Nếu thế giới người sống có quân đội, binh lính thì cõi âm cũng vậy, quân đội ở cõi âm được gọi là âm binh.Âm binh thông thường là những linh hồn binh lính tử trận trên chiến trường, họ được Diêm Vương giao nhiệm vụ mở cửa sinh tử, phò tá Hắc Bạch Vô Thường hoặc dẫn đường cho các linh hồn ở địa ngục.
Ngoài ra còn có các âm binh cấp thấp gọi là nô binh, nô binh là các hồn ma còn lưu luyến dương thế được các thầy trừ tà thu về để phục vụ họ, nô binh so với âm binh thì linh lực kém hơn một bậc.Thực ra mối quan hệ giữa thầy trừ tà và nô binh là quan hệ cộng sinh, âm binh là linh hồn, nếu không ăn linh hồn khác thì muốn tồn tại ở dương thế chỉ còn cách ký kết giao ước với thầy trừ tà, sống nhờ linh lực của thầy trừ tà.
Ngược lại âm binh giúp các thầy trừ tà cứu giúp người sống, chống lại người chết và thầy trừ tà khác, quấy phá hoặc hãm hại người sống, di dời đền miếu...!ngoài ra nếu hoàn thành nhiệm vụ âm binh có thể được thầy trừ tà cúng cho rượu thịt hoa quả.Âm binh phần lớn đều là hồn ma tốt nhưng nếu bị thầy trừ tà thu nạp thì xấu hay tốt lại phụ thuộc thầy trừ tà.Tuy nhiên việc nuôi âm binh là một con dao hai lưỡi, vô cùng nguy hiểm.
Ngay cả bước đầu gọi là “thu binh” cũng ẩn chứa vô vàn nguy cơ.
Các thầy trừ tà thường đến các chiến trường nơi có nhiều hồn ma binh lính tử trận để thu binh, nhưng nếu bất cẩn hoặc linh lực yếu sẽ bị âm binh vặn cổ chết ngay tại chỗ.
Những âm binh làm nhiều chuyện xấu thì có thể biến thành ác linh, quay ngược lại giết chết thầy trừ tà.
Đây gọi là nhân quả báo ứng, ở ác gặp ác.Chính vì vậy nhiều thầy trừ tà sau một thời gian sẽ cầu kinh siêu thoát cho âm binh, có một số thầy trừ tà dù lúc còn trẻ tạo phúc cho thiên hạ đến khi về già không còn đủ sức điều khiển âm binh cũng bị âm binh vật chết.Nếu bạn vô tình gặp được âm binh thì nhất định phải tránh càng xa càng tốt, thứ của cõi chết thì người sống không nên đến gần.Âm binh của Bình Lệ Nguyên có lẽ là âm binh đặc biệt nhất, họ là âm binh nhưng không phải là âm binh.Trận Bình Lệ Nguyên là trận đánh lớn của quân Đại Việt do vua Trần Thái Tông và tướng Lê Tần chỉ huy chống lại đội quân xâm lược đế quốc Mông Cổ của Ngột Lương Hợp Thai.
Tuy đại thắng nhưng quân Mông Cổ đã thất bại trong mục tiêu bắt sống vua Trần và tiêu diệt chủ lực quân nhà Trần.Theo Đại Việt sử ký toàn thư có ghi:“Tháng 12, ngày 12 năm Đinh Tỵ, tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên.
Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn.
Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt như không.Lúc ấy có người khuyên vua nên ở lại để chỉ huy chiến đấu đến cùng.
Phụ Trần cố sức khuyên can rằng:“Nay bệ hạ chỉ đánh một trận dốc túi thôi ư! Hãy tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế.”Bấy giờ vua mới lùi đóng ở sông Lô.
Phụ Trần giữ phía sau.
Quân giặc bắn loạn xạ.
Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc.
Thế giặc rất mạnh, vua phải lui giữ sông Thiên Mạc”.Tổ tiên của Cao Phong khi ấy sống cách Bình Lệ Nguyên không xa, gia chủ nhà họ Nguyễn khi đó là ông Nguyễn Minh Quân, ông Quân từ xa nhìn thấy âm khí ở Bình Lệ Nguyên bốc lên che kín cả một khoảng trời xanh, nếu không sớm giải quyết e sẽ là đại hoạ bèn vội vàng đến chiến trường để siêu độ cho các tướng sĩ tử trận.Cầu siêu bề ngoài chỉ là đọc thần chú khuyên răn các linh hồn còn lưu luyến trần gian tiến vào cõi chết nhưng thực chất tốn khá nhiều sức lực và linh lực.
Ông Quân cùng mười hai người khác trong dòng họ tuy linh lực mạnh mẽ nhưng cùng một lúc cũng chỉ cầu siêu được cho một trăm người.
Binh lính nhà Trần tuy chết nhưng lòng yêu nước vẫn sục sôi, bọn họ đồng loạt quỳ xuống cầu xin ông Quân cho bọn họ tiếp tục ở lại nhân gian để chiến đấu bảo vệ đất nước khỏi quân xâm lăng.Lòng yêu nước là đạo lý, lý tưởng sống, niềm tự hào và giá trị truyền thống quý báu của người Việt Nam.
Lòng yêu nước và ý thức tự chủ thể hiện rất rõ trong xuyên suốt chiều dài lịch sử từ “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá trường kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” của bà Triệu hay hai bà Trưng cưỡi voi chống lại nhà Đông Hán, đến Ngô Quyền cắm cọc trên sông Bạch Đằng đại phá quân Nam Hán, Lý Thường Kiệt với bản tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà nam đế cư” trên sông Như Nguyệt đánh đuổi quân Tống rồi ba lần chống quân Mông Nguyên của nhà Trần, Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa mười năm đánh đuổi quân Minh ra khỏi biên cương hoặc vua Quang Trung Nguyễn Huệ “Đánh cho nó trích luân bất phản.
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.” phá tan hai mươi chín vạn quân Thanh.Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
Đó là một truyền thống quý báu của ta.
Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.”Cảm động trước lòng yêu nước của binh sĩ nhà Trần, ông Quân cho phép bọn họ ở lại tuy nhiên bọn họ phải trở thành âm binh của ông cũng như lập lời thề vĩnh viễn bảo vệ tổ quốc cũng như con dân Đại Việt.Sau khi quân Mông Cổ chiếm được Thăng Long, vua Trần Thái Tông và thái tử Trần Nhân Tông bất ngờ đánh thẳng vào Đông Bộ Đầu, những âm binh Bình Lệ Nguyên cũng xuất hiện chiến đấu bên cạnh người sống.
Tuy nhiên Mông Cổ cũng có những thầy phép cao tay, bọn họ triệu hồi binh sĩ Mông Cổ đã tử trận tại Bình Lệ Nguyên để tấn công đội quân hiện tại của nhà Trần.Âm binh Bình Lệ Nguyên bỏ qua quân đội Mông Cổ chuyển sang âm binh Mông Cổ, kẻ địch cũ gặp lại, hai bên triển khai ác chiến vô cùng quyết liệt.
Tại Đông Bộ Đầu khi đó không chỉ là trận chiến của người sống mà còn là trận chiến của những người đã khuất, tuy linh lực âm binh mạnh yếu là do binh lính đó khi còn sống thế nào nhưng cũng phụ thuộc vào thầy trừ tà, thầy trừ tà yếu kém thì âm binh cũng không mạnh được.Thầy phép Mông Cổ tuy cao tay nhưng so với ông Quân và người thân thì vẫn kém một bậc nên dù tương quan lực lượng giữa âm binh Bình Lệ Nguyên và Mông Cổ là ngang nhau nhưng âm binh Bình Lệ Nguyên vẫn chiếm ưu thế.Quân nhà Trần đại thắng ở Đông Bộ Đầu, quân Mông Cổ biết không thể giữ được Thăng Long đồng loạt tháo chạy về Vân Nam.
Những thầy phép Mông Cổ thì bị ông Quân và người thân bắt giữ, phế bỏ linh lực rồi đuổi về nước.Ông Quân không dẫn âm binh Bình Lệ Nguyên về nhà mà bảo họ đóng quân tại Bình Lệ Nguyên, khi nào đất nước bị xâm lăng thì hãy xuất quân đánh đuổi.
Âm binh Bình Lệ Nguyên không phò tá ông Quân hay nhà họ Nguyễn mà là phò trợ non sông tổ quốc, họ phục vụ cho người dân Đại Việt.Vậy mới nói họ là âm binh nhưng cũng không phải là âm binh.Ông Quân cũng từng tiên đoán quân Mông Cổ sẽ xâm lược Đại Việt ít nhất hai lần nữa và quả nhiên tiên đoán của ông đã không sai.Ông Quân mất, những gia chủ đời sau vẫn giữ gìn giao ước với âm binh Bình Lệ Nguyên cho đến tận ngày nay, cũng nhờ đó âm binh Bình Lệ Nguyên tồn tại đến giờ, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử.Kể từ đó về sau, trong bất kỳ trận chiến vệ quốc nào của Việt Nam, âm binh Bình Lệ Nguyên luôn luôn xuất hiện.
Những người con cháu không hề biết những lúc bọn họ vung thương giết địch thì cha ông của họ cũng ở bên cạnh cùng họ chiến đấu, họ không hề biết rằng lúc họ ngã xuống vẫn có người đỡ bọn họ lại, thậm chí cha ông của họ có khi còn ngã xuống cùng họ.
Non nước Việt Nam còn vững vàng đến ngày nay không chỉ có công lớn của người sống mà còn có không ít của người đã khuất.Dù sống hay chết đều là “nước non nặng một lời thề”.Âm binh Bình Lệ Nguyên tuy chém giết không biết bao nhiêu sinh mạng người sống lẫn người chết nhưng vẫn giữ được ánh sáng trong tâm, không chỉ vì lòng yêu nước không bao giờ tắt mà còn vì giao ước năm đó với ông Quân chưa bao giờ kết thúc.
Dù không phục vụ cho nhà họ Nguyễn nhưng âm binh Bình Lệ Nguyên luôn kính trọng và sẵn sàng giúp đỡ khi người trong nhà họ Nguyễn đến nhờ cậy, ngàn năm sau ông Phúc đã tìm đến Bình Lệ Nguyên lúc này là thị trấn Hương Canh, nằm giữa Vĩnh Yên và Phúc Yên, ông cần sự giúp đỡ của bọn họ.Mục tiêu là bảo vệ đứa cháu trai Nguyễn Cao Phong, hy vọng duy nhất của nhà họ Nguyễn.Âm binh không phải thứ dễ khống chế, nếu không cẩn thận sẽ bị âm binh phản chú, nhẹ thì bị điên nặng thì chết.
Những thầy trừ tà mạnh nhất Việt Nam hiện nay cũng chỉ có thể khống chế nhiều nhất là hai đến ba trăm âm binh, ngoại lệ thì bốn trăm.
Nhưng ông Phúc thì lại khác, số lượng âm binh của ông hiện tại lên đến một ngàn, một con số không tưởng.
Âm binh của ông ngoại trừ Bình Lệ Nguyên còn có âm binh sông Như Nguyệt trong trận chiến kháng Tống của Lý Thường Kiệt và âm binh của một vị tướng nhà Trần tử trận trong cuộc chiến chống lại quân Mông Nguyên lần thứ hai, âm binh Chương Dương Độ, âm binh Chi Lăng, âm binh Rạch Ngầm - Xoài Mút và âm binh Ngọc Hồi - Đống Đa.
Tuy có đến sáu đạo âm binh khác nhau nhưng ông Phúc gọi chung là Bình Lệ Nguyên vì đây là âm binh chủ lực.“Ra đây âm binh Bình Lệ Nguyên!”Ông Phúc vừa dứt lời xung quanh khói trắng tràn ra đầy rừng, từ trong màn khói trắng bước ra hàng trăm binh sĩ đầu đội Đâu Mâu, thân mặc quang minh giáp, đao thương sáng loáng, đứng trước bộ binh là kỵ binh cưỡi trên những con ngựa chỉ còn xương xẩu và chiến giáp, cờ xí bay phần phật trong gió, hào quang chiếu sáng khu rừng và màn đêm tối tăm, khí thế ba quân hào hùng như “Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu”.Hào khí Đông A ba lần đánh thắng Mông Nguyên ngày ấy hôm nay lại được tái hiện ở nơi rừng sâu nước độc.Ông Phúc chỉ về người hái thuốc:“Toàn quân! Tấn công!”Lời ông vừa dứt, âm binh Bình Lệ Nguyên lập tức xông lên, tiếng hô dậy trời của bình sĩ, tiếng ngựa hí vang, tiếng đao kiếm tuốt ra khỏi vỏ, hào khí này lan sang hai ông cháu nhà họ Nguyễn, bọn họ cũng thét lớn cổ vũ cho cha ông của mình xung trận giết địch.Tám trăm âm binh cùng lúc tấn công từ bốn phương tám hướng, người hái thuốc dù là ác quỷ cũng mãnh hổ nan địch quần hồ, chỉ trong nháy mắt mười mấy kỵ binh tiên phong đã ở ngay trước mặt ông ta, đại đao trường thương sáng loá vung lên.Người hái thuốc không hề hấn gì còn mười hai kỵ binh kia lại đầu mình hai nơi, xung quanh người hái thuốc xuất hiện mười mấy hồn ma, ma trành, ma da, ma xó, ma thần vòng, quỷ nhập tràng, thần trùng...!Ma quỷ có thể tập hợp thành bầy đàn nhưng trước giờ không có chuyện ma này sai khiến ma khác, ác quỷ có thể ăn ma chứ không sai khiến được ma, nhưng chỉ mười mấy hồn ma sao địch lại tám trăm âm binh thiện chiến?Lại một âm binh Bình Lệ Nguyên khác bị chém làm đôi, sau lưng người hái thuốc đột nhiên xuất hiện rất nhiều binh lính, số lượng ít nhất là hai ngàn, bọn họ mặc rất nhiều loại giáp khác nhau từ thời Tần, thời Hán, thời Đường đến cả thời Tống Nguyên rồi Thanh, thậm chí có cả quân phục hiện đại của Trung Quốc.Ông Phúc thở dài:“Quả nhiên ngươi không phải hồn ma bình thường.
Chỉ có thầy trừ tà mới khiển được âm binh, ngươi lúc còn sống cũng là thầy trừ tà?”Tuy ông Phúc nói vậy nhưng chưa từng có chuyện hồn ma thầy trừ tà sử dụng được pháp thuật, vì khi chết linh lực lúc còn sống sẽ mất hết, trừ một số thầy trừ tà mạnh mẽ sẽ còn sót lại một ít.Lúc này hai đạo âm binh đã rơi hỗn chiến, gió lốc nổi lên thổi bay mấy chục thân cây cổ thụ, mặt đất rung lên từng chập.
Âm binh của người hái thuốc tuy đông và hung hãn hơn nhưng lại chỉ là con rối sai đâu đánh đó còn âm binh Bình Lệ Nguyên có ý thức và trí tuệ, biết bày binh bố trận, lánh nặng tìm nhẹ, tám trăm đấu với hai ngàn vẫn chiếm được ưu thế.Người hái thuốc bật cười khanh khách, khuôn mặt ông ta vặn vẹo rồi biến đổi thành một người trung niên mắt xếch, giữa trán có một cái bớt hình đầu lâu, cằm có ba chòm râu.
Ông ta hỏi:“Một thằng nhãi sinh sau đẻ muộn như ngươi có nhận ra khuôn mặt này là ai không?”Cao Phong thấy khuôn mặt này rất quen nhưng không biết đã gặp ở đâu.
Ông Phúc nhìn thấy khuôn mặt người hái thuốc đôi mày xoăn tít lại, ông biết đại hoạ lâm đầu rồi.“Ta sao không nhận ra chứ? Ngươi chính là Bạch Cốt giáo chủ Trần Trường Giang, người đáng lẽ đã chết từ hơn một ngàn năm trước.”Trần Trường Giang đắc ý vuốt ba chòm râu, ông ta nói:“Coi như lão già Nguyễn Trí Tâm dạy dỗ các ngươi không tồi, ta hôm nay sẽ báo mối thù ngàn năm trước, gia tộc trừ tà đáng nguyền rủa các ngươi hôm nay đừng hòng có ai sống sót!”.