Xưởng Mổ Heo Full


Chương 2: Xưởng Mổ Heo


Tác giả: T.Đ.K.H


Ngồi yên một chỗ nên sinh ra chán, Uyên bắt đầu lục đục đứng dậy, rồi nhảy nhót tưng tửng như đang khởi động trước một cuộc thi chạy. Cô bé thả lỏng và xoay tròn hai cánh tay trên vai như mấy bài tập thể dục trên trường, cuối cùng thẳng chân đá vào lưng Khoa làm kêu lên một tiếng “bịch”.


– Đứng dậy chơi ném đá đi.


Ôm lấy tấm lưng tội nghiệp, Khoa nhăn mặt đáp:


– Bà bị điên à, gãy mẹ cái lưng rồi, ném niết gì được nữa.


Tuy vậy, khi nhìn thấy cẳng chân của cô bạn tiếp tục cong lên, nó buộc phải bỏ động tác ăn vạ vừa rồi và đứng dậy đưa tay lên đầu hàng.


– Hết, hết rồi, được chưa? Điên thật chớ. Mà cái trò này bà là trùm rồi, rủ tui chơi làm gì nữa?


– Thì chơi đi, biết đâu tui thua thì sao.


– Không thể! Bà mạnh như trâu ấy, có cứt tui mới thắng.


– Bây giờ có chơi không? – Uyên nhếch miệng, trợn hai con mắt lên đe doą.


– Không. Có đánh chết cũng không chơi.


Khoa bỗng mềm như con sâu và ngồi tụt xuống trở lại vị trí cũ. Thấy sử dụng vũ lực không thành công, cô bé bắt đầu chán nản.


– Chứ giờ ông muốn chơi trò gì đây?


Nhếch mép cười, Khoa xoay lưng lại chỉ tay vào mặt tường của chân cầu, nơi có nhiều nét vẽ đầy màu sắc. Nó đứng dậy đi về góc yêu thích nhất của mình và không quên cầm thêm một cục gạch vụn màu đỏ. Ánh sáng từ bếp lửa hắt lên bức tường làm hiện ra hình vẽ chân dung của một cô gái.


– Gì đấy?


Uyên chập chững bước đến chỗ Khoa, hai mắt nheo lại nhìn bức vẽ đã đến phần hoàn thiện. Kể cũng phải khen thằng bạn vì thực sự bức tranh rất đẹp, các nét vẽ mềm mại trông rất có hồn chứ không giống như mấy kiểu vẽ nguệch ngoạc của mấy đứa khác cùng lứa. Trong phút chốc, Uyên gần như quên mất rằng Khoa đã từng đạt giải nhất trong một cuộc thi vẽ dành cho lứa tuổi thiếu niên nhi đồng, quên mất rằng vẽ là năng khiếu trời sinh của Khoa.



Bước gần hơn tới bức tường, Uyên chú ý đến kiểu tóc mái cắt ngang, chiếc dây chuyền hình tròn trên cổ và chiếc nốt ruồi nhỏ ở bên má phải của hình vẽ. Trông cô gái này khá quen thuộc, từ nét mặt cho đến kiểu tóc, song có nét dịu dàng hơn hẳn những gì Uyên tưởng tượng. Sau một lúc, Uyên bỗng reo lên:


– Á à, ông vẽ tui phải không?


Trong lúc đưa tay lên vẽ tiếp, Khoa cười khinh bỉ:


– Vẽ bà? Đâu có bị điên. Suốt ngày đánh tui mà đòi được vẽ, mơ đi. Vẽ người phụ nữ trong mộng thôi.


Uyên cười toe toét miệng khi nghe được câu cuối.


– Đó, thấy chưa? Cái điệu cười không có một chút nào là con gái luôn. – Khoa chỉ tay lên đôi môi trên bức tường lạnh lẽo, nói tiếp: – Nhìn này, người trong mộng của tui phải dịu dàng thế này này. Môi mỏng và cười mỉm, mắt để mở tự nhiên, không có trợn lên như kiểu đe dọa như thế.


Nghe thấy những miêu tả đậm chất hội hoạ mà mấy ông thầy dạy vẽ thường ngân nga, Uyên chỉ thè lưỡi chế giễu.


– Gớm, cái đồ con gái ủy mị.


– Ê, ủy mị là như thế nào? Người ta thùy mị chứ?


– Đồ con gái yếu đuối!


Khoa điên tiết, gân cổ lên quát:


– Bà thì mạnh quá, thế thành đàn ông luôn đi!


– Hê hê, ngu gì. Ba tui kêu có con gái là may mắn ba đời. Ai cũng muốn có con trai, sau này ế vợ hết cho chừa.


Ngay lúc mà hai đứa đang đứng phía sau ngọn lửa để cãi nhau, hai chiếc bóng của chúng vô tình hắt vào bức tường hiện lên một cảnh tượng trông như một cặp đôi đang khiêu vũ. Bà Xinh là người may mắn chứng kiến được khoảnh khắc đối lập hiểm thấy ấy, nhưng nụ cười trong bà không kéo dài được lâu, bởi hình bóng này có một chút gì đó rất quen thuộc với bà.


Từ phía xa chợt có tiếng sột soạt lanh lảnh vang đến. Đó là tiếng bước chân liên tục nện xuống mặt đất, có lẽ là đến từ lối đi mà cả hai đứa đã tới. Bọn trẻ thôi không cãi nhau nữa mà cùng quay ra quan sát cái sự sắp xảy đến ấy. Từ phía lùm cây dưới ngọn đèn đường, những ngọn cây từ từ bị vạch sang hai bên và hình dáng hai người lớn xuất hiện. Không ai khác đó chính là ba mẹ của Khoa, ông bà vừa trải qua một cảm giác không mấy hài lòng khi phát hiện ra phòng ngủ của con trống trơn.


Như một mũi tên, ba của Khoa lao đến rồi bắt trọn lấy cái tai phải của nó mà kéo, cho đến khi mẹ nó xông đến giải cứu thì ông mới lên tiếng quát, tay vẫn không chịu buông.


– Cái thằng này, càng ngày mi càng hư phải không, bữa nay biết nói dối nữa à? Kêu học bài mà giờ lại lởn vởn ở đây chơi à? Mi có biết ba mẹ tìm mi cả tiếng đồng hồ rồi không hả? Về nhà, leo lên sô pha rồi cởi quần xuống cho ba, nhanh lên!



Giọng điệu của ông đanh thép như một kẻ bạo chúa khiến cho Uyên không khỏi rùng mình sợ hãi. Cô bé nép sát vào người bà Xinh, cẩn thận ghé đôi mắt long lanh nhìn thằng bạn thân la hét trong đau đớn. Ở cái xóm nhỏ này, ai ai cũng biết ba của Khoa là một ông đại tá nghiêm khắc, kể cả với dân hay con cái. Người ta sợ sệt cái bản lĩnh quá đỗi mạnh mẽ của ông, song họ lại cảm thấy nể phục bởi chính là cái cung cách làm việc rành mạch và công bằng ít ai có thể có được. Và theo thời gian, người ta dần quen cái tính cách khó gần đó, bắt đầu xem nó như một điều hiển nhiên.


Thấy Khoa tỏ ra rất đau khi bị véo tai quá mạnh, bà Xinh cảm thấy rất xót xa mà rằng:


– Thằng bé chỉ mới đến đây thôi, thưa ông đại tá. Bọn trẻ chỉ đứng vẽ tranh thôi, hoàn toàn không làm gì hư hỏng cả, tôi dám cam đoan điều đó.


Bà không có quyền nói chuyện ở đây đâu, bà Xinh. – Ông đại tá cau mày nhấn mạnh. – Việc bà dựng nhà sống ở đây là đã vi phạm pháp luật rồi, hơn nữa còn dụ dỗ con nít đến đây chơi, điều này là không thể chấp nhận được.


Người vợ bước tới nói thêm:


– Bà cũng biết con của bà đã bị gì rồi mà. Nơi này quá nguy hiểm, nếu bọn trẻ chẳng may ngã xuống sông, chúng mới là người nhận hậu quả chứ không phải là bà.


– Được rồi, không có lôi thôi nữa, mình mau dẫn nó về đi, tôi cần phải nói chuyện với bà ta một chút.


Nói đoạn, ông đại tá giao con lại cho vợ rồi chắp tay ra sau lưng đi quanh một vòng, sau đó quay trở lại vị trí nơi bà Xinh đang đứng. Căn nhà xập xệ và chiếc bếp lửa thô sơ từ từ được đôi mắt tinh tường của ông xét qua. Không có quá nhiều dấu hiệu cho thấy ông cảm thấy hài lòng với những thứ này. Ông lắc đầu, lẩm bẩm gì đó trong miệng khi thấy hàng trăm chai nhựa và bao ni lông rãi đầy trên mép sông, sau cùng hai mắt bỗng khô rát vì phải nhìn trong bóng tối quá lâu. Thấy Uyên lủi thủi phía sau, ông đại tá từ từ thả lỏng cơ mặt rồi hất đầu về phía hai mẹ con Khoa vừa bỏ đi, đoạn trầm giọng:


Bé Uyên, mi cũng đi về luôn đi. Trời tối mà ra đường là nguy hiểm lắm biết chưa?


Bất giác, ông khẽ liếc sang và nhìn thấy bức vẽ của Khoa trên chân cầu, điều đó càng làm ông thêm bấn loạn.


– Bắt đầu từ ngày mai không được rủ rê Khoa đi chơi nữa nghe không? Còn nhỏ lo mà học hành đi, ham chơi thì sau này sẽ nghèo khổ giống như… Ông đại tá bỗng bắt được ánh mắt của bà Xinh. – … sau này sẽ nghèo khổ, hiểu chưa?


Uyên cúi gập người chào, rồi “dạ” một cái thật to như một người lính vừa nghe lệnh. Cô bé rón rén đi ngang qua người ba của thằng bạn thân, cuối cùng bỏ chạy thục mạng vào trong lùm cây mà không buồn ngoảnh lại.


Những ngày sau đó, trông Khoa không khác gì một tên tù nhân khi xung quanh lúc nào cũng có ba hoặc mẹ để mắt đến, hoặc là cả hai. Vì đang ở cuối tuần nên ba nó không phải đến cơ quan, thế nên cơ hội trốn ra ngoài đi chơi của nó được cho là bất khả thi.


Kỳ nghỉ hè năm nay đúng là ác mộng đối với Khoa. Mọi thú vui xung quanh nó dần bị cấm đoán, từ việc giao du với đám con trai có phần ăn chơi trong xóm cho đến con nhỏ bạn thân con ông chủ xưởng mổ heo. Dần dần, phạm vi sinh sống của nó đã bị thu hẹp lại đến mức đáng báo động khi mà phía trước và phía sau, kể cả hai bên, tất cả đều là bốn bức tường vô giác của phòng ngủ. Cũng may là nó đã có vẽ làm bạn, song điều đó cũng không thể làm nó khá hơn.


Kể từ lúc bị bắt đêm hôm đó cho đến nay đã là ba ngày. Khoa đã bị “biệt giam” ở nhà kể từ thời điểm đó nên nó đã vùi đầu vào những cây cọ và tắm trong các hộp màu. Có tất cả hai bức tranh sắp hoàn thành trong thời gian này, một là về phong cảnh, một là về bức chân dung của Uyên nhưng là phiên bản đầy đủ với cả tay và chân. Phòng của nó rộng nhưng bị chiếm hơn phân nửa là các dụng cụ vẽ. Khắp bốn bức tường quanh phòng hầu hết đều bị che lấp bởi tranh do chính tay nó vẽ, riêng có một góc phòng được dành riêng cho bố trí những chiếc cúp vàng và những bằng khen được đóng khung cẩn thận. Tuy vậy, tất cả đều không thể thu hút sự chú ý của Khoa dù chỉ một giây, bởi vì toàn bộ sự tập trung bây giờ đang được dồn vào bức tranh của cô bé mà nó đã từ chối xác nhận từ cô bạn thân. Trong suốt thời gian vẽ bức tranh này, Khoa không hề nhìn mẫu, mọi nét vẽ đều xuất phát từ sự ghi nhớ, hoặc là sự ấn tượng, theo cách nó định nghĩa.


Hôm sau là ngày đầu tuần nên ba của Khoa đã lên cơ quan từ lúc sáng sớm. Khoa lục đục ăn sáng cùng mẹ xong thì bắt đầu lên kế hoạch “vượt ngục” khi nhận thấy cơ hội không thể nào hoàn hảo hơn được nữa. Thế nhưng, mọi kế hoạch ngay lập tức bị phá sản khi mẹ nó bất ngờ đề nghị cho nó ra ngoài đi chơi mà không có bất kỳ điều kiện nào. Mà thật ra là có.



– Nhớ về trước mười giờ trưa nhé, con trai?


Khoa mừng như người nông dân vớt được con cá lớn, hớn hở mang dép rồi chạy ra khỏi cổng, để lại giọng cười của mẹ phía sau lưng.


Nó chạy một mạch đến trước nhà Uyên và kêu gọi trong vài phút đồng hồ nhưng chẳng thấy ai trả lời, cửa ngõ thì đóng kín mít. Chỉ còn một chỗ có thể chắc chắn Uyên đang ở đó, nhưng đó lại chẳng phải chỗ gì hay ho. Toàn thân nó nổi da gà cả lên khi đầu óc chỉ vừa mới lướt qua ý nghĩ “xưởng mổ heo”, nó sợ chết khiếp nơi đó. Nó sợ cách hoạt động của cái xưởng, sợ tiếng hét của mấy con heo xấu số và trên hết là sợ cái ánh nhìn đầy đe dọa của ông Nghị, ba của Uyên. Trong lúc vừa suy nghĩ đấu tranh tư tưởng rằng có nên đi đến đó hay không, Khoa nhận ra rằng đôi chân của mình đang bắt đầu di chuyển.


Đứng dưới tấm biển quảng cáo trước xưởng mổ heo nhà ông Nghị, Khoa run cầm cập hướng đôi mắt kinh hoàng vào bên trong thông qua dãy hàng rào bằng sắt lạnh lẽo. Nó đứng chôn chân ở đó đã mười phút nhưng chưa một lần dám hó hé, tiếng hét của mấy con heo càng lúc càng làm cho nó chùn bước. Nó ước rằng từ đâu đó phía bên trong, con nhỏ Uyên có thể nhìn thấy nó, hoặc giả dụ là vậy. Cuối cùng, hình bóng của một ai đó đang từ từ bước ra, một cái bóng nhỏ, may quá. Thế nhưng trên tay của người đó có thứ gì đó rất lạ, lạ hơn nữa là cái bóng đó đang từ từ lớn dần khi khoảng cách càng bị thu hẹp. Chẳng mấy chốc, thân hình đồ sộ của ông Nghị hiện ra trước mắt nó với một bộ đồ rộng thùng cùng một chiếc tạp dề lấm chấm vết máu heo, tay nắm chặt một con dao nhuộm màu đỏ tươi hùng hục lao đến. Ông Nghị nói qua lớp hàng rào sắt:


– Khoa đó à? Uyên nó mới đi đâu đó rồi nên giờ không có nhà. Có gì không con?


Mặt của nó lúc ấy nom không còn giọt máu, trắng toát hơn cả mặt mấy bà hàng xóm lúc trang điểm đi đám cưới. Đầu óc nó bấn loạn vì nhìn thấy ánh lấp lánh từ con dao, rồi sau đó nó nhận ra mình đã bỏ chạy.


Cuốc bộ quanh xóm được một hồi lâu thì Khoa mới lấy lại được nhịp tim và bình tĩnh trở lại. Nó không biết là do mình quá yếu đuối hay là do ông Nghị quá đáng sợ, rõ ràng là nó đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ trước khi đi đến nhưng vẫn không thể trụ lại quá một phút. So với ba thì ông Nghị cũng không quá kinh khủng như những gì nó đã cảm nhận được, ông ấy không đánh cũng không chửi bới gì nó, chỉ là ông dường như tỏa ra một sự máu lạnh của một người trong nghề khiến nó không thể không sợ.


Khoa bị đánh động bởi những tiếng cười the thé phát ra từ đâu đó rất gần, dường như là ở phía trước ngay chỗ đất trống của công viên. Men theo con đường lởm chởm ổ gà, Khoa tìm tới công viên xóm cách nhà Uyên chừng năm phút đi bộ và phát hiện ra tụi con trai đang tụ tập tại một cái cầu trượt loại nhỏ, ngay dưới bóng mát của một gốc cây. Có tất cả những sáu thằng, bọn chúng đang hoan hỉ nói về một chuyện gì đó trông có vẻ rất vui. Thằng bé có chỏm tóc đuôi gà nhỏ xíu sau đầu bất ngờ giơ tay lên reo lớn:


– Ê Khoa, tới đây đi mi, có chuyện vui lắm nè.


Một thằng khác để thêm:


– Về con Uyên bồ mi đấy!


Cả đám đồng loạt cười, như thể đó là câu đùa buồn cười nhất thế giới vậy. Tuy nhiên, thẳng bé tóc đuôi gà chấn chỉnh lại ngay.


– Tụi bây im đi, không được ăn hiếp tình địch của tao!


Bọn trẻ lại một lần nữa phì cười, chỉ có điều lần này chúng cảm thấy Khoa không mấy vui vẻ nên cũng không còn hứng thú nữa. Khoa đi lại ngồi xuống chỗ trống mà bọn trẻ vừa tạo ra, sau đó đưa một vẻ mặt nhăn nhó lên nhìn từng đứa một.


– Chuyện gì?


– Mi kể lại đi Phú.


Thằng bé tóc đuôi gà hớn hở ra mặt, đoạn đưa tay hãy hẫy chiếc đuôi gà sau đầu rồi nhào người tới trước.


– Mi đã nghe người ta kể chuyện về ông Nghị, ba của nhỏ Uyên chưa? – Chưa, mà chuyện gì?


– Người ta nói ổng thường hay đi sớm về khuya, ai cũng nghĩ là ổng đi giao thịt ở mấy khu chợ khác, nhưng không phải đâu. Có người nhìn thấy ông ta không hề đi đến các khu chợ mà là vào một khu nhà hoang, hành tung bí ẩn lắm.



Một vài cái suýt xoa và những cái rít lạnh lẽo qua kẽ răng của đám con trai hệt như cảm giác khi xem mấy bộ phim kinh dị, điều đó làm cho Khoa có phần cảnh giác.


– Chắc mi cũng thấy rồi phải không, thói quen của ổng kinh dị lắm. Ông ta suốt ngày cứ giữ canh cánh con dao nhọn bên người nên chẳng ai dám hó hé một lời. Người ta đồn rằng cái xưởng mổ heo của ổng thực chất chỉ là đồ ngụy trang cho những thứ kinh khủng hơn ở phía sau thôi.


– Kinh khủng hơn là sao? – Hai tai của Khoa bắt đầu nóng bừng, tim gõ ầm ầm trong lồng ngực.


– Không nhớ tao nói gì à? Khu nhà hoang đó, nhớ chưa? – Thằng Phú móc tay kêu cái “tách” trông rất điệu nghệ, như thể đó là một gợi ý cực kỳ đắt giá. – Từ con dao, xưởng mổ cho đến căn nhà hoang, mi không thấy có sự liên kết gì sao? Ông Nghị đang che giấu điều gì đó, một điều rất kinh khủng.


Khoa ngồi đó run như cầy sấy, đến nỗi việc nuốt một ngụm nhỏ nước bọt cũng đủ khiến nó gặp rất nhiều khó khăn. Nó không hề muốn tin vào những gì mình vừa tưởng tượng ra được, song con dao mà thằng Phú luôn nhấn mạnh vào khiến nó nổi hết cả da gà. Trong khi đó, những đứa bên cạnh bắt đầu chụm hết đầu vào bên trong, háo hức ra mặt mặc dù mới vừa được nghe vài phút trước.


Điều gì? – Khoa gần như nghẹn giọng lại, nó sợ đến vỡ mật nhưng bản thân lại muốn nghe hết câu chuyện.


– Người ta nói, ông Nghị dùng con dao đó để… hại người! – Thằng Phú ngừng một nhịp để đánh giá cảm xúc của từng đứa, rồi nói tiếp: – Người ta thấy ông ta khiên một cái túi màu đen để lên chiếc xe tải nhỏ thường xuyên đi giao thịt heo ấy, rồi chạy thẳng đến khu nhà bỏ hoang. Không ai biết ông ta làm gì trong đó cả, có khi trong đó còn máu me hơn ở trong xưởng mổ nữa.


Cả đám đồng loạt rú lên với đủ mọi loại cảm xúc, mà hầu hết là sự kinh hãi. Trong đám đó, Khoa là đứa gào mãnh liệt nhất, cảm xúc chân thật nhất. Phú cùng đám bạn bất ngờ phá lên cười khi nhận thấy đã lừa được thêm một người nữa, thậm chí là thành công ngoài sức tưởng tượng. Tay chân bọn chúng cùng lúc chỉ thẳng vào mặt Khoa như đang nhìn một đứa thất bại.


Từ phía sau, một cánh tay bất ngờ xuất hiện và tát một cái “bốp” thật mạnh lên đầu Phú khiến cho thằng bé chúi mặt xuống bãi cỏ. Đám con trai ngay lập tức tản ra quanh sân nhìn thằng bạn gặm cỏ, miệng không thể nhịn được cười. Uyên lúc này đang đứng bên cạnh Khoa, run người tức giận.


– Kể lại cho tui nghe, nhanh lên. Kể cho đúng với khi nãy, sai một chữ là ăn một đấm!


Thằng Phú lụi cụi bò dậy và từ từ ngẩng cái đầu dính đầy cát của mình lên, hai tay giơ cao xin hàng. Máu từ trong mũi thằng bé chảy ra khiến cho nụ cười của đám bạn tắt ngấm, thay vào đó là những nét mặt bàng hoàng.


– Tất cả là bịa thôi. – Phú nghẹn ngào giải thích, đôi mắt bỗng rưng rưng vì nhìn thấu được sự tức giận của Uyên. – Tui chỉ muốn dọa thằng Khoa nên bịa chuyện ra thôi, hoàn toàn không ghét ba Uyên.


– Mấy người không có quyền yêu hay ghét gì ba tui!


Nói rồi, Uyên xoay người bỏ đi, chẳng thèm ngó ngàng gì đến ai nữa. Cái cách nói đó, cô bé chỉ mới học được vài ngày trước thôi.


Đợi cho Uyên đi khuất, Khoa mới từ từ đi lại đỡ Phú đứng dậy. Nó tiếp tục đợi cho thằng bạn lau hết máu mũi và cho đến khi mọi thứ trông có vẻ ổn thỏa thì bất ngờ tung ra một cú đấm vào bụng thằng bé, coi đó như một sự trừng phạt nho nhỏ vì dám lừa mình công khai.


Nắng đã lên khá cao. Khoa lẽo đẽo theo sau Uyên trong suốt khoảng thời gian vừa rồi mà chẳng hề nói năng gì, điều đó làm cho cô bé khó chịu vô cùng. Cô đã chủ động đi chậm lại để cho Khoa bắt kịp mình, nhưng nào ngờ thằng bạn cũng đi chậm theo, cứ giữ chừng đấy khoảng cách mà đi. Bực mình, Uyên quay lại quát:


– Đi nhanh lên xem nào!


Khoa giật bắn người ngay tại chỗ rồi từ tốn đi về phía Uyên, nó tưởng rằng cô bạn thân đang cần yên tĩnh nên không dám tới gần.


Cả hai đi theo con đường cũ ở ven sông, xuôi theo cơn gió ấm và tìm tới chân cầu chỗ nhà bà Xinh. Xuống con dốc đất rồi lách qua hàng cây, Khoa háo hức suy nghĩ để chuẩn bị lựa chọn hình dáng viên đá như thế nào là ngon ăn nhất, bởi lần này nó sẽ tự đề xuất chơi trò ném đá, cái trò mà Uyên thích và giỏi nhất. Tuy nhiên, chưa kịp vui mừng được bao lâu thì cảm xúc của nó một lần nữa bị thách thức khi căn nhà của bà Xinh không còn ở đó nữa, thay vào đó là một mảng đất trống đã được san phẳng, không rác thải, không mảnh ve chai.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận