Xóm Nghèo Khu Biệt Thự Và Bệnh Viện

Hôm sau, Linh đã đi suốt ngày thứ hai đến khu phố, phường, quận mà trước đây cô nhi viện tọa lạc. Các công chức trẻ ở đó hứa tìm kiếm thông tin về Lợi ở cô nhi viện, nhưng họ không hy vọng gì, vì nghe nói cô nhi viện cháy hết giấy tờ và các đơn vị hành chánh chia tách nhiều lần nên việc lưu trữ nếu có cũng dễ thất lạc. Ông cũng để lại danh thiếp. Dù mong manh, ông cũng cố hy vọng. Bốn giờ chiều, ông trở lại bệnh viện. Cũng đông đúc, chật chội ở khoa đột quỵ, Không thấy chú. Ông gọi cho Tý.

"Cha được đưa vô khu dịch vụ rồi anh, phòng mười hai." Tý báo.

Ông len theo lối đi hẹp của hành lang giữa các băng ca người bệnh để đến khu dịch vụ. Bước chân vào, ông thấy yên tĩnh hẳn, chỉ cách cánh cửa nhôm kính mà như cách âm với bên ngoài. Chú được nằm trên giường riêng, rộng rãi. Phòng có ba bệnh nhân đột quỵ, có toilét ở trong phòng, rất tiện và sạch sẽ.

"Hai hôm nay, cháu đã đi hết các nơi cần đến và la cà hết hang cùng ngõ hẻm quanh cô nhi viện, nhưng không có một manh mối nào về Lợi cả chú ạ. Vì đã hơn bốn mươi năm, vả lại cô nhi viện đã cháy và giải tán từ lâu. Vùng đất đó phát triển quá nhanh, gần như toàn người mới đến ở."

"Cũng phải cố tìm cháu ạ, biết đâu trời đất phù hộ cho nhà mình tích đức nhiều đời tìm được thằng bé Lợi."

Chú nói nhưng biết cũng rất vô vọng!

Tý giúp chú đi vệ sinh.

Linh bước ra hành lang quan sát. Gặp thiếu phụ đêm trước đi lên cùng thang máy, ông cũng như thấy gì quen thuộc ở người phụ nữ này. Ông mạnh dạn hỏi thăm. Biết đâu, cô ấy cùng làng quê với ông, ông quen biết mẹ hoặc chị cô ấy vì như tiềm thức ông thấy đã quen thuộc vậy.

"Chào cô."

"Chào bác."

"Tôi thấy cô quen quen, hình như đã gặp hay biết nhau từ trước."

"Tối kia em gặp bác lúc khuya!"

"Ý tôi không phải, tối hôm kia tôi cảm thấy như đã gặp cô từ trước. Thế quê quán cô ở đâu?"

"Em sinh ra và lớn lên ở thành phố này."

"Thế, có thể người giống người rồi. Xin lỗi, có gì không phải cô bỏ quá cho." Ông thất vọng.

Thùy thấy ông ấy hỏi chân chất thật lòng, chứ không phải hỏi bâng quơ làm quen. Cô cũng thấy ông ấy đôn hậu, dáng người, nhìn phía sau rất giống thầy Tân. Trước đây cô nhiều lần nghe ông Tuấn kể về thầy Tân, hôm qua mới gặp. Lần đầu, nhưng cô rất có cảm tình, thân thuộc và tin cậy. Giờ ông Tuấn hôn mê hơn hai tuần. Con cái, nhà cửa, người làm thầy đều giúp ông ấy cả. Thằng Bo cháu bà Thẻo, Lịch con bà Thoa, thầy bàn với quản lý của ông Tuấn cho về chăm sóc ông Tuấn và đón đưa con ông. Thằng Bo và Lịch thay phiên trực bên cạnh ông Tuấn, cô cũng đỡ vất vả. Cô cầu trời khấn Phật sao cho ông Tuấn tỉnh lại..

* * *

Bà tư Thoa hôm nay tái khám sau hai tuần mổ mắt. "Mắt bà tốt rồi." Khám xong bác sĩ nói.

"Bà là nhất sướng, khi nào đi khám bệnh cũng có con, rể đi theo hai người, hơi dư thừa. Có người già cả đi lại khó khăn cũng lủi thủi lê lết một mình thật tội."

"Không giấu gì bác sĩ, tui nghèo nhưng con cái hiếu thảo, dù không được học hành, chỉ có thằng út đang học y khoa. Nhờ sáu anh chị nó đi làm phụ vào. Mỗi tháng mỗi đứa gửi tui hai triệu" má muốn tiêu xài gì tùy má. "Tụi nó dâu rể thuận hòa, tui khỏe! Mắt tui sáng, giờ mới thấy bác sĩ đẹp trai lắm, hôm vào khám chỉ thấy bóng bác sĩ."

"Thôi bác về, giữ vệ sinh mắt cho tốt nhé."

"Chào bác sĩ."

"Hai bây đưa má lên lầu sáu thăm ông Tuấn và bà Lu. Hơn nửa tháng rồi, bận mổ mắt nên không thăm họ được." Bà nói.

"Bà Lu là bạn thân từ hồi mới sinh tụi bây. Giờ con bà ấy, thằng Hoàn giàu có mua nhà mới, đưa má nó theo mười mấy năm rồi."

"Ông Tuấn là ân nhân nhà mình. Cả nhà mình không thiếu thốn là nhờ vào ông ấy.

Ông ấy là người quá tốt, nhưng sao người ta nói ông ấy lạnh lùng, khó gần. Má chỉ thấy ông ấy hiền lành và làm toàn điều tốt. Sao ông trời nỡ phụ ổng. Bệnh nặng mà vợ coi như không. Bà Hoàng vẫn nhởn nhơ đú đởn với đám sồn sồn, trai trẻ, vẫn hội này nhóm kia đi suốt, không chăm sóc chồng con gì cả."

Nhờ thầy Tân giúp và thằng út Lãm kèm cặp, thằng Bom con ông Tuấn ngoan, học giỏi hẳn lên. Giờ ông Tuấn nằm hôn mê đã nửa tháng, thật tội ông ấy. Cô Hoa vừa dọn dẹp nhà cửa, ăn uống cho hai đứa con ông Tuấn, rồi tối cô ấy về nhà với con nhỏ.

Thằng Bo đi trại giáo dưỡng một năm rồi về. May mà chưa dính vào ma túy, chỉ mới theo bạn hút cần sa. Lúc đó ông Tuấn nói với thầy Tân ông cần người dọn dẹp ngoài khu resort biển của ông ấy. Thầy Tân muốn đưa thằng Bo tránh xa bạn xấu ở xóm nghèo và có việc làm để nó không lêu lổng. Sau khi nói chuyện với nó, thầy giới thiệu cho ông Tuấn ra làm ở resort.

Giờ nó và nhà bà Thẻo mang ơn ông ấy lắm. Đời nó có lối ra, làm việc và suy nghĩ rất có trách nhiệm.

Hôm nay thằng Lịch trực chỗ ông Tuấn, thằng Bo chở bà Thẻo đi khám bệnh.

Phòng ông Tuấn là số một, cuối hành lang, yên tĩnh, cửa sổ nhìn ra bầu trời trong xanh bên ngoài.

Ba mẹ con bà Thoa nhẹ mở cửa bước vào phòng, họ đinh ninh Lịch con bà ở đó. Nhưng cả ba người đứng sửng lại, khó xử và ngạc nhiên.

"Xin lỗi cô, tụi tui nhầm phòng!"

Thiếu phụ ngồi cuối giường, hai bàn tay trắng mềm mại mân mê vuốt ve yêu thương bàn tay người đàn ông nằm bất động trên giường, mắt má lệ tràn không kịp lau khi họ bước vào. Đôi mắt cô to đen tròn u buồn nhìn lên trong phút chốc bỡ ngỡ.

"Cô và anh chị thăm ai?"

"Ông Tuấn, phòng số một."

"Vậy đúng rồi cô ạ." Thiếu phụ lấy khăn giấy lau mặt.

Thiếu phụ có khuôn mặt đẹp. Cả khuôn mặt ánh lên vẻ đẹp đôn hậu và dịu dàng. Ba người không biết cô ấy là gì của ông Tuấn.

"Vậy à! Thật xin lỗi cô. Cứ tưởng thằng Lịch trong này tụi tui không gõ cửa."

"Em Lịch qua đổi cháu bên phòng số ba, để dìu mẹ cháu ra hành lang hóng mát, cháu không dìu mẹ cháu nổi. Để cháu qua gọi Lịch."

Cô Thùy nhẹ nhàng đi ra.

"Người đâu đẹp nết na, dịu dàng. Không biết là gì của ông Tuấn. Chẳng bù cái bà Hoàng chảnh chọe, điệu đà, vô tâm. Thật buồn cho ổng!" Bà Thoa chép miệng.

"Má à, mắt má bác sĩ khám sao rồi?" Lịch nhanh nhẹn bước vào. "Con giúp dìu cô Thanh, mẹ chị Thùy ra hành lang cho thoáng một tí. Cô Thanh yếu liệt một bên trái."

Cả bốn mẹ con bà Thoa nhìn ông Tuấn nằm hôn mê trên giường, lòng họ thật buồn. Ông ấy là ân nhân nhà họ. Ông lo toàn bộ chi phí cho thằng út Lãm nhà bà. Bà ngại lắm. Nhưng ông ấy dứt khoát. Không ơn nghĩa gì với ông cả, mà là ông trả công xứng đáng cho việc dạy dỗ con ông, làm gương cho con ông. Nhìn út Lãm, ông nói nó là ngày xưa của ông.

Con Năm và thằng Lịch được vào làm cho công ty ông ấy, được tin tưởng, có lương thưởng rất tốt. Thật phúc đức cho nhà bà khi gặp ông.

Giờ nhà bà coi ông Tuấn như người thân vậy. Bà lo lắng cho ông. Sao ông ấy lâu tỉnh lại vậy. Bà nắm tay, vuốt khuôn mặt hiền hậu, mái tóc dài lưa thưa bạc của ông. Rồi bà khóc.

"Lịch à, cô Thùy bà Thanh có quen biết với ông Tuấn à?" Bà hỏi Lịch.

"Chị Thùy nói là bạn học thời đại học với ông Tuấn."

"Má nghĩ họ có tình cảm hồi đó."

"Con cũng nghi vậy, chị Thùy chắc hồi xưa đẹp lắm. Mới nhìn, chị có nét giống giống thầy Tân, nhất là sống mũi cao và đôi mắt đen tròn tình cảm và đôn hậu. Con thấy ngồi bên ông Tuấn khóc suốt. Con khỏe nên giúp cô Thanh đi lại, để chị ngồi canh ông."

"Thôi Lịch ngồi với ổng, má và hai bây qua thăm bà Lu."

Hai đứa lớn để Lịch ở lại chăm ông Tuấn, cùng bà Thoa qua phòng số chín cùng dãy hành lang này.

Khi ngang qua hành lang, bà Thoa ngạc nhiên, mắt tròn xoe, sững người trong giây lát.

"Chị Thanh!"

Thùy tròn mắt nhìn bà Thoa rồi nhìn qua mẹ mình.

"Ôi, chị Thoa à? Tui yếu, mắt cũng mờ. Nhưng thấy dáng và tiếng chị là nhận ra. Sao bà biết tui nằm đây mà vào thăm?"

"Trời đất! Làm sao mà biết được. Bà mất dạng hai mươi mấy năm rồi, có gặp lại bà đâu. Tui đi thăm ông Tuấn, thằng Lịch là con tui. Hồi bà hay ghé qua xóm nghèo mấy con tui còn nhỏ chen chúc, đông đúc. Giờ lớn cả rồi bà không nhận ra đâu. Đây là thằng ba và vợ nó. Ba đứa con tui giờ làm cho công ty nhà ông Tuấn. Nhờ ông ấy nhà tui cũng khá lên, có dư giả. Bà Lu cũng đang nằm viện, phòng số chín dãy này luôn. Các con, bà đây đã giúp nhà mình và xóm nghèo mình ngày trước. Tụi bây cũng nhờ gạo và mì tôm bà ấy mà lớn đó."

Bà Thoa lâu ngày gặp lại nói huyên thuyên.

"Mẹ và cô đây quen biết nhau?" Thùy hỏi.

"Ngày trước, mẹ có quen thân cô Thoa đây và mấy bà bạn tốt bên đó. Thỉnh thoảng gửi ít tiền, ít gạo, sách vở cho tụi nhỏ. Không đáng gì đâu chị Thoa."

"Bây giờ thì không là gì, đúng vậy. Nhưng hồi đó, ba bốn mươi năm trước quý giá lắm.

Giờ thằng Tân, thằng Hoàn, thằng Tánh đều đã thành tài. Ba đứa học hành được nên người cũng nhờ một phần công sức của bà. Thằng Hoàn, con bà Lu giờ kinh doanh giàu có lắm. Biết bà ở đây, tui phải đưa ba đứa đến tạ ơn bà. Hồi đó, cứ đầu năm học và đón tết là ba đứa giỏi nhất xóm nghèo có quà má Thanh gửi tặng. Tụi nhỏ thích lắm, hít hà mùi cặp da mới, bút tẩy mới thơm phức.. Ôi, giờ tụi mình già cả rồi!"

Bà Thanh nhập viện tuần trước. Bác sĩ Tâm và bác sĩ Phúc khuyên Thùy nên đưa mẹ vào viện. Bà Thanh yếu liệt nửa người bên trái do di chứng tai biến mạch máu não lần thứ hai đã năm tháng nay, cả tuần nay huyết áp lại không ổn định. Nhà không có ai, chỉ mình Thùy là con gái út, vừa đi làm vừa vô ra chăm sóc ông Tuấn nữa. Hai con gái lớn bà Thanh là Thủy, Thúy đi lao động hợp tác ở Đông âu và định cư luôn bên ấy từ lâu.

Bà Thanh tay phải luôn nắm chặt cuốn kinh dày bằng cuốn sổ tay nhỏ.

Bà thấy sức lực bà ngày càng yếu, nhiều lần quyết phải can đảm nói ra điều sâu kín nhất trong tâm can bà, lần lữa mãi không biết bao nhiêu lần. Các con bà phải nhận anh em, dù chúng phán xét bà thế nào đi nữa. Cuộc đời bà có nhiều lỗi lầm, nhưng bà muốn được nhắm mắt khi rời cõi đời này. Bà mong các con bà tha thứ, nhất là Lợi, đứa con trai duy nhất của bà. Đó là bà mong ước thế, còn chắc là không thể. Thằng bé không một ngày có hơi ấm của mẹ, không một lần được ngậm bú giọt sữa nào trên bầu ngực của bà. Ngày ấy, bà cương cứng bầu ngực vì tức sữa, trong khi thằng bé khát sữa khóc đến khản cổ họng. Lỗi lầm bà quá lớn. Bà cảm thấy nhói lên trong ngực..


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui