Xóm Nghèo Khu Biệt Thự Và Bệnh Viện

Sáng nay bận rộn với các bảng biểu phân công, sắp xếp hội đồng coi thi tốt nghiệp cho tuần sau, thầy Tân chưa bứt ra được để vào thăm bà Lu, mẹ của Hoàn, một trong những người thân thiết nhất của mình. Hôm nay, anh phải vào thăm bà. Chiều hôm qua đến giờ, không có mặt ở bệnh viện nhưng anh đã gửi bà cho bác sĩ Phúc, bạn anh chăm sóc bà chu đáo. Mọi thông tin về sức khỏe của bà anh nhận hàng giờ. Bà vào viện kịp trong cung giờ vàng của bệnh đột quỵ nên tai biến không nặng.

Sắp xếp giấy tờ, công việc xong, anh ngồi nghỉ một lát, chuẩn bị vào thăm bà Lu.

Anh nhìn ra cửa sổ, qua tán lá, bầu trời trong xanh, những đám mây trắng lười biếng lững lờ trôi, bên kia xóm nghèo là cánh đồng và con sông tuổi thơ của anh..

* * *

Hồi nhỏ, có khi Hoàn phân bì với anh. Có thứ gì mà duy nhất một cái, bà Lu để dành cho thằng Tân.

"Má à, như thằng Tân là con má chứ không phải con là con má."

"Tao thương nó mồ côi, không người ruột thịt." Bà nói riêng với Hoàn để Hoàn hiểu.

Có lần, năm tụi nhỏ tầm mười một mười hai tuổi, Hoàn, Tân, Tánh đi học về ghé qua nhà bà, gần trường. Ba đứa đang hò reo cổ vũ hai con dế kim của Tánh, Hoàn đá nhau. Hai con dế nhỏ quần nhau ba hiệp chưa phân thắng bại. Bà Lu nhìn tụi nhỏ vô tư la hét, nhìn mặt của Hoàn, Tánh bà biết con dế nào đang yếu thế. Tân cũng hét la, nhưng trung lập vì không có dế của nó thi đấu. Nhưng trong các cuộc chơi, Tân luôn là người hòa giải giữa Tánh và Hoàn. Hoàn, con bà háo thắng, luôn không chịu thua ai. Tánh thì lý sự lớp lang. Khi Hoàn cải không lại Tánh nhưng không chịu thua đâm cay cú giận hờn. Tụi nhỏ là thế, thân thiết đó, cãi vã nhau có lúc tới mức đánh nhau, giận hờn vài ngày, có lúc hàng tuần. Những lần như thế, Tân là người hòa giải. Tân biết cách thu phục tính háo thắng của Hoàn, bẻ lại những lý sự vô lý của Tánh. Để rồi ba đứa lại thân thiết với nhau. Ba đứa là học sinh giỏi nhất của trường và của xóm nghèo này.

Đang xem tụi nhỏ hò hét đến khản cổ, đột nhiên bà Lu buột miệng "Tân à, bác thấy mày chẳng giống ai trong nhà mày cả."

Tân trợn tròn mắt nhìn bà, ngạc nhiên, trách móc, buồn đau..

Bà Lu thấy mình lỡ miệng rồi. Nhưng bà rút lui không còn kịp nữa.

"Con là con của cha, má con. Nếu cô còn nói câu đó lần nữa, con sẽ không gặp cô."

Lần đầu tiên bà thấy thằng Tân nói với bà với cách nói đó. Nó quý bà như người thân thiết nhất. Chắc nó đau đớn lắm mới vậy. Lỗi của bà. Thằng bé chưa đủ lớn để hiểu và chịu đựng.

Tân không nói một lời lấy cặp bỏ đi. Đôi mắt nó thật buồn, gần như muốn khóc.

"Cô xin lỗi con!" Bà nói với theo.

Sau đó cả tháng bà Lu không gặp thằng bé Tân nữa. Bà ân hận khi lỡ lời, chạm vào nỗi đau và mối nghi ngờ của nó.

Đã từ lâu Tân đã nhận ra sự khác biệt giữa mình với cha mẹ và sáu đứa em, dù tình cảm anh thấy bình thường. Cha mẹ anh đông con, và nghèo nhưng hòa thuận và đầm ấm. Cha mẹ làm ruộng, hoa màu ngoài cánh đồng, chăn nuôi thêm heo và gia cầm. Đi học một buổi, về anh phụ giúp cha và chăm dạy các em.

Cha mẹ có dáng thấp, đậm, chắc người, da ngâm đen, mạnh khỏe.

Anh thì càng lớn càng dong dỏng cao, da trắng, mũi cao thanh tú, mắt tròn to, đen trong, tình cảm. Các em anh sáu đứa tròn trùng trục, khỏe mạnh, mắt nâu, nhỏ như cha mẹ anh.

Hồi trước, nhiều người luôn xuýt xoa "ông Phiến bà Phấn cha mẹ cú đẻ con tiên."

Ông Phiến bà Phấn là cha mẹ anh. Họ tự hào về anh, ngoan, học giỏi và phụ giúp cha mẹ.

Nhưng càng lớn, nhiều người nhận thấy và nói vui, hoặc cạnh khoé cha mẹ "thằng Tân có phải con ông Phiến không?"

Ông Phiến cho qua "ối dà! Thằng Tân nó giống ông nội y đúc ấy."

"Tui giống chú tui, lại làm lụng vất vả, nên hết đẹp trai, mất vẻ thư sinh thôi."

Nhưng ông biết, ngày ông nói sự thật cho thằng bé Tân, con trai nuôi của ông không còn xa. Ông muốn nó đủ lớn để đối diện sự thật mà không một đứa trẻ nào dễ chấp nhận. Cú sốc sẽ là nỗi đau quá lớn và sau đó con trai ông sẽ ra sao?

Ông Phiến chưa biết thời điểm nào là tốt để ông nói chuyện với Tân về việc này và nói sao với nó. Ông bà yêu thương nó như con ruột, nhưng ông bà học ít, chất phác, không biết cách diễn đạt nội dung và tinh cảm của mình. Sợ không giữ được nó.

Tân đã nghi nghi hoặc hoặc từ một năm nay khi mà anh có suy nghĩ. Trước đây người ta nói thằng Tân không giống nhà Phiến Phấn, anh nói người ta nói bậy, rồi chẳng để ý.

Còn thời gian gần đây anh ghét ai nói vậy lắm.

Vậy mà hôm nay bà Lu, người thân thiết và thương yêu nó cũng buông ra câu nói độc ấy. Nó buồn lắm và bỏ đi ngay.

Suốt đường về nó nghĩ mãi. Nó không muốn gì khác cả. Nhà nó nghèo, nhưng nó thương cha mẹ và các em. Dù thiếu thốn, nhưng nó có cha mẹ, có các em, có bạn bè, có con chó vàng vui chơi và chạy đua với nó trên cánh đồng.

Về nhà, nó cố gắng không để cha mẹ biết nó buồn.

Nhưng ông Phiến nhận thấy con trai ông hôm nay vẻ mặt buồn, nhất là đôi mắt nó không giấu được nỗi niềm trong đó. Ông không sanh ra Tân, nhưng vợ chồng ông ẵm ôm nó từ ba tuổi, ốm yếu ỏng eo. Ông biết nó sống nội tâm và tình cảm, có trách nhiệm, dù còn nhỏ.

"Ở trường đứa nào ức hiếp con à?" Ông hỏi.

"Không, cha."

"Sao dạo này con hay rầu rĩ!"

Nó nhìn chỗ khác, hỏi tránh đi "má chưa về hả cha?"

Tối nay ông phải nói sự thật với nó thôi. Dù có thế nào, ông muốn không có gì thay đổi trong nhà ông cả, nhưng thật khó. Ông đã tham khảo ý kiến cô giáo của Tân. Ông buộc phải nói với thằng bé, không chần chừ thêm được nữa.

Cơm tối xong, bà Phấn dọn dẹp và cho mấy đứa em Tân đi ngủ.

Trăng mười bốn tròn vành vạnh trên bầu trời xanh cao. Gió từ cánh đồng thổi vào mát rượi. Ông về cánh đồng này cất nhà lập nghiệp ở đây gần chín năm. Với đời người, chín năm không dài. Nhưng với một đứa bé, chín năm nó thay đổi thật nhiều!

Ông dắt tay Tân đi dạo ra cánh đồng trước nhà. Lúa vừa gặt xong, mùi rơm rạ ngai ngái và ấm nồng. Tân cảm nhận tối nay, cha sẽ nói chuyện quan trọng với nó.

Hai cha con ngồi trên bờ đê. Hai chiếc bóng bé nhỏ lặng lẽ trên đồng rộng mênh mông, bầu trời cao vời vợi..

"Cha không biết bắt đầu như thế nào?" Cha anh mở lời.

"Giờ cha nói chuyện với con như hai người đàn ông nhé." Cha khích lệ sự tự chủ, trưởng thành của anh. Ông nắm chặt bàn tay bé nhỏ của anh trong bàn tay thô kệch chai sạn ấm áp của ông. Ông kể về cuộc đời mình.

"Trước đây cha ở miền duyên hải nghèo, cha mẹ mất sớm. Cha tự làm thuê cuốc mướn kiếm sống qua ngày. Cha mẹ lấy nhau đã bảy năm mà vẫn không có con. Mọi người khuyên xin con nuôi. Người ta nói khi làm phúc nuôi trẻ mồ côi sẽ có con đàn cháu đống.

Nhưng cha mẹ lần lửa mãi. Vì vợ chồng làm lụng vất vã chưa đủ ăn, với lại trong làng có hai thằng con nuôi của phú ông và nhà ông Lý phá làng trên xóm dưới không ai chịu nổi. Mọi người thường nói đứa con nuôi khi biết mình không phải do cha mẹ nuôi đẻ ra thì rất khó dạy bảo. Nó nghĩ cha mẹ nuôi không thương nó khi la rầy chứ chưa nói là đánh đập nữa.

Rồi đứa trẻ nghĩ mình là con rơi nên mặc cảm, tự ti về nguồn gốc của mình nên sinh ra tính khí bất thường. Đại khái là như thế, cha không biết diễn đạt thế nào. Nếu đứa con nuôi khi trưởng thành, đủ suy nghĩ, suy xét sâu sắc mới biết sự thật thì không ảnh hưởng nhiều đến tính cách và cuộc sống của mình.

Vậy nên, cha mẹ muốn mãi mãi con là con ruột của cha mẹ. Cha mẹ nghĩ cách để con cũng như tất cả những người xung quanh chúng ta không ai mảy may biết được.

Thế là cha mẹ bỏ quê miền duyên hải ra đi. Vì cha mẹ đều mồ côi, tứ cố vô thân, tài sản không có gì, nên ra đi không gì vướng bận.

Cha mẹ đến cô nhi viện ở thành phố. Có hàng trăm đứa trẻ ở đó. Thứ nhất, đứa bé phải còn nhỏ để không có trí nhớ, tiềm thức gì về những người thân cũ của nó. Thứ hai quan trọng là nó đen ngâm chậm chạp chân chất như cha mẹ. Thế là cha mẹ đi qua nhiều đám trẻ thật lâu gần cả buổi vẫn chưa tìm được..

Thế mà khi chuẩn bị bỏ cuộc lần đó, tự nhiên có cái gì đó buộc cha quay lưng lại, cha nhìn về phía con, bốn mắt hai cha con gặp nhau. Đôi mắt con nhỏ đôi dòng lệ. Sống mũi cha cay cay nồng. Cha đến ẵm con vào lòng. Cha biết đây đúng là đứa con thượng đế ban tặng cho cha mẹ. Mẹ đến ôm con, con đưa hai tay bé nhỏ của con về phía mẹ con, đôi mắt nhìn cha mẹ trìu mến chứ không sợ sệt.

Bà Xơ ngạc nhiên khi con không khóc khi mẹ con ẵm con đến chỗ Xơ." Thằng bé Lợi bình thường rất sợ người lạ, sao hôm nay không khóc khi anh chị bồng nó! "Xơ bảo.

Lúc đó con ốm ỏng eo, gầy đen như cha mẹ vậy.

" Thằng bé thật giống anh chị, như là con anh chị đẻ ra vậy. "

Khi làm thủ tục giao con Xơ nói. Còn con thì hết ôm cha, rồi ôm mẹ như quen hơi thân thuộc vậy. Lúc đó cha mẹ cũng cực khổ nên gầy đét như con vậy. Cả nhà gầy, đen nhẻm như nhau.

Xơ nói" ở đây ít người đi xin con nuôi giống anh chị. Thường những người đến xin con đa số giàu có, sang trọng, áo quần thơm tho. Họ đầy đủ nhưng không có hào con.

Vậy mà, những người đó đến gần là thằng bé Lợi khóc thét. "

" Vậy Lợi là tên con ở cô nhi viện hả cha? "

" Ừ, tên con lúc đó ở cô nhi viện là Lợi, không rõ ai đặt thì cha không biết.

Thời buổi khó khăn, thủ tục cũng đơn giản. Chỉ cần có người ký tên nhận trẻ là họ cho đem đi, họ cũng không có kinh phí nuôi hàng trăm đứa bé. Ít hơn một đứa những đứa còn lại no thêm một tí! "

Ở vùng này không ai biết nhau, đa phần dân các nơi đỗ về dựng lều trại canh tác.

Thấy sống được dần dà cất nhà sinh sống lâu dài.

Hồi đó dân cư thưa thớt, trước nhà mình, bên kia sông là cánh đồng, rồi đến rừng dừa nước bạt ngàn. Bên này sông lác đác vài căn nhà.

Lúc đầu con rất khó nuôi, chỉ ăn được cơm cháo, khoai sắn. Ăn thịt cá, uống sữa là đi ngoài ngay. Cha mẹ tập dần. Sau nửa năm con mới ăn được thịt, cá và sữa.. nhưng chưa được nhiều.

Cha mẹ đặt tên con là Tân, mong muốn mọi cái, mọi việc trong đời cha mẹ và con đều tất tần tật mới hết. Lúc đó cha định đặt tên con là Mới, nhưng thấy kỳ sao ấy. Ông giáo ngoài lộ nói cho cha biết Mới thì gọi tên là Tân. Cha mẹ đến lập nghiệp vùng đất mới để không ai biết con là con nuôi của cha mẹ. Nhà mới. Ruộng vườn mới. Quê hương mới. Dòng sông, cánh đồng, làng mạc, một cuộc đời mới.

Sau đó con bắt đầu có da, có thịt, ăn uống được hơn, ít ốm đau. Cha mẹ có vụ mùa cây trái tốt tươi. Sau khi con về với cha mẹ, rồi Tiến, Tấn, Tới, Thêm, Thuận, Thảo lần lượt chào đời. Nhà mình rộn tiếng cười vui, các con bi bô ca hát, chạy nhảy thỏa thích trên đồng, bơi lội trên dòng sông trước nhà. Cha mẹ hạnh phúc, làm lụng không biết mệt là gì. Đó là nhờ có con. Trời đất đã cho cha mẹ gặp được con mới có được hạnh phúc đông vui như vầy!"

Cha kể Tân nghe trong cảm xúc dâng trào. Tay cha nắm chặt tay anh như sợ mất anh..

"Nhưng gần hai năm nay, con lớn lên, nhìn bề ngoài con dần khác đi. Có người nhận thấy, xấu miệng nhỏ to" thằng Tân trông không giống con nhà Phiến Phấn "cha bỏ qua, không để ý. Nhưng gần đây, chắc những lời đó cũng đến tai con. Cha thấy con còn nhỏ, nhưng không thể giấu được nữa. Cha nghĩ, khi biết chuyện này con sẽ buồn đau. Nhưng cha mẹ mong muốn sau khi biết chuyện này con vẫn là con của cha mẹ và anh của các em con như trước tới giờ và mãi mãi về sau."

Mấy câu sau cha nói trong nước mắt, tay nắm chặt tay anh.

Dù biết trước cha nói ra điều anh nghi hoặc qua cảm nhận bề ngoài mình khác với cha mẹ và các em, qua những đàm tiếu của người xung quanh, anh vẫn mong điều đó không phải là sự thật.

Nhưng khi cha kể, anh vẫn mong cha đang kể chuyện thằng Tân thằng Lợi đâu đó chứ không phải là anh.

Lòng anh thổn thức, rối bời. Cha mẹ ruột mình là ai, tại sao bỏ mình vô trại trẻ mồ côi.

Người ta nói, và anh đọc nhiều sách nói về những đứa trẻ trong cô nhi viện.

Đứa thì lạc cha, mất mẹ. Đứa thì con rơi con rớt bị người ta mang bỏ vào chùa. Đứa thì mẹ trẻ bị kẻ sở khanh lừa tình lỡ mang bầu. Đứa thì hậu quả của một cuộc tình lầm lỡ..

Không biết mình từ đâu?

Anh miên man suy tưởng, nước mắt tự chảy thành dòng trên hai gò má bé bỏng. Cha ôm anh vào lòng thật chặt như không rời xa được.

Hai cha con ôm nhau như thế không biết bao lâu. Trăng sáng vằng vặc trên cánh đồng vừa gặt. Những đám mây trắng lững lờ trôi. Gió từ sông thổi vào mặt anh như làm những giọt nước mắt của cha con anh lạnh buốt hơn!

"Cha mong muốn ngàn lần, cầu xin trời đất phù hộ, con vẫn mãi mãi là con của cha mẹ như trước tới giờ vậy. Con cố đừng suy nghĩ những gì không tốt."

"Mình vào nhà thôi con."

"Cha vào trước đi. Con nằm hóng mát một tí."

Ông biết thằng bé Tân, con ông đang có xáo động trong lòng, muốn riêng một mình nên ông vào trước, nhưng sẽ canh chừng nó.

Tân nằm ngửa trên bờ đê. Thường anh vẫn ra bờ đê nằm ngắm những vì sao trên cao trong những đêm không trăng. Bầu trời rộng lớn có hàng tỉ tỉ ngôi sao lấp lánh lung linh huyền ảo. Những đêm trăng sáng, anh và các em cùng con chó vàng chạy nhảy múa hát trên cánh đồng. Rồi khi tụi thằng Tánh, thằng Hoàn.. và một đám bạn nữa chơi trò trận giả, rượt bắt nhau. Mệt quá nằm ngửa nhìn bầu trời cao với bao hình ảnh của những đám mây trôi lững lờ. Mỗi đứa tự tưởng tượng ra hình hài khác nhau. Những chú ngựa đang phi trên cánh đồng, những cô gái với mái tóc dài buông xõa, những chiến binh.. những đám mây cứ thế trôi, gió miên man thổi. Cuộc sống vui và hạnh phúc làm sao!

Hôm nay, cũng ánh trăng sáng, cũng mây trôi, cũng làn gió vậy sao anh thấy hình hài những đám mây u ám, kỳ dị, gió thổi thì lạnh buốt da thịt, đau nhói con tim anh. Nổi lòng cô đơn, buốt giá. Xa tít tận chân trời tây, mờ mờ một ngôi sao nhạt lẻ loi, lúc ẩn lúc hiện trông thật đơn côi. Mình đó sao. Mình từ đâu đến. Cha mẹ mình là ai, Người tốt hay kẻ xấu? Anh chị em mình có hay không?

Hàng hàng câu hỏi anh chẳng trả lời được.

Anh nằm, gió đêm lạnh từ sông thổi vào. Sương đêm bắt đầu rơi.. Anh chìm vào giấc ngủ mà lòng đau rát quặn thắt!..

* * *

"Không không không, bà không phải mẹ tôi. Không không không.." Anh la hét trong khiếp đảm, mồ hôi vã ra, tay chân lạnh ngắt, đầu nóng hổi.

"Má đây, má của con đây."

"Tân Tân con, tỉnh lại con, má đây, má đây." Bà Phấn ôm Tân trong vòng tay khỏe mạnh của bà. Bà khóc. Thằng Tân mơ giấc mơ gì khủng khiếp không biết. Đầu nó nóng hổi.

Anh dần dần tỉnh lại. Người ướt đẫm mồ hôi. Anh thấy mình nằm gọn, ấm áp trong vòng tay bà Phấn, má anh.

Nước mắt bà nhỏ xuống mặt anh mặn, nồng, ấm áp. Anh ôm bà như sợ bị người khác giằng đi mất.

"Má má đừng bỏ con, đừng xa con!"

"Con thấy người đàn bà lụa là sạch đẹp giằng con ra từ tay má. Con vùng vẫy, la hét và con rất sợ người ta bắt con đi khỏi nhà mình."

Bà Phấn ôm anh chặt hơn. "Không ai bắt con được, cha và má sẽ ở bên con mãi mãi."

Ông Phiến ngồi bên, mắt đăm chiêu, lo lắng.

Anh bệnh sốt liệt giường hơn một tháng. Vì gió lạnh, sương đêm cộng với cõi lòng khổ đau làm phổi bị viêm nặng. Nhờ cha mẹ chăm sóc với tình thương vô bờ và sáu đứa em vây quanh đùa vui. Từ từ anh khỏe lại. Mỗi khi tỉnh, anh thấy má đều bên giường, đôi mắt lo lắng.

Anh nghĩ, đây là nhà mình. Cha mẹ và các em mình ở đây. Dần dà anh nguôi ngoai nỗi buồn. May mà đã sắp vào hè và đã thi xong học kỳ hai nên anh bệnh không ảnh hưởng đến việc học. Đó là mùa hè cuối tiểu học, 198..

Một mùa hè mãi mãi không bao giờ quên.

Sau đau buồn và sốt do viêm phổi hơn một tháng anh thương và biết ơn cha mẹ nuôi của mình hơn. "Cha mẹ không sinh con ra nhưng cha mẹ đã dưỡng dục con từ tấm bé. Con được ăn no mặc ấm, được đi học, được cha mẹ thương yêu, được vui chơi, được hạnh phúc bên cha mẹ và các em. Con biết ơn cha mẹ thật nhiều. Con hứa sẽ hiếu thảo với cha mẹ, yêu thương dạy bảo các em để cha mẹ yên vui, nhà mình hạnh phúc mãi mãi!"

Ông Phiến và bà Phấn hạnh phúc dâng trào không thể tả xiết.

Các em anh hò reo. "Anh Hai khỏe, anh Hai dzui dzẻ! Ha ha ha, ýe ye ye!".. Anh ôm từng đứa vào lòng cảm nhận như tình máu mủ.

Vượt qua nổi đau anh đã trưởng thành!

* * *

Chìm đắm trong ký ức mùa hè năm ấy, anh giật mình khi điện thoại đổ chuông. "A lô, Tân nghe."

"Tớ đang ở bệnh viện, má tớ tỉnh từ sáng đến giờ cứ hỏi thằng Tân con má đâu, tao phát ghen với mày đó Tân à!" Hoàn gọi. "Má nói khi ra viện về xóm nghèo ở, tao không cho. Bà nói ở chỗ tao kín cổng cao tường, buồn, không nói chuyện với ai được, tao nói không được. Bên xóm nghèo ở nhà bà Thẻo, bà Thoa tao không yên tâm."

"Rồi bà đòi qua nhà mày, nhìn được qua xóm nghèo và thấy cả cánh đồng bên kia sông. Chiều chiều đi qua xóm nghèo tám chuyện với mấy bà bạn cũ."

"Tớ nói má tỉnh dưỡng khỏe hẳn đi, thằng Tân vô rồi tính.

Sáng nay xong việc nó sẽ vô viện thăm má. Nó đã điện thoại cho bác sĩ Phúc hàng giờ. Má yên tâm, thằng Tân thương má nhất mà vì má thương nó hơn thương cả con nữa mà."

"Cái sọ mày, thằng con yêu, tao là thương hai đứa như nhau."

"Má mong cậu vô."

"Báo má sáng nay tớ vô thăm, hẹn gặp."

Anh báo Hoàn rồi tắt máy.

Chuẩn bị vào viện thăm bà Lu và thăm cả ông Tuấn nữa.

Anh bước vào bệnh viện lúc 12 h trưa.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui