Xuân Yến

Cô cảm thấy mệt mỏi. Nằm trên giường thiếp đi. Mơ thấy mình đến một nhà ga.

Nhà chờ tàu là một kiến trúc mái vòm khổng lồ, kết cấu gang thép kiên
cố. Một số đường ray có tàu đỗ. Người đi lại như mắc cửi, tiếng nói lào
xào như mưa rơi. Cô đứng trên sân ga, tay cầm vé tàu, không biết nên lên chuyến nào. Đến nơi nào. Không xác định được, lại sợ lỡ thời gian, lo
lắng nấn ná ở vùng đất xa lạ không biết đi đâu về đâu, lòng như lửa đốt. Một người phụ nữ xuất hiện, không rõ là ai, đường nét khuôn mặt rất
nhạt nhòa, bà nói, Tín Đắc, tôi đưa em đi. Cô cất bước theo người phụ
nữ, đám đông biến thành nước biển dạt ra. Họ băng qua một lối đi rộng
rãi và cô đơn, một hành lang có vách kính kín bưng ngăn cách, hai bên
đặt nhiều chậu cây cảnh kì dị. Cành thưa uốn lượn tạo hình đẹp đẽ, treo
những quả tròn màu đỏ tươi giống quả của cây chè đắng. Đi đến cửa soát
vé, một người chặn họ lại, lấy một tập vé trong ngăn kéo ra, đưa cho họ
hai chiếc. Bây giờ cô mới thở phào. Sau một cuộc vật lộn trường kì hoảng loạn không mục đích, kết quả này đã chấm dứt giấc mơ.

Rất
nhiều năm sau, trên sân ga một thành phố châu Âu nào đó, cô đã bắt gặp
ga tàu với kết cấu y như trong giấc mơ ngày ấy. Góc độ, âm thanh, tính
chất, không khí… đều giống hệt. Bỗng dưng rùng mình, cảm giác như vừa
choàng tỉnh. Cô đã dùng không biết bao nhiêu thời gian, dùng cảnh mộng
lặp lại để dần dà chuẩn bị cho việc tới đích tình cờ này, cuối cùng đến
đúng địa điểm mà số phận đã chỉ dẫn.

Lại mơ thấy đang ở bên
Trinh Lượng, cùng đứng trước đại điện chùa Thanh Viễn ngắm cây ngọc lan
cổ thụ đơm chi chít những bông hoa trắng to tinh khiết. Chim rừng nghỉ
đỗ, cất tiếng hót véo von trên cành cây trơ trụi. Một bông hoa trắng vừa nở hết, rời đầu cành rụng xuống nền đất dưới gốc cây, tiếng rơi rất
nhẹ. Đột nhiên thời gian như thay da đổi thịt, được bóc sạch những so
sánh và tương phản, toát ra một ý vị độc lập. Ngoài mỗi phút mỗi giây
hiện tại, nó không dung nạp thêm bất kì mong chờ ngơ ngẩn nào nữa. Giống như đằm mình vào biển lớn, giống muôn vàn giọt nước, xô đẩy cùng chúng, chìm nổi, thật lòng thật dạ, ấy mới là nơi chốn quay về. Trinh Lượng
cúi nhặt bông ngọc lan, cánh hoa vẫn còn nguyên vẹn, đủ cứng cáp và vẫn
ngậm nước, nhưng cách lúc héo úa chẳng còn bao lâu nữa.

Bà ghé
mũi lại gần bông hoa, khuôn mặt thoáng nét cười, khẽ nói, Tín Đắc, em
nên biết, sự vật cần được đi đến tận cùng bằng diện mạo vốn có của nó,
không hơn, không kém. Đây cũng là diện mạo của những thứ chúng ta từng
sở hữu và mất mát, không nhiều hơn, cũng không ít hơn. Người thiếu nữ
thấy lòng vô cùng buồn bã. Khẽ khàng đáp, con biết.

Sau đó cô choàng tỉnh. 5 giờ 25 phút sáng. Trịnh Lượng không quay lại.

Cô gọi điện cho Cầm Dược. Máy kêu rất lâu ông mới nhận điện, giọng tỉnh táo bình tĩnh.

Tín Đắc.

Trịnh Lượng đi mãi chưa về. Hôm qua có ở với ông không?

Không. Chúng tôi không có hẹn.

Vậy mẹ đi đâu?

Em đừng lo. Đợi trời sáng, tôi sẽ sang giải quyết cùng em.

Ông và cô đợi suốt ba ngày. Ngày thứ tư, cô báo cảnh sát.

Cảnh sát đến điều tra, muốn tìm kiếm xem có manh mối dấu vết gì. Trong
nhà chất đống đồ đạc linh tinh, nhưng không thấy ghi chép viết lách nào, cũng không có thư. Trên giường ngủ của Trịnh Lượng họ nhặt được một
cuốn sổ tay, chỉ toàn những kế hoạch và sắp xếp cho công việc và cửa
hàng, không một dòng một chữ nào liên quan đến tâm trạng hay cảm nghĩ.
Dưới đệm giường họ moi ra một phong thư niêm kín. Một bức di thư. Ngày
tháng cho thấy nó được viết vào năm ngoái, chỉ có ba dặn dò ngắn gọn:
Toàn bộ tài sản thuộc về Tín Đắc. Chẳng may bà có mệnh hệ gì, Tín Đắc sẽ do Hứa Hy Niên giám hộ đến khi trưởng thành. Bà không cần phần mộ, đem
tro cốt rải xuống một hẻm núi bất kì là được.

Bức di thư ấy,
cho thấy Trinh Lượng không còn gắn bó hay vương vấn sâu sắc nào với nhân gian. Cuộc đời bà đã tịch mịch đến cực điểm.

Nhận được tin,
Hứa Hy Niên vội vã đến Lâm Viễn. Ông nhanh chóng thu dọn và phát mại nhà cửa đồ đạc, chuẩn bị đưa Tín Đắc cùng về Bắc Kinh. Ông nói, tôi sẽ gửi
cháu sang Anh học, ở homestay. Đợi hoàn tất các thủ tục liên quan đến
tài sản của Trinh Lượng, tôi sẽ mở cho cháu một tài khoản. Đừng lo lắng
về chi phí sinh hoạt học hành sau này, cứ để tôi thu xếp. Cho đến khi
cháu tốt nghiệp đại học và tự lập được thì thôi.

Cô hỏi, khi nào đi Anh ạ?

Nhanh thôi. Liên lạc được với nhà trường và gia đình ở nhờ xong là cháu có thể lên đường.

Không hiểu lấy dũng khí ở đâu ra, cô nói, cháu không biết gì về Trinh Lượng cả, kể cho cháu nghe đi, mẹ là ai?

Ông nói, tôi quen Trinh Lượng năm cô ấy hai mươi tuổi. Bấy giờ tôi đang làm việc ở Lucerne, Trinh Lượng sống một mình trong một căn hộ thuê nhỏ xinh cổ kính. Hằng ngày đi học ngoại ngữ chừng nửa buổi, ra chợ mua rau quả, về nhà nấu cơm, trồng hoa, đọc sách, may quần áo hoặc đi nhà thờ
hay ngồi vơ vẩn ở tiệm cà phê. Mỗi tháng một lần, có một người đàn ông
đến thăm cô. Anh ta có gia đình ở Zurich, từng sang Trung Quốc công tác, quen cô ấy, nhưng không thể cưới.Vợ anh ta không muốn sinh con, cũng
không hạn chế tự do của chồng. Trinh Lượng mang thai, anh ta muốn cô ấy
sinh con ra, sẵn lòng cho cô một khoản tiền lớn với điều kiện là anh ta
sẽ đem nó đi. Tôi là bạn của anh ấy, được ủy thác chăm lo cho cuộc sống
của Trinh Lượng.

Trong thời kì mang thai, Trinh Lượng thường
xuyên trốn chạy, dần dần biết hành động của mình là vô vọng. Bỏ nhà ra
đi, lại bị đuổi theo bắt về. Người đàn ông kinh hãi sinh nóng nảy, bèn
thô bạo tát cô, đe dọa rằng cô còn hành động nào gây ảnh hưởng tới đưa
bé thì sẽ không được chu cấp gì nữa hết. Anh ta nhốt cô, trói cô. Có lúc lại ôm lấy cô, đau lòng hổ thẹn, nước mắt tuôn như mưa. Anh ta si mê
cô, nhưng cuộc sống của anh không cần cô hiện diện. Cô sinh ra trong một gia đình thấp kém, tuổi thơ bần hàn, cố gắng vật vã sinh tồn, mười bảy
tuổi quen anh, bắt đầu hư hao đời mình từ đó. Người đàn ông trông rất
mạnh mẽ ấy đã đem đến một quy tắc tàn khốc của thế gian.

Quy
tắc đó là, em từ đâu tới thì hãy ở nguyên chỗ đó. Cô không khuất phục,
cái giá này quá đắt. Mùa đông, cô sinh con ở bệnh viện. Đứa trẻ bị ẵm đi ngay lập tức. Đã mấy lần cô tìm cách tự sát, cuối cùng được đưa về Bắc
Kinh, tiếp nhận chữa trị, hòa nhập cuộc sống lần nữa. Tôi vẫn trông nom
Trinh Lượng từ bấy đến giờ, bên trong con người cô ây có một dòng năng
lượng tối tăm mà dữ dội, tôi hi vọng theo thời gian cô ấy có thể kiềm
chế, chuyển hóa rối đánh tan nó. Cô ấy bắt đầu dệt vải, qua đó làm mình
trong trẻo và bình tĩnh lại. Làm rất tốt. Sau đó tinh thần lành lặn, cô
ấy nhận nuôi cháu.

Cô nói, chưa bao giờ mẹ nhắc đến người đàn ông và đứa bé nọ.

Ông nói, trong thời gian điều trị, cô ấy mất một phần kí ức. Nhớ tất cả các chuyện khác, duy quên bẵng hai con người mà không bao giờ cô ấy còn cơ hội gặp lại. Có lẽ một hành động tự vệ từ tiềm thức.

Làm như thế, là để lấy được tiền ư?

Không. Cô ấy hi vọng có thể tranh thủ thời gian. Tranh thủ một chút
tình cảm, dù là hữu hạn. Bấy giờ cô ấy còn trẻ, không biết rằng có những tình cảm dù phải trả giá bao nhiêu cũng không sao may mắn có được. Càng không biết rằng có những tình cảm dù đã chấm dứt, thì vẫn để lại day
dứt trong lòng chúng ta.

Người đàn ông có bề ngoài lãnh đạm đã
không giấu nổi vẻ suy sụp trong lúc kể chuyện với cô. Ông nói, lần đầu
gặp nhau là lúc Trinh Lượng vừa đến Lucerne. Đó là một thành phố yên
tĩnh sạch sẽ, có hồ nước, núi tuyết, thiên nga, cầu gỗ cổ kính. Cô ấy đã mang thai, bụng chưa lộ rõ, mặc một chiếc áo liền váy màu phấn trắng,
kiểu áo rất xa xưa. Đôi mắt trong trẻo như suối, lòng trắng còn anh ánh
xanh như mắt trẻ con. Chúng tôi đi xem căn hộ, cô ấy đi trước, đuôi sam
đen dày đung đưa sau lưng, thắt một dải lụa mảnh sặc sỡ. Tôi chưa bao
giờ gặp người con gái nào trông mong manh thoát tục đến thế. Tôi biết,
niềm thương xót dành cho cô ấy sẽ biến tôi thành nô lệ của cô. Tôi vẫn
luôn cố gắng chăm sóc Trinh Lượng. Cô ao ước một thứ tình cảm không tồn
tại. Giá thành của nó quá cao, không ai mong muốn hay đủ sức chi trả.
Tuy yêu cô ấy sâu sắc, tôi cũng chỉ có cách ôm đầu tháo chạy.

Tín Đắc nhớ lại căn hộ Trinh Lượng từng dẫn mình tới hồi về Bắc Kinh.
Một căn nhà đầy ắp đồ đạc xa hoa nặng nề, đèn chùm, đồ cổ, không khí
ngưng đọng như một hang động trống rỗng. Một người đàn ông và một người
đàn bà lãnh đạm khách sáo, yên lặng tỉnh táo. Cô nhớ lại tiếng cười giòn giã của Trinh Lượng và Cầm Dược trong lúc chơi đùa giữa biển hoa mùa
xuân, nhẹ nhàng, linh hoạt, giàu sức sống. Câu chuyện của họ luôn ăm ắp
hàm ý, sâu sắc, cho dù chỉ là chuyện cơm nước hay vườn tược, làm họ say
sưa. Thắp nến ăn cơm, không lên tiếng, mắt vẫn lấp lánh ngời sáng. Cuộc
đời hòa vào nhau, sức sống, niềm vui và bí ẩn cùng hội tụ. Kích thích,
sinh trưởng, thiêu đốt, thỏa mãn. Tất cả khiến hai người vui sướng đắm
đuối, là tội nghiệt mà sớm muộn gì cũng bị tịch thu mất chăng? Con người ta không đáng được sống cuộc sống xa rời thế tục chăng?

Bà là
một người đi trên đường. Ông là một lãng tử thoát ly phạm trù đời
thường, không muốn kết hôn, không thích hợp để ở yên bên ai, chỉ muốn du hí nhân sinh. Trinh Lượng chẳng còn lựa chọn nào khác, tiến tới là vực
sâu, quay đầu là đường đêm dằng dặc. Ba người đàn ông, một người cho bà
trải nghiệm và vật chất, một người chăm sóc bảo vệ bà, chỉ riêng Cầm
Dược khiến bà vui tươi, nhưng cuối cùng lại làm bà vỡ mộng.

Họ
nên ở bên nhau, ngạo với nhân gian, thắp đuốc chơi đêm, lãng quên hiện
thực tầm thường ảm đạm. Trinh Lượng đã nhận ra vô thường và hư không từ
lâu, nhưng vẫn muốn thử xem liệu mình có còn cơ hội tìm thấy cuộc đời
mới. Không ai gánh vác được kì vọng của bà. Ông muốn thoát khỏi những
hạn chế gò bó quy củ của đời thường, khước từ việc bộc lộ bản chất trước sự kéo dài tạm bợ của vạn vật. Họ dung dưỡng bà, bà lại dung dưỡng bản
thân, dần dần sa sút suy sụp đến tận đáy. Cuối cùng biến mất.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui