanh quanh, cảm giác không khí nơi đây cũng hơi “Ả Rập”. Đàn ông vẫn là số đông trên đường, phụ nữ vẫn còn nhiều người quàng khăn. Một vài người ở bến xe huýt sáo trêu chọc khi thấy tôi đi một mình.
Khỏi phải nói tôi mừng thế nào khi nhìn thấy Jehad. Một tháng không gặp, cậu có vẻ đen và gầy hơn hẳn.
“Ấy không biết một tháng vừa rồi có bao nhiêu chuyện xảy ra đâu”. Jehad ôm tôi thắm thiết, kệ những ánh mắt soi mói của mọi người xung quanh.
“Từ từ rồi kể”.
Chúng tôi lên bến xe trung tâm nơi có hàng trăm taxi màu vàng đang xếp hàng đợi. Những chiếc xe đậu trước ra trước, những chiếc xe mới vào đứng tiếp luôn phía sau. Chúng tôi lên một chiếc taxi cùng hai phụ nữ trùm khăn kín mặt. Xe thả chúng tôi ở chân đồi, rồi chúng tôi đi bộ lên. Nablus nằm dưới thung lũng giữa hai ngọn núi Gerizim và Ebal. Nhà Jehad nằm trên đỉnh ngọn Gerizim, leo lên mất gần một tiếng, leo xuống cũng phải mất cả nửa tiếng.
“Mỗi lần muốn đi đâu lại phải leo thế này à?”. Tôi hỏi Jehad.
“Ừ, nhưng đáng lắm. Có nhà riêng ở là thích rồi. Ngày trước nhà tớ ở trong trại tị nạn dưới kia kìa”.
Bậc thang đá chạm từ trong núi, cỏ lau màu vàng cao ngang mặt người. Những ngôi nhà trên đỉnh núi được xây bằng đá với mái bằng vuông vức, cửa và cửa sổ cong cong đúng như những gì tôi vẫn hình dung về một phố núi Ả Rập. Từ nhà cậu, chúng tôi có thể nhìn thấy toàn cảnh thung lũng. Nablus không phải một thành phố tráng lệ như Tel Aviv. Thành phố này có vẻ gì đó mộc mạc, chân chất với những cánh đồng lúa chẳng mênh mông cũng chẳng mơn mởn, chỉ hơi nâu nâu vàng vàng để Nablus lửng lơ giữa thôn quê và thành phố. Mấy đứa trẻ con từ xa thấy chúng tôi đã kêu toáng lên “Jehad Jehad” với câu gì đó bằng tiếng Ả Rập mà cả người lớn cũng chạy ra nhìn tôi rồi cười khúc khích. Khu này có quá nhiều trẻ con, nhà nào cũng trên dưới cả chục đứa. Nhà Jehad đã có bảy anh chị, mấy đứa con nhà cậu họ ở bên cạnh thấy tôi đến cũng chạy sang chơi ngồi kín nhà. Nhìn thoáng qua, Nablus chẳng khác gì một thành phố yên bình.
“Tớ không nghĩ Palestine lại yên bình thế này đâu”.
“Thế ấy nghĩ Palestine lúc nào cũng tiếng súng đùng đoàng à? Thỉnh thoảng thôi. Bình thường thì người ta cũng phải sinh sống, làm ăn chứ. Nếu ấy muốn xem dấu vết xung đột với Israel, mai tớ dẫn ra trại tị nạn”.
Trại tị nạn được bao quanh bởi một bức tường kiên cố cao khoảng ba mét. Bên trong là những ngôi nhà bê tông sơ sài xây san sát, những túp lều dựng tạm, những con hẻm nhỏ xíu, những vách vôi chi chít những dòng chữ và hình vẽ cổ động: “Tồn tại là kháng cự”, “Nếu bạn không sẵn sàng chết vì nó, thì đừng có nói đến hai chữ tự do”, “Vẫn luôn có hy vọng”. Jehad chỉ cho tôi chỗ này xe tăng Israel làm đổ, chỗ kia quân lính Israel từng núp, nhà này cả gia đình bị giết hại, chỗ kia là trại trẻ mồ côi. Người Palestine đẻ nhiều, mà theo cách nói của một số người ở đây, “đẻ nhiều để lấy người đánh Israel”, nên khắp trại tị nạn, chỗ nào cũng nghe tiếng trẻ em nói cười râm ran.
Không chỉ có trẻ em không đi học, người lớn ở đây dường như cũng chẳng đi làm. Tôi ở đây mấy ngày chỉ thấy mọi người ở nhà suốt. “Có việc đâu mà làm”, Jehad cười buồn. Chúng tôi đang ngồi vắt vẻo trên cây nhìn xuống toàn thành phố. Bây giờ chúng tôi mới có thời gian nói chuyện thực sự. Cậu trầm hơn hẳn, không còn là cậu bé ngây thơ như lúc ở Nepal nữa.
“Một tháng qua có nhiều chuyện xảy ra là sao?”.
“Ừm, ban đầu tớ về, bố không nói chuyện với tớ cả tháng liền. Tớ nhảy tường sang Israel tìm việc. Nhưng dân ở Ả Rập không có giấy tờ nên dân Do Thái gặp thì báo công an, dân Ả Rập cũng không dám nhận mình vì sợ bị liên lụy. Mấy tuần bị cảnh sát bắt gặp toàn phải nói tiếng Anh giả vờ làm khách du lịch. Ở một tuần không tìm được việc nên về”.
“Thế bây giờ kế hoạch là gì?”.
“Mấy hôm nữa tớ lên Ramallah làm việc ở quán bar”.
“Ở Palestine cũng có quán bar à?”.
“Ừ, Palestine còn có loại bia riêng cơ. Bia Taybeh”.
“Thế không đi học nữa à?”.
“Phải đi làm kiếm tiền đã”.
“Sao tự nhiên ấy lại sang Nepal học?”.
“Ở Palestine không có trường tốt”.
“Nhưng sao cả mấy trăm nước có trường tốt không chọn lại chọn nước vừa nghèo vừa phức tạp như Nepal?”.
“Vì cậu tớ thích Nepal. Cậu từng sang đấy triển lãm tranh”.
“Cậu nào cơ?”.
“Cậu ở Ramallah. Mấy hôm nữa lên Ramallah ấy sẽ gặp. Tớ xin phép cậu cho ấy ở nhà cậu luôn rồi.
74. Người nghệ sĩ không gặp thời
Chú của Jehad nhìn đúng chất nghệ sĩ: chú gầy, tóc dài búi phía sau, khoác áo gi-lê bụi bặm. Vợ chú đang làm luận án tiến sĩ ở Ý. Chú đang ở Ramallah cùng cô bạn gái trẻ hơn mình phải hai chục tuổi, trẻ đến mức tôi phải mất khá lâu mới dám tin rằng cô là bạn gái chú. Cô gái nhuộm tóc tím, bôi mắt tím, đánh môi tím. Cô hút thuốc, cô uống rượu. Cô không xinh nhưng có một vẻ hoang dã đến gần mức người ta đối với cô chỉ có hai khả năng: hoặc là rất yêu, hoặc là rất ghét. Tôi không ghét được cô. Lúc đấy, tôi đã đủ lớn để nhận ra cuộc sống không chỉ là đen trắng cách biệt. Đôi khi chúng ta phải thỏa hiệp, đôi khi chúng ta phạm sai lầm, nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta là người xấu.
Một sự tình cờ thú vị, chú là hàng xóm của Marwan Barghouti, người được coi là Nelson Mandela của Palestine. Rất tiếc, lúc đó Barghouti đang bị Israel bắt giữ nên tôi không được gặp. Căn nhà chú ở một căn nhà hai tầng rộng rãi với đồ trang trí được chú mang về từ khắp nơi trên thế giới qua những chuyến du ngoạn của mình. Là một nghệ sĩ sinh nhầm thời, nhầm địa điểm, chú đã phải lăn lộn làm dân tị nạn ở năm quốc gia, lấy đủ năm hộ chiếu, rồi lại từ bỏ cả năm hộ chiếu đó về làm người Palestine. Một thời lăn lộn hằn sâu lên những vết sâu bên khóe mắt, lên những sợi tóc bạc ở tuổi bốn mươi, lên làn da đen sạm vì nắng. Bây giờ trở về, chú trở thành một trong những nghệ sĩ hàng đầu của Palestine. Chú chính là người vận động Liên Hợp Quốc xây dựng trường Học viện Nghệ thuật đầu tiên của Palestine (International Academy Of Art Palestine). Tôi càng nghe mọi người kể về chú, tôi càng hâm mộ. Tôi thực sự, thực sự chỉ mong được nói chuyện với chú, nghe chú kể chuyện. Nhưng thật lạ, gặp chú rồi tôi lại chẳng biết hỏi chuyện gì. Những người càng đi nhiều, càng ít nói. Có lẽ, chú đã trải qua quá nhiều, đã thấy quá nhiều, đã hiểu quá nhiều, như người anh hùng đã luyện võ thành công, đi khắp thiên hạ không ai lãnh được một chiêu kiếm của mình. Chú thà tự tranh luận trong suy nghĩ của chính mình, hơn là nói ra nhưng rồi không ai hiểu.
Hiếm hoi lắm, tôi mới thực sự nói chuyện được với chú. Đó là một buổi tối, chú ngồi bệt ngay ngoài ban công, nhìn xuống thung lũng lập lòe ánh đèn trước mặt, hút thuốc. Chúng tôi mon men ngồi cạnh. Tôi hỏi chú về làm nghệ thuật ở Palestine. Chú cười chua chát:
“Cái bụng nó còn chưa no, cái thân nó còn chưa ấm thì mấy ai nghĩ được đến nghệ thuật”.
“Vẫn có những người như chú làm đấy thôi ạ?”.
“Vậy nên chú mới lạc loài”.
“Nhưng rồi mọi chuyện sẽ tốt hơn chứ chú. Học viện hôm trước cháu đến thăm vẫn hoạt động tốt lắm mà”.
“Ừ. Tụi trẻ con cũng nhiều đứa có tài. Mong rằng chúng nó sẽ có đất mà dụng võ. Mà có đất rồi, cũng mong là chúng nó sẽ dụng võ cho đúng mục đích”.
“Tại sao chú lại trở về Palestine?”.
“Quê hương”.
“Chú có đổ lỗi cho Israel không?”.
“Không. Ta không thể nào đổ lỗi cho cả một dân tộc được. Chẳng có ai là hoàn toàn có lỗi, cũng chẳng có ai là hoàn toàn vô tội cả”.
“Chú có mong Palestine giành được độc lập không?”.
“Không”.
“Tại sao ạ?”.
“Độc lập để làm gì nếu như nguồn nước, nguồn điện vẫn bị phụ thuộc vào Israel; giáo dục, đào tạo, y tế vẫn phải phụ thuộc vào các tổ chức nước ngoài? Bây giờ Palestine mà giành được độc lập thì sẽ trở thành nước nghèo nhất thế giới với các khoản nợ ngập đầu, chẳng tự lo được cho mình cái gì”.
“Chú nghĩ là có nhiều người nghĩ như chú không?”.
“Nhiều, nhưng người ta không dám nói ra. Giờ mà bị hỏi, thế nào người ta cũng nói là muốn Palestine được độc lập. Nhưng sau lưng, họ vẫn bí mật tìm cách trở thành công dân Israel. Bên đấy có việc, có thu nhập, có điều kiện để mà sống, mà phát triển”.
Chú rít một hơi thuốc thật dài, thở ra thật lâu.
Những cành ô-liu nhuốm máu
Tình cờ một lần đi lang thangở Palastine, tôi bắt gặp một banner rất bắt mắt mang dòng chữ “Palestine Farmer’s Market” – “Chợ nông dân Palestine”. Người bán hàng không chỉ là những người nông dân Palestine mà còn là những bạn trẻ trong độ tuổi sinh viên, cả người Palestine và nước ngoài. Tò mò, tôi vào xem thử. Cô bạn tóc vàng người Mỹ thấy tôi đến liền nhiệt tình chào hàng.
“Ủa bạn ơi, chợ nông dân Palestine là sao? Không phải tất cả những chợ rau củ quả ở đây đều là chợ nông dân Palestine à?”.
“Không phải đâu ấy. Các thành phố như Ramallah là toàn sản phẩm nông sản từ Israel đấy”. “Tại sao?”.
Bạn đấy bắt đầu giải thích cho tôi một hồi. Cái đoạn tôi viết ra sau đây là bao gồm cả những thông tin tôi tìm hiểu thêm trên mạng nữa. Đại loại là sản phẩm từ Israel có lợi thế hơn hẳn so với sản phẩm từ Palestine: về chất lượng cũng như về giá cả. Nông dân Israel có điều kiện sử dụng phân bón hóa học tốt hơn và nước làm nông nghiệp cũng rẻ hơn, nên sản phẩm có năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn và nhìn cũng đẹp hơn. Nông dân Palestine cũng gặp khó khăn vận chuyển hàng hóa từ vườn đến nơi buôn bán. Khu Bờ Tây bao gồm ba khu vực: khu vực A – kiểm soát hoàn toàn bởi chính quyền Palestine, khu vực B – thuộc chính quyền Palestine nhưng nằm dưới sự kiểm soát của Israel và khu vực C – quản lý bởi Israel, bao gồm các khu định cư của người Israel. Khu vực A và khu vực B bị chia cách thành 227 khu vực nhỏ, tách biệt bởi khu vực C quản lý bởi Israel. Chính vì vậy, ngay cả khi vận chuyển hàng hóa giữa các khu vực trong Palestine, người dân vẫn phải đi qua các trạm kiểm soát của Israel. Theo bạn gái này, những trạm kiểm soát này khiến cho việc vận chuyển hàng hóa hết sức khó khăn. Người nông dân thường phải bán sản phẩm của mình ngay tại trang trại cho người trung gian với giá rẻ mạt chứ không vận chuyển được đến các thành phố lớn như Ramallah hay Nablus. Ví dụ, một cân cà chua bán cho người trung gian có giá chỉ 0,5 NIS, trong khi tại Ramallah có giá lên đến 2,5 NIS. Chợ nông dân Palestine chỉ giúp giải quyết một phần rất nhỏ vấn đề này, bởi bản thân Shakara, tên tổ chức của các bạn, cũng không có cách nào giúp người nông dân vận chuyển hàng hóa đường xa được. Chợ nông dân Palestine hiện nay chỉ tập trung vào sản phẩm từ những trang trại nhỏ khu vực lân cận Ramallah. Các bạn tình nguyện viên đến tận trang trại, thuyết phục người nông dân mang hàng hóa của mình lên Ramallah bán.
Không chỉ thế, người nông dân Palestine còn gặp khó khăn khi tiếp cận trang trại của chính mình. Bức tường Bờ Tây không chỉ ngăn cách Israel và Palestine mà còn ngăn cách người nông dân Palastine với trang trại của họ, bởi không ít trang trại nằm ở phía bên kia bức tường. Hàng năm, vào mùa thu hoạch (tháng mười là tháng thu hoạch ô-liu), chính quyền Israel cho người nông dân Palestine một ngày đi qua bức tường để thu hoạch, trong khi việc thu hoạch cần ít nhất một tuần. Vào dịp này, Shakara tổ chức chiến dịch tình nguyện “Thu hoạch ô-liu” để giúp đỡ những người nông dân thu hoạch ô-liu trong một ngày ngắn ngủi đấy. Bạn cho biết năm ngoái có hơn bốn mươi bạn trẻ tham gia. Chiến dịch không chỉ giúp các bác nông dân thu hoạch được nhiều ô-liu hơn, mà còn giúp các bạn trẻ học hỏi cách làm dầu ô-liu và biết trân trọng giá trị sức lao động.
Người ta thường dùng hình ảnh nhành ô-liu nhuốm máu để nói về Palestine. Cây ô-liu xuất hiện ở khắp nơi và là nguồn thu chính của phần lớn người dân Palestine. Nó còn là biểu tượng của tình yêu, hòa bình, thịnh vượng. Thật tiếc, bây giờ, cành ô-liu đó đã bị nhuốm máu.