Xin Cạch Đàn Ông

Manka là bác sĩ thú y. Rơi vào xác suất như tôi. Cô có chồng, nhưng chồng đã bỏ đi. Đầu tiên là cả triệu bưu thiếp in hình trái tim, rồi đến đám cưới, rồi đến con trai đầu lòng, cuối cùng là bà khác. Chồng Manka khá vui tính. Khi con trai họ chào đời, anh này đến bệnh viện đón vợ con, cô y tá ôm bọc chăn bước ra hỏi, thằng nhóc này của ai.

Anh chồng đáp:

- Cái chăn này của tôi…

Các ông chồng bao giờ cũng nhận ra con mình nhờ cái chăn.

Mấy năm sau, anh chồng bỏ đi, anh ta cũng từng cấm Manka hút thuốc trong phòng ngủ. Vì sao chúng ta toàn vớ phải những gã đàn ông chỉ ưa cấm đoán vậy nhỉ? Hoặc bắt vợ phải đi ngủ, vì đã muộn, hoặc bắt vợ phải dậy, cũng vì đã muộn, hoặc phải nấu bữa trưa, hoặc phải tằn tiện v.v… Chỉ vì chúng tôi thích vậy?! Hoàn toàn không thể hiểu nổi.

Manka thỏa thuận với Ula là tôi sẽ ở nhà Manka, vì chồng cô ta không ở đó nữa, chỉ cần mang đến vài bộ quần áo, máy tính, để tôi có thể làm việc, rồi đâu sẽ vào đấy. Đám thợ người miền núi sẽ không uống rượu khi có giám sát. Đích thân tôi giám sát.

Có người phụ nữ nào biết, bê tông mười lăm và bê tông hai mươi khác nhau thế nào không? Đinh năm phân và đinh mười bảy phân khác nhau thế nào không?

Đám thợ miền núi không uống rượu nữa. Tôi uống với họ hôm xây xong phần thô, hôm cất nóc và một số dịp khác nữa, tôi không nhớ. Tôi xin hỏi, có người phụ nữ nào biết cất nóc là gì không? Thế mà tôi biết đấy.

Ông ngoại gọi điện bảo, Tosia không vâng lời ông, không chịu ăn xúp.

Bà ngoại gọi điện báo, con Borys cắn hỏng cửa nhà bà.

Tôi gọi điện cho bố, đề nghị bố bán bức tranh của Malczewski {Danh họa người Ba Lan (1854-1929), đại biểu trường phái Biểu tượng ở Ba Lan cuối thế kỷ 19 đầu 20}, treo ở nhà chúng tôi đã nhiều năm nay và tiếc thay còn phải treo trên tường cho đến thế hệ thứ mười của gia đình. Tôi không kiếm đâu ra tiền được nữa. Khoản vay Manka đã tiêu hết nhẵn.

Bố gọi điện cho mẹ tôi và hỏi mẹ tôi còn chút tiền nào không, vì dù thế nào cũng không thể bán trao tay bức tranh của Malczewski, vả lại bức tranh này phải để lại cho đời sau, biết đâu, giả dụ, em tôi sẽ muốn sở hữu bức tranh này.

Em tôi gọi điện cho bố tôi, mẹ tôi cũng gọi. Em tôi bảo đem bán quách bức tranh Malczewski đi, vì em tôi không thích để bức tranh này truyền đời.

Mẹ tôi gọi điện cho tôi, nói rằng do phải để truyền đời bức tranh Malczewski mẹ tôi sẽ đi vay một khoản tiền nào đó.

Bố tôi gọi điện bảo rằng, dĩ nhiên có thể bán bức tranh của Malczewski, và mẹ khỏi phải đi vay, lãi suất cao như thế thì chẳng khác nào ăn cướp.

Sau đó em tôi gọi điện, hỏi tôi cần bao nhiêu để em tôi đi vay, vì bố sẽ khóc nếu bức tranh của Malczewski không còn treo truyền đời trong nhà này nữa.

Bố tôi gọi điện cho em tôi và bảo rằng ở địa vị nó bố tôi sẽ không đi vay tín dụng, vì lãi suất cao như thế là móc túi người ta chứ còn gì.

Sau đó mẹ tôi gọi điện báo là bà đã gửi tiền cho tôi, khi nào có thì trả, vì bà không vội. Bà dành dụm chỗ đó là để làm đám ma cho mình. Nên lại càng không vội.

* * *

Hôm nay Manka về muộn hơn cả tôi từ chỗ xây nhà về. Tôi làm bữa tối nóng sốt, có món thịt băm viên rán với phó mát vàng, không ngậy, cực ngon. Có lẽ trong tương lai tôi sẽ nghĩ đến chuyện có vợ, vì Manka có vẻ mê tôi. Con trai cô ấy cũng thế. Nó gọi tôi là mẹ B, vì lũ bạn nó cứ hỏi, sao mẹ nó lại chung sống với đàn bà.

Manka về muộn, vì phải tiêm cho tám con chó của một ông chủ. Phải điền vào những cuốn sổ nhỏ, trong đó có mục tên chó. Cô hỏi, tên con chó là gì.

- Bobik.

Con thứ hai cũng Bobik. Cả con thứ ba. Cả con thứ tư. Cả con thứ năm.

Trái với tôi, Manka chẳng ngạc nhiên tí nào về chuyện đó, kể từ khi có một bà già gọi cô đến tiêm cho mèo và cắt móng chân cho chó. Cô đến, bà già ra mở cửa và cảnh báo, con chó sẽ cắn đấy vì thằng con trai bà ta đi vắng rồi, còn con mèo đã mất hút con mẹ hàng lươn. Nhân thể liệu cô, tức Manka, có thể cắt giúp bà móng bàn tay phải được không, vì một mình thì bà ta không làm nổi. Công sá tính như cắt móng chân chó. Manka lấy đồ nghề ra, cắt móng bàn tay phải cho bà già. Cô giữ bàn tay bà ta y như giữ cái chân con chó.

Hôm nay, khi tiêm đến con chó thứ tám, Manka ý nhị hỏi, sao cả tám con chó cùng tên là Bobik. Có nhầm lẫn gì không?

Ông chủ nhà giương mắt nhìn cô bác sĩ thú y như nhìn một con ngốc, đáp:

- Vì tôi tên là Bobik. Jerzy Bobik.

Đàn ông chỉ cần thế thôi.

Manka mở chai cô nhắc. Chúng tôi uống một ly cô nhắc trước khi đi ngủ. Sau đó chúng tôi vào phòng ngủ của Manka. Mang theo rượu cô nhắc, trà, nước cam, lạc rang mặn khuyến mãi hiệu “Nhẫn vàng”, gạt tàn và thuốc lá. Chúng tôi để nguyên cả quần áo và leo lên giường. Manka thả cả bốn con mèo vào phòng, lấy cuốn album ảnh ra và tìm chiếc nhẫn trong hộp đựng lạc.

Cô dốc hết lạc ra, không thấy cái nhẫn đâu, cả hai cụt hứng. Sau đó chúng tôi uống rượu và hút thuốc. Cái chính là chồng của Manka cũng không cho vợ hút thuốc trên giường. Sau đó cô nàng cho tôi xem tất cả ảnh của chồng. Nói chung anh chàng không ăn ảnh.

Một giờ đêm, con trai Manka đi vào, nhõng nhẽo hồi lâu. Trong phòng tối om và mù mịt khói thuốc, rượu đã ngấm hẳn, tiếng nhạc vang bên tai, lũ mèo nằm trên gối, lạc vãi khắp nơi, chúng tôi trò chuyện với nhau về sex. Manka cũng không được thỏa mãn. Thật là buồn cười, một người, tức một phụ nữ, càng không được thỏa mãn trong cuộc sống vợ chồng thì càng đau khổ khi cuộc sống này chấm dứt. Như thế mà không buồn cười hay sao? Chuyện này khiến chúng tôi rất buồn cười và chúng tôi lệnh cho cậu con trai đi ngủ.

* * *

Tôi thức dậy lúc bảy rưỡi sáng. Manka ngủ cạnh tôi, nằm sấp, với một con mèo trên lưng. Con mèo thứ hai nằm trên ngực tôi. Con mèo thứ ba và thứ tư nằm kín đáo ở đâu đó. Lạc vãi khắp nơi. Và những đầu mẩu thuốc lá bốc mùi hôi rình. Chai rượu đã cạn ngủ im bên cạnh.

Tôi vội đánh thức con trai của chúng tôi, ăn hộp sữa chua nhỏ, đánh thức Manka, uống tiếp cốc nước cam, tắm qua loa, uống một cốc sữa. Manka làm bữa sáng cho cả nhà, uống nước ngọt, trà chanh, một cốc nước suối pha aspirin. Chúng tôi ăn sáng, tôi uống liền hai cốc trà chanh, đánh răng hai lần.

Sau đó mấy tay thợ người miền núi mách, muốn nhanh dã rượu uống bia là tốt nhất.

Nếu mọi việc suôn sẻ, hai tháng nữa tôi với Tosia sẽ dọn đến nhà mới.

* * *

Buổi tối. Không thể mở cửa cho thông thoáng phòng ngủ nổi. Manka bảo tôi, đừng bỏ bê thư từ. Chồng thư cao ngất. Mikolai vào phòng động viên tôi:

- Mẹ B ơi, đừng lo, con và mẹ con sẽ giúp mẹ một tay.

Manka mang rượu ra, để chúng tôi làm việc năng suất hơn. Mikolai phân loại thư – thư về làm đẹp xếp thành chồng riêng, về tâm lý xếp riêng, còn lại là các loại thư khác.

Manka ngồi bên điện thoại.

Thưa tòa soạn,

Em muốn được hỏa táng sau khi chết, không biết giá cả thế nào và làm ở đâu. Thực ra thì em là một cô gái đang còn trẻ, chưa ốm đau gì, nhưng em sẽ yên tâm hơn, nếu như…

Mikolai mang tờ báo lại, Manka gọi cho công ty dịch vụ mai táng. Mười một giờ. Tại sao mười một giờ đêm tôi còn phải biết, sau bốn mươi năm hoặc đại loại như vậy người ta sẽ phải hỏa táng ai đó ở chỗ nào?

Ewa thân mến,

Chị cung cấp cho em tên công ty sẽ làm dịch vụ đó. Tuy nhiên, qua thư của em thì chị biết, em còn đang học đại học…

Tôi quên viết, giá dịch vụ hôm nay có thể không còn giá trị sau một trăm năm nữa. Không hiểu cô gái có nghĩ ra không?

Tôi viết một câu trả lời chung cho mười bốn bức thư. Không hiểu tại sao thiên hạ có lắm chuyện vô vọng đến thế.

Mặt nạ bột kiều mạch thích hợp cho mọi loại lứa tuổi.

Vâng. Điều đó thì tôi biết. Có lẽ đó là mặt nạ đầu tiên và cũng là cuối cùng tôi đã đắp. Hồi đó tôi ba mươi ba tuổi. Tôi đọc một tạp chí thấy nói rằng mặt nạ bột kiều mạch hợp với mọi lứa tuổi. Tôi lục tung nhà lên tìm bột kiều mạch. Tôi tìm thấy nó trong phòng bố. Bố mẹ tôi hay giấu đủ thứ ở nhiều chỗ khác nhau. Ví dụ, mẹ tôi giấu chai cô nhắc bên cạnh chân dung vợ chồng nhà văn Zeromski. Còn bố tôi cất cuốn Playboy mang từ Mỹ về trong ngăn kéo đựng bít tất. Tôi từng có một ngôi nhà buồn cười như vậy đấy.

Bột kiều mạch ở phòng bố. Trong ngăn kéo đựng bít tất, cạnh cuốn Playboy. Hòa bột với nước nóng cho tới khi thành hồ đặc quánh. Tôi pha bột. Tôi phải sử dụng nửa hộp để có mẻ hồ đặc sệt. Đắp hồ lên mặt, để khoảng hai mươi phút, sau hai mươi phút rửa sạch bằng nước nóng. Tôi đắp hồ lên mặt. Tôi để. Tuy hơi nhói đau, song quả nhiên da tôi nhẵn thín và trong sáng như chưa bao giờ từng vậy.

Tôi gọi điện cho mẹ để khoe tôi là một phụ nữ biết chăm sóc da dẻ của mình như thế nào. Mẹ hỏi tôi lấy bột ở đâu ra, vì ở nhà mình làm gì có. Trước khi biết được sự thật tôi đã làm bố bị bẽ mặt. Có khi vì vậy mà bố mẹ tôi đã ly dị nhau chăng?

Nghe xong, mẹ tôi bảo:

- Ha, thế mà hóa hay, ít ra thì cũng có được một lần con rửa mặt tử tế.

Như một con bò đực, tôi nhìn vào hộp: đó là bột xà phòng.

Không có gì lạ khi Cựu chồng chạy theo Jola. Cô ả này hẳn không bao giờ đắp mặt nạ bằng bột xà phòng.

Vẫn còn mười sáu lá thư nữa. Giấy màu xanh lơ. Trời đất ơi!

Chị thân mến

Tôi không biết ở đâu ra cái nọc độc trong thư của chị gửi cho tôi. Tôi không có ai để nói những chuyện riêng tư của mình, và đã nghĩ, tờ tạp chí mà vợ tôi đọc sẽ thích hợp hơn cả. Tôi phải công nhận, tôi đã không lường trước một ý kiến không công bằng đến như vậy. Chị không biết được tình cảnh của tôi đâu. Tôi không rõ năm nay chị bao nhiêu tuổi, tuy nhiên có lẽ đã đến lúc chị bỏ nghề được rồi đấy, khi tình yêu là một đề tài xa xôi đến như vậy đối với chị…

Ôi!!! Anh chàng Xanh Lơ của tôi ơi! Đúng là trong lá thư cuối cùng tôi có nhả một chút nọc độc thật, anh ta có vẻ đã khôn ra rồi đấy. Tôi chuồn khỏi tòa soạn luôn cho rồi! Tự đi mà nhổ chất độc ra khỏi miệng, ông nội ạ!

Nếu tổng biên tập biết được, tôi trả lời thế nào với thư của các gã đàn ông, những đức ông chồng thất tình tội nghiệp, những kẻ thoạt tiên thì lơ là, phó mặc, khiến vợ của họ ớn đến tận cổ, rồi sau đó lại viết những lá thư tiếc nuối – thì tôi bị tống cổ khỏi toàn soạn là cái chắc.

Giá như tôi đừng có một lô khó khăn khác! Ngày mai lại thợ nước, thợ điện, họ phải sửa lại một số chỗ sau khi tốp thợ miền núi lát gạch men. Tosia xơi hai gậy môn toán, Borys đã thôi phá cửa nhà bà ngoại, tôi phải hong khô nhà, trời đã bắt đầu lạnh, chẳng bao lâu nữa sẽ sang thu… Lạy Chúa, tôi chỉ còn thiếu nước bị sa thải nữa thôi!

Tôi ngồi dậy. Bật máy tính. Tôi có thể viết gì cho anh ta được nhỉ?

Chào anh,

Đương nhiên tôi không hiểu rõ tình cảnh của anh và có lẽ tôi đã cho phép mình viết thư trả lời anh với tư cách là một cá nhân chứ không phải là một biên tập viên của Ban bạn đọc. Về xác suất mà nói, có thể anh thuộc số phần nghìn ít ỏi những người đàn ông biết nghĩ và cảm nhận…

Tôi hy vọng anh ta sẽ hết bực mình. Tôi bảo Mikolai, ngày mai mang tất cả chỗ thư từ này đến tòa soạn.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui