Xin Cạch Đàn Ông

TẤT CẢ ĐÀN ÔNG ĐỀU CÙNG MỘT GIUỘC

Tại tòa soạn, tổng biên tập gọi:

- Judyta, chị vào đây một lát.

Tôi thấy ngài ngại. Nhưng – hóa ra – ông ta đề nghị tôi vào biên chế.

- Tôi không thích khen một ngày khi mặt trời chưa lặn, tuy nhiên, – ông ta mào đầu, – tuy nhiên, kể từ khi chị làm việc ở đây, tòa soạn ngày càng nhận được nhiều thư cảm ơn của độc giả. Đấy! – Ông ta làm động tác vất vả nhấc chồng thư chất ngất trên bàn.

Chân tôi muốn khuỵu. Tôi nhận ra những chiếc phong bì màu xanh lơ. Chồng thư này còn chưa được động đến. Xanh Lơ lại ca cẩm rồi, không sai. Tôi không muốn vào biên chế! Tôi không muốn. Nhà tôi ở mãi tận làng quê cơ mà – tôi không thể vào Warszawa mỗi ngày được. Mà nhất định họ sẽ sa thải tôi, nếu đọc thư của Xanh Lơ. Đàn ông là đồ giả dối! Thay vì viết thư cho tôi như thường lệ hoặc ngừng ngay việc dội bom thư vào tòa soạn, thì cái gã vô công rồi nghề đó (thì có ai ở đất nước này có thời gian để dông dài như vậy!) lại bày trò tiêu khiển thế đấy!

Tôi lí nhí đáp, biên chế tôi không nhận đâu, vì hoàn cảnh sống thay đổi v.v, làm hợp đồng được rồi, tôi lúng búng trong miệng.

- Thôi, tùy chị, thế nhưng… – nói đến đây tổng biên tập đưa tay với lấy một chiếc phong bì xanh lơ.

Lạy Chúa, sao nhà ngươi lại báo hại ta?

- Đây, – ông ta rút tờ giấy xanh ra.

Lạy Chúa, chuyện gì đây!

- Chị Judyta thân mến… Đấy, tôi muốn nói đến lá thư này, để chúng ta khỏi phải mập mờ, chị đã rất thành công, cho dù tôi không thích khen một ngày trước hoàng hôn, như tôi đã nói. – Ông ta gập lá thư lại, cho vào phong bì, đưa tất cả cho tôi. – Chỉ thế thôi, cảm ơn. Chúng tôi sẽ cân nhắc đến chuyện của chị, chúng tôi sẽ phải cân nhắc… Hoặc là để chị đảm nhận một công việc khác nhỉ? Chị viết cái gì đó về sex được không? – Ánh mắt ông ta nom thật đáng sợ.

Về sex thì tôi có thể viết rằng, nó hoàn toàn không cần thiết, nó bị thổi phồng, đó là kinh nghiệm bản thân tôi, không có sex vẫn sống tốt.

- Phải đấy, chị có thể viết cái gì đó về sex, – ông tổng biên tập đã say mê chủ đề này rồi. – Đang là thời thượng đấy! Thế, thống nhất nhé, tuần sau, chị viết cho tôi một thứ thật sốc, thật ấn tượng, hàng độc, để độc giả phải thích phát rồ lên!

Phải nói là nữ độc giả chứ, vì báo chúng tôi dành cho phụ nữ mà, tất nhiên cũng dành cho cả anh chàng Xanh Lơ nữa. Tôi ôm khư khư đống thư chưa đọc. Đến lúc phải chuồn rồi, chuồn khẩn trương.

- Tất nhiên sẽ làm được thôi, – tôi đáp bừa.

- Rất tốt, rất tốt, vấn đề là ở chỗ đó, – ông tổng biên tập nói, thậm chí ông ta không để ý tôi đang lùi như một con tôm. – Hẹn thứ Tư nhé! Một bài báo kích động độc giả.

Tôi bị kích động là đủ lắm rồi. Có lý gì mà thiên hạ đều nghĩ thế giới này phải cậy vào sex kia chứ?

* * *

Hôm nay trên tàu toàn những hành khách lịch sự. Tôi ngồi đối diện với tấm biển: “Hành khách không có vé… không có vé có giá trị.”

Hơi hướng mùa xuân đã phảng phất trong không khí. Trước mặt tôi có hai bà già. Những bà già lịch sự. Tuổi họ cộng lại có lẽ hai trăm. Mũ phớt và mũ nồi gài lông chim, găng tay thêu ren. Bà nọ ghé sát tai bà kia, nhưng cả hai cùng nghễnh ngãng, nên tôi nghe không sót câu nào.

- Chị biết là bà ta còn đi hiệu làm đầu chứ? – Mũ phớt hỏi. – Không phải chỉ để chải tóc đâu nhé, biết chưa?

- Thế thì còn làm gì nữa?

- Nhuộm tóc! – Mũ phớt có vẻ bực mình.

- À phải, – mũ nồi gật đầu. – Năm ngoái bà ấy đã đi nhuộm tóc rồi đấy… – Bàn tay đi găng giơ lên trời.

- Không chỉ nhuộm tóc đâu, bà ta còn làm mắt nữa!

- Sao cơ?

- Đúng thế đấy! – Mũ phớt thốt lên đắc thắng, át cả tiếng tàu chạy xình xịch. – Thực mục tôi sở thị mà lị!

-Ở đâu?

- Thẩm mỹ viện Prukow, chị biết không!

- Thế chị đến đó làm gì? – Mũ nồi ngạc nhiên.

- Chị biết thừa rồi còn gì! – Mũ phớt bực mình, nhìn ra cửa sổ.

Họ im lặng.

- Tôi đi với Henna, – một lát sau mũ phớt mới đáp, quay lại chủ đề cũ. – Tuổi này rồi mà còn…

- Bà ấy trẻ hơn chị hai, ba tuổi gì đó, – mũ nồi nói, giọng the thé.

- Thế đấy!

- Ngần này rồi mà bà ta còn cần đàn ông hay sao?! Không hợp tí nào cả!

- Bọn họ ra nước ngoài với nhau đấy!

Tôi hoàn toàn hiểu được lý do phẫn nộ của hai bà già. Ra nước ngoài với một người đàn ông, cho dù là đàn ông trăm tuổi đi nữa, là một chuyện khủng khiếp. Đáng trách. Không thể tha thứ được.

- Năm nay bọn họ đến Tenerife đấy! – Mũ phớt nhổ nước bọt. – Chị thử nghĩ xem! Lấy tiền trợ cấp chết chồng mà đi ấy ư?

Ô, tôi cũng sắp sửa như vậy. Tôi cũng đang thèm có khoản trợ cấp chết chồng đây. Và đi Tenerife với ông khác.

- Đúng thế, – mũ nồi gật cái đầu đội mũ, ra chiều buồn bã, rồi thốt lên, nghe có chút tiếc nuối. – Đúng thế… đi du lịch dối già đấy…

Một kiểu kết luận duy nhất. Nếu một bà lão trăm tuổi còn biết tự lo toan thì sao tôi lại có thể khác được. Hai bà đội mũ đã thôi trò chuyện. Tôi mở chiếc phong bì xanh lơ.

Chị Judyta thân mến,

Tôi không muốn tỏ ra là người kém lịch sự, tuy nhiên trình độ thiếu hiểu biết của chị đã lên cao chót vót rồi đó. Đó không phải là Jung, chỉ là Erica Jong {Carl Justav Jung (1875-1961): nhà phân tâm học người Thụy Sĩ. Erica Jong (1942- ): nhà văn nữ người Mỹ, đại diện cho phong trào nữ quyền}, người thứ nhất là đàn ông, người thứ hai là phụ nữ. Cuốn sách mà chị vô tình nhắc tới thật hoàn hảo, nhưng hoàn hảo ở phương diện khác.

Không thể như vậy! Cách đây hai tuần, rõ ràng tôi bảo anh ta nên đọc Jung, khi anh chàng muốn tranh luận với tôi về tâm lý học. Vì tôi không thể hạ mình xuống đến trình độ của những người không hiểu biết. Cơ mà Ula bảo tôi là Jung chứ nhỉ… Nhưng không có nêu tên. Bực thật. Đúng là ngượng mặt.

Nếu theo cái giọng dễ chọc tức người ta của chị mà nói, thì tôi xin bảo rằng tôi đang đụng tới một bà theo chủ nghĩa nữ quyền, một bà không thỏa mãn chỉ biết mặc quần, một kẻ chỉ có thể ghen tị với những người đàn bà đích thực về nữ tính của họ, còn bản thân chẳng để tâm gì đến lời lẽ hay diện mạo của mình. Tôi có lý không nào?

Ồ, thuốc bổ quá liều cũng hết bổ! Rồi ta khắc xử lý nhà ngươi, gã Xanh Lơ ạ!

* * *

Cửa vào nhà tôi mở toang. Cổng thì khóa. Từ ngoài đường cũng trông rõ bát đĩa bẩn ngổn ngang trên bàn ăn. Con Borys nhảy choi choi như hóa rồ bên hàng rào. Cái cào chỏng chơ trước cửa. Con chó khỉ gió! Nó đã húc đến khi cánh cửa bật ra mới thôi! Có chắc chắn là tôi thích ở đây hay không nhỉ?

Tôi cúi chào bà hàng xóm, một bà già chuyên nuôi gà trong làng chúng tôi. Bà ta chặn tôi lại trước cổng và hỏi có phải tôi muốn mua trứng không. Tôi muốn chứ, ồ! Có lẽ tôi sẽ được ưu tiên, vì cho tới nay bà ta chưa bán cho tôi quả nào cả. Có lẽ tại trứng chỉ dành cho khách quen, hay tại gà đẻ kém cũng nên. Nghĩa là tôi đã thành người làng rồi đấy.

* * *

Thì ra con Mietek là mèo cái. Tất nhiên Manka không biết thế ngay từ đầu! Chỉ mèo cái mới có lông tam thể. Nó ngủ với tôi, nằm ngay trên đầu. Khi ngủ tôi mặc pijama, bộ đồ thể thao, rồi trùm chăn bông, túi ngủ, chăn len. Nhưng mùa hè sắp tới rồi. Bắt đầu từ hôm qua, tôi đã có điện thoại. Chiếc điện thoại duy nhất trong làng! Agnieszka quả là thiên tài! Giờ thì lạnh mấy tôi cũng chịu được! Từ sáng tinh mơ đã không rời ống nghe.

Mẹ tôi gọi điện để bảo là, cứ nghĩ đến chuyện tôi bị lạnh là mẹ thấy lo.

Bố tôi gọi điện để bảo là, chắc chắn nhà tôi lạnh thấu xương, và nếu như tôi trước có yêu cầu bố cho lời khuyên thì bố có thể đã bảo… nhưng bây giờ chẳng còn gì phải bàn cãi nữa rồi.

Mẹ tôi lại gọi điện để rút lại ý kiến bảo rằng cứ nghĩ là thấy lo. Chắc hẳn nhà tôi rất tuyệt và tôi đang mừng hết nỗi, thế nhưng mẹ thấy lo khi nghĩ, Tosia đi học trường làng thế nào đây. Đường xa như thế.

Bố tôi gọi điện và hỏi, trường xa như vậy Tosia đi học thế nào, và rằng, nếu như tôi trước muốn bố cho lời khuyên, thì chắc có lẽ bố đã khuyên tôi…, nhưng bây giờ thì chẳng còn gì phải bàn nữa rồi.

Mẹ tôi gọi điện để rút lại điều lo lắng về Tosia, bởi lẽ không khí trong lành chắc làm cho hai mẹ con tôi dễ chịu. Nhưng Tosia đã có áo lông mùa đông chưa…

Bố tôi gọi điện và hỏi, thế Tosia đã có giày đông chưa, vì trời rét thấu xương, mà nó phải đi bộ, nếu như tôi đã hỏi bố lời khuyên v.v..

Ở trường gọi điện bảo Tosia không đi học.

* * *

Tosia và con gái Ula rủ nhau bùng học, vì trời quá lạnh, trường thì xa. Cả ngày chúng lang thang trong rừng, vì cả tôi, cả Ula đều ở nhà. Bây giờ nó bị sổ mũi, nằm dài thượt trước cái tivi. Con bé Agata nhà Ula cũng lên cơn sốt. Ula không hề biết hai đứa không đến trường. Tôi có nên nói cho cô ấy biết chuyện này không nhỉ?

Ula chạy sang đưa mấy viên aspirin, vì nhà tôi không có.

- Tớ nghĩ mãi, không biết có nên nói với cậu không nữa, hai đứa con gái của chúng ta không đến trường, – Ula lên tiếng ngay từ ngoài cửa. – Tớ đã bảo Agata, nếu nó khăng khăng không thể cuốc bộ đến trường được thì phải nói ngay. Nếu thế thì thà cứ ở nhà có hơn không. Tớ khuyên cậu cứ nói với Tosia y như vậy. Chúng nó ở nhà thì còn biết đường mà lần.

Ula tiết lộ một nguyên tắc: nếu thấy các con khăng khăng đòi làm chuyện gì đó thì cứ cho chúng làm.

Buổi tối, Tosia nói nó đến nhà đứa bạn gái chép bài.

- Con không đi đâu cả, con đang bị cảm, – tôi nói.

- Mẹ dám cá không? – Cô con gái hỗn hào của tôi vừa nói vừa cúi xuống xỏ giày.

- Mẹ đồng ý, – tôi nói, nhớ lời khuyên của Ula.

Tosia gườm gườm nhìn tôi.

- Con không hỏi mẹ có đồng ý hay không, con chỉ thông báo cho mẹ biết thôi.

Lạ thật, tại sao mấy đứa con gái nhà Ula không ăn nói với mẹ như vậy. Tôi cần đi đâu đó ngay tức khắc. Nghỉ ngơi.

Con Borys đang hành con Mietek. Tôi nhốt cả hai vào bếp. Tôi cần một phút yên tĩnh. Tôi quên là đang rã đông miếng thịt trong chậu rửa. Khi tôi pha trà xong quay ra, miếng thịt biến mất. Con Borys đang nhậu kia rồi. Hẳn là con Mietek đã tha xuống cho nó, vì con chó không thể leo lên chậu rửa được. Con chó đã xực hết phần mỡ – tôi quẳng nốt mẩu còn lại vào cái đĩa đặt dưới sàn cho nó. Bát nước xốt nằm nghiêng, dây bẩn lem nhem trên bàn. Khăn trải bàn đóng dấu vết chân mèo in nước xốt. Phải giặt thôi. Tôi có thích nuôi mèo không nhỉ? Tại sao con mèo của Ula không trèo lên mặt bàn bếp mà đi đi lại lại ? Tại sao cơ chứ?

Tôi mà không đi đâu đó ngay tức khắc thì tôi phát điên mất.

* * *

Thư ký toàn soạn gọi điện.

- Chuyện sex của cậu ra sao rồi?

Đó không phải là việc của anh. Tôi ngồi vào máy tính và trong thất vọng tôi gõ một tràng: Sex với thợ sửa ống nước, với chó và với ông tổng biên tập. Thấy chưa, tôi có mở bài rồi đấy.

Sau đó tôi viết thư cho Xanh Lơ. Một thằng đểu, nhưng đọc nhiều. Của hiếm trong giới đàn ông. Rồi tôi khắc cho hắn một môn đồ của chủ nghĩa nữ quyền! Tốt hơn hết là đừng có chọc tức tôi.

* * *

Tôi quyết định rồi. Tôi không thể chểnh mảng không chăm nom gì đến mình như vậy được. Tất nhiên tôi vẫn luôn mặc quần jean, vì như thế thoải mái hơn. Tôi soi gương! Tội nghiệp. Lạy Chúa! Ngay cả những nốt rỗ hoa tôi cũng có cần đâu!

Sau những cực nhọc tạm thời trong năm vừa rồi tôi xứng đáng được nghỉ ngơi. Tôi gọi cho tất cả các cô bạn, hỏi có ai đi nghỉ hè tu bổ sức khỏe và sắc đẹp cùng tôi hay không. Tôi sẽ tái sinh và trở thành một người đàn bà khác. Tắm bùn này, chiếu tia cực tím này, matxa này… Tôi đã tìm được một trung tâm, vì có một cô nàng bạn đọc hỏi, cái trung tâm ở Kurdeczow có tốt hay không. Tôi gọi điện đến trung tâm thông tin, họ cho tôi số điện thoại. Tôi hỏi kỹ mọi thứ! Có bể bơi, có matxa, có liệu pháp actisô, họ tiêm cả collagen nữa, nhưng tôi sẽ không làm – tôi có ngốc đâu. Rồi kem tảo biển, thể dục thẩm mỹ v.v…

Tôi ninh điện thoại phải tới ba tiếng đồng hồ. Tất cả các cô bạn đều không có thời gian, vì họ có chồng. Hết ba giờ đồng hồ, có Justyna báo là sẽ đi cùng tôi. Cô ta không có chồng. Tôi ghi biên nợ trong tài khoản, tôi báo cho Tosia tôi phải đi hai tuần. Thế giới sẽ không sụp đổ đâu.

Tosia mừng rỡ nói:

- Con đồng ý.

- Mẹ không hỏi con có đồng ý hay không, – tôi nói trắng trợn, – mẹ chỉ thông báo.

Tôi sang nhà Ula. Ula hoan nghênh. Tôi khỏi lo, họ sẽ chăm sóc Tosia giúp.

Tôi gọi điện cho bố mẹ. Gọi riêng rẽ từng người. Bố chắc sẽ khuyên tôi nếu tôi hỏi ý kiến bố, rằng nên đợi độ hai năm, tới khi Tosia đến tuổi trưởng thành. Bố tôi hoàn toàn không hiểu hai năm đối với một người phụ nữ sắp bốn mươi nghĩa là gì. Làn da tôi sẽ phải đợi hai năm cho đến khi rụng tả tơi từng mảng hay sao? Phải đợi hai đùi tôi bị cellulite tấn công không đường thoát chăng? Còn actisô nữa? Hai năm nữa nhỡ actisô không tồn tại trên đời nữa thì sao? Thế giới biến đổi cực nhanh. Còn tôi sẽ giảm cân và sẽ là một người đàn bà xinh đẹp thật sự.

Tôi gọi đến trung tam thẩm mỹ Kurdeczow và đặt một phòng đôi. Tôi gọi điện cho mẹ. Mẹ tôi lo lắng nghĩ Tosia sẽ phải ở nhà một mình. Tôi lo lắng nghĩ mẹ tôi đang lo. Cho nên tôi phải đi thôi.

* * *

Trung tâm thẩm mỹ ở Kurdeczow cần phải thỏa mãn mọi mong đợi của chúng tôi. Vào một buổi sáng tháng Ba mây mù chúng tôi khởi hành từ Ga Trung tâm.

Bốn rưỡi sáng, trời còn tối mù, dân nghiện dụi mắt đỏ ngầu, dân say xoa tay lạnh cóng, các quầy vé đã mở cửa, dân vô gia cư ngủ la liệt trên các ghế dài và dọc chân tường. Mùi hôi của những giấc mơ và sự dựa dẫm đêm qua vương vất trên sân ga và các phòng đợi – một thứ mùi hôi hám của nước tiểu lẫn hơi men.

Chuyến tàu Warszawa–Debin chuyển bánh. Cũng bốc mùi luôn. Hẳn là hôm qua nó đã vất vả. Ngồi cùng khoang tàu với chúng tôi có hai chị tóc vàng nhuộm theo mốt cuối thập niên bảy mươi. Suốt đường đi họ toàn nói chuyện hiến pháp.

Justyna cố ngủ, tôi thì đang hào hứng với thời kỳ mới quan trọng trong cuộc đời mình. Khi trở về, tôi sẽ là một con người khác! Rồi tôi sẽ đi nhuộm tóc highlight. Không một gã Xanh Lơ nào dám xem thường tôi đâu!

Sân ga Kurdeczow lép nhép bùn tuyết. Chúng tôi gọi taxi.

- Cho đến trung tâm thẩm mỹ.

Anh tài xế mỉm cười, chúng tôi vẫn chưa hiểu là có ý gì.

Một ngôi biệt thự. Không có bể bơi. Có phòng trị liệu, nhưng ở cách hai cây số. Bù lại, ở đây có bãi tắm nắng nuy. Matxa ở đằng kia. Cách hai cây số, được cái ngay bên chân đồi. Cuộc gặp bà bác sĩ giám đốc, người sẽ tư vấn, hỗ trợ và chăm sóc chúng tôi, dài lê thê. Bà giám đốc liệt kê những liệu pháp cần thiết cho sức khỏe chúng tôi, tất nhiên phải gánh một khoản tiền tương đương – cao hơn trong bảng giá rất nhiều.

Thì ra, làn da của chúng tôi cần ôxy già, vitamin H, tiêm actisô – mặc dù chúng tôi có thể hoãn mấy khoản này lại. Thế nhưng bà ấy không khuyên như vậy: “vì sau này, vài năm nữa, các cô sẽ hối tiếc”. Chúng tôi kiên quyết từ chối collagen, nhưng lại đồng ý dùng tảo biển. Liệu pháp dưỡng khí cần thiết cho chúng tôi. Mao mạch rất tệ. Mặt nạ oxygen lift sẽ biến chúng tôi thành những người đàn bà khác. Thế nhưng tất cả những thứ đó mà không đi kèm vitamin H và liệu pháp actisô thì chỉ cho kết quả tạm thời. Mà chúng tôi đến đây không phải để làm như vậy.. Matxa thì cần rồi. Chúng tôi đồng ý làm matxa.

Đúng, chúng tôi muốn được giúp đỡ, nhưng chúng tôi không biết rằng nhất thiết phải làm phục hồi chức năng. Rằng, nói tóm lại, cái già nua phải bị tách khỏi chúng tôi. Thế nhưng phải sau một tuần, đúng thế đó, “thậm chí biết đâu có một anh chàng nào đó sẽ thích các chị ngay, đã có vài nữ khách hàng bắt đầu cuộc sống mới ngay sau khi từ trung tâm trở về”.

Thế là họ lịch sự đưa chúng tôi đến ngôi biệt thự cách đó hai cây số. Trước khi chúng tôi kịp nhận ra nhà không được sưởi ấm, thì, nhanh lên, nhanh lên, nhân viên matxa đang đợi. Thấy chúng tôi, cô nhân viên thẩm mỹ tái mặt. Trước bữa trưa hoàn toàn không có chỗ cho thêm hai người nữa, tuổi đã gần bốn mươi. Chúng tôi – tuổi gần bốn mươi. Cô ta – trước bữa trưa. Cô ta thỏa thuận với cô nhân viên matxa. Nếu cô nhân viên matxa xoa bóp ngay cho một trong hai chúng tôi, thì cô ta cũng thực hiện quy trình thẩm mỹ ngay cho người thứ hai. Vì vậy cô nhân viên matxa tiến hành luôn. Tôi trước, rồi đến Jusstyna. Cô nhân viên thẩm mỹ đắp tảo biển, Justyna trước, rồi đến tôi.

Chiếc áo choàng bằng nylon sột soạt, trong phòng thẩm mỹ lạnh mười bốn độ, tảo biển đáng ra phải xanh, thế mà thân thể chúng tôi vẫn lộ. Thứ tảo biển này có gì đó không ổn. Lạnh, lò sưởi hỏng, nhưng đến tối nhất định sẽ ấm thôi.

Bà chị trên bức tranh treo tường toàn thân đắp tảo biển xanh rờn, miệng cười tươi rói. Justyna run cầm cập, còn tôi thì tím tái.

Chị kính mến,

Tôi biết cái trung tâm thẩm mỹ mà chị hỏi. Nó được dư luận khen ngợi và đương nhiên có nhiều dịch vụ…

Da đùi chúng tôi tím bầm nom rõ mồn một, bức tranh thì như chọc tức. Sau ba giờ làm đẹp chúng tôi kiệt sức. Trong lớp tảo và áo choàng bằng nylon, chúng tôi chạy vào nhà tắm, tắm rửa – tôi trước, rồi đến Justyna. Nước lạnh. Không sao, hơi lạnh thôi. Để matxa mạch bạch huyết, loại dịch vụ sẽ biến chúng tôi thành cô gái tuổi mười sáu, chúng tôi phải chạy sang khu nhà đằng kia. Chúng tôi run cầm cập.

Tắm xong chúng tôi định cắm mayso đun nước pha trà, nhưng mất điện. Chúng tôi hút thuốc. Tôi nhìn Justyna. Lần đầu tiên sau bốn mươi năm tôi xa nhà đâu phải để chịu khổ sở thế này. Nói cho cùng thì thừa cân chẳng phải là một hiểm họa. Da tôi không bong. Tĩnh mạch của tôi không sưng tấy. Về cellulite, qua thư bạn đọc tôi biết khá rõ. Nhưng tôi biết nói gì với cô bạn đọc này chứ? Hóa đơn đã ghi, tiền đã thu. Phải trở về với tư cách người thắng cuộc. Chứ không phải là kẻ thua cuộc. Mọi người sẽ cười nhạo, nếu tôi bỏ về giữa chừng.

Justyna liếc tôi. Con mắt nhạy cảm có lẽ đã đọc được ý nghĩ của tôi, vì tự dưng cô ấy thốt lên:

- Ái chà, làm thẩm mỹ như thế này chẳng khác gì ướp xác. Chẳng lẽ chúng tôi phải mất năm trăm zloty mỗi ngày để chạy rông khắp Kurdeczow hay sao? Trong thời tiết như thế này? Tĩnh mạch đến sưng tấy lên mất thôi!

Tôi không muốn tĩnh mạch sưng tấy lên. Tôi không thích trông như cô em mười sáu tuổi. Trong phòng mỗi lúc càng lạnh hơn. Chúng tôi là người lớn. Chúng tôi thu xếp hành lý và đi gặp bà giám đốc. Chúng tôi hỏi tại sao bà chị trong bức tranh thì xanh, còn chúng tôi thì không. Tại sao lại matxa trong phòng không sưởi ấm. Tại sao đã ghi là có bể bơi mà không nói nốt là bể bơi ở ngoài trời. Những câu trả lời hết sức mù mờ.

Chúng tôi quyết định chấm dứt ngay vụ làm đẹp. Khi biết tôi làm việc ở tòa soạn báo, bà giám đốc không lấy của chúng tôi một xu nào. Chúng tôi gọi taxi, hai giờ nữa xe lửa sẽ chạy. Chúng tôi đi trong mưa tuyết ướt nhem nhép tới một quán cà phê nổi tiếng nằm trong công viên và ăn loại bánh ngọt ngon nhất nước – tôi ba chiếc, Justyna ba chiếc. Có những người đàn bà béo hơn chúng tôi. Vài năm nữa họ sẽ tiếc là đã không thưởng thức món bánh ngọt này.

Taxi đến. Vẫn chiếc xe đó. Có khi ở đây chỉ có độc một anh tài xế taxi. Anh chàng nở một nụ cười khá là nhạy cảm:

- Ô, sao các chị về sớm vậy?

Từ nhà ga, tức từ trung tâm châu Âu, tôi về luôn nhà Justyna . Sáng dậy chúng tôi ngồi nhìn mấy túi hành lý ngổn ngang. Chúng tôi tính các khoản chi cho vụ đi trung tâm thẩm mỹ, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Chúng tôi hơi băn khoăn. Có thể thay vì lao tâm khổ tứ cho tương lai, cần hưởng thụ hiện tại một chút chăng? Tuổi đã đứng, thời gian không còn nhiều… Chúng tôi cần sống, sống, sống – nhất là sau khi chúng tôi đã không chần chừ từ bỏ các dịch vụ từ tính trị liệu, đắp tảo biển, thể dục thẩm mỹ, matxa (cho dù này khoản này dễ chịu), vitamin H, tiêm actisô. Cần sống… Nhưng như thế nào, nhưng ở đâu?

Còn với ai – đương nhiên là không có chuyện đến trung tâm thẩm mỹ – chúng tôi tự xác định là chỉ với nhau.

Chúng tôi lên xe điện. Trời lạnh. Ẩm ướt. Buồn. Trong toa có một cửa mở toang không tài nào đóng được – giống như dạo tháng Bảy lại có một cái cửa sổ đóng chặt, không tài nào mở ra được. Gió lạnh kèm theo mưa tuyết hắt vào xe.

Và thình lình hiện ra một biển quảng cáo bên ngoài cửa sổ! Chúng tôi lao ra cửa xe, vấp cả vào một anh thanh niên đang ôm máy di động báo cho ai đó rằng mình đang ở trong xe điện. Công ty du lịch – vẫn còn cơ hội nữa. Chúng tôi biết chắc điều này: không thể đắt hơn ở Kurdeczow được. Rất hay – họ có chỗ giờ chót. Cơ hội cuối cùng. Đảo Cyprus, bay ngày mai. Rẻ bằng nửa vụ làm đẹp ở trung tâm thẩm mỹ. Chúng tôi chấp nhận.

Tôi lên xe lửa, về nhà chuẩn bị lại hành lý. Vì ở đó ấm. Không phải ở nhà, mà là ở đảo Cyprus. Nhà sạch tinh tươm, nhưng trên lò sưởi, trong nhà bếp toàn tàn thuốc lá. Nhìn thấy tôi Tosia tái mặt. Tôi làm bộ không ngửi thấy gì. Nó yên tâm khi tôi bảo mẹ chỉ về một lát rồi lại đi ngay. Tôi lục tung nhà tìm hộ chiếu. Tôi không có đồ tắm, tôi không có quần soóc, không biết đôi dép lạc đâu.

Tôi không gọi điện cho cả mẹ lẫn bố. Tôi dặn Tosia ngày mai gọi cho ông bà, báo là tôi đã thay đổi kế hoạch. Tôi lên xe lửa nội đô và đến nhà Justyna.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui