Chương 1: Xưởng Mổ Heo
Tác giả: T.Đ.K.H
Cứ độ hai giờ chiều, người ta lại thấy hai đứa nhỏ, một trai một gái, lon ton trên con đường chợ nhầy nhụa những vũng nước màu đen. Mấy bà hàng rau và hàng thịt thường xuyên thủ thỉ với nhau về hai đứa chỉ mới lên lớp sáu ấy, rồi té ra cười về cái cách xưng hô và ánh mắt thân mật của bọn chúng. Trong các cuộc nói chuyện đó, chủ đề về bọn trẻ chỉ là phần mở đầu bởi chuyện của tụi con nít nói một hồi rồi cũng chán. Điều người ta quan tâm hơn tất cả chính là tình cảnh gia đình của bọn trẻ, tức là về những chuyện xung quanh ba mẹ chúng, những thứ mà họ hoàn toàn có đủ kiến thức để thêu dệt nên một câu chuyện hấp dẫn.
Ai cũng biết thằng bé kia tên là Khoa, là con cháu trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Ông nội của nó từng là thầy của một nhà chùa, mẹ là một phật tử, còn ba thì giữ một chức lớn trong lực lượng công an tỉnh, một đại tá công an. Trong khi đó, Uyên là một đứa con mồ côi mẹ của một gia đình bình thường có ba làm nghề mổ heo. Người ta rất khoái khi nói đến sự đối lập rất lớn này của hai gia đình vì họ có thể tự tin phản luôn về tương lai của hai đứa, kiểu như: “Mèo và chuột, sao mà đến với nhau được.”
Dạo gần đây, người ta thường xuyên nghe được một vài tiếng to nhỏ từ nhà của thằng Khoa và họ đinh ninh rằng ba của nó có lẽ đã bắt đầu phát hành một lệnh cấm vận nào đó liên quan đến gia đình của Uyên. Việc đó dường như xuất phát từ những chuyện không hay xảy ra gần đây, ấy là về một nhóm côn đồ có tiền án về hút chích và sử dụng chất cấm. Việc bắt giữ bọn chúng thì chắc hẳn người nào cũng đã rõ, nhưng điều quan trọng chính là vết nhơ mà bọn côn đồ đã để lại, cái tư tưởng và sự sợ hãi từ những mũi kim tiêm. “Cái đó mới là điều quan trọng”, ba của Khoa luôn chốt hạ câu đó mỗi khi nó buông miệng xin phép đi chơi, và mỗi lần như vậy, nó không biết là nên đi hay phải ở nhà.
Bữa ăn tối hôm ấy như chìm vào hố sâu im lặng. Mặc dù đang ngồi ăn cơm bình thường như mọi khi nhưng Khoa luôn có cảm giác như đang bị tra tấn tâm lý, bởi ba của nó đang ngồi ở phía đối diện và hãi hùng giương cặp
mắt nửa đen nửa trắng lên nhìn. Mẹ của nó hoàn toàn không dám hó hé một lời mà chỉ chú tâm bỏ thịt và cá vào chén cơm của thằng con. Thoạt nhìn thì trông có vẻ cũng rén lắm nhưng thần thái của nó lại thể hiện một sự thoải mái vượt xa cả mẹ mình, cứ như những tình huống này nó đã trải qua trước đó rất nhiều lần rồi.
Căn bếp treo đầy tranh vẽ rực màu tươi sáng được đóng khung cẩn thận. Bức tranh về những điệu cười, một phong cảnh bao la hoặc ánh nhìn từ một con hổ, song không khí của bữa ăn không thể khá khẩm hơn. Khoa vươn người qua chỗ ba cầm lấy chiếc điều khiển, rồi nhẹ nhàng chuyển tivi về kênh hoạt hình. Đôi môi của nó giật giật, bụng phập phồng theo từng tình tiết trên phim rồi bất ngờ hét lên cười khi không thể nhịn được nữa. Mẹ nó cũng bị lây nhiễm nhưng tình trạng không khá hơn một cái cười mỉm. Không khí ảm đạm xung quanh bị phá bỏ trong một lúc lâu cho đến khi ông đại tá dứt khoát giơ tay đập bàn vì không ai chịu lắng nghe những gì ông vừa truyền thụ. Tiếng động bất ngờ và lớn khiến cho hai mẹ con Khoa như giật người khỏi ghế, chén bát chao đảo trên mặt bàn kính. Ông quát:
– Tập trung lại coi cái thằng này! Mi đang giỡn mặt với ba đó à? Còn không mau tắt tivi đi?
Nhanh như chớp, mẹ nó chộp lấy chiếc điều khiển và tắt đi.
– Dạ? – Khoa ru rú người, cố tỏ ra khúm núm nhất có thể.
– Ba đã nói rồi, từ nay không được lén phén qua chỗ ông Nghị bên xưởng mổ heo nữa, nghe chưa? Nhà ta theo đạo Phật, giết mổ là điều cấm kỵ, rõ chưa? Còn con nhỏ Uyên đó nữa, mi nghỉ chơi với nó đi, tập trung mà học hành. Suốt ngày cứ bị con nhỏ đó rủ rê, coi chừng hư thân. Ba nói rồi, lo mà học hành để lớn lên còn có công ăn việc làm, đi chơi thì sau này chỉ có đi bán vé số, hiểu chưa?
– Con rủ nó chớ nó đâu có rủ con.
Mặt ba nó biến sắc:
– Lại cãi! Người lớn nói là phải nghe, không có cãi.
Thấy con mở miệng chuẩn bị nói mà đoán chắc sẽ càng khiến cho chồng thêm tức giận, người mẹ chen vào:
– Thôi được rồi, để cho con nó ăn.
Ăn cơm xong lúc đó chỉ khoảng sáu giờ rưỡi tối, nền trời bên ngoài hắn còn chưa tối. Khoa trình bày rằng mình sẽ lên phòng để học bài và chín giờ sẽ đi ngủ như mọi khi. Ba nó nghe thấy vậy thì chỉ gật đầu hài lòng rồi lại dán mắt vào màn hình tivi mà không bình phẩm gì thêm. “Học bài”, đó quả là lý do chưa bao giờ lỗi thời để đánh lạc hướng các bậc cha mẹ. Thế nhưng, vừa mới đến chân cầu thang là Khoa ngay lập tức rẽ ra khu sau nhà để tìm tới cánh cửa hậu, một lối thoát tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ hiệu quả. Nó nhẹ nhàng đẩy cửa ra, nghiên người lách qua khe hở không dám mở rộng rồi khúm núm khép cánh cửa lại, thầm mừng vì kỹ thuật đã trở nên thành thạo. Khoa tiếp tục lẳng lặng đi theo con đường mòn của khu vườn dọc nhà, cố tránh những vùng phát sáng tại vị trí ô cửa sổ để tiến ra cổng, sau cùng biến mất như một tên ăn trộm.
Ở dưới gốc cây lộc vừng, một bóng người nhỏ nhắn đang đứng đợi và đột nhiên nhảy tưng tửng lên khi nhìn thấy nó. Cô bé mặc một chiếc áo thun in hình một cái mặt quỷ, một cái quần short nhiều túi và một đôi dép lào. Theo như kinh nghiệm của mình thì Khoa ít khi nào thấy Uyên mặc quần cao hơn đầu gối, mà đúng hơn thì có một lần, hình như là vào năm lớp năm. Đó là lần Uyên bắt chước theo cách ăn mặc xì tin của mấy đứa con gái trong lớp, phong cách váy ngắn và áo hở bụng, sau đó hào hứng đi đến khoe. Tuy nhiên, Khoa đã dại dột khi biểu lộ cảm xúc quá chân thật, thậm chí ngu đến mức dùng từ “gớm” để miêu tả về lối thời trang ấy, thế là hôm đó nó suýt bị trĩ vì một cái thúc gối vào mông. Kể từ sau tình huống đó, Uyên thề rằng sẽ không mặc đồ khoe da cho Khoa thấy nữa.
– Trễ vậy!
Cô bé đứng xỏ tay vào túi quần, mắt đưa về phía Khoa vẫn còn đang rón rén đi theo mép hàng rào nhà bên cạnh. Trong mắt cô bé, Khoa chưa bao giờ đần hơn lúc này.
– Mới ăn cơm xong là trốn ra đây luôn rồi, trễ cái gì? Ê, cái gì trên tay bà vậy?
Uyên đưa cao một túi ni lông lên trước mặt, một vài giọt nước màu đỏ tía đọng ở đáy bao từ từ rơi xuống. Đó là xương heo.
– Ba tui cho, nửa ký xương heo đây. Ông có đem cái nồi nào không đấy, sao thấy cái xác không vậy? Hồi chiều nói rồi mà?
– Trốn ra được là may lắm rồi, lấy thêm đạo cụ có mà bị xích ở nhà. – Còn muối tiêu thì sao?
– Không có luôn!
– Thôi mệt quá, chứ giờ ông đem cái gì?
Khoa khẽ khàng kéo áo lên khỏi bụng và để lộ ra hai cái que được nhét vào lưng quần. Nó rút hai cái que đó ra khoe.
– Một đôi đũa
– Ờ, được đấy. Thế ai ăn ai nhịn?
– Ăn chung, có sao đâu.
– Điên, thấy gớm!
Uyên quay người đi, cuộc nói chuyện kết thúc một cách chóng vánh, luôn luôn là vậy.
Bọn chúng đi men theo bờ sông trong mười phút đi bộ, rồi rẽ xuống một con dốc đất mọc cây um tùm ngay dưới chân một cây cầu. Vì đèn đường vươn cao và những bụi cây xung quanh đó cũng không quá lớn nên khu vực chân cầu vẫn được chiếu sáng đầy đủ. Sau khi vượt qua được lùm cây lóc chóc gai nhọn, cả hai đi vào một mảnh đất đen ở dưới chân cầu, nơi mặt nước vỗ ì ạch những gợn sóng nhỏ vào bờ. Xung quanh đó toàn là rác, hầu hết là chai nhựa và bao ni lông bị sóng nước đẩy vào. Một số chỗ cao hơn thì bị người ta đổ rác thành đống, mấy thứ rác này cực kỳ nguy hiểm vì có cả mảnh thủy tinh vỡ, nếu không cẩn thận thì có lẽ Khoa đã đạp phải một cái đế ly bị bể.
–
– Bà ấy kia rồi!
Uyên reo lên khi nhìn thấy một người phụ nữ tóc tai gần như cạo trọc, quần áo xộc sệt phủ lên một nước da ngăm đen, đang ngồi trên một căn nhà
xập xệ nổi trên mặt sông. Căn nhà được dựng lên bởi nhiều cây cọc gỗ nhỏ đan chằng chịt nhau làm việc tựa như một hệ thống móng nhà, nằm cách mặt nước chưa đến một mét. Đặt trên chiếc móng nổi đó là một khối hình vuông bằng gỗ và tre, đó là nơi ở chính. Các bức tường của căn nhà được phủ lên bằng những tấm ván nhựa mỏng, mặt tường hướng ra sông được đục một lỗ lớn để làm cửa sổ. Mái nhà là phần kiến trúc đơn giản nhất vì chỉ được phủ lên bằng một tấm bạt màu xanh dương, bốn góc được gia cố bằng bốn sợi dây. Mặt nhà đối diện phía chân cầu có một nấc thang dẫn lên trên gồm ba bậc, được sắp xếp bằng các tảng đá chồng lên nhau. Sự chắc chắn của ngôi nhà đôi lúc đã bị thách thức bằng một cơn gió.
Bà góa phụ này tên là Xinh, năm nay đã năm mươi bốn tuổi. Cả cuộc đời bà sống lẳng lặng như một chiếc lá úa vàng, rơi rớt lúc nào chẳng ai hay. Nhưng chỉ sau một sự cố mà theo người ta là “không quá to tát”, cái tiếng của bà bỗng chốc vang xa. Mà cái sự nổi tiếng đó thực ra là tai tiếng chứ chẳng phải một thứ tốt đẹp, vì nó chỉ là một mớ phiền hà mà bà phải nhận phải, nhất là khi mấy tay nhà báo đang trên bờ vực thất nghiệp vì “khát” tin sốc cứ liên tục tìm đến phỏng vấn.
Cái vụ sự cố mà báo chí từng đưa tin rầm rộ ấy chính là việc con trai của bà Xinh bị ngã xuống sông mà chết. Cậu ta đương đã lớn tuổi nhưng thân xác vẫn không lớn hơn một đứa bé mẫu giáo. Vì không có tiền đi bệnh viện nên bà Xinh cũng không biết con bị bệnh gì, song bà nghe người ta thủ thỉ với nhau rằng thằng bé bị một căn bệnh liên quan đến chứng không thể lớn, sẽ cứ mãi ở hình dạng một đứa bé. Hơn nữa, đứa con của bà còn gánh thêm đủ thứ loại bệnh tật, nào là não chậm phát triển, tay chân khó hoạt động, nói năng thì chữ được chữ mất, thương vô cùng. Bởi vậy, người ta mới xem cái chết của cậu ta là “không quá to tát”, xem đó là việc giải thoát cho một số phận quá đỗi bi thương.
Qua vụ việc đó, thông tin về việc bà Xinh nhận tiền hỗ trợ lấp đầy các mặt báo, còn số tiền nhận được thì không thấy ai nhắc đến ngoài mấy bà hàng xóm trong chợ. Sau một vài tuần, vụ việc dần nguội đi cho đến khi chẳng còn ai nhớ đến.
Bà Xinh đang ngồi phân loại ve chai sát ở chân cầu, nơi ánh đèn điện vừa đủ soi tới, thì nghe thấy tiếng dép lê lết trên mặt đất.
– Ô, hai đứa tới đúng lúc lắm, lại đây phân chai đi!
Như mọi khi, Khoa là đứa lao vào giúp phân loại ve chai, còn Uyên thì một là ngồi trên nhà nhìn xuống chỉ đạo, hai là nằm dài trên đó hát vu vơ vài câu, đôi lúc được ba cho thịt thì cô bé sẽ đảm nhận việc nấu.
– Ê Khoa, ông lại nhóm lửa coi! Xương này luộc lâu lâu thì gặm mới ngon.
Uyên xếp mấy khúc cây vào ba chân đá nơi thuộc căn bếp của bà Xinh cách căn nhà chừng năm mét, cũng gần chân cầu. Cái nồi của bà Xinh đã nhỏ lại còn đen và không có nắp đậy, nấu chín được nữa ký xương heo bằng bếp củi đối với bọn trẻ quả thật là một cực hình. Nhưng nhờ có Khoa giúp nên ve chai được phân ra rất nhanh, bà Xinh ngay sau đó đã dành lấy vai trò bếp trưởng.
Ngồi co ro bên bếp lửa, Khoa đưa đôi mắt ánh lên những tia màu cam về phía bà Xinh. Những tiếng nổ lách tách kêu lên từ đống lửa như muốn cho biết không gian bây giờ đang rất tĩnh lặng, mặc dù tiếng xe vẫn còn chạy và và ngay trên đầu. Uyên khẽ liếc sang Khoa rồi thẳng chân đạp một cái.
– Nghĩ gì đó, nói nghe xem nào! Mấy người học giỏi hay thẫn thờ như thế à, kiểu như muốn tỏ ra là mình tri thức lắm, suốt ngày cứ suy suy nghĩ nghĩ, thấy gớm.
Khoa đưa tay phẩy đất trên quần nơi cô bạn vừa đạp phải, nhăn mặt đáp:
– Chi vậy bà nội, tự nhiên điên khùng thất thường. Có nghĩ gì đâu!
– Nhìn cái mặt kìa, chẳng có một chút đáng tin nào. Nói đi!
– Đã nói không có, gió lạnh ngồi gần lửa cho ấm thôi.
Cô bé đạp thêm một cái nữa về phía Khoa, nhưng lần này nó tránh được. Nó nhìn sang bà Xinh để kêu cứu.
– Bà Xinh, bà giải thoát cho con đi. Người gì đâu nhiều chuyện quá, có cái ngồi sưởi ấm cũng không xong.
– Chắc là ba của ông nói xấu gì nhà tui phải không? Kể nhanh đi, coi chừng ăn đạp tiếp bây giờ.
Bà Xinh chỉ lắc đầu cười rồi tập trung trở lại công cuộc nấu nướng vì cho đó là chuyện đùa giỡn của bọn nhỏ. Lúc đó, Uyên một lần nữa đạp tới làm Khoa bực mình ghê gớm. Nó không ngờ con nhỏ bạn lại có thể đi guốc trong bụng mình một cách rõ ràng như vậy.
– Thì từ từ cái đã, đạp bẩn hết đồ tui kìa. Thứ con gái gì đâu không.
Như một người đàn ông chính trực đang đứng trước vành móng ngựa trong ngày được giải tội oan, Khoa từ tốn nói:
– Ba tui lại không cho tui đi chơi với bà và không cho qua nhà bà luôn. Ổng kêu nhà bà giết mổ kinh quá, còn nhà tui thì theo Phật, hai đứa không hợp nhau.
– “Hai đứa không hợp nhau?” – Uyên nhăn mặt kinh sợ.
– Ừ, ba tui nói vậy đó. Ổng còn nói bà dụ dỗ tui hư theo bà nữa. Vừa lóng ngóng nghe đến “hư” và “dụ dỗ”, Uyên nổi máu điên lên: – Ê, ai dụ dỗ ai, tui thèm ông chắc?
Biết cô bạn sẽ nổi giận, Khoa chấn chỉnh lại ngay:
– Đã nói là ba tui nói, mở cái tai ra nghe dùm tui cái. Tưởng tui cũng thèm bà chắc?
Từ tốn ngồi xuống vì nhận ra mình vừa làm một hành động quá lố, Uyên hạ giọng.
– Nhưng mà ông có theo Phật không?
– Không! Theo Phật chán bỏ mẹ.
– Ông không theo Phật? Thế sợ gì. Ông nói với ba ông như vậy chưa? – Rồi! Ổng kêu “ai chỉ mi nói đó” rồi vác cây ra đánh, đau bỏ mẹ luôn.
Cô bé tỏ ra khó hiểu, tay đưa lên gãi đầu sột soạt.
Một cơn gió đêm thổi qua hầm cầu làm kêu lên những tiếng hú đầy ma mị, cùng lúc khiến cho ngọn lửa trong bếp vùng vẫy như bàn tay của một ảo thuật gia. Bà Xinh lúc đó ngồi nhích qua bên một chút để đưa tấm lưng bạt màu của mình ra chắn gió. Nồi xương heo bắt đầu sục sôi trên ngọn lửa đang dần ổn định. “Dường như sắp ăn được rồi”, bà đánh giá.