Xuân Yến

Quan Âm Các non trẻ
hơn, nhưng cũng đã tồn tại đến sáu trăm năm, từng trùng tu một lần vào
thời nhà Thanh. Cây cầu vòm bằng gỗ này có kết cấu cầu vồng, mỗi nhịp
gồm bốn thanh rầm, tạo thành hình chữ Tinh. Lực ma sát giúp các cấu kiện khít vào nhau nên không cần đinh tán. Nguyên lý đơn giảm mà kì diệu này tạo nên sự vững chắc và cân đối. Mặt cầu dựng cột và lan can bằng gỗ
mộc sơn đỏ, lại lợp ngói xanh để tránh mưa gió làm hư tổn. Cây cầu cổ
kính này, cùng với núi đồi, sông ngòi, làng mạc, rừng cây xung quanh soi vào nhau, toát lên một thứ khí chất hài hòa đĩnh đạc.

Làng quê
ngày đông tiêu điều se sắt, đen trắng rõ ràng. Đường ven ruộng lâu ngày
không người quét dọn ngập đầy những rác, xác động vật náu trong bụi cây
hoang lương đang rữa nát. Túi ni lông trắng phơ phất khắp nơi, giống như cụm bông trắng xâm chiếm cành cây, lòng kênh, bãi cỏ, mặt nước. Ruộng
đồng chẳng còn sinh khí. Chỉ có một cây cổ thụ đứng ở đầu cầu, chạc cây
nảy nở vươn ra, tán lá xanh thẫm như một chiếc ô xòe lớn, có lẽ che được đến cả trăm người. Cô đã tra cứu, tuổi đời của cây long não cổ này cũng phải hơn nghìn năm. Bên khe suối có một cây lạp mai, cành là đan cài,
nở ra những bông hoa thơm vàng nhạt. Tựa như sự vật của hai tầng thời
gian gặp gỡ nhau trên một bình diện riêng biệt.

Xưa có cảnh, mục
đồng trong chiều ta, cưỡi trên lưng trâu thổi sáo, khoảnh ruộng ven núi, lúa xanh như sóng rập rờn, nông dân làm xong lục tục đi lên mặt đường
để về nhà, đám trẻ đùa nghịch đằng cổng làng xa, tiếng cười vui vấn vít
cùng khói bếp bay vào sơn cốc vắng, chó sủa, chim hót, vạn vật hiền hòa, lúc này chắc hẳn thi nhân ẩn cư sẽ mài mực trải giấy. pha trà gảy đàn,
cảm nhận ánh trời bóng mây của thời điểm tương giao đêm ngày. Mọi người
xây dựng nhà cửa, xây những cây cầu vòm với lan can mái che, đẹp đẽ vững vàng, dùng để hóng gió, qua sông, tránh mưa, cầu khẩn, tế tự, đùa
nghịch, nghỉ ngơi, ngắm cảnh, hẹn hò, chuyện vãn, ngồi chơi....Tình cảm
và sự sinh tồn của nhân thế, tất thảy những thời khắc u buồn hoặc thảnh
thơi, đều tìm được chỗ dựa trên đất này.

Giờ đây, những tồn tại
máu thịt dung hòa ấy đã tiêu tan hết. Đám đông lao động, súc vật chăn
nuôi, sản vật sinh sôi, đều bị quét sạch sẽ. Không còn âm thanh, không
còn mùi vị, không còn hơi ấm, không còn bếp lửa. Bao dấu vết từng có của cuộc sống đều biến mất cả, bỏ lại hư không. Người trẻ ùn ùn đi đến
những thị trấn náo nhiệt hoặc những thành phố xa xôi hơn. Thôn làng chỉ
còn người già, phụ nữ và trẻ nhỏ, phần đông lấy mạt chược và vô tuyến
làm vui. Ruộng đồng không ai chăm bón, phơi ra vẻ chết chóc nặng nề. Gỗ
mục. Sông khô. Đất đai hoang phế. Nhân thế biến thiên. Quá vãng mục rữa. Một giấc huyễn mộng mênh mang. Thôn trang toàn là vỏ rỗng và xương khô. Những cây cầu xưa giống trái tim mạnh mẽ vẫn đang cố níu kéo chút hơi
tàn cho Chiêm Lý, nhưng trái tim này cũng sắp bị bứt đi rồi.

Trong bóng chiều, Khánh Trường bước lên cây cầu chở nặng thương hải tang
điền. Mặt gỗ sam kêu cọt kẹt dưới những bước chân. Trái tim cứ chìm dần
xuống.Mái che cột chắn xếp khin khít, rõ ràng sắc nét, mỗi thanh gỗ đều
như đang thở dài trong tĩnh lặng. Chứa đựng ý chí nghiêm túc và vững
vàng của thứ gỗ đã trải hàng trăm năm, tiếng vọng loang ra trên cây cầu
đang chìm vào nhập nhoạng. Cô trông thấy hơi thở của mình hiện thành
khói trắng trong bầu không lạnh giá.Mé trái có một cây hương đổ nát, thờ Quán Thế Âm Bồ Tát. Tấm bồ đoàn trải trên đất, có vết lõm hình thành do nhiều người quỳ lạy lâu ngày. Trên bàn thờ còn dấu nến và hương, phủ
tàn dày. Đồ cúng ngổn ngang, khay bày hoa quả bánh trái. Chắc ai vừa
cúng bái, trong lò còn nén hương mới cháy phai. Cô đứng trước cây hương
một hồi lâu rồi tiếp tục cất bước.

Đây là lần thứ ba cô đến thăm
cây cầu này, trước khi rời khỏi, lòng ngập tràn lưu luyến. Bóng chiều
lăn tăn trùm xuống nửa cây cầu dài u ám, các hình điêu khắc thủ công xưa cũ đến điêu tàn. Trên tay vịn bằng gỗ gần lối ra có đề một bài từ của
Tô Đông Pha, nét mực bị gió mưa bào mòn, đã thành mờ nhạt:

Chớ bận tâm cành động lá đưa

Ngâm nga khoan khoái bước là vừa

Gậy trúc hài rơm hơn vó ngựa, ai sợ?

Áo tơi đời lặng ngại gì mưa.

Hây hẩy gió xuân men rượu tỉnh, hơi lạnh,

Đỉnh non bóng xế rọi về mình

Ngoảnh trông theo hướng trời se sắt, quay gót

Nắng không còn nữa gió lặng thinh.

Đến phỏng vấn chính quyền xã, cô biết họ đã được phê duyệt kế hoạch mở rộng đường quốc lộ. Cầu Quan Âm Các nằm đúng nơi con đường đi qua nên sẽ bị
dỡ bỏ toàn bộ vào tháng Tư sang năm.

Hôm ấy, vào lúc xế chiều, cô bắt xe từ xã về chỗ trọ ở làng.

Bến bãi lẫn lộn các loại xe chở khách chở hàng, nước bẩn chảy loang lổ, rác rưởi chất chồng. Dòng người xô đẩy, ăn xin và móc túi thi thoảng xẹt
qua bên cạnh, bộ dạng khả nghi. Khánh Trường mệt nhoài, đói ngấu, ôm
chặt ba lô, run lập cập trong gió rét. Trong túi là các vật dụng làm
việc như máy ảnh, máy ghi âm, máy tính xách tay, sổ công tác, ví tiền,
bản đồ, máy tính, lúc này cảm thấy tất cả đều là gánh nặng, đồng thời
hoài nghi sâu sắc rằng đây có phải là nhu yếu phẩm của cuộc sống không.
Nhất thời cô không biết mình đang ở nơi nào. Xung quanh tơi bời hỗn
loạn, đám đông mệt mỏi vì bôn ba bận rộn, cuộc sống mất hết phương
hướng. Ở dưới đáy xã hội ngoài nghèo đói, mù quáng, và quyết tâm bám víu lấy sự sống, thì không còn gì khiến người ta cảm thấy đẹp đẽ vui vẻ
nữa.

Nếu sống mà không có ý thức, tình cảm, khả năng tự lực và
tinh thần xây dựng, không có hương thơm, nhẹ nhàng, thanh thoát, sáng
sủa thì mục đích sống là ở đâu, hay là không còn lựa chọn nào khác.

Đúng là cô đã lăn lộn quá lâu trong bùn lầy. Chỉ cần dừng lại là ngửi thấy
mùi thối rữa mủn nát nồng nặc li ti mà dày đặc, không biết đã bán hay
ngấm vào đâu trong tâm hồn không ấp ủ ước mơ nào cả, đây là nhiệm vụ
cuối cùng với tạp chí. Không một nghi vấn nào được giải đáp, chẳng qua
đang hết sức giãy giụa thôi. Cô dần dần trở thành một người chán chường
hờ hững. Tâm trạng này là cốt lõi, tỏa ánh sáng lập lòe yếu ớt đi khắp
máu thịt, chứ không phải là một vết bẩn trên da có thể nhẹ nhàng lau
sạch bằng một miếng vải ướt.

Có lần cô đến bệnh viện, xếp trong
hàng người đang đợi lấy thuốc, nhìn bác sĩ và y tá vội vã đi lại trên
hành lang. Chân tay họ cứng đơ, ánh mắt lạnh nhạt, khuôn mặt sốt ruột.
Cô nghĩ, liệu ở họ có còn sót lại chút nào không niềm xót xa và yêu
thương đối với nỗi khổ của sinh mệnh. Nếu không, thì chắc chắn không
phải vì vào nghề quá lâu mà cảm xúc trơ lì, mà vì số người đang chịu
giày vò khổ sở thực sự quá nhiều, nhiều đến không đếm được, nhiều đến
xua không hết. Không ai cứu vớt, thiếu vắng hi vọng, cứ thế mãi khiến
người ta mất đi niềm tin đối với cuộc sống, mất đi sự kính sợ đối với
nỗi khổ.

Cô sở dĩ chán chường, hững hờ với nhân thế, cũng bởi nguyên nhân tương tự.


Một bông hoa tuyết trôi dạt trong trời chiều, nhẹ nhàng đậu xuống mắt. Chiêm Lý sắp đón trận tuyết đầu tiên.

Thời tiết giá băng se sắt đã kéo dài rất lâu. Cô bơ vơ một mình một bóng ở
đây. Một tuần công tác sắp hết. Cô khát khao được kết nối với con người. Lục lại danh bạ hồi lâu, vẫn không tìm được đối tượng thích hợp. Có lẽ
cô không biết mình muốn nói gì và nên nói với ai. Xuyên qua đám đông,
bước đến bưu điện ở đầu đường. Còn bốn mươi phút nữa thì hết giờ hành
chính theo quy định, nhân viên duy nhất trong bưu điện cử động đã có vẻ
uể oải, mặt mày lạnh nhạt. Cô cương quyết bước vào, mua bưu thiếp và
tem. Trên thiếp là cầu Quan Âm Các, gỗ đỏ ngói xanh trong ánh tuyết lành lạnh. Dáng cong hoàn mĩ. Cô lấy bút máy, viết ra mặt sau thiếp:

Em đang ở Chiêm Lý, ngắm cầu mái che. Tuyết rơi mù mịt. Em nghĩ nó không
chết được, chỉ biến mất thôi. Nó đang biến mất. Khánh Trường.


cảm thất không thể gửi thiếp này cho Định Sơn hoặc Fiona, dù đó là hai
người cô quen thân nhất ở Thượng Hải. Trong cuốn sổ tay bằng giấy tái
chế bấy lâu vẫn kẹo một tấm danh thiếp màu lam nhạt, danh thiếp nằm giữa những trang giấy, như một thứ bookmark. Cô lấy nó ra, chép những con
chữ đen trên ấy vào dòng người nhậu bưu thiếp. Viết tên của anh: Hứa
Thanh Trì. Cố sức bóp lấy giọt keo đã ở trạng thái se se trong cái lọ
nhựa cũng gần như cạn, dán tem lên mặt sau bưu thiếp. Khi nhét nó vào
thùng thư lốm đốm sơn, cô nhận ra đầu ngón tay mình đã cóng cả lại.

Rời khỏi bưu điện. Màn tuyết chấp chới mịt mù trước mắt.

6

Lúc nào cô cũng thích ảnh.

So với quay phim tạo cảm giác chuyển động và liên tục, những bức ảnh mang
hình thức độc lập hơn. Khi được cố định lại, con người cùng quá khứ,
tương lai và bối cảnh họ đang ở sẽ được tập hợp vào một mốc thời gian.
Mốc thời gian ấy tách biệt, đứt gãy, nứt vỡ, sắc nhọn. Trong ảnh, mỗi
một mùa, mỗi một vẻ mặt, mỗi một khung cảnh, không bao giờ có thể lặp
lại được. Giống như trạng thái nảy lên đáp xuống trong chiếc máy bay
đang bay vùn vụt, các điểm đáp và tốc độc xóc này đều thay đổi không
ngừng. Đặc biệt cần lòng can đảm thận trọng.

Hồi chỉ có máy cơ
truyền thống, chưa xuất hiện loại máy ảnh kĩ thuật số cho phép xóa sửa
hình ảnh thoải mái, sở thích chụp ảnh của mọi người không thể nhân rộng
do cách sử dụng chưa được tiện lợi lắm. Bấy giờ ảnh chụp và rửa ra, mỗi
tấm, đều trong trẻo như phát sáng.

Khánh Trường thích ảnh kiểu
cũ, những tấm ảnh mà nhà cô không có. Hồi xưa, số lượng ảnh chụp phong
phú và theo sát từng thời điểm cuộc sống tượng trưng cho sự ổn định và
khá giả của gia đình. Nhưng Khánh Trường không được trải nghiệm điều đó. Cha mẹ ly dị mỗi người một ngả, cô được bà nội chăm lo đến năm mười hai tuổi, sau đó sang nương nhờ nhà chú. Chú thím nuôi nấng đến năm mười
sáu tuổi thì vào kí túc xá trường trung học. Từ đó bắt đầu tự lực như
người lớn. Mười sáu tuổi bập vào yêu đương, chán học, bỏ học. Thi đại
học không đỗ được trường nào tử tế. Gốc rễ đã ruỗng, cành lá cũng theo
đó mặc gió đẩy sóng xô, tạo ra những ảo ảnh sôi động. Cô là một thiếu nữ nổi loạn. Không có ai chụp ảnh cho. Cô chưa từng được yêu, không thấy
bản thân có giá trị gì. Cũng chưa từng yêu ai, không sao cảm nhận được
sức mạnh trái tim. Cô không vững tin về sự tồn tại của mình.

Đến
khi trưởng thành, Khánh Trường vẫn không quen với chụp ảnh. Chứng minh
thư, giấy thông hành đến Hồng Kong và Ma Cao, hộ chiếu, thẻ nhà báo, thẻ lao động... tất cả các thẻ cần thiết đều mang vẻ xơ cứng, ánh mắt đờ
đẫn, mũi mồm hơi mất cân đối. Cô không đủ kinh nghiệm và khả năng để
điều khiển biểu cảm cho tự nhiên trước mặt người lạ. Cô hoài nghi người
đối diện và thiết bị trong tay họ, luôn luôn hoài nghi. Về sau cô học
cách dùng máy ảnh, dành rất nhiều thời gian tập chụp. Trong túi xách
thường có mệt chiếc máy ảnh du lịch để thu lượm chi tiết, khoảnh khắc,
tài liệu. Và học cách tự chụp. Trong những tấm ảnh tự chụp ấy cô phát
hiện ra mình rất đẹp, có lẽ nhờ sự thoải mái và an nhiên khi ở với bản
thân, đặt bên ảnh do người khác chụp hộ một cách qua loa hời hợt thì
đúng là hai hình ảnh tương phản.

Đây đích thực là một đối tượng
cần chú ý. Nếu người ta chưa từng cố gắng dừng bước, quan sát dấu tích
của nhân sinh, kiểu như ngồi xổm xuống chiêm ngưỡng tỉ mỉ mĩ cảm điêu
khắc của chiếc ghế cổ cả trăm năm tuổi, thì sẽ bỏ phí những ý nghĩa được hun đúc nhờ thời gian. Giống như một dòng sông lớn đột ngột bung ra
cùng muôn vàn thứ hỗn tạp mơ hồ nó chứa đựng trong mình. Độ bền và độ
dày của cuộc đời sẽ tăng gấp đôi. Chụp tấm ảnh, phân tách những cảm giác về tồn tại để lắng cặn, thanh lọc, bảo tồn, dùng nó để tìm kiếm và thức tỉnh.

Thanh Trì cho cô xem ảnh gia đình anh. Biết hành động ấy
chứa đựng một ý nghĩa tình cảm rất sâu sắc đối với cô. Anh muốn để cô
được mãn nguyện. Phần lớn ảnh là lấy từ bên chỗ cha mẹ ở Vancouver, có
ảnh trắng đen đã ngả vàng, có ảnh màu, nhét đầy cả một va li hành lý,
nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong tổng số. Hồi năm tuổi anh theo gia
đình từ Bắc Kinh di cứ đến Hồng Kong, mười sáu tuổi sang Vancouver du
học, rồi làm việc, kết hôn ở đó, và bảo lãnh cha mẹ sang. Cô muốn bắt
kịp khoảng cách mười ba năm tuổi đời giữa họ. Đối với cô, lịch sử cá
nhân của Thanh Trì có một phần tồn tại trong tan tác và mất mát. Anh là
người đàn ông mà đi suốt đời cô vẫn không sao hiểu hết được, cô đã biết
như thế từ lâu.

Cô trông thấy bà cố tổ của anh, mặc kimono, tóc
búi, vẻ mặt u uất, đôi mắt phượng dài hẹp hơi xếch. Cụ sống ở Trung Quốc suốt từ tuổi hai mươi lăm, chưa một lần trở về bản quán. Đến những năm
cuối đời, đã phục sức giống hệt người Trung Quốc. Mặc xường xám, uốn
tóc, nói lưu loát tiếng phổ thông phương Bắc.

Cô trông thấy mẹ
anh hồi thiếu nữ, tóc mái tao nhã chải lật lên, mặc áo tơ lụa với hàng
khuy chéo bọc vải, khuôn mặt toát ra vẻ nghiêm nghị. Trông thấy ảnh cưới của bố mẹ anh. Trông thấy thời còn đi làm của họ,mặc lễ p hục tham dự
các hoạt động xã hội, ra nước ngoài trả lời phỏng vấn và chụp ảnh chung
với học giả các nước.

Cô trông thấy ảnh an hồi năm tuổi, chụp
cùng anh trai chị gái. Tóc cắt ngắn, chất phác đôn hậu. Anh là con út,
được cưng chiều nhất. Mặc áo thun cổ tròn kẻ trắng xanh, thanh tú khỏe
mạnh.

Cô trông thấy anh sau khi sang Vancoveur, dần dần trở thành một thiếu niên chú trọng cử chỉ dáng điệu, bộ dạng hơi gò bó. Hai mươi
tuổi, anh mặc lễ phục tham dự một buổi họp mặt, khuôn mặt thanh cao tao
nhã như thủy tiên.

Cô trông thấy ảnh hẹn hò anh chụp cùng bạn học Phùng Ân Kiện. Cô gái trẻ dịu dàng mát mắt, khuôn mặt đoan trang, mặc

áo liền váy và đi giày cao gót. Họ ôm nhau trên bờ biển, mặt áp mặt, rất thân mật. Ảnh cưới. Hôn lễ kiểu Tây trong nhà thờ. Mẫu váy cưới của cô
dâu thuộc loại cổ điển, trên đầu đội một vòng hoa ngọc trâm màu trắng,
trông già dặn hơn Thanh Trì.

Con đầu lòng là trai, Phùng Ân Kiện
ôm bé chụp ảnh trong vườn nhà ở Vancoveur. Bé trai áo đỏ giày xanh tóc
đen, xinh đẹp và khỏe khoắn. Con thứ hai là gái, được hoài thai và chào
đời trong thời gian Thanh Trì công tác ở New York.

Xem xong,
Khánh Trường giữ lại cho mình ba tấm ảnh. Tấm thứ nhất chụp anh thuở con niên thiếu, nằm trên giường, hai tay chít sau gáy làm gối, hơi có vẻ uể oải, đường nét khuôn mặt đẹp đẽ. Tấm thứ hai là khi anh ba mươi, đang
chuẩn bị cho cuộc họp nào đó, mặc sơ mi trắng, khóe mắt hiện nếp nhăn
gợi cảm, đã trở thành người đàn ông trưởng thành có con cái. Tấm thứ ba
là mẹ anh, vợ anh và hai con thơ của anh cùng chụp trong vườn nhà. Diên
vĩ mùa xuân bắt đầu đơm hoa, phủ một vạt tím sẫm trên bãi cỏ xanh mướt.
Hàn lang màu trắng, chiếc đu màu trắng, cầu thang màu trắng. Trông qua
là thấy một gia đình có giáo dục tốt và kinh tế khá giả, ai nấy đều có
vẻ mặt tươi tắn thảnh thơi kiêu hãnh.

Khánh Trường kẹp ba tấm ảnh này vào một quyển sách. Đây là một lịch sử gia đình hoàn toàn xa lạ và
xa cách với cô. Lịch sử cá nhân của Hứa Thanh Trì. Thế giới của anh là
một chỉnh thể hoàn hảo với đường nét và kết cấu riêng, gần ngay trước
mắt mà xa tận chân trời. Quãng thời gian quan trọng nhất trong đời một
người đàn ông đã hết. Bốn mươi năm vừa qua là bốn mươi năm trẻ trung anh tuấn khỏe mạnh, có tình dục cuồng nhiệt tình cảm chân thành, có lý
tưởng mạnh mẽ ý chí dồi dào, có lăn lộn phiêu bạt nỗ lực mưu sinh. Trong quãng thời gian đó, anh và cô không hề gặp nhau về mặt không gian cũng
không kết nối về mặt thể xác hay máu thịt. Họ sinh hoạt, tồn tại ở ngóc
ngách riêng trong thế giới của mình. Hai sự sống với kinh lạc trải đi
song song, hưởng ứng nhau từ xa.

Cuối cùng.

Đến năm Hứa Thanh Trì bốn mươi tuổi, họ mới gặp nhau.

7

Họ không có ảnh chụp chung. Anh là người tồn tại trong nội tâm và kí ức.
Không thuộc loại cần đếnvăn bản ghi nhận, cần giải thích với công chúng
hay chứng minh với bên ngoài. Không phải bằng chứng. Không phải tư liệu. Không phải sổ sách. Anh không thuộc loại cần dấu ấn mới biết là tồn tại khi chia xa. Trước khi xuất hiện, anh đã song hành với thời gian của
cô, chảy cùng dòng máu của cô, thành hình theo mong muốn của cô. Nếu một ngày nào đó mất anh, cô cũng không cần lấy ảnh ra để hồi tưởng, để
nhung nhớ hay lãng quên anh, vì không cần thiết.

Trong tim cô,
anh là tình cảm, là kí ức. Nhưng anh không hề biết điều đó, mà cô cũng
không giải thích. Cô thà để anh không hiểu, còn hơn phải giãi bày cắt
nghĩa để được anh đón nhận.

So với kho ảnh đồ sộ phong phú của
Thanh Trì, Khánh Trường chỉ đưa ra được vỏn vẹn vài tấm. Thiếu những
hình ảnh của thời kì trưởng thành, thiếu những chứng cứ rõ ràng và phong phú về cuộc sống, cứ như thế cô đột ngột lớn bổng lên trong bóng tối
vậy. Quá khứ của cô thiếu vắng một nền tảng để được tôn trọng và thừa
nhận. Gia đình chỉ mong chèo chống qua cảnh khó khăn, còn hơi sức đâu mà để lại tinh thần, khí chất, cá tính hay phong cách gì. Bị đói nghèo,
điêu linh, đau đớn, phiêu bạt, muôn mối bức bách bất khả kháng hủy hoại
và thanh lọc hết lần này đến lần khác. Ảnh kỉ niệm chỉ thưa thớt vài
tấm. Cô chấp nhận sự thật là đời mình bị xô đẩy, chấp nhận đây là diện
mạo cuộc sống của mình.

Một cuộc sống với số phận thiếu thốn. Không tình cảm, không vật chất, không ai trông nom, không ai săn sóc. Không có cả ảnh.

Có một tấm ảnh đen trắng khổ nhỏ mà cô luôn giữ gìn cẩn thận. Rìa hình
răng cưa tao nhã, đặt trong khung khổ anh đào nên lót giấy đỏ cho nổi
bật, bày trên giá sách. Là ảnh hồi thơ ấu chụp chung với bà nội và chú,
tại khoảnh sân thoáng đãng trước ngôi chùa hôm ấy họ đến thăm. Bên trên
mái cong và lầu gác là sắc trời âm u. Khánh Trường khoảng bảy tuổi, tóc
ôm, đi dép lê, mặc chiếc váy liền vải bông do bà nội may và thêu. Chân
tay mảnh khảnh, khuôn mặt bầu bĩnh trẻ con đã nhuốm nét u uất. Trong ảnh không ai cười, đều đăm đăm nhìn về phía trước, miệng mím chặt, cho thấy một nỗi âu sầu và quật cường nội tâm. Khánh Trường khẻ kể, bấy giờ mẹ
đã bỏ đi đâu không rõ, cha thì ốm đau, không khí trong nhà u ám. Bà nội
rất thương em, nhưng bà cũng đã già, bệnh tật liên miên. Em biết bà
không còn bao nhiêu thời gian để mà bảo bọc em nữa.

Khánh Trường kể,
em vẫn nhớ chuyến du xuân này, trời vừa mưa to, đi lên theo các bậc
thang thấy bên rìa nước chảy róc rách, hải đường nở như mây trắng trong
lũng núi,những cánh hoa rụng tơi bời, nương gió tới tấp bay lại. Cứ đi
một lát em lại giũ váy, nhìn hoa trút ào ạt xuống rừng cây dưới đáy vực. Cô nói, tấm ảnh ấy tượng trưng cho tuổi thơ của em, cả thời niên thiếu
sau đó hay cuộc đời hiện tại đều phát triển theo một quỹ đạo đã định.
Trong ảnh, em trông thấy dấu tát của bàn tay định mệnh trên mặt mình,
trên mặt bà và chú. Không làm sao tránh được. Lặng lẽ chịu đựng cơn đau
của cái tát đó thôi.

Anh im lặng. Một lúc sáu mới hỏi, em đã bao giờ vui vẻ chưa, Khánh Trường?

Cô nói, em biết mình sắp hoặc đã là người cô độc, nhưng điều này không có
nghĩa là em không hiểu được niềm vui. Thật ra thì, có lẽ em còn trân
trọng niềm vui và nhạy cảm với niềm vui hơn hẳn các cô gái cùng tuổi.
Hải đường héo tan lay lắt rơi rụng cũng khiến em hân hoan nữa là. Em chỉ ít cười thôi.

Tâm sự của cô đã để lại ấn tượng rất sâu sắc trong anh. Về sau, có một thời gian anh đã mất rất nhiều công sức để cô nở nụ cười, cố công rõ đến nỗi cô không thể không nhận ra. Lúc thư nhàn, anh
đọc toàn những sách liên quan đến sodoku hoặc logic, chưa bao giờ gặp
chỗ hứng thú mà không háo hức chia sẻ với cô. Lôi kéo cô cùng làm trắc
nghiệm IQ các loại, kiên nhẫn miêu tả, giảng giải quá trình. Anh là
người hài hước thông minh, tâm lý phóng khoáng ổn định, kết quả của tính cách cởi mở cân bằng, của môi trường công việc và nên giáo dục phương
Tây. Anh kể với cô nhiều chuyện tiếu lâm, làm cô phá lên cười vui vẻ.

Mối tình đầu của cô là một cậu trai bình thường lớp Mười, cô đã đem lòng
yêu mà không suy tính gì lắm, chỉ vì cậu ta luôn biết trêu chọc để cô
cười. Những người đàn ông lém lỉnh dễ làm cô vui đều khiến cô thấy thân
thiết gần gũi, mà Thanh Trì, thì có đủ khả năng khiến cô cười.

Khánh Trường. Trong tình cảm em đơn thuần mà thẳng thắn như trẻ con, đôi lúc
còn ngây ngô, khác hẳn với vẻ cảnh giác và cứng cỏi bề ngoài. Rất nhiều
người từng nói với cô như thế, kể cả Fiona và Định Sơn. Có lẽ bở vậy họ
mới dừng chân bên cạnh cô. Quả thật cô là như thế, dễ tủi thân, cũng dễ

thỏa mãn sâu sắc khi được người ta bày tỏ đôi chút thiện ý hoặc tình
cảm.

Có lẽ tại cô đã thiếu thốn quá nhiều.

8

Bão tuyết đột nhiên ập xuống miền Nam, tuyết rơi suốt ba ngày ba đêm. Cuối cùng trở thành thiên tai.

Giao thông trên quốc lộ tắc nghẽn. Khánh Trường không thể rời đi theo đúng
kế hoạch, đành nán lại làng Đông Khê. Phải đến xã mới đi nhanh được,
nhưng tình hình đường sá rất xấu, ít xe chạy, không sao bắt được xe lên
xã. Cô trú chân tại một quán trọ do dân trong làng mở ra kinh doanh, bắt tay vào viết bản thảo giữa tình trạng mắc kẹt ấy. Quần áo mang theo
không đủ dùng, bè ra cửa hàng của làng mua áo len và quần dài để thay
đổi, mua một đôi giày vải nữa. Thời tiết biến động chóng mặt không tưởng được, những người đã quen xê dịch không lấy đó làm phiền, luôn biết tùy cơ ứng biến. Ngay cả ở Thượng hải trạng thái của cô cũng là sẵn sáng
lên đường. Vào nhà hàng đợi mãi không thấy dọn món, trên đường giao
thông tắc nghẽn, hoặc vô duyên vô cớ bị người ta xô phải, chưa bao giờ
nổi cáu hay bực mình. Đối với những sự việc ngoài tầm khống chế hoặc dự
đoán, cô muốn giữ sự bình tĩnh.

Ngày thứ tư, cảm giác ngây ngấy
sốt, bèn lấy thuốc có sẵn trong ba lô ra uống, cầu khấn sao cho đừng đổ
bệnh nặng nếu không sẽ càng thêm rầy rà. Bình thường đi công tác cô ít
khi nhắn tin hay gọi điện cho Định Sơn, thường chỉ đến lúc sắp về mới
báo cho anh ra sân bay đón. Lần này cô gọi điện cho Định Sơn, nói bị kẹt vì bão tuyết, chưa biết khi nào mới về được Thượng Hải. Cô không đề cập đến chuyện ốm sốt, vì như thế chỉ gây thêm áp lực cho anh chứ chẳng
được tác dụng gì, nước xa đâu cứu được lửa gần. Anh tỏ ra lo lắng, nôn
nóng bảo, về rồi xin nghỉ việc đi, đằng nào cũng định thôi mà, Khánh
Trường à, em cần một thời gian nghỉ ngơi.

Dĩ nhiên Khánh Trường
muốn tiếp tục đi làm. Lương Định Sơn không thấp, nhưng chắc chưa đến mức dư dật nhiều. Cô biết cô nên thỏa hiệp. Không phải tạp chí hoài nghi
năng lực của cô, họ chỉ hoài nghi tương lai của chuyên mục, bởi vậy muốn để cô làm việc khác, thậm chí chờ mong cô tự động đề xuất đường hướng
mới. Nhưng lòng cô hiểu không đời nào mình thỏa hiệp. Thực tế là cô chưa bao giờ thỏa hiệp. Cô sẽ tìm một cách mưu sinh khác.

Cô nói, em không sao, anh không phải lo lắng. Gác máy rồi, tiếp tục một mình đối mặt với khó khăn.

9

Cô ở trọ tầng hai, quán trọ này xây theo kiểu nhà dân truyền thống, đã
nhiều năm không tu sửa. Ống nước nứt vỡ, đường dây điện võng xuống,
thiếu nước thiếu điện, không lắp một thiết bị sưởi ấm nào. Ngôi nhà bằng gỗ, khả năng chống rét rất yếu, hễ đêm về là lạnh như băng. Đắp chăm
bông rồi chất hết quần áo lên trên, thậm chí nghĩ cả đến việc chất luôn
ghế lên nữa. Hơi lạnh thấm vào cốt tủy, không làm sao chống đỡ được.
Khánh Trường nằm trên chiếc giường gỗ cứng tỏa mùi ẩm ướt, lắng tai nghe tiếng hạt băng gõ trên kính cửa sổ làm nó rung lanh canh, có lúc lại
mưa tạt ràn rạt. Vặn đèn pin lên, lấy giấy bút sửa sang lại tất cả tài
liệu câu chữ phỏng vấn dạo gần đây, ngón tay cứng đơ không thể nhúc
nhích được.

Tuy ở trong cảnh cô độc bơ vơ, nhưng lòng thấy bình
yên như nhập định. Điện thoại còn lại vạch pin cuối cùng, không biết
chịu được bao lâu nữa.

Có lẽ cứ bị thế giới buông bỏ thế này cũng chẳng sao. Coi nơi đây như tận cùng cõi đất, bị câm lặng chôn vùi cùng
thế giới cũ, soạt một tiếng, kéo hai tấm màng vào, vở diễn liền kết
thúc. Dưới sân khấu mọi người đã đứng lên rời khỏi, nào đâu lưu luyến,
nào đâu lâu dài. Biết bao điều từng xảy ra, dù có rực rỡ nhiệt náo, khắc cốt ghi tâm, cuối cùng cũng chỉ là con thuyền phải rời bến theo số
phận, con thuyền lớn đèn lửa lung linh tiến ra đại dương tăm tối, chẳng
rõ đường về. Giống như cầu Quan Âm Các đã được định sẵn là sẽ rầm rầm
sụp xuống vì bị xe ủi đất nghiền nát, giống như thôn làng hẻo lánh bị
bão tuyết phong bế và ngăn cách với nhân gian, giống như bản thân mà cô
tự nhận thấy lúc này, giấu kín tâm trạng chán chường bỏ cuộc để cố gắng
làm việc, nhưng không biết hướng ra ở đâu.

Thanh Trì gọi điện
tới. Anh nhận được bưu thiếp của cô, lại xem vô tuyến thấy tin miền Nam
bảo tuyết. Đã khá lâu từ ngày giã biệt ở Bắc Kinh, nhưng giọng anh trong ống nói vẫn ân cần thân thuộc như hôm qua vừa tao ngộ. Đối với đàn ông, cô đặc biệt nhạy cảm trước hai chi tiết, một là giọng nói, hai là bàn
tay. Ở cô sớm đã hình thành một cách quan sát đặc biệt, bóng mây lấp
loáng trong làn sóng, đốm sáng chập chời chỗ góc xa, hình vẽ cùng vân
vải nơi vai và cánh tay người lớn, một chiếc cặp tóc nho nhỏ rơi xuống
đất, rồi những cánh hoa hải đường đậu trên váy lát lát lại bị gió thổi
bay... những chi tiết như thế, có lẽ người khác sẽ không để ý, nhưng lại hiển hiện và hồi vọng trong trái tim cô. Năng lực này nảy nở từ thời ấu thơ, và chưa bao giờ biến mất.

Lần đầu tiên gặp gỡ, cô đã quan
sát bàn tay anh. Những ngón tay thon dài mạnh mẽ, móng cắt tỉa tinh
tươm, tỏ rõ khí chất mạnh mẽ mà kín đáo. Anh kể những việc từng hăng say làm hồi nhỏ, như chế tạo lắp ráp các mô hình hàng hải hàng không rồi
mang đi dự thi. Anh được giáo dục tử tế theo yêu cầu nghiêm khắc của bố
mẹ, thành tích học tập xuất sắc, mọi hứng thú sở thích đều thuộc loại
mẫu mực đúng đắn, mặc dù nhận thấy lối sống của mình chẳng vui vẻ gì.
Chắc đó là hình thái vốn có của sự vật, anh nói. Đôi bàn tay khéo léo
tạo ra nhiều mô hình phức tạp này, khi trưởng thành lại thực tập và thực nghiệm rất nhiều trong phòng thí nghiệm. Một đôi bàn tay đàn ông chứa
đựng sức mạnh của thực tiễn.. Cũng đôi bàn tay ấy đã biết bao năm chìm
đắm trên thân thẻ và da thịt của đủ mọi hạng đàn bà. Anh coi sự tiếp xúc này là lạc thú. Giống như thử sức với một môn nghệ thuật, một trò chơi, chiếm hữu và thu thập các tiêu bản tình dục tình yêu. Đây là mặt trái
trổ mầm từ thói hiếu thắng và dục vọng bẩm sinh của đàn ông. Anh dùng nó để khỏa lấp cảm giác thiếu an toàn và gò bó gây ra bởi sự áp chế lâu
dài của kỉ luật và lý tính.

Anh hỏi, Khánh Trường, em có khỏe
không, em có mệt không. Đường dây truyền đi âm thanh lạo xạo kéo dài của dòng điện, mà cũng có thể chỉ là ảo giác của cô. Ở nơi hoang dã ngưng
trệ vì bão tuyết, trời đêm thật u uất. Điện thoại tích tích liên hồi báo sắp cạn pin, cuộc đàm thoại trở nên gấp rút, có thể bị ngắt ngang bất
cứ lúc nào. Cô kể thật với anh mọi chuyện. Giao thông ách tắc, đau ốm,
thiếu nước, mất điện. Anh nói ngắn gọn thẳng thắn, rằng, sẽ ra sân bay
bắt chuyến sớm nhất về tỉnh lỵ. Thuê một chiếc xe, khoảng 3,4 giờ sáng
mai sẽ xuất phát, chạy sao cho chiều tối phải đến được làng Đông Khê.

Anh nói, lộ trình chừng chín tiếng có khả năng kéo dài thành mười bốn hoặc
mười sáu tiếng. Nhưng anh sẽ cố gắng đến nơi với thời gian ngắn nhất.
Anh bảo cô cho biết tên và địa chỉ quán trọ. Anh sẽ đến đón cô, đưa
thẳng vể tỉnh lỵ, sau đó đáp máy bay rời đi.

Cô hơi ngập ngừng,
nhưng anh nói, không phải lo, anh có thể đối phó với mọi kiểu đường sá.
Em chỉ cần tin anh, Khánh Trường. Anh sẽ sắp xếp hết.

10

Anh nói,chỉ cần em tin anh, Khánh Trường.

Nhưng anh không biết. Cô nhẹ nhàng nhảy xuống khỏi bậu cửa sổ, vào khoảnh
khắc mò mẫm trong bóng tối để xỏ được chân vào giày thể thao, cô đã xiêu lòng vì anh rồi.

Rất lâu về sau, anh hỏi, đã bao giờ em yêu anh chưa, Khánh Trường.

Trong khi anh thổ lộ không mỏi mệt, rằng anh yêu em, cô lại luôn im lặng, mặc dù cảm nhận được rõ ràng niềm mong mỏi của anh khi dứt lời. Mong mỏi cô đáp lại, thú nhận và khẳng định một cảm xúc tương đương. Kiểu thú nhận
đó, đối với anh mà nói, là nhu cầu cồn cào và tự nhiên như không khí,
nhưng cô chưa bao giờ đáp ứng. Họ từng xung đột kịch liệt chỉ vì cô
không chịu nói, em yêu anh.

Ở phương tây, người chồng có thể ly
dị vợ chỉ vì không được nghe câu em yêu anh, đủ thấy mức độ quan tâm của họ và tần suất biểu đạt bình thường của câu nói đó. Với Khánh Trường
thì, cô có thể đáp lại bằng hành động, nhưng khó lòng bày tỏ và thừa
nhận theo một cách thức dễ dãi hơn. Có lẽ là tại từ nhỏ đã không được
đào tạo hay luyện tập cách thổ lộ tình cảm thế này. Chắc hẳn Phùng Ân
Kiện, Vu Khương, Fiona, và những người đàn bà khác của anh đều làm được. Nhưng Chu Khánh Trường không phải họ. Trong cuộc đời cô, tình cảm là
một dạng đãi ngộ.

Về sau, có một lần cô cẩn thận giải thích cho anh rõ. Qua điện thoại. Sau khi họ tan vỡ.


Cô nói, chúng ta lý giải khác nhau về chữ “ yêu”, không thể nào trao đổi
trên cùng một bình diện được. Yêu mà anh nói, là để chỉ sự thưởng thức
mến mộ thể xác và trái tim. Còn yêu như cách hiểu của em, không thuộc về nhân gian này, không chỉ thuộc về hiện tại, cũng không giới hạn ở nam
và nữ. Cho dù mất đi tính mệnh và da thịt thì nó vẫn tồn tại. Nó xa xôi, siêu việt, đột phá các khái niệm và cực hạn. Em chưa bao giờ đề cập đến hay thổ lộ tình yêu. Yêu của anh và yêu của em là hai khái niệm đồng
đẳng. Có thuộc tính và tỷ lệ tương đương, không bên nào nhiều bên nào
ít, cũng không phân biệt đậm nhạt nông sâu. Vì vậy anh không sao hiểu
được tình cảm em dành cho anh, mà có khi nào anh cũng chưa bao giờ muốn
tìm hiểu. Tình cảm em dành cho anh là chân thành, nhưng không phù hợp để bộc lộ bằng ba từ em yêu anh. Em không giao tiếp theo cách đó.

Đây hẳn là một kiểu cố ý rút lui. Một kiểu tự giữ gìn tự bảo vệ. Bản thân
cô cũng hoài nghi, không hiểu làm sao mình lại lập luận được dài dòng
như thế. Tình cảm này đáng lẽ không cần bất kì định nghĩa nào mới phải.
Lòng cô hướng về anh, ái mộ anh, đó là điều chắc chắn. Chỉ hiềm không
muốn, hoặc chưa đến lúc cần, phân tích sự trường cửu của nó. Cô khó lòng giao phó bản thân mình cho anh. Thừa nhận, chuyển nhượng, đồng nghĩa
với việc để anh kiểm soát và xử lý một phần con người cô. Cô không muốn
mất đi sự tự do này. Thà quay lưng với tình cảm, còn hơn đánh mất sự tự
quyết với bản thân.

Anh đã đi qua bao nhiêu phụ nữ. Anh chưa bao
giờ giấu giếm cô về những bóng hồng quá khứ cũng như hiện tại, anh lộn
giở hết những nếp gấp và ngăn kín trong ngoài của cái ba lô tình yêu,
lắc giũ tới lui, để cô xem xét. Không lấp liếm, không che đậy. Phần nào
của con người anh mang lại vui vẻ cho cô, anh cũng có thể đem san sẻ cho người khác. Anh không phải mỏ khoáng thẳm sâu kín đáo. Anh là một công
viên vui mắt sáng lòng.

Cô từ chối làm tiêu bản trưng bày trong
vười hoa chăm chút đẹp đẽ của anh. Tình cảm của cô là hoa diên vĩ sinh
trưởng hoang dã trên núi cao các mặt biển 4500 mét, nở ở nơi ẩm ướt ven
suối trong rừng lá kim, trải thành vạt lam và trắng, khỏe khoắn yên
bình. Không phải la con bướm xinh bay lượn sôi nổi trong rừng, đập cánh
lưu luyến giữa bụi dương hoa rực rỡ ánh xuân. Nói chung, những đóa hoa
của tâm hồn cô thuộc loại tự sinh tự diệt, một mình tiêu vong trong tịch mịch mãi trên cao, sỡ hữu vẻ đẹp không ai chiêm ngưỡng. Nếu anh muốn có được em, thì hãy băng đèo vượt thác đến gặp. Cô vừa bước vừa chạ, vừa
đi vừa lùi.

Anh đã thử dành rất nhiều thời gian và sức lực để phá giải câu hỏi này, thắc mắc, liệu có ngày nào em buông bỏ hết, đến yêu
anh mà chẳng vướng bận gì nữa không, Khánh Trường. Nếu em tin tưởng anh, cởi mở hết con người mình cho anh, thì em có thể đột phát được bản thân đấy. Cô suy nghĩ thật lâu. Kết luận là không thể làm được. Không thể
giao bản thân cho anh, giống như không thể, vào lúc này, tưởng đến việc để anh đi mất. Tuy lý trí nhưng lại không rạch ròi, giống con dao găm
hai lưỡi, xoay lưỡi nào sang đối phương thì vẫn có một lưỡi sắc lẻm chỉa về phía mình.

Hiển nhiên anh không vừa lòng với những lý lẽ đó, cô cũng không bao giờ giải thích thêm.

11

Lần thứ hai gặp mặt. Tại một quán trọ thôn quê heo hút ở nơi đất tuyết trời băng.

Mưa tuyết đã ngừng, trời hưng hửng sáng. Hơn 8 giờ tối anh đến được Đông
Khê, nói, anh đã xem bản đồ, từ đây đến Chiêm Lý đi mất hai tiếng đồng
hồ. Đi luôn rồi ban đêm chúng mình nghỉ lại Chiêm Lý được không, ngày
mai khởi hành từ đó, anh muốn xem xem cây cầu kia thế nào. Cô nói, e
rằng không được. Giao thông Chiêm Lý còn trắc trở gấp trăm lần đường từ
xã về đây, phần lớn đều là đường ven núi hẹp và ngoằn nghèo, bây giờ lại đóng cứng băng tuyết nữa. Thời gian này không có xe cộ nào đi từ trong
ấy ra đâu. Anh tỏ vẻ tiếc rẻ, nhưng không ép uổng, bèn nói cũng được,
không thể làm lỡ ngày về Thượng Hải của em, em còn công việc nữa.

Anh nói, anh đã đóng khung bưu thiếp em gửi cho, đặt trên giá sách ở văn
phòng để hôm nào cũng nhìn thấy. Cây cầu thật đẹp, anh linh cảm là không có cơ hội được tận mắt trông thấy nó nữa.

Chẳng còn bao nhiêu
thời gian. Lấy được một ít nước, không có điện, đành dùng nến mới mua và đèn pin trong ba lô. Nước nóng cô đun ở chỗ chủ nhà, rót ra chậu cho
anh rửa mặt. Tắm là không thể nổi. Đã năm ngày cô chưa tắm gội, hoàn
cảnh khó khăn khỏi phải nói, anh dĩ nhiên đã nhận ra: áo len sợi tổng
hợp và giày vải đen rẻ tiền mua ở cửa hàng trong làng. Mệt mỏi. Nhẫn
nại. Phòng ốc sơ sài lạnh ngắt. Trên chăn bông chất lớp lớp quần áo.
Qianh ga trải giường la liệt những sách, sổ tay, bản đồ, vỉ thuốc. Trên
bàn đặt nửa bát mì ăn dở.

Anh nói, sáng sớm mai chúng ta lên đường. Em cần rời khỏi đây càng nhanh càng tốt.

Anh hỏi, em sốt thế nào rồi. Anh lại gần, áp trán vào trán cô. Cô không lùi lại, cho phép anh kề cận. Anh nói, còn râm rấp sốt. Anh mang thuốc cho
em đây. Cô mặc một chiếc áo đen chần lông, của nam. Mặc lâu quá, mãi
chẳng thay, lông vũ trắng nhỏ li ti từ kẽ vải thòi ra, lấm ta lấm tấm.
Anh nhặt giúp cô những sợi lông dính ở viền cổ áo, lòng trào lên niềm
thương xót, nhưng khóe môi lại nở nụ cười trái hẳn với cảm xúc đó. Cô
rất nhạy cảm, nói, chưa bao giờ anh gặp cô gái nào lôi thôi vô vị như em nhỉ. Anh mỉm cười lặng yên, biết rằng cô chẳng bận tâm những so sánh
vụn vặt.

Cô lạnh nhạt như thế, chưa bao giờ để ý xem người ta có đồng tình với mình hay không. Cô chỉ sống cho bản thân.

Cùng ở một phòng trong ngôi nhà chật hẹp, nhưng họ hết sức tự nhiên. Anh là
người đàn ông xa lạ, cô mới gặp đến lần thứ hai. Nhưng anh lại thân
thiết quá, mỗi lời nói cử chỉ đều chính xác thực tế, không vờ vịt thừa
thãi. Trước ánh mắt chăm chú của anh, cô cởi áo khoác ngoài, áo len, chỉ để lại trên mình chiếc áo sơ mi mỏng màu trắng,kiểu áo nữ sinh cổ lá
sen của những năm xưa cũ, như áo trẻ con phóng to ra. Phần lớn quần áo
cô trông đều như đồ nam cỡ nhỏ, trang phục tương đồng với tính cách. Nội tâm cô là hỗn hợp của bé gái và đàn ông.

Anh rửa mặt xong còn dư ít nước nóng, cô vốc lấy rửa mặt và tay. Vén áo sơ mi lên để lau người. Trong tĩnh lặng có tiếng nước và hơi thở khe khẽ của anh.

Xong xuôi cô bước đến bên giường, nằm xuống cạnh anh.

Anh mặc áo thun dài tay, sau khi cởi bỏ áo khoác, trên mình tỏa ra một mùi
hương mà về sau cô sẽ rất quen thuộc. Mùi hương hòa trộn làn da tinh
sạch và nước hoa. Hỗn hợp của địa y, tuyết tùng và lan Nam Phi, đối lập
lạ lùng mà đan xen vấn vít. Cô hít ngửi mùi hương tươi trong đặc trưng
ấy, nó cuộn nhả rồi khuếch tán, thấm vào tâm phế người ta. Những người
đàn ông cô yêu trước đây chưa bao giờ tỏa hương thế này sau khi trút bỏ
quần áo. Ánh trăng lồng tuyết từ cửa sổ hắt vào, sáng lờ mờ khiến trong
nhà lửng lơ một thứ tĩnh mịch như đang chênh chao trên mặt biển đêm
đông. Họ nằm bên nhau. Cô khẽ hỏi, anh có thích chiếc giường này không.

Chiếc giường kiểu cũ, hẳn là đồ thừa kế từ nhà cổ hay quán trọ thời trước.
Giường gỗ lim bốn cột, treo màn the trắng, mùa hè buông xuống để ngăn
ruồi muỗi, chẳng bao giờ tháo ra, có những vết bẩn lốm đốm nồng mùi bụi. Cột giường thành giường khung giường đỉnh giường điêu khắc chi chít các hình cát tường truyền thống. Kì lân, tùng bách, trẻ con, sư tử, mẫu
đơn, Phật thủ, đào tiên, đường nét đẹp đẽ trơn tru, hình dáng phú quý
hoa lệ. Tuy rằng hư hại khá nhiều, sơn đã tróc lở nhưng đây rõ ràng là
một chiếc giường cưới long trọng. Ở thôn quê, cưới hỏi là một việc lớn.
Chiếc giường này chắc chắn đã từng là giường ngủ của nhiều cặp uyên
ương. Trẻ thì ăn nằm hòa hợp với nhau ở đây, đến già lại cũng từ đây
theo nhau xuôi tay nhắm mắt. Hết đời này truyền sang đời khác. Nó lạnh
nhạt quan sát mọi người thay phiên xuất hiện trên mình. Những người hiểu lầm hoang mang khốn khổ vì tình. Những đàn ông đàn bà luân hồi không
ngưng nghỉ.

Anh nói, anh chưa ngủ trên cái giường nào giồng thế
này. Ở Vancouver, trong phòng ngủ của cha mẹ anh cũng có giường bốn cột
mắc màn, kết cấu na ná nhưng hình dáng thì khác. Anh biết là em thích
nó. Đây là vật dụng thuộc về thời đại của em.

Vào một thời điểm
nào đó, cô tin chắc, mình và người đàn ông này đã cùng chăn gối trên một chiếc giường tương tự. Có lẽ khá lâu, mà cũng có lẽ là rất lâu về trước họ từng trao nhau những lời thề non hẹn biển. Về sau trải qua bảy nổi,
ba chìm, theo một trình tự cố định, như hai quân cờ được sắp xếp đúng
mong muốn, cùng với hành trang là mối duyên tiền kiếp miên viễn bí ẩn
đến nõi không thể diễn tả cũng không thể đoán định, họ lại tương phùng
trong một thời gian không gian khác. Trên một chiếc giường bốn cột. Tái
hiện công thức yêu đương cũ, lại một lần nữa trao nhau những lời hẹn
biển thề non.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui