Xuân Yến

Anh nói, anh muốn ở bên em. Nhưng những nơi anh ở không có chỗ nào dành cho cô cả.

Cô chỉ còn cách ép mình ở khách sạn. Đây là không gian độc lập với đời
sống thực của anh. Họ chưa bao giờ được ở nơi nào cố định để nghỉ ngơi
và bình tĩnh sống. Cô không sao quen được mùi khách sạn và đống va lo
lổng chổng. Hai người luôn long đong trên đường, mỗi lần ăn cơm ở một
nhà hàng, quanh quẩn qua các phòng khách sạn khác nhau. Như một cặp đôi
được số phận định sẵn là ôm ấp chóng vánh rồi chia tay. Như một vở kịch
biểu diễn vội vàng trên một sân khấu dựng tạm.

Cái kết của mỗi lần đĩ nhiên đều là, hai vé máy bay và ai bay đường nấy. Họ chưa bao giờ trở về trên cùng một lộ trình, chưa bao giờ có một
tương lai chung hướng. Cô nhạy bén nhận ra rằng người đàn ông này không
đủ sức thu xếp ổn thỏa cho tình cảnh của họ, mặc dù cũng thông cảm là
anh lực bất tòng tâm. Những cuộc tranh luận gay gắt liên miên tác động
lớn đến trạng thái làm việc của anh. Cố một thời gian anh hoàn toàn suy
sụp.

Bất kể thế nào. Sau khi Phùng Ân Kiện rời Trung Quốc, anh lại quấn quýt
với Vu Khương y hệt trước đây. Vì công việc, anh thường xuyên phải về
Vancouver, tiện thể ghé nhà thăm vợ con. Sang Bắc Kinh thì ở biệt thự
của Vu Khương. Nhưng anh giấu biệt Khánh Trường chuyện này, có lẽ là sợ
cô bận lòng. Anh luôn giả vờ như mình vẫn sống trong ngôi nhà của gia
đình, nhưng qua blog đều đặn của Vu Khương, cô trông thấy quỹ đạo cuộc
sống chung ngăn nắp ổn định của họ: anh cùng Vu Khương đi nghe nhạc, đến cổ vũ cô biểu diễn ở lớp học dương cầm, đưa cô đi khám răng, lên kế
hoạch dẫn cô đi châu Âu trượt tuyết, sinh nhật tặng cô bó hoa hồng ta và quá cáp xa xỉ... Ảnh chụp và các ghi chép say sưa phơi bày một sự thật
trần trụi.

Trong khi ấy, anh vẫn gửi tin nhắn cho Khánh Trường, hằng ngày gọi điện
thoại đường dài, thổ lộ bao quyến luyến nhớ thương. Anh không biết rằng
Khánh Trường có kênh riêng để quan sát cuộc sống hai mặt của anh. Nếu
còn cách nào theo dõi được nhịp điệu gia đình anh ở Vancouver thì mới
thực sự là một trải nghiệm tàn khốc. Nhưng thật ra không cần tưởng tượng cũng biết, khi bên vợ con, Hứa Thanh Trì nhất định là một người chồng
và người cha kiểu mẫu về mọi mặt. Trừ trái tim của anh, và cũng chỉ
riêng trái tim của anh. Trái tim ấy vẫn chưa nguôi khát khao chạy trốn
lên đỉnh núi cao, đứng tách riêng với đời, dõi mắt về trời cao đất xa.
Bên trong con người này, là sự tự mâu thuẫn khủng khiếp.

Trong một lần xung đột gay gắt, anh đã nói thẳng, Anh bảo, Khánh Trường, anh chưa rảnh giải quyết mối quan hệ với Vu Khương. Công việc bận rộn,
sự vụ chất chồng, thuyết phục cô rằng anh cần thời gian. Đây không phải
là việc đơn giản. Anh lại nói, anh không nhẫn tâm làm tổn thương Vu
Khương. Em ấy theo anh từ năm mười bảy tuổi. Bứt khỏi anh, cuộc sống của Vu Khương coi như tan nát.

Đúng. Vu Khương sẽ rơi trở lại giai cấp của cô. Sẽ mất đi lối sống vốn
không phải của cô, bị hiện thực quăng quật cho hiện nguyên hình, bươn bả vì cơm ăn áo mặc và tìm chỗ trú chân, giống như bao người cùng trang
lứa, trừ phi lại tìm thấy một chốn nương thân mới. Nhưng không một người đàn ông nào đủ già để làm cha cô mà sánh bằng Hứa Thanh Trì. Cô biết
các ưu điểm của anh. Rời khỏi anh không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa
gắn bó đã lâu, họ cũng không biết phải chia cắt những hồi ức, thói quen, lòng tin tưởng và tình cảm tích lũy tròn cuộc sống chung bấy nhiêu năm
bằng cách nào. Cho dù anh không còn yêu cô nồng nàn, nhưng vẫn thấy áy
náy và muốn chịu trách nhiệm về cô.

Anh không thể phũ phàng làm tổn thương Vu Khương. Dù phải chia tay, cũng quyết lẩn tránh vai trò chủ động, anh sẽ lạnh nhạt, trễ nải, né tránh,
thờ ơ, hờ hững, mong chờ người kia chịu không nổi phải đề xuất trước. Vu Khương mới hai mươi mốt tuổi, cô còn nhiều thời gian để chung hưởng với anh. Cũng chưa bao giờ muốn rời khỏi người đàn ông đã thay đổi và đầu
tư cho cô. Vì thế, kt buộc phải xếp hàng, cùng anh đợi vk tự động rút
lui.

Hoặc là. Anh có thể giữ nguyên tổ ấm vốn có với Vu Khương, rồi mở một
tổ ấm mới cho Khánh Trường. Nhưng anh không còn sức nữa. Gánh nặng quá
lớn rồi: ở Vancouver và Bắc Kinh có tổng cộng ba biệt thự, năm chiếc xe, chi tiêu hằng ngày, phí tổn học hành của ba đứa con, bảo hiểm y tế,
thuế má các loại, phụng dưỡng cha mẹ, rồi chăm lo mua sắm cho ba người
đàn bà của anh. Sức lực anh đã dốc hết, cạn kiệt gần hết. Anh chỉ còn
khả năng thuê căn hộ, chứ không thể mua cho Khánh Trường một ngôi nhà ở
đất nước mà giá bất động sản đang leo thang từng ngày này. Anh nói, anh
không định mua nhà ở Trung Quốc nữa. Anh lấy một cuốn catalô bất động
sản Vancouver, cho cô xem các khu biệt thự của Canada, môi trường trong
lành, kiến trúc đẹp đẽ, giá lại rẻ hơn Trung Quốc nhiều. Anh không tin
vào bất động sản Trung Quốc. Nói rằng, nếu sau này chúng ta ở bên nhau,
anh sẽ mua một ngôi nhà ở Vancouver, dĩ nhiên tiền đề là em bằng lòng
cùng anh ra nước ngoài sinh sống.

Những miêu tả tương lai thế này hoàn tòan vô nghĩa với Khánh Trường. Cô
đoán anh cũng từng tâm sự tương tự với Vu Khương, và cũng đã thực hiện
ít nhiều, đưa Vu Khương sang Canada du lịch hơn một tháng. Nhưng bây giờ hai người vẫn cứ sống ở Bắc Kinh. Khí hậu và giao thông Bắc Kinh rất
khủng khiếp, sinh hoạt bất tiện, môi trường ô nhiễm, ai cũng thấy rõ.
Công việc của anh là ở đây nên không có lựa chọn nào khác. Huống hồ ở
Trung Quốc, hôn nhân của anh chỉ tồn tại trên danh nghĩa, xa xôi cách
trở, Phùng Ân Kiện khuất mắt trông coi, vui vẻ giả vờ như không biết,
không có xung đột trực tiếp nào. Nhưng nếu sang Canada, cha mẹ và vợ con anh làm sao xuôi tay đứng nhìn, không can thiệp cho được.

Đứng về mặt pháp luật, anh không còn tự do nữa. Địa vị, tinh thần, kinh
tế, tính cách anh, phương diện nào cũng có hạn chế và ràng buộc. Anh
không còn không gian cũng không còn khả năng để mở mang một cuộc sống
chung với Khánh Trường.

Khi ở một mình, Khánh Trường dã dùng lý tính phân tích hết những khía
cạnh này, cân nhắc lợi hại, suy luận lần lượt, càng hiểu rõ rằng tương
lai với Thanh Trì trùng trùng trở ngại, bế tác hoàn toàn. Chưa nói đến
người sinh con đẻ cái chung sống với anh mười lăm năm nay như Phùng Ân
Kiện, mà ngay cả Vu Khương, cô cũng không đủ sức bẩy đi. Và không muốn
bẩy đi. Khánh Trường kiêu hãnh cứng cỏi, không đời nào đẩy mình vào chỗ
bị động, càng không dễ sa vào tranh chấp. Cô cảm thấy thái độ nên có của Hứa Thanh Trì là chấp nhận đối mặt. Nếu muốn ở bên cô, anh phải, đồng
thời cũng chỉ có cách, kiên quyết xử lý mọi vấn đề trong đời sống tình
cảm của mình, chứ không phải là ngần ngừ trì hoãn, lý do lý trấu, cố
gắng duy trì cục diện vốn có trong thế giới của anh.

Nếu anh không làm được, vậy thì hai người họ sẽ tách ra hai bờ đối lập nhau. Không thể thỏa hiệp.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui