Tiêu Vĩnh Gia trở lại yến đường, ngồi trở lại.
Huyện chủ thấy bà trở lại nhanh như vậy thì không khỏi kinh ngạc, ngừng màn phát cơm chó với trượng phủ trẻ, hỏi về Cao Kiệu.
Tiêu Vĩnh Gia bưng cốc rượu đã được hầu nam trẻ rót đầy đặt ở trước mặt, nhấp một ngụm, cười gượng:
– Ông ấy có việc khác đi về rồi.
Huyện chủ là người có trái tim nhạy cảm, thế là mượn cớ đi ra ngoài hỏi hạ nhân về Cao Kiệu.
Người hầu nói vừa rồi cũng không biết hai người nói gì đó, sau đó thì Cao tướng công liền bị trưởng công chúa đuổi đi, bèn vội vàng đuổi theo ra đến cửa, mời ông dừng bước.
– Hiếm khi Cao tướng công tới nhà tôi, sao không vào ngồi mà đã đi rồi, bị người ta biết chẳng phải nói tôi tiếp đón không chu đáo.
Khi Cao Kiệu tới, chỉ cảm thấy trong bụng có rất nhiều cảm xúc, chờ khi nhìn thấy người rồi, bị dăm ba câu của Tiêu Vĩnh Gia làm cho nản lòng.
Hơn nữa chuyện lúc trước thấy thê tử không chịu thông cảm, càng thấy xấu hổ hơn.
Một mình buồn bã đứng tại chỗ một lát, cuối cùng đành phải đi về.
Ông là người không bỏ được mặt mũi, chỉ nói rằng Tiêu Vĩnh Gia không muốn nhìn thấy mình, ông không có lý do gì mà ở lại cả.
Còn nói sáng mai phải lâm triều, từ biệt huyện chủ rồi đi.
Huyện chủ nhìn theo Cao Kiệu cùng tùy tùng cưỡi ngựa rời đi, quay lại vào trong, thấy Tiêu Vĩnh Gia có vẻ như cũng mệt mỏi, liền giải tán dạ yến, tự mình đưa bà về chỗ nghỉ.
Tiêu Vĩnh Gia nói:
– Ta chẳng phải người ngoài, cứ để ta tự nhiên.
Muội mau về đi, tránh để tiểu lang thấy mình bị lạnh nhạt.
Huyện chủ phì cười:
– Huynh ấy ước gì muội ở chỗ tỷ lâu hơn í.
Đàn ông trên đời này có người nào mà không trộm tanh đâu? Thôi thì mình cứ mắt nhắm mắt mở, chỉ cần ở trước mặt muội thành thật ngoan ngoãn, dỗ dành muội vui, muội sẽ không tính toán.
Tiêu Vĩnh Gia lắc đầu.
Huyện chủ liếc bà.
– Nhưng mà cái gì cũng có ngoại lệ.
Muội chưa từng nghe nói đến Cao tướng công có chuyện phong lưu gì cả.
A Lệnh à, không phải muội lắm miệng đâu, nhưng huynh ấy là một người bận rộn như thế, nói cái gì mà việc gấp, việc gấp thì sao lại tới đây? Tỷ giữ huynh ấy lại một tối thì mất miếng thịt nào không? Mới rồi muội đi tiễn huynh ấy, nhìn dáng vẻ đó của huynh ấy cũng thấy không đành lòng.
Tiêu Vĩnh Gia ngồi trước bàn trang điểm, tháo mái tóc xuống, ban đầu không nói gì, nghe huyện chủ đang nói lại bật cười, như là nghĩ tới chuyện thú vị gì đó, không nhịn được thì lườm cô ấy một cái:
– Sao muội lại cười thế?
Huyện chủ nói:
– Muội đột nhiên nhớ tới một chuyện lúc còn trẻ.
Nhớ trước đây, có bao nhiêu cô gái nhà lành nằm mơ cũng muốn gả cho phiên nhiên Thế tử lang Cao thị, ai mà nghĩ được huynh ấy hiện giờ bị tỷ ghét bỏ như thế? Bây giờ nhớ lại, chuyện khi xưa đó dường như mới chỉ xảy ra ngày hôm qua.
Soi gương đi tỷ, chúng ta đều đã già rồi.
Tầm này nếu như muội có chuyện không như ý thì thường xuyên lôi ba gã đàn ông đã chết kia mắng chửi một trận cho hả.
Thêm mấy năm nữa, nói không chừng mình nằm ở đâu cũng không biết, nếu như có chuyện gì luẩn quẩn ở trong lòng, cần gì phải một hai tranh luận ra phải trái đúng sai chứ đúng không tỷ?
Tiêu Vĩnh Gia gỡ búi tóc xuống, mái tóc dài đổ xuống, nhìn mình trong gương, ngồi yên.
Huyện chủ thấy bà hoảng hốt thất thần không nói gì, tự biết mình nói lỡ, vội nói:
– Tại muội lắm lời.
Nhà nào cũng có điều khó nói, tỷ sao giống muội đúng không? Mời tỷ tới nhà của muội vốn là để vui vẻ, thế mà lại nói những lời khiếến tỷ không vui.
Tỷ đừng để ở trong lòng.
Tiêu Vĩnh Gia cười cười, đưa tay cầm lược lên, chợt nghe bên ngoài có tiếng bước chân, hạ nhân bẩm báo:
– Trưởng công chúa, huyện chủ, không tốt rồi.
Vừa rồi Cao tướng công bị ngã ngựa, tay bị gãy, đã được đưa lại đây rồi.
Huyện chủ kêu lên sợ hãi
Tiêu Vĩnh Gia tay khựng lại, buông lược xuống đứng bật dậy, đi vài bước ra cửa kéo cửa ra, bước nhanh đi ra.
Đi đến tiền đường trông thấy Cao Kiệu ngồi đó, tay phải đỡ tay trái, nhíu mày nhịn đau, sắc mặt cũng tái nhợt, Cao Thất thì đứng bên cạnh đáng nói chuyện với quản sự trong phủ Huyện chủ, dừng bước lại, tức giận mắng lên:
– Cao Thất, ngươi làm gì mà ngay cả bảo hộ chủ nhân cũng không được thế?
Cao Thất hoảng sợ, liên tục nói xin lỗi, nói là trời tối đường hẹp, nhất thời không để ý, không nhìn thấy đường, khiến cho vó ngựa đạp phải một cái ổ trâu ở trên đường, làm tướng công bị ngã xuống.
– Thôi, là tự ta không cẩn thận, không liên quan đến người ta.
Cao Kiệu lên tiếng.
Tiêu Vĩnh Gia nghe thế mới không mắng nữa, đến bên ông hỏi tình trạng vết thương của ông.
Bên kia quản sự cũng đã cho người đi mời lang trung đến.
Chẳng mấy chốc, lang trung đã tới, kiểm tra một hồi, nói là xương cánh tay bị gãy, chỉnh vị trí xong, lại lấy hai miếng trúc kẹp cố định rồi băng bó.
Một trận rối ren qua đi, cánh tay bị thương cũng đã xử lý xong, mấy người lang trung đều lui xuống, Cao Kiệu cảm ơn huyện chủ, sau đó đứng lên nói phải đi về.
Tiêu Vĩnh Gia chau mày, nói:
– Buổi lâm triều ngày mai thiếu mình thì thành sập à? Tối lửa tắt đèn, mấy chục dặm đường, bị ngã gãy một tay còn không đủ, mình muốn gom đủ cả hai tay mới vừa lòng có phải không? Tự mình không ngại thì thôi, nhưng ít nhất cũng phải thông cảm cho hạ nhân đi theo mình chứ.
Cao Thất thấy tướng công bị trưởng công chúa trách móc thì sợ hãi, lặng lẽ liếc nhìn, thấy ông yên lặng không nói gì.
– Tối nay để ông ấy ở lại đây.
Làm phiền muội rồi.
Huyện chủ nói:
– Là muội cầu còn không được ấy.
Cũng muộn rồi, vợ chồng tỷ mau đi nghỉ ngơi đi.
Muội còn chút việc không ở lại đây nữa, muội xin đi trước ạ.
Cô ấy phân phó quản sự dẫn mấy người Cao Thất đến chỗ nghỉ, mình thì cũng rời đi.
Tiêu Vĩnh Gia quay sang Cao Kiệu.
– Mình đi theo tôi.
Cao Kiệu lặng lẽ đi theo Tiêu Vĩnh Giao đi vào phòng ở của bà.
Hạ nhân chuẩn bị nước.
Tiêu Vĩnh Gia đi tắm rửa xong đi ra, trên người đã đổi sang bộ trung y rộng rãi, nhìn Cao Kiệu đang cố sức dùng một tay cởi áo ngoài ra thì đứng lại:
– Có cần tôi giúp mình không?
– Không cần không cần, tự ta làm được…
Cao Kiệu vội từ chối, còn quay người đi.
Động tác quá nhanh làm cho cánh tay bị thương kia bị động vào, ông hơi hít hà lên một tiếng.
Tiêu Vĩnh Gia cắn môi, đi qua một tay nắm lấy cánh tay còn lành lặn của ông, kéo ông ra sau, mặt đối mặt với mình, vừa cởi y phục cho ông vừa cười chế giễu:
– Còn tưởng mình vẫn là trái thơm ai cũng muốn cắn một miếng à!
Cởi y phục cho Cao Kiệu xong, bà lại đi vào trong phòng tắm, cầm lấy khăn tắm đã vắt khô bảo ông quay người lại, rồi lau mồ hôi sau lưng cho ông, sau đó ném khăn tắm vào tay ông.
Cao Kiệu cầm khăn lau lẳng lặng đi vào phòng tắm, một lát sau đi ra, Tiêu Vĩnh Gia chỉ vào thuốc vừa được đưa tới đặt trên bàn, bảo ông uống.
Cao Kiệu cầm uống lên, đặt xuống, quay lại thấy bà vẫn còn ngồi ở mép giường thì chần chừ, chậm rãi đi qua, cũng ngồi xuống bên vợ.
– A Lệnh, cảm ơn nàng….
– Ngủ đi.
Tiêu Vĩnh Gia che miệng ngáp một cái, bò lên giường, quay mặt vào trong nằm xuống.
Cao Kiều sửng sốt một lát, sau đó chậm rãi nằm xuống, nhưng làm sao ngủ được? Cánh tay bị ngã gãy đau nhưng nhức.
Nghĩ Tiêu Vĩnh Gia rất ghét mình, bỏ lại ông tự mình chạy tới chỗ này tìm niềm vui, ở đây mấy ngày liền.
Lại nghĩ đến tiểu lang trẻ tuổi của huyện chủ.
Nghĩ đến thê tử mình nằm trên giường thêu, hầu nam tuấn tú xinh đẹp như hoa, quyến rũ phong tình tranh nhau hầu hạ vợ mình đi guốc.
Lại nghĩ đến con gái yêu từ nhỏ tri kỷ luôn thấu hiểu mình thế nhưng cũng đã bị Lý Mục giành mất, không cần mình nữa.
Mà tức nhất là ngay cả Cao Hoàn cũng bắt đầu không nghe lời mình rồi.
Giấc mộng Bắc phạt lúc còn trẻ từ lâu đã không thành công, mà người con rể tự đưa tới cửa kia hình như có dáng vẻ kế thừa ý chí của ông thế mà lại có ý muốn trở thành một nghịch thần.
Mà triều đình hiện giờ chia năm xẻ bảy, dù cho ông có dốc hết sức lực khổ tâm gầy dựng cũng chỉ vẫn nửa sống nửa chết, miễn cưỡng duy trì.
Cao Kiệu bụng đầy chua xót, đột nhiên cảm thấy sống chẳng còn gì thú vị nữa, nhắm mắt lẩm bẩm:
– A Lệnh ơi, thôi ta nghĩ thông rồi.
Giờ ta đã già rồi, nàng vẫn còn trẻ, nếu như nàng giống như huyện chủ đã có người vừa ý khác, muốn bỏ ta, muốn hòa li, vậy thì ta nghe theo nàng, ta không ngăn cản…
Tiêu Vĩnh Gia ngồi dậy.
– Cao Kiệu, những gì mình nói là thật à?
Cao Kiệu mở mắt ra, thấy ánh mắt thê tử lạnh lùng nhìn mình, bỗng nhiên thấy hụt hơi, ngập ngừng nhắm mắt lại không nói gì.
– Mình lặp lại lần nữa đi?
Cao Kiệu vẫn không nhúc nhích, như là đã ngủ.
Tiêu Vĩnh Gia nhìn trượng phu, yên lặng ngồi một lát.
– Ở trong mắt mình, là tôi không muốn sống cùng mình nữa, chính là bởi vì tôi thay đổi, tôi muốn gả cho người khác? Trong mắt mình, Tiêu Vĩnh Gia là người thế nào? Ghen tị, tác oai tác quái, ác độc, động một chút là đòi giết người, có phải thế không?
– Mình đừng có giả chết nữa! Mình nói đi.
Bà nắm tay đấm mạnh vào vai ông.
Cao Kiệu mở mắt ra:
– A Lệnh, ta không nói như vậy…
– Nhưng ông có nhận định như thế!
Mắt bà đỏ hoe lên, hơi thở cũng run rẩy.
– Nếu tôi nói năm xưa người ép bức Thiệu Ngọc Nương không phải do tôi sắp xếp.
Cả việc an bài sát thủ muốn giết Lý Mục tôi cũng không mảy may biết, mình có tin tôi không?
Cao Kiệu ngẩn ngơ:
– Không phải nàng, thế đó là ai?
Nước mắt rốt cuộc rớt xuống.
Tiêu Vĩnh Gia lấy tay lau nước mắt, ngoảnh mặt đi, thở ra một hơi thật dài, quay mặt lại đối mặt với Cao Kiệu, lại như mỉm cười.
– Bây giờ lại thêm một tội là có mới nới cũ nữa.
– Bà gật đầu, – Cũng làm khó cho mình đã chịu đựng tôi nhiều năm như thế, phí hoài thời gian của mình.
Bây giờ nghĩ thông suốt là tốt nhất.
Thế thì cứ thế đi, về sau mình đi đường của mình, tôi đi đường của tôi, hai chúng ta không liên quan gì đến nhau nữa.
Nói xong, bà bước xuống giường.
Cao Kiệu kịp phản ứng, biết mình đã nói sai rồi.
Dù ông có ngốc đến mấy cũng nghe ra những tủi hời ấm ức và đau khổ trong lời nói của vợ, lại bấy bà kiên quyết muốn đi thì luống cuống.
Ông thật sự rất yêu Tiêu Vĩnh Gia, đặt biệt là luôn nhớ lúc còn trẻ, thời điểm mấy năm đầu hai người mới thành hôn.
Sự nhiệt tình của bà luôn khiến ông có chút choáng ngợp, ngoài mặt thì ông không thể hiện gì, nhưng trong lòng thì lại rất thích.
Bởi thế về sau tuy rằng có nhiều bất mãn đối với bà, nhưng mà vẫn luôn nhường nhịn, nhẫn nhịn, chỉ mong bà có thể hối cải.
Ông cũng không phải thánh nhân, hoàn toàn không có tạp niệm phàm tục.
Mấy năm nay, quan hệ hai vợ chồng lạnh nhạt đến mức này, có vợ cũng như không.
Sở dĩ ông từ bỏ d*c vọng, mãi mãi không đi tìm tình yêu mới là vì biết bà rất ghen tuông, không muốn bởi vì chuyện này mà hai người hoàn toàn trở mặt với nhau.
Nhưng khi còn trẻ, hai người mới vừa thành hôn, quan hệ vợ chồng luôn là Tiêu Vĩnh Gia bám dính lấy ông.
Cao Kiệu có thói quen tiếp nhận, cũng hưởng thụ sự ân cần đến từ công chúa kiều thê, cho nên dù là rất yêu nàng nhưng lại ít khi chủ động bày tỏ tình yêu.
Về sau quan hệ vợ chồng của hai người chuyển sang lạnh nhạt, Tiêu Vĩnh Gia không còn bám dính lấy ông nữa.
Nhưng nhiều năm tới nay, thói quen không bộc lộ ở trước mặt vợ đã ăn sâu bén rễ khó có thể thay đổi.
Đối với sự lạnh nhạt của thê tử, cho dù có lúc ông muốn giữ lại hoặc là lấy lòng cũng không làm được, không nói ra lời được.
Vì thế dần dần trở nên nhu nhược, nghĩ không cần so đo với bà, nhường bà, khiến cho bà hài lòng, được chăng hay chớ là được.
Ngày này qua ngày khác, cứ tiếp diễn như thế.
Giờ phút này, cuối cùng ông cũng bất chấp da mặt mỏng, vội vàng duỗi tới kéo vợ lại:
– Đã muộn thế này rồi, bên ngoài tối om, nàng còn định đi đâu được.
Tiêu Vĩnh Gia bị trượng phu vây ở trên giường, trong lòng bực bội, hậm hức đẩy ông.
Cao Kiệu ngã xuống, khi nghiêng người, cánh tay bị thương kia lại bị đ è xuống dưới.
Tiêu Vĩnh Gia Nghe tiếng ông kêu đau thì giật mình đứng lại, quay lại.
Thấy trượng phụ yếu ớt đến mức bị mình đẩy cái là ngã xuống giường, không nhúc nhích thì rất kinh ngạc, lại thấy khuôn mặt ông nhăn lại, tỏ vẻ rất đau đớn.
– Mình sao rồi? Có cần gọi người đến băng bó lại cho mình không?
Một lát sau, bà nói, giọng vẫn lạnh nhạt như cũ.
Cao Kiệu lắc lắc đầu, cau mày nhịn đau, chậm chạp lật người lại, nâng cánh tay lành lặn lên bắt lấy tay bà.
– A Lệnh, ta thật sự mệt…Nàng đừng đi mà, nằm xuống ngủ với ta đi.
Có gì muốn nói nàng cứ nói với ta…
– Nàng không nói gì, chỉ giận ta, đuổi ta đi, ta làm sao biết phải làm gì…
Lần đầu tiên trong cuộc đời Tiêu Vĩnh Gia thấy trượng phu lộ vẻ mệt mỏi trước mặt mình.
Trong giọng điệu của ông thậm chí còn mang cảm giác yếu ớt bất bực, mà trong hai mươi năm nay, bà đã quen với những bài giáo huấn bài bản và chiếu lệ rồi.
Tiêu Vĩnh Gia chợt nhớ tới lúc nãy mình lau người cho ông, thắt lưng và xương sườn của ông gầy đến mức gần như lộ rõ xương, không còn sức mạnh tiềm ẩn như khi còn trẻ.
Thì ra bất tri bất giác, ông cũng già rồi.
Trong lúc nhất thời bà chợt thấy mù mịt.
Cao Kiệu hơi dùng sức một chút, bà liền đổ xuống, ngã vào ngực trượng phu.
Hai người bốn mắt nhìn nhau.
– A Lệnh…
Cao Kiệu khe khẽ gọi tên vợ, đưa tay lên muốn vén lọn tóc rũ xuống trước trán vợ, bên ngoài chợt có tiếng bước chân gấp gáp, có người hô:
– Cao tướng công! Trong cung xảy ra chuyện lớn rồi, cần tìm tướng công gấp.
Cao Kiệu khựng lại, lại cùng Tiêu Vĩnh Gia bốn mắt nhìn nhau.
Khuya khoắt như thế, mình lại không ở trong thành, nếu không phải chuyện lớn thì chắc chắn sẽ không đến tận đây tìm mình.
Tiêu Vĩnh Gia sắc mặt hơi đổi, nhanh chóng rời khỏi người trượng phu, đi xuống giường, thấy ông cũng ngồi dậy cúi xuống xỏ giày bằng một tay bèn ngồi xuống, đi vào cho ông, giúp ông mặc y phục.
Cao Kiệu mặc xong quần áo vội vàng đi ra ngoài, đi đến tiền đường, thấy trong ánh nến một người đang nôn nóng đi đi lại, là Đài Thành Vệ Trần Đoàn, bèn hỏi:
– Là chuyện gì?
– Tướng công, trong cung truyền ra tin tức, bệ hạ phát bệnh cấp tính, hình như không nhẹ, Hứa Tư đồ bị hoàng hậu triệu vào ngay trong cung, tôi sợ là có chuyện lớn nên đã lập tức đi tới đây tìm ngài.
Ngài mau đi về đi.
Cao Kiệu giật mình chấn động.
Hoàng đế lần trước phát bệnh, sau khi được Cao Kiệu cảnh cáo thì cũng rất sợ rồi.
Sau đó, người trong cung của Cao Kiệu truyền cho ông tin tức, nói chưa thấy bệ hạ tái dùng ngũ thạch tán lại, cũng rất ít đi đến chỗ mấy hậu phi sủng ái kia mà thường ở trong tẩm cung của hoàng hậu.
Hoàng đế ở trong cung hoàng hậu rất phù hợp nhân luân, nghĩ chắc chuyện phòng the hẳn có tiết chế hơn so với trước, với hoàng đế bị chứng thể hư mà nói thì rất có lợi.
Hơn nữa trong thời gian này Cao Kiệu thấy sắc mặt hoàng đế hồng hào, lúc triều hội tinh thần tốt hơn trước đây rất nhiều, cũng dần dần yên tâm hẳn.
Nào có thể nghĩ tối nay lại đột nhiên phát bệnh cấp tính?
Cao Kiệu lòng nóng như lửa đốt, biết Tiêu Vĩnh Gia cũng sẽ về cùng, phân phó bà ngồi xe, không cần phải đi gấp, mình thì sẽ cưỡi ngựa về trước.
Tiêu Vĩnh Gia rất lo âu, nhìn theo đoàn người Cao Kiệu vội vã cưỡi ngựa đi rồi, bèn hỏi mượn hai con khoái mã từ chỗ huyện chủ nghe tin cũng đã tới, đổi sang xe trâu ngay sau đó quay về thành.
Cao Kiệu chạy về Kiến Khang, đi thẳng vào Đài Thành, lập tức tiến cung.
Tân An vương Tiêu Đạo Thừa cũng tới.
Lần này, Hứa Hoàng hậu cũng không có ngăn cản gì.
Cao Kiệu cùng Tiêu Đạo Thừa vội vàng đi vào, thấy Hứa Tiết đang đứng trước long sàng lạnh giọng quát thái y đang quỳ dưới đất.
Hứa hoàng hậu thì ôm thái tử nhỏ tuổi đứng một bên khóc nghẹn ngào.
Hoàng đế ban ngày còn khỏe mạnh bình thường lúc này đang nằm trên long sàng, miệng và mắt cụp xuống, bất động.
– Bệ hạ!
Cao Kiệu hãi hùng, bước nhanh tới trước long sàng gọi lên.
Con ngươi của hoàng đế khẽ chuyển động, nhìn ông, mặt nghẹn đến mức đỏ bừng, như là muốn nói gì đó, dùng hết toàn lực miệng chỉ mấp máy, trong cổ họng phát ra vài âm thanh mơ hồ khó hiểu.
Đôi tay cũng không thể cử động, chỉ có đầu ngón tay là hơi run rẩy một chút.
– Bệ hạ! Đang khỏe mạnh sao ngài lại thế này!
Dẫu sao thì 20 năm quân thần, lại là anh rể em cậu, tuy rằng mấy năm nay quan hệ giữa Cao Kiệu và Hưng Bình Đế càng ngày xa cách nhưng rốt cuộc vẫn có tình nghĩa cũ, thấy thế, giọng cũng nghẹn ngào.
Hứa Tiết mắt rưng rưng, bỏ mặc thái y bị mình mắng chửi xuống, đi tới nói:
– Cao tướng công, thật sự là sự việc quá đột ngột, ta cũng đang ngủ thì bị gọi đi, lúc tới đây thì bệ hạ đã như thế này rồi.
Cung nhân nói bệ hạ bị gặp ác mộng kêu rất to, ngã xuống giường, sau đó thì hôn mê bất tỉnh, thái y tận lực cứu trị, lúc tỉnh lại thì như thế này.
Ta sợ là trong thời gian ngắn rất khó có thể khỏi hẳn, chỉ đành phải từ từ điều dưỡng.
Chỉ mong bệ hạ cát nhân thiên tướng, sớm hóa nguy thành an.
Cao Kiệu hai mắt đỏ bừng, nhìn về phía thái y.
Một thái y sợ hãi nói:
– Bệ hạ từ trước đến nay luôn bị thể hư, lại hỏa vượng, không điều hòa được.
Lần trước vì sự cố dùng ngũ thạch tán mà suýt nữa xảy ra chuyện, tướng công chắc cũng đã biết.
Thời gian này tuy bệ hạ không uống thuốc nhưng độc thời trẻ đã ăn sâu vào trong tạng phủ, không tiêu hết được.
Giờ lại bị gặp ác mộng, nỗi lòng quá khích lại ngã xuống đất, dẫn đến đột quỵ, cho nên mới…
Thái y không ngừng dập đầu, nói sẽ toàn lực cứu trị, chữa khỏi cho hoàng đế.
Cao Kiệu nhìn sang Tân An vương Tiêu Đạo Thừa đứng một bên.
Y yên lặng nhìn hoàng đế, mặt như màu đất.
Phàm là ai bị mắc bệnh trúng gió hiếm có thể khỏi hẳn, đặc biệt là bị nặng như hoàng đế.
Khả năng lớn nhất chính là cứ như thế này sống dở chết dở, nằm trên giường, thoi thóp trút hơi thở cuối cùng.
Hoàng đế đột nhiên mất khả năng chấp chính, trong thời gian ngắn còn được, nhưng nếu thời gian dài, nước không thể một ngày không có vua, sớm hay muộn cũng cần để Thái tử đăng cơ.
Thái Tử đăng cơ, có Hứa Hoàng Hậu được thăng làm thái hậu cùng với Hứa Tiết, sau này trong triều đình bao gồm cả thân phận lẫn địa vị sợ rằng càng bị kiềm chế nhiều hơn – nếu không phải là không từ bỏ được thời cuộc thì ông đã có lòng lui về từ lâu rồi.
Huống chi là hoàng tộc dựa vào hoàng đế mà đoạt quyền?
Chỉ là vốn tưởng rằng là chuyện tương lai, không nghĩ tới hoàng đế đột nhiên mắc bệnh hiểm nghèo như vậy, khiến người ta hoàn toàn trở tay không kịp.
Cao Kiệu nhìn Hứa Hoàng Hậu ôm Thái Tử, cúi đầu lau nước mắt, lại nhìn hoàng đế nằm trên long sàng, đang hơi thất thần, bỗng nhiên nghe được phía sau có tiếng bước chân chạy gấp, quay đầu lại thấy thê tử Tiêu Vĩnh Gia cũng đã chạy tới.
– A đệ!
Tiêu Vĩnh Gia lao vào trong xông đến trước giường, cầm lầy một bàn tay của Hưng Bình Đế, nước mắt tuôn trào.
Hoàng đế thấy bà tới, đột nhiên mở to hai mắt, đồng tử liếc về phía hoàng hậu, ra sức mấp máy môi như là muốn nói gì đó nhưng mà vẫn không thể nói nên lời, mà ngược lại có lẽ dùng quá sức, sắc mặt đỏ bừng lên, đột nhiên hai mắt trợn ngược, ngất đi.
Hứa Tiết hoảng hốt, Tiêu Đạo Thừa thì như cha mẹ chết, Thái tử gào khóc, thái y xông tới, luống cuống cấp cứu.
Tiêu Vĩnh Gia nhìn a đệ của mình, từ từ buông tay, xoay người đi ra ngoài.
Cao Kiệu thấy bà sắc mặt tái nhợt, biết hoàng đế chắc chắn không xong rồi, bèn đuổi theo, đang muốn kêu vợ đi nghỉ để lấy sức, Tiêu Vĩnh Gia lại bỗng nhiên dừng lại, nói:
– A đệ của tôi đột nhiên phát bệnh nặng, chắc chắn có nội tình khác.
A đệ có chuyện, chắc là muốn nói đã bị người ta hãm hại nhưng mà không thể nói được.
Tôi đã biết.
Cao Kiệu sửng sốt, nhìn thê tử, lập tức gọi Trần Đoàn tới.
Một lát sau, Trần Đoàn mang đến một cung nhân, là người hầu cận bên cạnh Hưng Bình Đế.
Tiêu Vĩnh Gia thần sắc nghiêm khắc, nhìn chằm chằm cung nhân kia rất lâu mới hỏi:
– Vì sao dạo gần đây bệ hạ lại ở lâu dài trong cung của Hoàng hậu?
Cung nhân không dám nhìn bà, cúi đầu lắp bắp:
– Bẩm trưởng công chúa, nô không biết ạ.
– Ở trong cung hoàng hậu dạo gần đây có người lạ nào ra vào không?
– Bẩm trưởng công chúa, nô cũng không biết rõ ạ…
Tiêu Vĩnh Gia lạnh lùng nói:
– Ngươi là nô bộc, thế mà cái gì cũng không biết.
Bệ hạ bị hầu hạ thành như này, vậy thì giữ mạng ngươi lại còn tác dụng gì.
Kéo ra ngoài, chém!
Trần Đoàn bước lên kéo cung nhân kia đi.
Cung nhân biết trưởng công chúa này mấy chục năm kiêu ngạo bá đạo, hiện tại lại giận chó đánh mèo với mình, muốn chém đầu mình chỉ vì lời nói suông của mình, vì quá sợ mà hai chân mềm nhũn ngã xuống đất, nhào tới cầu xin:
– Trưởng công chúa tha mạng! Nô tì cũng có nghi ngờ một người, nhưng mà nô không dám khẳng định, với lại bệ hạ vẫn luôn nghiêm lệnh, không cho phép nô lan truyền ra ngoài, cho nên nô tì không dám nói ạ.
– Là chuyện gì?
Việc đã đến nước này, cung nhân nào còn dám giấu giếm, thấp giọng nói:
– Thời gian này bệ hạ thường ra vào trong cung hoàng hậu chính là bởi vì chỗ hoàng hậu có một thị nữ mới tiến cung.
Thị nữ kia là người Tiên Bi, là do Mộ Dung Thế hiến cho hoàng hậu, không biết về sau thế nào, bệ hạ…
Cung nhân còn chưa nói xong, Cao Kiệu đã bừng tỉnh ngộ, giận giữ đến mức hai mắt tối sầm suýt nữa ngất đi, thân mình loạng choạng, chưa đợi ổn định tinh thần đã nói:
– Người dâu, lập tức bắt Mộ Dung Thế lại, nếu có phản kháng thì giết ngay không luận tội.
– Từ đã, phải giữ người sống.
Khi Trần Đoàn đi, Cao Kiệu lại lạnh lùng nói thêm một câu.
Hết chương 79.