Ba
Sáng hôm sau, khi thức dậy, cô gái ung dung uống cốc sữa lắc đã biến mất, đành đầu hàng cảm giác tội lỗi và ba mươi năm sống theo nguyên tắc. Tôi không thể tiếp tục cố gắng tìm một lời giải thích phù hợp cho điều mình làm được nữa. Tôi đã làm một việc sai trái với người bạn mà chẳng thể nói ra, đã vi phạm nguyên tắc cơ bản của tình chị em. Chẳng có lời biện hộ nào cho việc đó hết.
Vậy thì theo kế hoạch B: Tôi sẽ giả vờ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Hành vi vượt quá mức đạo đức cho phép của tôi nghiêm trọng đến nỗi tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chỉ biết cầu mong toàn bộ chuyện này sẽ qua đi. Và bằng cách tiếp tục làm việc như bình thường, những việc hàng ngày vào mỗi buổi sáng thứ Hai, đó sẽ là mục tiêu tôi muốn hoàn thành.
Tôi tắm gội, sấy tóc, khoác lên mình bộ vest đen thoải mái nhất, đi đôi giày gót thấp, bắt tàu điện ngầm đến nhà ga Trung tâm, mua cafe ở quán Starbucks, chọn tờ The New York Times ở quầy báo, đi hai lượt cầu thang cuốn, một lượt thang máy lên văn phòng của mình ở tòa nhà Merlife. Mỗi phần trong công việc hàng ngày tôi vẫn làm tượng trưng ột bước xa dần Dex và Sự Cố đó.
Tôi đến văn phòng lúc tám giờ hai mươi, quá sớm so với giờ giấc yêu cầu của công ty luật. Những hành lang thật vắng lặng, Thậm chí ngay cả các thư ký cũng chưa có mặt. Tôi đang lật sang phần đề cập đến những tin tức, sự kiện ở New York trên tờ báo, nhấm một ngụm cafe thì nhận thấy đèn đỏ nhấp nháy trên máy điện thoại báo có tin nhắn – lúc nào cũng là một lời cảnh báo cho thấy nhiều việc hơn nữa đang chờ tôi. Một anh chàng đáng ghét nào đó chắc chắn đã gọi cho tôi vào cuối tuần khi tôi không kiểm tiền được. Tiền bạc của tôi phụ thuộc vào Les, gã đàn ông quan trong trong cuộc đời tôi, tên đồng nghiệp đáng ghét nhất trong số sáu tầng chứa toàn những kẻ đáng ghét như vậy. Tôi nhập mật khẩu, chờ đợi…
"Bạn có một tin nhắn mới của một người ngoài công ty. Tin nhắn đến vào lúc bảy giờ bốn mươi hai phúc sáng nay…" giọng nói ghi âm thông báo. Tôi ghét cả người phụ nữ trả lời tự động đó. Cô ta chỉ toàn mang lại tin xấu và thông báo bằng cái giọng vui tươi hớn hở. Bọn họ nên chỉnh lại cái giọng ghi âm đó trong các công ty luật đi thôi, sao cho nghe ủ ê hơn, "Ừ-ờ" – nói trên nền nhạc báo hiệu điềm xấu của phin Jaws – "bạn có bốn tin nhắn mới…"
Lần này thì là gì không biết? tôi nhủ thầm khi nhấn nút nghe
"Chào Rachel… Là tôi… Dex đây… Ngày hôm qua tôi đã định gọi cho cô để nói về chuyện tối hôm thứ Bảy, nhưng mà … tôi không thể. Tôi nghĩ chúng ta nên nói chuyện đó, cô thấy sao? Cứ gọi tôi khi nào cô có thể nhé. Cà ngày hôm nay tôi sẽ chờ."
Tim tôi chùng xuống. Sao anh ta không chịu chấp nhận cách né trách cũ rích mà có lợi, lờ nó đi, không bao giờ nhắc lại chuyện đó nữa? Tôi định sẽ làm thế mà. Chả trách tôi lại ghét công việc của mình; tôi là một luật sư ghét phải đối chất. Tôi cần cây bút lên, gõ vào mép bàn. Trong đầu tôi nghe thấy tiếng mẹ bảo không được gõ bút. Tôi bèn đặt chiếc bút xuống, mắt nhìn chằm chằm vào ánh sáng đang nhấp nháy. Người phụ nữ đó yêu cầu tôi phải quyết định xem phải làm gì với tin nhắn này – tôi phải nghe lại, lưu vào máy, hoặc là xóa đi.
Anh ta muốn nói gì mới được chứ? Có gì để mà nói đâu nào? Tôi ấn nút nghe lại, chờ đợi những câu trả lời đến với mình khi nghe ngữ điệu giọng nói của anh ta. Nhưng anh ta chẳng tiết lộ cho tôi điều gì hết. Tôi cứ nghe đi nghe lại cho đến khi giọng nói bắt đầu trở nên méo mó, giống như một từ bỗng thay đổi khi bạn lặp lại từ đó nhiều lần. Trứng, trứng, trứng, trứng. Đó từng là món tôi ưa thích. Tôi cứ nói đi nói lại mãi cho đến khi dường như là tôi đã gọi cái món vàng vàng định ăn sáng đó bằng một từ sai hoàn toàn.
Tôi nghe Dex nói thêm một lần cuối cùng trước khi xóa tin nhắn của anh ta. Giọng anh ta nghe hoàn toàn khác. Điều đó cũng hợp lý, bởi xét về vài mặt nào đó thì anh ta là người khác biệt. Cả hai chúng tôi đều thế. Vì cho dù tôi có cố không nghĩ đến chuyện đã xảy ra, cho dù Dex bỏ qua Sự Cố đó sau một cú điện thoại ngượng nghịu qua l chúng tôi vẫn sẽ mãi nằm trong Danh sách của nhau – cái danh sách ai ai cũng có, dù được ghi lại trong một cuốn sổ gáy xoắn bí mật hay khắc vào tâm khảm. Dù nó có ngắn hay dài. Dù có xếp theo trình tự xuất hiện hay theo mức độ quan trọng. Dù có đủ cả họ, tên và tên đệm hay chỉ là vài dòng miêu tả ngoại hình, như cái Danh sách của Darcy: "Delta Sig với cơ bả vai đẹp chết người…"
Dex nằm trong Danh sách điều tốt đẹp của tôi. Đột nhiên tôi vô tình nhớ lại lúc chúng tôi trên giường với nhau. Trong những khoảnh khắc ngắn ngủi đó, anh ta chỉ là Dex thôi – chẳng có liên quan gì tới Darcy cả. Đã từ rất lâu rồi, anh ta không còn là người như vậy. Anh ta không còn như thế kể từ cái ngày tôi giới thiệu hai người bọn họ với nhau.
Tôi gặp Dex khi học năm thứ nhất ở trường luật của Đại Học New York. Khác với phần lớn sinh viên luật, những người sau khi học xong đại học thì học tiếp luôn khi không nghĩ được việc gì khá khẩm hơn để làm với tờ bảng điểm đại học thuộc hạng xuất sắc trong tay, Dex Thaler già dặn hơn, nhiều kinh nghiệm sống hơn. Trước đó anh ta làm công việc phân tích nghiên cứu cho công ty Goldman Sachs, hất luôn cơ hội thực tập hè tám tiếng mỗi ngày và công việc văn phòng trực điện thoại kiêm ghi sổ sách của tôi. Anh ta tự tin, điềm đạm và đẹp trai đến mức không nhìn anh ta chằm chằm cũng là việc khó. Tôi tin chắc rồi anh ta cũng sẽ trở thành Doug Jackson và Blaine Conner của trường luật cho xem. Đúng như thế thật, chúng tôi mới chỉ bước vào tuần học đầu tiên thì những lời bàn tán về Dexter bắt đầu rộn lên, phụ nữ dòm ngó tình trạng yêu đương của anh ta, để ý xem ngón áp út bên tay trái của anh ta đeo gì chưa, hoặc là lo lắng rằng anh ta ăn mặc quá đàng hoàng, quá đẹp trai, không thể là đàn ông trăm phần trăm được.
Nhưng tôi thẳng thừng loại Dex luôn, thuyết phục bản thân mình rằng vẻ ngoài hoàn hảo của anh ta chán chết. May là tôi đã có quan điểm như vậy, vì tôi cũng biết anh ta quá tầm với của mình rồi. (Tôi ghét kiểu nói đó, ghét cả điều mà ai cũng nghĩ, rằng người ta chọn người yêu toàn dựa vào hình thức bên ngoài là chính, nhưng khi nhìn quanh thì thấy cũng khó mà chối bỏ được nguyên tắc đó – những người yêu nhau nói chung thường giống nhau về mức độ hấp dẫn, nếu không như vậy thì điều đó đáng phải chú ý). Vả lại, tôi đi vay ba ngàn đô la mỗi năm có phải để tìm được một anh bạn trai đâu.
Trên thực tế, có lẽ tôi đã trải qua ba năm học mà không nói chuyện với anh ta, nhưng chúng tôi ngẫu nhiên lại ngồi cạnh nhau trong lớp học môn Luật Bồi thường, lớp học ngồi theo sơ đồ do giáo sư Zigman hay mỉa mai giảng dạy. Cho dù ở trường đại học New York nhiều giáo sư sử dụng phương pháp Socratic[1], nhưng chỉ có mỗi Zigman dùng phương pháp đó như công cụ để tra tấn, làm mất mặt sinh viên. Dex và tôi có chung nỗi ghét bỏ ông giáo sư xấu tính đó. Tôi sợ ông Zigman cùng cực đến phi lý, trong khi đó, phản ứng của Dexter giống với ghét cay ghét đắng hơn. "Đúng là một lão khốn," anh ta gầm lên sau giờ học, thường là sau khi ông Zigman khiến ột đứa bạn cùng lớp phát khóc. "Tôi chỉ muốn phủi sạch nụ cười khinh khỉnh trên cái mặt vênh váo của lão thôi."
[1] Phương pháp Socratic, được đặt theo tên một triết gia Hy Lạp cổ đại, là phương pháp loại bỏ các giả thuyết tốt hơn bằng cách từng bước xác định và loại bỏ các giả thuyết dẫn tới mâu thuẫn.
Dần dần, những lần cằn nhằn đó chuyển thành những cuộc nói chuyện dài hơi hơn bên cốc cafe ở phòng chung dành cho sinh viên hay trong những lần dạo chơi trong công viên Quảng trường Washington. Chúng tôi bắt đầu cùng nhau học trước giờ lên lớp, chuẩn bị cho điều không thể tránh được – cái ngày ông Zigman sẽ gọi bọn tôi. Tôi sợ đến lượt mình, tôi biết đó sẽ là một cuộc thảm sát đẫm máu, nhưng cũng âm thầm bí mật háo hức ngóng đến lúc Dex bị gọi. Ông Zigman nhằm vào những con mồi có vẻ yếu đuối, rối loạn, mà Dex thì không thuộc hai dạng ấy. Tôi tin chắc rằng anh ta sẽ không chịu thua một cách dễ dàng đâu.
Tôi nhớ rất rõ lần đó. Ông Zigman đứng đằng sau bục giáo viên, kiểm tra hồ sơ chỗ ngồi, một cái hồ sơ trên đó dán ảnh mặt bọn tôi cắt ra từ danh sách ảnh của năm thứ nhất, gần như chảy cả nước miếng khi chọn con mồi. Ông ta ngước mắt dòm qua cặp kính nhỏ, tròn tròn (kiểu đó gọi là mục kỉnh thì hơn), nhìn bao quát về phía chúng tôi, và nói, "Cậu Thaler"
Ông ta phát âm sai tên của Dex, khiến nó nghe giống như là "taller" vậy.
"Là Thaa-ler ạ," Dex nói một cách thản nhiên, không hề tỏ ra sợ hãi.
Tôi hít vào một hơi thật sâu; chưa bao giờ có ai chỉnh lại lời ông Zigman. Dex thực sự sắp biết tay rồi đây.
"Vậy thì xin lỗi, cậu Thaa-ler" ông Zigman nói, khẽ cúi đầu giả tạo. "Vụ Palsgraf kiện Công ty đường sắt Long Island"
Dex ngồi bình thản, sách gập lại, trong khi những đứa còn lại trong lớp lo lắng lật giở vụ án mà tối hôm trước bọn tôi phải đọc.
Vụ án liên quan đến một tai nạn đường sắt. Trong khi vội vàng, một nhân viên đường sắt khiến ột hành khách làm rơi gói thuốc nổ, làm một hành khách khác bị thương, đó là bà Palsgraf. Thẩm phán Cardozo viết ý kiến đại diện cho đa số, tuyên bố rằng bà Palsgraf không phải là "nguyên đơn có thể dự đoán trước được", và như thế không thể đòi công ty đường sắt bồi thường được. Có thể những nhân viên đường sắt lẽ ra nên thấy trước được tổn hại đối với người cầm cái gói đó, chứ không phải tổn hại đối với bà Palsgraf, tòa án nói như vậy.
"Có nên cho nguyên đơn nhận tiền bồi thường không?" ông Zigman hỏi Dex.
Dex không nói gì cả. Trong một giây ngắn ngủi, tôi phát sợ, tưởng là anh ta chết cứng như những người đi trước rồi. Nói ‘không’ đi, tôi thầm nghĩ, truyền cho anh ta những đợt sóng điện não mạnh mẽ. Đồng ý với phán quyết của đa số ấy. Nhưng khi nhìn nét mặt anh ta và cái cách anh ta khoanh tay trước ngực thì tôi dám nói là anh ta đang kéo dài thời gian, khác hẳn với cách của phần lớn bọn sinh viên năm thứ nhát: tuôn ra những câu trả lời nhanh, đầy lo lắng và không vững vàng như thể thời gian phản ứng có thể bù đắp lại cho vốn hiểu biết vậy.
"Theo ý kiến riêng của em ấy ạ?" Dex hỏi.
"Tôi đang trực tiếp nói với cậu, cậu Thaler ạ. Thế nên, đúng, tôi hỏi ý kiến của cậu".
"Là em thì em sẽ đồng ý, nguyên đơn nên được nhận tiền bồi thường. Em đồng ý với ý kiến phản bác của thẩm phán Andrews."
"Ô... thật vậy sao?" giọng ông Zigman cao vút, là giọng mũi.
‘Vâng. Đúng vậy"
Tôi lấy làm ngạc nhiên trước câu trả lời của anh ta, vì anh ta đã nói với tôi ngay trước khi vào lớp rằng anh ta không hề biết loại thuốc kích thích crack-cocaine xuất hiện từ năm 1928, nhưng ông thẩm phán chắc chắn đã hút thứ thuốc đó khi ông ta viết ý kiến phản bác. Tôi thậm chí còn ngạc nhiên hơn khi cái câu "đúng vậy" xấc xược của Dexter thêm vào cuối câu trả lời, như thể để giễu ông Zigman.
Bộ ngực gầy giơ xương của ông Zigman phồng lên thấy rõ. "Vậy cậu cho rằng người ta bảo vệ lẽ ra phải dự đoán trước đó được là cái gói vô hại dài gần bốn mươi phân, bọc bằng giấy báo đó có chứa thuốc nổ và sẽ khiến cho nguyên đơn bị thương:"
"Chắc chắn cũng có khả năng đó."
"Anh ta cũng nên thấy trước rằng cái gói đó có thể làm bị thương bất kỳ ai trên thế giới này?" ông Zigman hỏi, sự chế giễu ngày càng tăng.
"Em không nói bất kỳ ai trên thế giới này, mà em nói đúng là ‘nguyên đơn’. Theo ý kiến của em, bà Palsgraf có nằm trong vùng nguy hiểm."
Ông Zigman tiến lại gần hàng ghế bọn tôi ngồi, người đứng thẳng và ném tờ báo Wall Street Journal lên cuốn sách gấp của Dex.
"Trả lại tôi tờ báo được không?"
"Em không muốn" Dex nói.
Cơn sốc trong lớp nổi lên thấy rõ. Những đứa còn lại trong số chúng tôi chắc sẽ chỉ làm theo và trả lại tờ báo, vật đó chỉ là thứ đạo cụ trong câu hỏi của ông Zigman mà thôi.
"Cậu không muốn?" ông Zigman ngẩng cao đầu lên.
"Đúng vậy. Bên trong đó có thể giấu thuốc nổ lắm chứ."
Một nửa lớp há hốc miệng, nửa còn lại thì cười khẩy. Rõ ràng ông Zigman có vài chiêu bí mật, một cách để lật lại Dex. Nhưng Dex đã không bị rơi vào bẫy. Ông Zigman bực bội thấy rõ.
"Cứ giả sử là cậu có đồng ý trả lại tờ báo cho tôi, và trong đó đúng là có một thanh thuốc nổ, và nó làm cho cậu bị thương thật. Thế thì sao, cậu Thaler?"
"Thế thì em sẽ kiện thầy, và rất có thể em sẽ thắng."
"Vậy khoản tiền bồi thường đó có giống với lý do thẩm phán Cordozo đưa ra trong phán quyết của bên đa số không?"
"Không. Không giống".
" thế à? Sao lại không?"
"Vì em kiện thầy vì tội cố ý gây thương tích, còn ông Cardozo thì nói về tội bất cẩn, đúng vậy không ạ?" Dex lên giọng cho hợp với giọng ông Zigman.
Tôi nghĩ là mình nín cả thở lúc ông ấn hai lòng bàn tay vào nhau, đưa lại gần ngực một cách ngay nhắn như thể ông ta đang cầu nguyện vậy. "Tôi hỏi những câu này với cả lớp. Như thế được chứ, cậu Thaler?"
Dex nhún vai như thể nói rằng: thầy cứ việc, chẳng ảnh hưởng gì đến em.
"Vậy, giả sử rằng tôi vô tình làm rơi tờ báo xuống bàn cậu, cậu đem trả lại và bị thương. Vậy ông Cardozo có cho cậu hưởng đầy đủ khoản bồi thường không?"
"Chắc chắn rồi."
"Tại sao?"
Dex thở dài chỉ để thấy rằng bài này đã khiến anh ta phát chán, rồi nói nhanh và rõ ràng, "Bởi vì hoàn toàn có thể dự đoán trước được chất nổ đó sẽ làm em bị thương. Việc thầy làm rơi tờ báo có chứa chất nổ vào không gian cá nhân của em đã vi phạm quyền được bảo vệ về mặt luật pháp. Hành động bất cẩn của thầy gây ra một mối nguy hiểm dễ thấy, xét theo mức độ cẩn trọng thông thường."
Tôi đọc những phần đã đánh dấu trong sách mình. Dex đã trích dẫn nguyên văn phần nói về ý kiến của ông Cardozo mà chẳng cần liếc vào sách hay mẩu giấy nào. Cả lớp hoàn toàn bị thu hút – chưa ai làm tốt được như thế, và chắc chắc lại càng không khi có ông Zigman đang đứng lù lù trước mặt..
"Và nếu cô Myers khởi kiện," ông Zigman nói, trỏ vào Julie Myers đang run rẩy ngồi ở phía bên kia lớp, nạn nhân của ông ta ngày hôm trước. "Cô ấy có được nhận tiền bồi thường không?"
"Xét theo tuyên bố của ông Cardozo hay theo lời phản bác của thẩm phán Andrews ạ?"
"Theo Andrews. Vì đó là ý kiến của cậu mà."
"Có ạ. Trước toàn thể thế giới này, mỗi người đều có trách nhiệm kiềm chế những hành động đe dọa một cách vô lý đến sự an toàn của những người khác," Dex nói, lại một câu trích dẫn ngay trong lời phản bác.
Chuyện cứ thế tiếp tục trong suốt thời gian còn lại, Dex phân biệt những điểm nhỏ nhặt trong sự việc đã bị thay đổi, không hề nao núng, luôn luôn trả lời một cách quyết đoán.
Và đến cuối giờ, ông Zigman thực sự đã nói, "Rất tốt, cậu Thaler."
Đó là chuyện lần đầu tiên xảy ra.
Tôi rời lớp học, cảm thấy thật sung sướng. Dex đã giành lại thắng lợi cho tất cả chúng tôi. Câu chuyện lan ra khắp trong bọn sinh viên năm thứ nhất, kiếm cho anh ta thêm nhiều điểm nữa trong mắt bọn con gái, những người từ lâu rồi đã tin chắc rằng anh ta vẫn chưa có một ai cả.
Tôi cũng đã kể cho Darcy nghe chuyện đó. Cô ấy chuyển đến New York gần như cùng lúc với tôi, chỉ có điều, trong hoàn cảnh khác một trời một vực. Tôi đến đó để học làm luật sư; cô ấy đến mà chẳng có nghề ngỗng, chẳng có kế hoạch hay tiền bạc rủng rỉnh. Tôi để cho cô ấy ngủ trên chiếc đệm gấp trong phòng mình ở ký túc xá cho đến khi cô ấy tìm được vài người khác ở chung – đó là ba nữ tiếp viên của hãng hàng không American Airlines đang tìm thêm một người nữa ở cùng trong căn phòng nhỏ ngăn ra để ở. Cô ấy vay tiền bố mẹ để thuê nhà trong khi tìm việc làm, cuối cùng cũng kiếm được một chân Bartender ở quán bar Monkey. Trong suốt những năm chúng tôi làm bạn, đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình trong khi so sánh với cô ấy. Tôi thì cũng nghèo, như cô ấy thôi, nhưng ít ra thì tôi còn có một kế hoạch. Viễn cảnh tương lai của Darcy xem ra chẳng mấy tươi đẹp khi điểm trung bình chung toàn khóa học của cô ấy ở Đại Học Indiana chỉ có 2,9, hạng trung bình khá.
"Cậu may mắn thật đấy," Darcy rên rỉ trong lúc tôi đang cố gắng học.
Không, may mắn toàn là của cậu hết rồi, tôi thầm nghĩ. May mắn là khi mua vé số rồi reo lên sung sướng khi đã trúng và trở nên giàu sụ. Đời tôi chẳng có gì gọi là may mắn hết – tất cả đều do làm việc chăm chỉ, do mỗi ngày lại phải cố gắng nhiều hơn thôi. Nhưng dĩ nhiên là tôi không bao giờ nói vậy. Tôi chỉ bảo với cô ấy rằng rồi mọi chuyện sẽ trở nên tươi sáng với cô ấy nha