Ba giờ chiều thứ bảy, thầy Tân vào bệnh viện Q thăm ông Tuấn, bà Lu. Và như hẹn với Hoàn, Tánh và bà Thoa thăm bà Thanh, mẹ cô Thùy mà cũng là bạn thân cũ của các bà, là người đỡ đầu hỗ trợ ba học sinh giỏi của xóm nghèo hồi xưa.
Ông Tuấn vẫn hôn mê. Bà Lu đã khỏe, tuần sau xuất viện. Thầy Tân thăm ông Tuấn, rồi qua phòng bà Lu. Anh thấy mọi người đã đông đủ ở đó.
Chào hỏi thăm sức khỏe bà Lu xong, mọi người theo bà Thoa qua phòng số ba. Bà Thanh đang nằm trên giường. Mái tóc bà bạc trắng. Khuôn mặt bà phúc hậu, vầng trán rộng, mũi cao. Thùy chải tóc cho bà, bối gọn lại, cử chỉ đầy yêu thương, hiếu thảo.
"Bà Thanh, ba thằng bé ngoan đến thăm và tạ ơn bà đây." Bà Thoa mở lời chào.
"Chúng cháu chào cô ạ!" Cả ba anh cùng chào.
Bà Thanh ra dấu muốn ngồi dậy. "Thôi thôi, bà cứ nằm." Bà Thoa cản lại.
Sự thực, bà Thanh cũng muốn được nằm để che giấu cảm xúc đang dâng tràn và sợ quá xúc động làm bà mệt. Lần đầu tiên bà gần con trai bà chỉ hai bước chân. Bà cố gắng kìm nén và giữ bình tĩnh. Nhưng lồng ngực như bị trì nặng, hơi thở gấp hơn, lời chào đứt quãng "chào chào.. các các cháu.."
Hoàn bước đến nắm tay bà "chúng cháu cám ơn cô thật nhiều, tiếc là không gặp cô sớm hơn!" Bà Thanh nhìn ba anh "Những.. thằng bé ngày nào.. giờ lớn thế này rồi à."
Tánh cũng đến nắm tay bà Thanh nói "Tụi cháu không biết làm gì để tạ ơn sự giúp đỡ của cô đây. Những ngày bé tụi cháu nghe má Lu, má Thoa nói có quà của má Thanh, gửi tặng để tụi cháu phải học giỏi. Nhưng không biết má Thanh là ai. Tụi cháu cứ nghĩ má Thanh là một hình tượng bà tiên ông bụt mà má Lu và má Thoa đưa ra để tụi cháu ngoan và chăm chỉ học hành. Má Thanh gửi gắm những lời nhắn nhủ. Không ngờ hôm nay được gặp má!" Tánh rơm rớm nước mắt.
Thầy Tân là người sau cùng, anh đến bên giường, anh nắm cả hai tay bà Thanh trong tay mình. Lúc nào cũng vậy, từ khi còn là ba thằng bé, bất cứ việc gì, Hoàn luôn là đứa đi trước, Tân là đứa sau cùng trong ba người. Anh luôn nhường cho bạn trước, từ thức ăn cho đến đồ dùng, công việc cũng nhận phần khó về mình.
Lúc này, sau những lời cảm động của Tánh, không khí trong phòng như chùng xuống.
Bà Thanh ứa hai hàng lệ. Bà khóc không vì những lời biết ơn cảm động của Tánh mà ngược lại, bà mang ơn những người này nhiều hơn. Cũng nhờ Trời Phật mà thằng Tân, con bà được gần gũi với những người hiền lành mộc mạc như thế. Bà khóc vì lần đầu tiên trong đời từ khi sanh Lợi, giờ bà mới được nắm bàn tay con trong tay mình. Bà cứ nghĩ đời này sẽ không được gần con. Thế mà tay nó đang nắm trọn tay bà, mân mê đầy tình yêu thương. Nó cũng đang khóc, hai giọt lệ ứa ra bên khoé mắt. "Con như vẫn còn nghe mùi tập vở, cặp da mới, mùi cục tẩy thơm. Mới đó mà đã hơn bốn mươi năm rồi. Tuổi niên thiếu của tụi con mong chờ và vui với quà của má, những cuốn sách hay má gửi luôn đi vào trong những giấc mơ!.."
Anh thấy sao bà Thanh mới gặp lần đầu mà thân thiết, gần gũi đến vậy. Anh cảm động quỳ xuống bên giường cho gần bà hơn. Tuổi thơ của anh như trở lại với những đèn trung thu lấp lánh dưới ánh trăng rằm vằng vặc, xúng xính trong bộ quần áo thơm mùi vải mới khi Tết đến, hay ngày khai giảng đầu năm học mới. Những tập thơ, những cuốn sách, truyện hay còn thơm mùi giấy, mùi mực.. Tất cả những món quà vật chất quý giá ấy và đặc biệt là những lời nhắn gửi đầy yêu thương như của một người mẹ muốn nhắn nhủ đến những đứa con của mình. Anh, Tánh, và Hoàn thân thiết nhau hơn cũng nhờ những món quà và lời nhắn nhủ của má Thanh. Vì ba đứa lúc nào cũng được giống nhau như ba anh em trong một nhà, từ sách vở, áo quần, giày dép. Đúng là hồi đó ba đứa cứ nghĩ má Thanh không có thật, chỉ là cách mà các má nghĩ ra một hình tượng để răn dạy ba đứa yêu thương nhau, cùng phấn đấu để thoát cảnh nghèo cơ cực của cha mẹ chúng không được học hành.
Hình tượng đẹp ấy khắc sâu vào ký ức tuổi thơ của ba anh giờ đang hiện hữu, một phụ nữ phúc hậu với mái tóc bạc phơ như một bà tiên. Bà đang quá xúc động. Mọi người nghĩ bà xúc động vì mãn nguyện khi ba người học trò nghèo đã thành đạt nhờ sự hỗ trợ, khuyến khích của bà giờ đang quỳ gối bên giường bệnh. Nước mắt chảy dài, bà mấp máy môi nhưng không nói nên lời. Bà nhìn từng người một, dừng lại trên khuôn mặt Tân, rồi bà nhìn Thùy, con gái út thương yêu của bà. Sao hai đứa chúng nó giống nhau đến vậy, vầng trán rộng, mắt to đen tròn đằm thắm, mũi cao với màu da sáng trắng. Vì bà là người mẹ với tình yêu con nên nhìn thấy thế hay sao! Những người khác nếu để ý sẽ nhận ra ngay chúng là anh em, bà nghĩ vậy. Bà cố nén cảm xúc, nắm chặt tay từng người, bà Thoa, Hoàn, Tánh, Tân. Với Tân bà giữ tay anh lâu hơn, vì anh là người sau cùng, bà có quyền làm thế mà không ai để ý. Bà nhìn Thùy. Cô đến bên mẹ. Bà nhìn cô trìu mến, cùng nắm tay cô và tay Lợi trong bàn tay yếu ớt và nhăn nheo của bà. Ai cũng xúc động cho sự gặp gỡ muộn màng này, nhưng đầy ý nghĩa. Ai cũng thấy thỏa nguyện lòng mình khi đã san sẽ tình yêu thương cho nhau. Bà Thanh nhìn Thùy rồi Lợi, Lợi rồi Thùy.. cứ thế nước mắt bà tuôn chảy. Sao hôm nay nước mắt bà nhiều thế, bà những tưởng nó đã khô từ lâu. Nước mắt bà chảy xuống ướt cả gối. Thầy Tân thấy bà Thanh nhìn mình và Thùy quá trìu mến, đặc biệt hơn những người kia. Phải chăng bà muốn gửi gắm Thùy cho anh khi bà có mệnh hệ gì, vì qua ông Tuấn, anh biết cô ít bà con thân thuộc, hôn nhân gãy gánh, hai con đã đi du học nước ngoài.
"Má Thanh yên tâm, giờ đây chúng con xem má như một người mẹ nữa, và Thùy sẽ như cô em gái út cưng của ba đứa tụi con."
Để bầu không khí bớt phần xúc động, anh pha trò thêm
"Hai tụi bay OK không, không hả. Vậy thì Thùy chỉ là em gái của mình tao. Sau này đừng có mà ganh tị nhé!"
Hai anh giãy nảy "không, không được, má chung thì em gái cũng của chung chứ."
Thùy nở nụ cười thật xinh. Lần đầu tiên mọi người mới thấy nụ cười trên gương mặt luôn buồn của cô..
Thùy cảm thấy gần gũi các anh quá, dù cũng mới gặp. Cô ước gì có ba ông anh như thế. Nhất là thầy Tân, cô thật quý mến anh, có tình cảm như với một người anh trai vậy. Cô ước sao không quen biết các anh sớm hơn. Những ngày buồn của cô có qua đi thật chưa..
Chưa, cô chưa thể có nụ cười được. Ngoài mẹ, người thân yêu nhất, năm nay mẹ đã ngoài tám mươi tuổi rồi, hai con đang ở quá xa, hơn nửa vòng trái đất, có lẽ người thân yêu còn lại duy nhất của cô lúc này là ông Tuấn, mà ông hôn mê đã hơn hai tuần..
Ông vẫn hôn mê hơn hai tuần rồi. Những lúc ngồi bên, cô cảm nhận trạng thái sắc mặt ông, lúc buồn, lúc tươi tắn hạnh phúc, có lúc ông ứa lệ hai bên khoé mi. Ông Tuấn như đang nằm ngủ, một giấc ngủ dài nhiều mộng mị. Ông đang lang thang đâu đó trong miền ký ức thẳm sâu, nhiều khổ đau, nhưng cũng nhiều hạnh phúc..
* * *
Ông Tuấn nghe rì rầm tiếng sóng biển, tiếng vó ngựa lốc cốc trên đường đất quê ông. Những đêm trăng thanh gió từ biển thổi vào mát rượi. Ánh trăng bàng bạc trong vườn nhà, không gian yên tĩnh. Ông nghe như mùi bắp luộc thơm ngọt. À, mẹ đang luộc bắp cho phiên chợ sớm mai. Ông nghe mùi khoai lang, mùi hạt điều nướng. Ôi, cái môi con Lanh sưng phồng làm méo xệch cái miệng xinh xắn của nó mất rồi. Tại nó tranh ăn hột điều nướng khi còn nóng hổi. Mùi mít chín trong vườn thơm nồng. Mùi bắp rang nhà ai, mùi hoa nguyệt quế trước sân nhà nồng nàn.. Trẻ con vui đùa trên đường đất. Tiếng nói chuyện xóm trên rôm rả. Trời trong xanh, mây trắng lững lờ trôi. Quê nghèo nhưng thanh bình, yên ả..
Buổi sáng, bình minh ráng hổng phía đông, biển xa xanh thẳm.. Từng hình ảnh của dòng ký ức lộn xộn trong cái đầu trống rỗng của ông.
Chiều mưa biển, lang thang trên bãi cát mềm dịu dàng dưới chân sao lòng ông đau đớn.
"Mưa buồn mãi rơi trên biển xưa âm thầm.
Ôi biển vắng đêm nao tình trao êm đềm
Cơn sóng nào khơi lên nỗi đau trong em bao nhiêu chiều lang thang.. một mình."
Nơi biển vắng này, chiều mưa như vậy, ông và Thùy đã trao tình yêu thắm thiết cho nhau. Tình yêu đằm thắm, mãnh liệt sau bao ngày bên nhau. Chiều mưa ấy em đã khóc, những giọt nước mắt hạnh phúc khi ông nói lời tỏ tình với cô. Nước mắt hòa cùng mưa biển mặn, nồng nàn khi ông hôn khuôn mặt đẫm nước của cô. Chiều mưa ấy quá đỗi hạnh phúc trong ông.
Ngọc Lan hát lên nỗi lòng của người con gái bị tình phụ, hay người cô yêu ra đi không trở lại, để cô mãi lang thang bao nhiêu chiều mưa trên biển vắng với cô đơn lạnh lùng như thế. Còn ông, tình phụ, hay ông phụ tình? Ông và Thùy, ai phụ ai? Ngày Thùy lên xe hoa ông buồn đau ứa lệ, một mình trong chiều mưa biển vắng này.
Sau ba năm ra trường, ông vẫn lang thang. Tương lai mù khơi. Thùy chờ ông đến bao giờ. "Con gái có thì" mẹ cô ấy nói thế. Thùy có can đảm về nhà ông, một mái lá nghèo, một vùng quê xa, một anh chồng với đồng lương còm cõi. Cha mẹ cô ấy có cho con gái về nơi gió cát với một tương lai bất định như thế không? Ông và cô với khoảng cách, với thời gian dần xa nhau dù luôn nghĩ về nhau..
"Em giờ đã như mây dạt trôi phương nào.
Anh còn mãi nơi đây ngồi ôm kỹ niệm.
Ôi cát mềm đêm nao bước chân đôi ta in hằn.
Sóng đã xóa nhòa những bước êm..
Ngày tháng lênh đênh
Bờ bến nơi đâu!" (*)
Sau tin Thùy lấy chồng, ông lấy công việc làm vui.
Ông băng rừng lội suối, lên ngàn xuống biển, ghi ghi chép chép. Đất đai, động cát cứng mềm, cỏ cây thổ nhưỡng.. v. V trong tỉnh ông thuộc như lòng bàn tay. Ông vẫn nghèo sau sáu năm đi làm đo đạc bản đồ ở sở điền địa. Ba năm sau, ông dành nhiều thời gian cho việc khai phá những vùng đất hoang. Ông thích và yêu biển, yêu vùng gió cát. Mùa nắng, trời xanh trong vắt, không một đám mây, ánh mặt trời chói chang, biển xanh sậm, mặt biển sáng lóa ánh bạc, phản chiếu ánh mặt trời. Trời biển thanh vắng, thỉnh thoảng có một chiếc thuyền nhỏ chạy ngoài khơi xa. Đến gần biển mới nghe tiếng sóng rì rào dịu êm. Mùa mưa, trời tối sớm. Có ngày mưa từ trưa đến tối. Mưa biển buồn, chân trời như gần hơn, biển hẹp lại, bầu trời cũng thấp. Có hôm mưa như trút nước, biển gầm gừ sóng mạnh lướt cao. Có hôm mưa lất phất, một màn trắng nhạt, sóng biển rào rào.
Ông yêu gió cát, yêu trời xanh trong vắt, yêu mặt biển ánh bạc, yêu nắng chói chang, yêu mưa..
Mưa biển thật buồn. Nhưng sao ông thích những chiều mưa trên biển vùng gió cát quê nghèo của ông đến thế. Phải chăng đất, gió, cát, trời, biển ở đây đã thấm vào da thịt, thấm đẫm nước mắt trong ký ức buồn vui của ông.
Buổi trưa phụ mẹ mót cá khô sau đoàn người đông đúc trên cát biển nóng bỏng chỉ với đôi chân trần trên đầu không mủ nón. Những tối cào nghêu cùng tiếng nói chuyện rì rầm với chúng bạn trong biển đen thăm thẳm. Rồi chiều mưa, trên biển vắng, lời tỏ tình đầu tiên. Mưa biển cùng nước mắt em hạnh phúc mặn nồng..
"Bao ngày tháng nên thơ tình yêu đâu rồi.
Nay tình đã xa xăm mù khơi phương trời.
Ôi nỗi buồn như mây kín che đôi ta bao ngày. Cô đơn, lạnh lùng.
Em còn nhớ hay quên tình xưa êm đềm
Em còn nhớ hay quên vòng tay ân tình.." (*)
Ông đào hồ nuôi tôm, trồng những hàng dừa xanh dài tít tắp. Ông làm những chòi lá trú mưa, cho khách bộ hành nghỉ chân tránh cái nắng gắt ban trưa. Rồi khu đất dọc biển của ông theo năm tháng rộng dài thêm.
Ông chìm đắm trong trời biển mênh mông, sóng biển rì rào hát đêm ngày, cỏ cây hoa lá tốt tươi khoe sắc..
Sáu năm lặn lội lang thang, ba năm trồng cây, đào đầm nuôi tôm dọc bờ biển, và bao chiều mưa thấm đẫm nỗi buồn trong cô đơn.
Giờ ông có một dải đất dài xa mút tầm mắt, có đầm tôm, ao cá, có tiểu cảnh bồng lai, có rừng dừa xanh ngát, chòi lá đơn sơ, có bãi cát mịn màng..
Ông thuê tám người ở làng ra phụ giúp chăm sóc ruộng vườn, đầm tôm, ao cá. Chưa giàu có nhưng cũng dư dã, thoải mái. Mẹ ông không còn vất vả. Lòng buồn nhưng thời gian cũng dần xa. Ông thanh thản hơn với mây trời, gió biển, tán dừa xào xạc, sóng biển rì rào êm êm trong giấc ngủ của ông. "Má không sống đời với con được, Tuấn à. Con coi có cô nào mà lấy làm vợ, có con cho vui cửa vui nhà!" Mẹ ông nói thế không biết bao nhiêu lần.
Cứ thế ngày tháng qua..
Một ngày, có một xe con sang trọng đến nhà ông bên biển.
Người khách là một doanh nghiệp nước ngoài chuyên về khai thác cát làm thủy tinh cao cấp. Qua người thông dịch, người khách muốn thuê một phần dải đất của ông với rất nhiều tiền, gấp năm mươi lần huê lợi trên đất hiện tại ông kiếm được hàng năm.
"Để tôi xem." Ông trả lời họ.
Tối đó ông lên mạng tìm hiểu về khai thác cát trong công nghiệp làm thủy tinh cao cấp. Ông biết họ thu lời nhiều, và ông cũng có nhiều tiền. Nhưng ông cân nhắc, đắn đo mãi về việc phá hủy môi trường trên khu đất của ông, mất đi bình yên thanh vắng trong những chiều mưa của ông, làm nhiễu đi tiếng sóng biển rì rào êm đềm trong giấc ngủ và ký ức của ông.
Một ngày, tháng sau đó, có một khách đầu tư nước ngoài nữa đến gặp ông bên bờ biển. Mới gặp ông có thiện cảm với người này. Qua trao đổi, ông biết khách là nhà đầu tư về khách sạn và du lịch biển. Họ muốn thuê đất làm resort. Đúng theo mong muốn của ông.
Thế là hai bên bắt tay vào hợp tác. Sau bốn năm, một phần trên đất ông trở thành resort cao cấp nghỉ dưỡng đầu tiên. Đa số nhận khách du lịch nước ngoài từ công ty mẹ của nhà đầu tư gửi sang. Một số khách trong nước giàu có cũng đến ở resort của ông.
Ông Tuấn trở thành tỉ phú có trong ngân gần năm mươi tỉ chỉ sau năm năm hợp tác làm resort.
Cũng thời gian này ông gặp và lập gia đình với Hoàng, một sinh viên ngành du lịch mới ra trường, trẻ trung, xinh đẹp. Ông nghĩ, tuổi đã lớn, mẹ già mong có cháu ẵm bồng. Hoàng thì mê ông như điếu đổ, một doanh nhân thành đạt, có uy tín trong ngành du lịch. Đã gần bốn mươi, nhưng ông trẻ trung, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, hoạt bát.
Thằng Bom chào đời trong sự chờ đợi của gia đình, nhất là mẹ ông. Dù bà không hài lòng với con dâu của mình, nhưng thằng Bom là nam châm cho ba người lớn trong nhà gần nhau hơn. Bốn năm sau đó, bé Ti, con gái ông được vợ ông sinh ra trên mảnh đất yêu thương này. Gió cát giờ đây cũng hết khô cằn trên dải đất của ông, nhờ cây cối tốt tươi vì được chăm sóc chu đáo.
Năm thằng Bom lớp bốn, gia đình ông về thành phố để thuận lợi cho việc học của con.
Ông mua căn biệt thự lớn trong khu biệt thự, có bảo vệ, có tường rào bao quanh, có camera an ninh. Ông chọn khu này vì gần ngoại thành, bên kia xóm nghèo là cánh đồng và dòng sông nên rất mát.
Về khu biệt thự, ông ít giao du với mọi người. Trái lại, vợ ông trẻ trung, xinh đẹp, như cá gặp nước. Nhiều dịch vụ cao cấp có trong khu biệt thự cũng như gần đó, nhiều câu lạc bộ thể thao, thầm mỹ.. bà Hoàng đều tham gia và giao lưu rộng.
Sau gần năm năm ở khu biệt thự, ông Tuấn chỉ quen biết xã giao với ít người. Chỉ với thầy giáo Tân là ông gần gũi, như người thân thuộc. Ngày hai anh em gặp nhau ở quán cà phê trước khu biệt thự, hai người có cảm tình và quý mến nhau ngay. Thầy Tân có màu da trắng sáng, vầng trán rộng, nhất là đôi mắt, to, đen tròn, hiền và đôn hậu toát ra từ đó. Ông Tuấn ngày càng thân thiết với thầy Tân, nhiều chuyện ông đều tâm sự với anh. Cũng qua đó, thầy Tân đã giúp ông nhiều. Như việc thằng Bom, có thầy Tân và thằng út Lãm con ông mới nên người. Qua thầy Tân ông có được cô Hoa quán xuyến nhà cửa cơm nước cho nhà ông. Mấy đứa con bà Thoa bên xóm nghèo đáng tin cậy và chịu khó nên trở thành như người nhà giúp ông biết bao việc. Đôi mắt thầy Tân chứa đựng tình yêu thương, tin cậy trong đó. Nhưng trong đôi mắt ấy ông còn cảm nhận một điều gì khác lạ, như là ông đã gặp anh từ đâu đó trong tiềm thức của mình.
Rồi ông nhớ về đôi mắt cũng to, đen tròn đằm thắm, sâu lắng của người con gái ông yêu. Có lẽ tình yêu ấy trong ông không đổi thay. Ông đã gặp nhiều cô gái khác sau đó nhưng chẳng rung động được.
Đôi mắt đen tròn, tình cảm và chất chứa bao nỗi niềm của Thùy theo ông mãi trong những chiều mưa biển quê ông, trong tiếng sóng biển rì rào bao đêm đưa ông vào giấc ngủ. Giờ đây, ông thấy đôi mắt ấy như hiện hữu gần bên ông!
Ông Tuấn như cảm nhận bàn tay mềm mại của Thùy đang mân mê, xoa nắn yêu thương trong tay ông. Hình như cô ấy đang khóc, những giọt nước mắt buồn tràn xuống đôi má trắng mờ. Cô lau mắt, tay vén những sợi tóc mai trên vành tai trắng sáng, cử chỉ thân thuộc mà ông yêu thương. Ông như nghe tiếng bà Thoa, tiếng nói chập chờn. Bà nói thương ông, bà vuốt tóc ông như mẹ ông ngày xưa. Bà sụt sùi.. Rồi ông chìm vào giấc ngủ dịu êm với sóng biển rì rào, rì rào. Gió biển mơn man tóc, mặt ông.. Sóng biển rì rào êm dịu, dịu êm.. lá dừa xào xạc. Xào xạc.. Ông ngủ, giấc ngủ dài..
"Còn mãi khung trời đó
Mình gặp nhau lúc đầu
Ngày tháng thơ mộng đó.." (*)
(*) Mưa trên biển vắng- nhạc Pháp, lời Việt: Nhật Ngân.