Thùy tỉnh lại sau chốc lát. Thang máy đã đóng lại. Ánh sáng lù mù. Cả ba người còn đang tay lạnh, chân run. Không gian thanh vắng. Khoa cấp cứu sáng đèn, những hình người không âm thanh di động trong đó khi nhìn từ chỗ thang máy.
Mọi người sáu mắt nhìn nhau, nghe như đâu đó có bước chân nhẹ, như có như không.. từ trong thang.. máy.
Rồi tiếng bước chân càng rõ dần rõ dần..
Mấy phút sau nghe rõ tiếng bước chân hơn, phía cầu thang bộ bên trái. Bóng trắng thoắt hiện thoắt mất. Một phút sau, một dáng người mảnh mai đi xuống, cả ba cùng nhìn về cầu thang..
"Ôi" Thùy thở hắt ra khỏi lồng ngực căng cứng. "Y tá Thơ!"
"Chị đi lâu quá, hơn mười phút rồi, em không chờ được."
"Khoa có người mất lúc tối, lúc nãy em cho thi thể bà vô thang máy, tính chị lên trông anh là em xuống theo ngay."
"Em phải đưa thi thể bà ra nhà xác bệnh viện để bảo quản lạnh."
Y tá Thơ đến nhấn mở cửa thang máy. Mọi người trấn tỉnh hơn khi đó. Cô chị tay để trên ngực trái lo lắng hỏi "bà tên gì vậy chị?"
"Phan Thị Lan."
"Dạ chị" cô chị thở hơi lên, hồi hộp "em nghe không rõ"
"Phan Thị Lan."
"Dạ chị!" Cô thở ra hết lồng ngực. Cô sợ bà của cô..
Thiếu chút nữa cô đã lấy hết can đảm mở tấm drap trắng trên băng ca.
"Chị Thùy lên nhanh nhé, ông Tuấn đang ở một mình."
"Sao chị Thơ không đi thang máy mà đi thang bộ?" Thùy hỏi.
"Thường về khuya, tụi em không dám đi thang máy một mình, lạnh lắm!"
Cả ba nhìn Thơ cùng băng ca trắng khuất dần vào hành lang tối đen về phía NHÀ XÁC BỆNH VIỆN. Âm thanh bước chân nhẹ dần nhẹ dần mất hút vào màn đêm..
Y tá Thơ vừa khuất trong màn đêm phía nhà xác, ba cặp mắt không nhìn về hướng đó nữa.
Khi cùng quay nhìn lại, trên tường thang máy thấy bốn bóng người. Sáu mắt nhìn vào nhau, lại như ngây dại, sửng sốt.
Cũng trong tích tắc, sáu mắt cùng ngoái nhìn lui sau lưng mình. Một người đàn ông cao, da trắng sáng hổng, tóc hơi dợn sóng, đường ngôi về bên phải tầm sáu mươi tuổi đứng sau lưng họ tự lúc nào. Đôi mắt ông mệt mỏi, thâm quầng như thiếu ngủ.
Ông mặc quần kaki trắng, áo trắng sọc xanh nhạt, tay xách một túi du lịch cỡ trung.
Dù thấy mệt mỏi, trông ông có phong thái, dáng đi nhẹ nhàng. Ông gật đầu chào họ.
Cả bốn cùng bước vào thang máy. Họ cùng lên lầu..
Ông Linh thấy ba người nhìn mình ngây ra, có vẻ hốt hoảng. Có thể do ông xuất hiện đột ngột trong đêm vắng. Ông gật đầu chào. Người phụ nữ, có một nét gì đó mà ông thấy quen. Nhưng chắc chắn cô ấy hoàn toàn xa lạ với ông. Ông xa quê hương gần bốn mươi năm, lúc đó cô ấy không chừng chỉ là một bé gái vì giờ cô tầm ngoài bốn mươi tuổi thôi. Cô có dáng hình cao cân đối, da mặt trắng, mái tóc dài, đôi mắt long lanh đen u buồn.
Lên lầu sáu, cả ba người đi về cuối hành lang. Ông dừng lại ở sảnh lầu để gọi cho em ông.
Trong ánh đèn điện ít ỏi ban đêm ở khoa đột quỵ, chỗ chú ông đang nằm điều trị, ông len vào lối đi trên hành lang đầy người trải chiếu nằm trên sàn để đến chỗ chú ông đang nằm. Ông cẩn thận để không đụng dẫm lên những bàn chân, bàn tay thò ra ngoài.
Tý, con chú ông, người nhỏ, khuôn mặt đen, hốc hác. Trong ông không nhớ nổi hình ảnh gì người em con chú này, vì ông xa quê lúc Tý còn bé, ngày ông xuất cảnh cũng lặng lẽ, không người tiễn đưa.
Hai anh em tay bắt mặt mừng. "Cha ngủ được hai tiếng, từ tối đến giờ hỏi anh Linh hoài."
Ông nhìn chú, sống mũi cay, nước mắt ông ứa ra. Tiếng vó ngựa lốc cốc, khô khốc trong tảng sáng ngày chú đưa ông đi năm ông mười ba tuổi như vẫn còn nghe rõ. Ngày đó chú cũng đã khóc khi ông bước lên xe. Chú bất lực, đành lòng buộc bốn đứa cháu chia xa, không biết ngày gặp lại nhau.
Chú thở đều, nhẹ nhàng ngon giấc. "Cha tỉnh lại, biết anh sắp về nên vui vẻ lắm."
Qua Tý, ông biết được gia đình chú thím vẫn bình an, nhưng nghèo và khó khăn.
"Lúc bệnh viện tỉnh đề nghị chuyển đi bệnh viện Q, cả nhà không ai đồng ý vì không kham nổi tiền bạc, tụi em đứa nào cũng nghèo, chỉ đủ ăn đủ mặc."
"Cuối cùng, em vay mượn được mấy chục triệu, thôi thì cứ đưa cha đi, hết tiền thì về, tới đâu tính tới đó."
"Với lại, trước đây, năm nào anh Tuấn về làng cũng ghé thăm cha, anh ấy quý cha lắm." Tý kể.
"Cũng có thể anh Linh biết anh Tuấn, anh ấy cũng tầm tầm tuổi anh.
Anh ấy khá giàu, nhưng về làng rất giản dị và gần gũi. Nhà nào mời gì anh cũng ăn, mà còn ăn ngon và nhiều nữa.
Anh nói anh thèm những món ăn quê. Ở thành phố ăn không ngon bằng.
Anh Tuấn đã làm cho làng hai con đường chính và một sân bóng đá cho tụi nhỏ."
Tý đều đều kể về Tuấn nào đó. Linh suy tư, hồi tưởng lại tuổi thơ. Ông không hình dung được khuôn mặt nào rõ nét cả.
"Anh Tuấn nói là nếu vào thành phố cứ gọi anh ấy, có việc cứ gọi không ngại gì cả."
"Em cũng sợ lúc anh về mà cha không còn, lúc đó anh trách móc tụi em không đưa cha lên bệnh viện Q theo lời khuyên của bác sĩ thì không biết ăn nói làm sao."
"Mấy ngày nay em cũng gọi cho anh Tuấn mà không được.
Có lẽ anh ấy đi công tác nước ngoài."
Tý kể đều đều. Linh chìm vào giấc ngủ, lưng dựa tường..
* * *
Tiếng người ồn ào, đi lại làm Linh tỉnh ngủ. Có thể ông chợp mắt được gần hai giờ, sau gần hai mươi giờ chập chờn trên máy bay. Ông thấy khỏe hơn.
Hôm qua vào lúc khuya yên tĩnh, ông chưa thấy quang cảnh ở đây. Giờ thấy quá đông đúc và chật chội. Chú ông nằm chung giường với một bệnh nhân đột quỵ khác. Hai người quay đầu lại ngược chiều nhau.
Dọc hai bên hành lang đều có băng ca, chỉ còn lối đi ở giữa.
Tối người nhà trải chiếu trên sàn trong phòng và cả hành lang. Vừa sáng đã dẹp gọn tất cả vào dưới giường, dưới băng ca.
Chú ông đã dậy từ lâu. Linh đến bên giường. Hai chú cháu nhìn nhau gần như không chớp. Họ sợ chớp mắt sẽ mất đi người thân yêu của mình.
Rồi chú khóc. Ông cũng ứa lệ. Những giọt nước mắt mong chờ và đau thương. Chú đã khóc cho ông, những đứa cháu mồ côi bao lần!
Hai chú cháu ôm nhau không muốn rời ra.
"Đã đến giờ khám bệnh buổi sáng, mời người nhà ra ngoài." Tiếng loa phóng thanh thông báo.
Linh nắm chặt bàn tay chú, nhăn nheo, khô héo, chai cứng vì thời gian và cực nhọc.
"Chú nằm nghỉ, bác sĩ khám bệnh và làm thuốc xong chú cháu nói chuyện nghe chú."
Ông và Tý cùng các thân nhân khác rời khoa.
Buổi sáng, căn tin bệnh viện cũng rất đông. Ông và Tý gọi hai tô hủ tiếu và hai cà phê sữa đá.
Ăn uống xong, hỏi qua một lượt các anh em của Tý.
Ông mở lời "Em cầm tạm hai mươi triệu để trả viện phí và lo thuốc thang cho cha. Anh mới đổi chừng này lúc ở khách sạn. Anh cầm tiền về dù không nhiều lắm nhưng lo cho chú trước, còn nhiêu thì anh mới nghĩ đến việc khác. Chú như cha. Sau cha anh, chú là người anh kính và yêu nhất. Chú không nuôi được anh em của anh, nhưng chú đã làm mọi cách để tìm đường sống cho bốn đứa cháu. Nếu không có chú, lúc đó anh thực sự bơ vơ khi mười ba tuổi với ba đứa em bé bỏng!"
"Vài hôm nữa đổi tiền anh gửi thêm, thiếu cứ báo anh biết."
Tý kể ông Linh nghe những gì em biết. Long, em trai kế ông giờ bê tha rượu chè, khổ vợ con. Long cụt mất một chân bị cây đè khi chặt cây làm than. Giờ ở tận gần biên giới. Lanh giờ có chồng và ba con làm ruộng rẫy. Còn chú anh khổ tâm nhất là không biết được tin tức của anh Lợi.
Mười giờ, hai anh em trở lại thang máy để lên lầu.
Cả sảnh thang máy ken đặc người chờ lên lầu. Hai anh em đi thang bộ.
Gặp lại chú, giờ đã bình tỉnh hơn sau phút đầu quá xúc động sáng nay.
"Việc đầu tiên cháu phải tìm thằng Lợi. Lúc lọt lòng nó đã khổ, chẳng ai muốn thằng bé có mặt trên cõi đời này. Cuộc đời nó không biết đi về đâu. Đường cùng chú phải gửi nó vào cô nhi viện. Lúc đó chú quá bần cùng, thím thì nay ốm mai đau, sáu đứa con nheo nhóc, bữa đói, bữa no."
"Cháu hiểu mà chú, cha con sức khỏe như voi mà quần quật nuôi tụi con vất vả lắm."
"Chú còn vương vấn việc thằng Lợi. Giờ việc này có cháu. Chú yên tâm nhắm mắt, không cắn rứt gì nữa!
Chú già, lại khó khăn không đủ sức đi tìm.
Hơn hai mươi lăm năm trước, chú có quay lại cô nhi viện, nhưng ở đó không còn gì cả, chỉ là một vùng đất trống bỏ hoang. Những người gần đó nói, cô nhi viện trước đây đã bị hỏa hoạn thiêu rụi. May mà cứu được nhiều người, chỉ chết và bị thương mười mấy người thôi. Giờ cháu phải dành thời gian đi dò hỏi những người sống quanh đó, chính quyền địa phương ở đó may ra tìm được nó!" Chú khóc. Dòng nước mắt chảy dài trên hai gò má nhăn nheo của chú.
Chú nói lại tất cả thông tin về cô nhi viện, về Lợi..
Ông Linh ghi nhớ tất cả những gì chú ông bảo. May mắn sao lúc này chú ông rất minh mẫn.
Tý nói "Có lẽ ông bà phù hộ anh để tìm được anh Lợi. Chứ hôm nay gặp anh cha tỉnh như hồi xưa chưa bệnh vậy."
Lúc đi dạo quan sát cuối hành lang khoa, ông thấy sau cánh cửa nhôm kính có một khu sạch sẽ và yên tĩnh. Ông thấy người phụ nữ hồi khuya ông gặp đi vào trong đó.
Ông hỏi Tý bên đó có bệnh nhân nằm không.
"Khu dịch vụ đó anh, tiền phòng mắc gấp năm, gấp mười lần bên này. Người giàu và quen biết họ được nằm bển. Em quê mùa nên không dám bước qua xem. Nghe nói sạch sẽ, yên tĩnh, mát mẻ lắm."
Linh muốn chú ông được thoải mái hơn, được điều trị tốt hơn, ông gặp lãnh đạo khoa.
"Lúc này, khu dịch vụ khoa không có giường trống, nếu có chú ông sẽ được chuyển vào đó." Họ báo ông biết.
Ông đăng ký trước, giữ chỗ một giường dịch vụ cho chú.
Thời tiết oi bức, bệnh nhân và người thân chen chúc chật chội, bác sĩ và y tá làm việc trong không gian ngột ngạt ồn ào như vậy, ông cảm thấy thương họ.
Rồi ông cũng phải chia tay chú để đi tìm thằng em út đơn côi. Cuộc đời con người quá bi thương trên cõi trần này. Long, Lanh, dù khổ ải vất vã, nhưng vẫn sống và tìm được người thân ruột thịt của mình sau mấy chục năm. Gia đình chú thím và các em đã gặp lại ông, Long, Lanh. Chú đã toại nguyện. Còn Lợi vẫn chưa biết đi đâu về đâu. Chú nói "chết chú không nhắm mắt được, khi chưa tìm ra em."
Giờ Linh biết tìm em ông ở đâu.
Cô nhi viện đã cháy, mà đã mấy chục năm rồi. Những người quản lý ở đó có người nào còn sống.
Lợi ơi, em ở phương trời nào? Linh gọi tên em ông trong thổn thức, nước mắt ông lại muốn trào ra!..
* * *
Lúc mà ông Linh đang thổn thức vì không biết Lợi, em trai út của ông ở nơi nào sau khi anh em rời nhau trong thương đau gần năm mươi năm trước, thì anh, thầy Tân bước vào..
(Còn nũa)