Xưởng Mổ Heo Full


Chương 3: Xưởng Mổ Heo


Tác giả: T.Đ.K.H


Khoa cúi xuống nhìn mấy cái lỗ ngay sát mép sông, nơi những cây trụ gỗ đã bị rút lên mà theo dấu hiệu thì điều đó đã được thực hiện cách đây chưa lâu. Ở bên kia, dấu vết từ một vài đám tro đen của bếp lửa vẫn còn nhởn nhơ trên mặt đất, có lẽ thứ còn nguyên vẹn duy nhất sau “đợt càn quét bất ngờ” này chính là bức tranh của Khoa ở trên chân cầu.


– Bà Xinh đâu rồi? Nhà của bà ấy đâu? – Uyên đưa mắt nhìn quanh, nước mắt bắt đầu sụt sùi.


– Hình như bà Xinh không còn ở đây nữa, chuyển đi đâu mất rồi.


Ở bụi cây phía lối kia của cây cầu, Khoa phát hiện ra rất nhiều cây gỗ được vứt chồng chéo tại đó hệt như một ngọn núi, tất cả đều từ căn nhà gỗ của bà Xinh. Dường như chỗ này vừa bị dọn dẹp, còn bà ấy bị buộc phải dọn đi. Uyên chợt bỏ đi sau khi cho biết mình sẽ về hỏi ba cho ra chuyện. Theo như Khoa được biết, ngoài làm việc ở xưởng thì ông Nghị còn là một người “săn tin” rất uy tín, không có chuyện gì quanh xóm mà ông không biết.


Lần thứ hai đứng trước xưởng mổ heo không khiến cho Khoa tự tin hơn, đặc biệt là sau câu chuyện của thằng Phú đuôi gà vừa rồi. Dù biết đó là một câu chuyện bịa đặt nhưng cái cách kể chuyện luyến láy của thằng bạn đã gieo vào đầu nó những ý tưởng rất chân thật, và nó cảm thấy hận thằng bé vì điều đó. Bây giờ, nó đang dò xét mọi tình huống có thể xảy ra, đầu tiên là phải cố gắng trấn tĩnh tinh thần ngay nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.


– Vào thôi!


Cô bé nghiêng người ra hiệu rồi thẳng tiến vào trong xưởng không một chút ngại ngần, điều đó làm cho Khoa thêm phần rối trí. Lúc ở công viên, nó đã thể hiện một bộ mặt quá đỗi yếu đuối, thế nên lần này nó quyết tâm thể hiện một sự cứng cỏi mà ngay cả nó cũng chưa bao giờ thử. Thế nhưng, càng quyết tâm bao nhiêu thì càng nhục nhã bấy nhiêu, bởi mọi chuyện lại đi theo lối cũ, tức là nó vẫn phải ru rú theo ngay sát cô bạn như một đứa bé lẽo đẽo phía sau mẹ trong ngày đầu tiên đến trường.


Uyên dẫn nó băng qua hàng tá chiếc bàn inox được xếp gọn gàng trong khu xưởng, rồi rẽ vào một căn phòng phía sau xưởng mổ. Nơi đó là một căn bếp rộng rãi, mặt sau là một bức tường kính dẫn ra một khu vườn nhỏ tràn đầy ánh sáng mặt trời. Cánh cửa để mở và một cơn gió ngọt ngào lùa vào. Chứng kiến khung cảnh ấy, Khoa bất giác quên đi cảm giác sợ hãi đang lẩn trốn trong mình, sau đó còn thì thầm khen đó là một cảnh đẹp.


Lúc này, ông Nghị đang đứng nấu ăn ở bếp trong một bộ đồ mùa hè mát mẻ, quần đùi áo thun, trên đầu còn thắt lên một chỏm tóc nhỏ giống thằng Phú. Cái nét mặt đáng sợ khi sáng đã được thay bằng một điệu cười ti hí, kết hợp theo đó là một vài câu hát với giai điệu vui tai. Ông Nghị đặt lên bàn một đĩa thịt heo luộc, một rổ rau sống, một ít bánh tráng cuốn và một chén mắm, sau đó kéo ghế mời hai đứa tụi nó ngồi xuống. Theo như Khoa đánh giá, hành động đó là cực kỳ thân thiện, thân thiện hơn tất cả mọi hành động mà ba nó từng thể hiện sự yêu thương.


– Ăn đi hai con, thịt còn nhiều lắm. Đây là lần đầu Khoa ghé qua xưởng của bác chơi đúng không? Cứ thoải mái đi con, đừng ngại gì hết.


Chưa kịp để thằng bạn gật đầu cảm ơn, Uyên đã gặng hỏi ba về chuyện của bà Xinh. Cô bé kể lại tất cả những gì mình vừa chứng kiến, về cách chỗ đó đã bị dọn sạch ra sao. Nhưng trái với nét lo âu của cô con gái, ông Nghị tỏ ra rất thoải mái.



– Bà Xinh ấy hả? Ba nghe nói người ta đến dọn dẹp chỗ chân cầu rồi, không cho bả sống ở đó nữa. Nghe hơi đâu quyết định đến từ mấy ông công an, cho rằng sống như vậy là quá nguy hiểm.


Uyên đứng dậy, bất giác đập bàn tức giận:


– Vậy thì bà ấy sẽ ở đâu?


– Ồ, việc đó thì con yên tâm. Bà ấy được người ta hỗ trợ chỗ ở tốt lắm, nghe nói là ở khu vực bên kia của khu chung cư, còn được hỗ trợ việc làm nữa. Con nên thấy mừng cho bà ấy mới phải.


Khoa ngồi yên trên ghế tập trung nhìn vào một điểm vô định nào đó trong cả một phút đồng hồ. Mừng thì hiển nhiên có, nhưng nó không biết đó là thông tin nên vui hay buồn nữa, bởi căn nhà gỗ xập xệ dưới chân cầu chính là nơi mà hai đứa thường hay lui tới nhất, nếu vậy thì nguồn vui duy nhất của tụi nó chẳng phải đã bị lấy đi hay sao? Dù không được ông Nghị nhắc tên nhưng Khoa chắc chắn một điều rằng ba của mình ít nhiều đã tác động đến việc này. Liếc sang Uyên, nó thấy cô bạn đang ngồi ăn rất bình thường nhưng nó biết tỏng cô bé đang cảm thấy buồn như thế nào.


Sau một hồi ăn uống say sưa vì thịt heo rất thơm, bây giờ Khoa mới nhận ra rằng mọi người đã bỏ đi đâu hết và để một mình nó ngồi trong căn bếp rộng. Tìm kiếm Uyên chưa bao giờ là một công việc dễ dàng đối với Khoa, nhất là khi con bé giận hoặc buồn rầu về một chuyện gì đó. Hơn nữa, nó đang ở trong một “trận địa” lạ nước lạ cái, việc đi loanh quanh là điều cấm kỵ, song nó cũng không thể ngồi trong bếp đợi mãi được.


Không biết từ đâu mà cơn sợ hãi khi sáng đã xuất hiện trở lại, bao trùm lấy tứ chi và khiến cho nó run như cầy sấy. Bước ra khỏi nhà bếp, Khoa lần mò theo một lối đi lạ hoắc được thắp sáng bằng đèn điện màu vàng. Mỗi cú chạm vào những vật thể tưởng chừng vô hại là một lần Khoa giật mình trong vô thức, cứ như các dây thần kinh cảm giác của nó sắp đứt đến nơi. Rồi ánh đèn nhấp nháy, lần này cái sự yếu đuối của nó mới bộc phát mạnh mẽ nhất vì toàn thân nhũn ra như một con sứa, tay chân chẳng biết hổ thẹn mà đu vào một cây cột trông khổ sở hết sức.


Trải qua bao nhiêu gian khó thì cuối cùng Khoa mới tìm được một cánh cửa sắt nom rất phù hợp với nơi mà Uyên sẽ lẩn trốn. Chẳng cần suy nghĩ, Khoa khẽ khàng vặn tay nắm cửa rồi đẩy vào bên trong, thầm mong Uyên sẽ ngồi ở một góc nào đó vì nó hứa với bản thân là sẽ đến an ủi cô bé một cách thật lòng. Nhưng đời không như mơ, ngay trước mặt nó bây giờ là bốn người đàn ông cởi trần để lộ ra mấy khối cơ đồ sộ ở ngực và bắp tay. Đứng hơi xa về một phía là ông Nghị, lúc này đã chuyển sang bộ đồ rộng thùng khi sáng, tay co ngoắt khởi động để sẵn sàng cầm lấy con dao nhọn ở trên bàn. Và trên cái bàn gỗ nơi tất cả tập trung mọi ánh nhìn, một con heo đang bị trói chặt từ đầu cho đến chân, sau đó bị một người đàn ông cắm vào người một sợi dây để chích điện. Nó thấy đôi mắt của con heo chuyển sang màu trắng xóa khi vừa lúc bị ông Nghị thọc huyết, dòng nước màu đỏ như tung tăng trong đôi mắt mở to của nó rồi chảy xuống cái thau bên dưới, văng ra cả sàn nhà. Tim nó đập loạn xạ và rồi không gian xung quanh nó tối sầm lại dù đôi mắt đang mở toang. m thanh bên tai nó chỉ còn lại những tiếng vò vè của mấy con muỗi, sau đó chuyển thành tiếng ù. Nó đang bị sốc. Hít lấy hơi thở cuối cùng, Khoa đổ gục người xuống đất đánh “bịch” một cái vào cánh cửa rồi bất tỉnh.


Khoa mở mắt ra trong bệnh viện sau nữa ngày nằm ngủ ngon lành. Thay vì nhìn thấy trần nhà, tầm nhìn của nó bị chặn lại bởi không biết bao nhiêu là cái đầu, trẻ có, già có, con nít cũng có. Mẹ nó là người đầu tiên lao vào ôm, hôn, hít, khóc lóc, chỉ có liếm là điều còn thiếu. Những người khác, hầu hết đều là cô dì chú bác mà Khoa rất ít gặp, đứng xung quanh vỗ tay chúc mừng, đoạn cảm ơn Phật Bà vì đã ra tay che chở cho nó trong khi các bác sĩ còng lưng ra gánh hết trách nhiệm, ấy là khi có chuyện xấu xảy ra. Riêng ông đại tá ba nó thì đứng ở sau lưng tất cả mọi người mà gật gù hài lòng, sau đó thở phào nhẹ nhõm trên một nét mặt hẳn đã rất lo lắng. Rồi nó khẽ nhìn quanh, không còn ai khác nữa, chỉ có những người trong gia đình nó.


Sau vụ việc ở xưởng mổ heo, việc bị cấm túc nâng cao là điều mà Khoa có thể dự đoán trước được, nhưng nó không còn phải phản kháng hay cảm thấy khó chịu nữa, bởi kỳ nghỉ hè cũng đã sắp kết thúc, lúc đó nó và Uyên sẽ tha hồ mà gặp nhau ở trường. Trong những ngày này, Khoa sẽ cố gắng tập trung vào vẽ, trước tiên là hoàn thành bức tranh để dành tặng Uyên trong ngày sinh nhật, sau là vẽ lại tất cả những điều xảy ra ở xưởng mổ, vì cái sợ khi nhìn thấy con heo đã kích thích trong nó một điều gì đó mà trước nay chưa hề nghĩ tới. Thêm nữa, cuộc thi vẽ toàn quốc sắp tới đã có chủ đề, là về bảo vệ thiên nhiên, nó nghĩ rằng mình đã có ý tưởng cho cuộc thi lần này.


Theo như lời mẹ kể, trong lúc nó tập trung ngồi vẽ ở trong phòng thì Uyên có nhiều lần ghé qua để hỏi thăm, song đều bị chặn ở ngoài cổng. Cho đến hôm kia, đúng vào ngày sinh nhật của Uyên, Khoa nằng nặc đòi đi gặp cô bé để tặng bức tranh mà nó đã dày công thực hiện trong nhiều ngày liền. Ba nó không đồng ý vì cho đó là một trong những cái cớ dễ bị thuyết phục nhất, bởi cuộc đời làm công an của ông đã gặp trường hợp này chắc cũng lên đến hàng nghìn. Mẹ của nó thì khả quan hơn trong cách luận điệu. Bà cho đó là việc nên làm, tức việc tặng quà sinh nhật, và để dễ thuyết phục chồng hơn thì bà đã gán ghép việc tặng quà với công sức của Khoa, cho rằng tâm huyết của con sẽ trở nên vô nghĩa nếu cứ nghiến răng từ chối. Cuối cùng, Khoa cũng được tự tay trao bức tranh cho cô bạn thân, nhưng với điều kiện là phải có mẹ đi theo. Dĩ nhiên, nó hoàn toàn chấp nhận.


Kỳ nghỉ hè thấm thoát đã đi qua, năm học mới lại đến. Ngày tựu trường hôm ấy đông vui như một ngày hội, phụ huynh, học sinh, ở đâu cũng thấy người. Ở các khoảng sân trống, những gương mặt non nớt không ngừng trao nhau những cái nhìn đầy vui vẻ sau gần ba tháng nghỉ ròng rã, bọn chúng kể với nhau những câu chuyện trên trời dưới đất, khoe nhau những chiếc cặp mới, bộ quần áo mới, có nhóm thì trao đi sự thân thương thông qua vài câu nói mang nặng tính thù địch.


Khoa đã ngồi đợi ở khu vực giáo viên trong suốt cả buổi khai giảng vì ba nó phải tiếp các thầy cô có chức to nhỏ khác nhau trong trường. Mẹ nó cũng được mời, song nhiệm vụ chính có lẽ là để trông coi nó, hơn là việc đại diện gia đình đến chúc mừng ngày khai giảng, ấy là nó nghĩ như thế. Cho đến cuối buổi lễ, khi mà thầy hiệu trưởng đứng lên đánh trống, hình dáng của Uyên trong bộ đồng phục quần tây áo trắng mới lấp ló hiện ra. Khoa nhảy dựng lên rồi bỏ chạy về phía cô bé, mặc cho mẹ vừa nắm hụt tay nó để giữ lại.



Nhìn thấy vết rách nhỏ trên vai áo của cô bạn mà dám chắc là do bị một nhánh cây quẹt phải, Khoa nhăn mặt chê trách:


– Nhìn bà kìa, xem có chán không chứ.


Uyên ngoảnh đầu nhìn vết rách trên vai, sau đó lấy tay vuốt thẳng rồi nhe răng cười:


– Chán cũng được, miễn tìm thấy ông là được.


Những ngày sau đó, cứ tưởng hai đứa sẽ thoải mái được gặp nhau khi không có sự giám sát của người lớn, nhưng không. Bọn chúng vẫn phải tranh thủ từng phút giây trong giờ giải lao và chuyển tiết để gặp nhau, vì cả hai học khác lớp, lại còn ở hai khối tòa nhà đối diện nhau nữa. Lúc tan học thì mẹ đã chực chờ sẵn ở trước cổng để đón, như vậy mọi “đường liên lạc” của Khoa gần như bị triệt hạ.


Thế mà trong cái khó nó lại ló cái khôn. Khoa đột nhiên cảm thấy mình thông minh hơn hẳn khi nghĩ ra việc giao tiếp bằng thư tay. Cứ mỗi lúc giải lao là Khoa cong chân lên chạy sang phòng học phía bên kia của Uyên để đưa thư và nhận thư, dần dần nó trở thành gương mặt quen thuộc luôn của cái lớp đó, đến độ ông thầy hiệu trưởng trở nên bối rối vì không biết ông đại tá đã cho con chuyển lớp từ lúc nào không hay. Thành ra, đám bạn hay chọc tụi nó là gửi thư tình, suốt ngày cứ reo réo tên của cả hai mỗi khi thấy buồn chán.


Ba mẹ của Khoa độ ấy thấy con cũng lạ lắm vì lúc nào con cũng ngồi ru rú trong phòng thay vì nằng nặc đòi đi chơi như mọi khi. Thế là họ quyết định đột nhập một cách bất ngờ để điều tra thông tin theo cái máu nghiệp vụ của ba nó và họ hiển nhiên biết được sự thật. Tuy vậy, lần này họ thật sự đã hết cách để chia tách hai đứa.


Tựa lưng vào tường trên đoạn hành lang lớp học, Khoa tủm tỉm cười đưa một bức thư có gắn một hình trái tim cho Uyên.


– Cái này bà về nhà rồi hãy mở ra đọc, thư này là bí mật.


Cô bé liếc nhìn vào mắt nó, rồi quan sát kỹ lá thư, bụng cô cồn cào bởi một thứ gì đó nên không thể đợi được.

– Cái gì mà bí mật, để mở ra coi luôn.


– Ê, ê! – Khoa đưa tay ra ngăn lại nhưng vô tình chạm phải tay cô bạn, lúc đó không hiểu sao tim nó đập rộn cả lên. Và để che đi sự xấu hổ đó, nó nói ngay: – Thì giúp nhau một chút đi, về nhà rồi đọc.



– Bây giờ đọc không được à? Tại sao? Mấy hôm đọc bình thường mà? Bảo về nhà đọc thì về nhà hãy đọc, nhiều chuyện thế nhỉ? Bà đọc xong rồi còn phải suy nghĩ nữa, đâu thể quyết định ngay được.


– Suy nghĩ gì? – Uyên chau mày một cách khó hiểu.


Khoa bỗng cảm thấy tức giận vì cô bạn hỏi hang quá nhiều, nhưng nó đã giữ được bình tĩnh nhờ hít lấy một hơi thật sâu.


– Về nhà, ok? Không nói nhiều nữa, giờ tui về lớp đây.


Nhờ xoay người bỏ đi một cách điệu nghệ, Khoa đã thành công trong việc che giấu đi việc đang run muốn vỡ tim của mình. Suốt buổi học hôm ấy, đầu óc nó cứ như ở trên mây, thần thái suy tư như một nhà thơ chính hiệu. Hôm đó, Uyên không có thư.


Ngày hôm sau, Khoa hào hứng xen lẫn hồi hộp khi bước đến lớp bảy trên bảy, phòng học của Uyên, và hi vọng sẽ gặt hái được tin tốt. Nó tựa lưng chờ ở bên ngoài, đôi lúc rảnh rỗi thì phóng mắt ra xung quanh nhìn những gốc phượng lâu năm.


Một phút, năm phút rồi mười phút trôi qua, Uyên vẫn chưa ra khỏi lớp. Nó khẽ đưa đầu qua ô cửa sổ và ngắm nhìn vào vị trí ngồi của cô bạn, song nó không thấy cô bé đâu. Có lẽ là cô bạn đang đi vệ sinh hay bận công chuyện gì đó nên sẽ đến chậm một chút, dù gì bọn chúng cũng còn tận mười phút giải lao nữa nên Khoa sẽ không vội. Rồi thằng Phú đi đến, cái chỏm tóc đuôi gà của nó lắc lư theo từng bước đi trông hài hước vô cùng. Phú học chung lớp với Uyên nên có lẽ nó sẽ “moi móc” được một chút đỉnh thông tin. Vừa nhắc đến Uyên, thằng bé tự tin đáp:


– Nhỏ Uyên hả, hôm nay nó vắng học, chắc là bị cảm đột xuất hay gì đó.


Khoa giật mình nói, có lẽ hơi cao giọng.


– Cảm à? Sao mi biết?


– Tao đoán vậy thôi, vì tao có thấy tờ giấy phép nào đâu.


Cùng lúc đó, tiếng trống vào tiết vang lên nên Khoa cũng không còn cách nào khác là chạy về lớp. Thêm một buổi nữa, đầu óc của nó lại ở trên mây, nhưng lần này nó cảm thấy lo lắng thay vì hạnh phúc. “Liệu nó có sao không?”, nó tự hỏi với bản thân và mong rằng những gì mình đang lo lắng là vô ích.


Nhiều ngày trôi qua nhưng Uyên vẫn chưa đi học trở lại. Khoa như ngồi trên đống lửa, hết cắn móng tay rồi chuyển qua nhịp giò, nét vẽ thì ngoằn ngoèo không theo một trật tự nào, hoàn toàn không thể tập trung học tập được. Bên dưới lớp sách vở đang mở ra cho có của nó chính là những bức thư tay dành cho Uyên đã tồn đọng trong mấy ngày hôm nay. Nó bắt đầu suy nghĩ đến nhiều tình huống có thể xảy ra nhưng không cái nào khiến nó yên tâm cả, tất cả đều quá đen tối và khó có thể chấp nhận. Thằng Phú cũng cho biết là lớp của nó hoàn toàn không có chút thông tin gì về Uyên, “giống như nó cứ thế mà biến mất vậy”, thằng bé phán. Rồi Khoa bắt đầu đâm ra hận cô bé vì đã để cho mình chờ câu trả lời quá lâu. Bức thư đó không hề nhiều chữ, nó nhớ là mình chỉ viết vỏn vẹn có một dòng duy nhất, vậy thì thế quái nào con bé có thể đọc lâu như vậy được? Có lẽ nào Uyên đã từ chối và đang cố gắng tránh né nó, nếu thật sự như vậy thì quả là rất đau. Nó gục đầu xuống bàn học và rên rỉ mấy câu vô nghĩa gì đó trong cổ họng trông rất tuyệt vọng. Cho đến một hồi lâu, khi đã lau sạch mặt bàn bằng tóc, Khoa bất ngờ ngóc đầu lên, mặt đầy hy vọng trở lại.


Tiếng trống của giờ giải lao vừa kêu lên âm thanh đầu tiên là Khoa đã có mặt ở ngoài hành lang. Nó đang muốn tìm đến phòng nước giáo viên để gặp cô giáo môn văn, cô chủ nhiệm của Uyên vì tin chắc rằng cô ít nhiều biết được những thông tin quan trọng. Và nó đã thấy. Trong nhóm bốn người đang ngồi ở phòng nước, bà cô trẻ nhất, xinh nhất chính là cô giáo môn Vật Lý, người giáo viên được mấy thằng con trai trong lớp đánh giá cao nhất về khả năng truyền thụ kiến thức “vật lý hình thể”, song đó không phải là người nó muốn tìm. Người ngồi bên cạnh cô ta, một bà cô có đôi môi đỏ chót mới chính là cô chủ nhiệm của Uyên.


Khoa lẽo đẽo bước tới, cố gắng hít một hơi thật dài để giữ bình tĩnh rồi mới dám hỏi. Bà cô môi đỏ sau khi hiểu được ý câu chuyện thì trả lời ngay.



– Em Uyên ấy hả, đã chuyển trường từ vài ngày trước rồi em. Cô tính thứ bảy này mới thông báo cho các bạn biết nhưng giờ cô cho em biết trước cũng không sao. Ô, em là Romeo của Uyên phải không ta? Đẹp trai quá nhỉ?


Cái chất giọng hí hửng của bà cô khiến cho Khoa không khỏi nổi giận.


– Tại sao nó phải chuyển trường vậy ạ? Em có nghe nó nói gì đâu? Nó tuy hơi đàn ông thôi chứ có quậy phá gì đâu mà đuổi học nó?


Bà cô bỗng nghiêm mặt lại, cái môi đỏ bỗng chốc trở thành điểm nhấn.


– Gia đình em Uyên tự nguyện chuyển trường chứ nhà trường không hề đuổi học em ấy, mong em hãy suy sét cho đúng, tránh việc nói bừa làm ảnh hưởng đến nhà trường, và chưa…


Dường như đã nghe được đủ thông tin cần thiết, Khoa ngay lập tức bỏ đi không một lời cảm ơn dù cho cô giáo chủ nhiệm của cô bạn thân còn chưa kịp nói hết câu.


Tan học, Khoa khẽ khàn đi ra khỏi cổng trường trong lúc đám học sinh bắt đầu túa ra và biến mất sau con đường vào cổng phụ của trường. Lần này Khoa quyết định trốn mẹ để đi bộ đến nhà của Uyên để hỏi cho ra nhẽ, bởi nếu cứ xin phép như mọi lần thì khả năng bị “trói” ở nhà là rất cao.


Cánh cổng và căn nhà ở chính của con bạn thân vẫn đóng kín như mọi lần nó ghé qua. Khoa nhấn chuông, gõ cửa, kêu gào đủ mọi cách nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì ở bên trong. Rồi nó phát hiện ra một tấm biển báo nho nhỏ, trên đó in dòng chữ rất to, rất đậm, đập thẳng vào mắt nó chính là hai chữ “BÁN NHÀ”. Nó chết lặng trong một phút chốc, song dũng khí phục hồi rất nhanh vì nghĩ rằng căn nhà này trước sau gì cũng không ở nên bán đi cũng là điều dễ hiểu.


Tự tin tìm đến xưởng mổ heo, Khoa một lần nữa bị tấm biển “BÁN NHÀ” đâm thẳng vào mắt như một mũi lao, hạ gục nó chỉ trong một đòn. Cánh cổng của xưởng bị khóa chặt bởi hai lớp ổ khóa, bên trong đìu hiu như chốn không người, ngay cả cái cảm giác sợ hãi mà nó từng cảm nhận được cũng không còn nữa. Khoa đứng trân trối tại chỗ và nghe thấy từng nhịp thở của mình. Không gian xung quanh chợt yên lặng đến mức đáng sợ.


Dưới cái nắng hừng hực của buổi trưa, Khoa cúi đầu nhìn nền bê tông dưới chân, thầm trách mình đã làm gì sai mà khiến cho Uyên và gia đình phải tránh xa đến mức như vậy. Khóe mắt của nó bắt đầu cay xè trong khi nước tràn ra như thác đổ. “Tại sao lại khó khăn như vậy? Mình chỉ muốn đưa thư thôi mà”, Khoa tự nhủ với bản thân. Đúng lúc đó, từ phía xa, tiếng xe máy của mẹ nó chạy đến một cách vội vã. Nó biết rằng mình sẽ bị no đòn sau đợt trốn đi này, nhưng nó không còn quan tâm nữa, chẳng còn gì quan trọng nữa. Và một cái ôm đến từ mẹ, một cái ôm an ủi, song điều đó càng làm cho nó tủi thân hơn. Cuối cùng, nó ôm chặt mẹ vào lòng mà khóc nức nở như một đứa bé, nấc lên từng đợt rồi lại òa khóc.


Nhỏ Uyên đi rồi mẹ ơi, nó bỏ con đi rồi!


Những ngày sau đó, Khoa cứ nhốt mình trong phòng. Không phải nó đang tự cô lập mình hay làm những điều bậy bạ như trong mấy bộ phim lụy tình của Hàn Quốc mà chỉ đơn giản là không còn thú vui gì ngoài đó nữa. Để tránh việc suy nghĩ quá nhiều, Khoa đã vùi đầu vào vẽ theo như lời khuyên của mẹ. Nó vẽ từ sáng cho đến tối, từ ngày này sang ngày khác, bất kể khi nào nó ở nhà. Chẳng mấy chốc, căn phòng rộng hai mươi mét vuông của nó đã chật kín thành quả.


Buổi tối hôm đó, Khoa ngồi vào bàn học cùng tất cả những lá thư của Uyên trên tay. Mặc dù đã đọc đi đọc lại chúng rất nhiều lần, có bức nó đã thuộc lòng từng mặt chữ nhưng nó vẫn muốn đọc lại. Chữ của Uyên xấu, xấu đến mức nó phải chép lại một bản khác để đọc. Ấy vậy mà lần này nó lại chọn đọc bản gốc thay vì bản .


Trong hầu hết các bức thư, Uyên chủ yếu viết lên cảm nghĩ của mình như về sở thích, mong muốn cá nhân, ước mơ về sự nghiệp. Cô bé ước mình sau này trở thành một nhà đánh giá nghệ thuật để có thể thoải mái chê bai các tác phẩm của Khoa. Nó hiển nhiên biết đây là một câu đùa vì cô bạn thân của nó không hề có một chút năng khiếu gì về nghệ thuật hay hội họa cả, phải chăng có thể có một chút tài năng về người mẫu, vì trong các bức tranh của nó cô bé hiện lên xinh đẹp vô cùng. Đến bây giờ, Khoa mới nhận ra rằng mình thương cô bé đến nhường nào.



Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận