Xuyên Không Tự Sự Ký

edit & beta: Hàn Phong TuyếtHôm nay là ngày mùng
năm tháng sáu, có nghĩa là ngày mai chính là ngày hẹn. Nếu địa điểm đúng là đình Lan Dạ thì tốt, nếu không… người làm thơ chắc chắn sẽ chết.

Sống hay chết cũng kệ cha nó đi, có manh mối rồi, cứ đến xem trước cái đã.
Ra quyết định rồi, tôi dẫn Lục Thủy, Thanh Yên theo, thuê một chiếc kiệu nhỏ, đi về phía tây bắc của khu Huyền Minh ra vùng ngoại thành.

Ngoại thành là một vùng đất hoang sơ đầy cỏ dại, giữa một miền trống trải
hiện ra độc một cái đình nghỉ chân lục giác, bên trên treo một tấm biển
đã hỏng, ghi ba chữ “Đình Lan Dạ”. Bước xuống kiệu, Lục Thủy, Thanh Yên
dìu tôi đi, ba người bước thậm bước thụt mãi mới qua được bãi cỏ vào đến trong đình.

Ngôi đình này cũng giống như những ngôi
đình khác, bên trong có bàn ghế đá, mặt bàn khắc một bàn cờ vây. Thanh
Yên nói: “Ngôi đình này xây ở chỗ hoang vu như vậy làm gì? Có ai rảnh
rỗi hết việc tự nhiên chạy đến đây nghỉ ngơi chứ?”

Lục Thủy nói: “Có lẽ là cho người đi đường dừng chân nghỉ ngơi, huống chi
phong cảnh ở đây cũng rất được, toàn là hoa dại! Ngươi xem, đỗ quyên
dại, bán chi liên, bánh xe, hoa miệng quạ rộng,…”

Nghe nàng nói đến đây, tôi không kìm được mà bật cười, “Đỗ quyên dại và bán
chi liên thì ta biết, nhưng bánh xe với hoa miệng quạ rộng là gì vậy?”

Lục Thủy ngượng ngập đáp: “Bánh xe là cỏ xa tiền, vì lúc nhỏ người trong
nhà thường gọi như thế nên cũng quen miệng gọi theo. Còn hoa miệng quạ
rộng chính là hoa bìm biếc, vì cánh hoa nó giống mỏ quạ há rộng ra nên
mới gọi như thế…”

A… Khoan đã, “ô dạ đề” dịch thẳng ra là tiếng quạ kêu trước khi màn đêm buông xuống, như vậy… mỏ quạ đen? Hoa bìm biếc?

Tôi rướn cổ nhìn xung quanh, quả nhiên trông thấy ở cách đó không xa có một vùng ngập tràn sắc hoa bìm biếc, bèn bảo Lục Thủy và Thanh Yên theo
mình qua đó xem xem. Đi lại gần thì thấy hoa mọc đầy trên một gò đất,
dây leo bắt nhau ngang dọc, rất sum xuê.

Nếu cụm “ô dạ đề” trong câu “Ô dạ đề thanh thốn thốn khôi” là để chỉ hoa bìm biếc thì nó có ý gì đây?

Tôi chống cằm suy tư, còn Lục Thủy, Thanh Yên thì ngồi xuống hái hoa bìm
biếc cài lên tóc. Đang cười đùa rôm rả, bỗng nhiên nghe thấy tiếng cả
hai đồng loạt hét lên, ngã bệt ra đất.

“Sao thế?” Tôi vội hỏi.

“Tiểu, tiểu… thư, đây không phải là một gò đất… Mà… mà là một nấm mồ!” Lục
Thủy lắp bắp chỉ xuống chỗ hoa bìm biếc, “Ở đây có, có một tấm bia!”

Tôi dù cảm thấy sợ nhưng vẫn nổi lòng hiếu kỳ, huống chi bây giờ đang là
buổi trưa, cho dù thực sự có thứ gì không sạch sẽ thì cũng không dám
xông ra hại người. Tôi ngồi xuống gần, vẹt đám dây hoa bìm biếc bám trên tấm bia ra, thấy bên trên có khắc hai câu: Trên trời nguyện làm chim
liền cánh, dưới đất nguyện làm cây liền cành.

Ai, chỉ là một tấm bia đá thôi, đâu có nấm mồ nào cơ chứ. Nếu là mộ thì trên bia sao lại không có tên tuổi của người chết?

Vỗ về bả vai của hai nha hoàn cho các nàng đỡ sợ, hai người vội vã đứng
dậy đỡ tôi lên: “Tiểu thư… chúng ta về thôi! Chỗ này… không nên ở lại
lâu!”

Tôi đứng nhìn quanh một lượt, không phát hiện ra điều gì nữa bèn gật đầu, quay về phủ.

Lúc về đến phủ thì đã là giữa trưa, vừa ăn xong cơm chuẩn bị đi ngủ một lát thì tôi lại trông thấy Hoan Hỷ Nhi vội vã chạy tới, hành lễ nói: “Tiểu
thư, hôm nay tiểu nhân đã ra ngoài phố tìm, khu Nhục Thu có một nhà bán
loại diều hồ điệp đó, nhưng chỉ là một sạp hàng nhỏ thôi, người chủ họ
Nguyễn”.

Ồ… Chỉ cần tìm được người bán diều thì tìm
người mua cũng sẽ không khó. Chiếc diều hôm qua rớt xuống Nhạc phủ vẫn
còn mới, nếu như hỏi thăm tỉ mỉ người bán diều thì nói không chừng sẽ
thu được những manh mối có ích.

Ngủ trưa xong, tinh
thần sảng khoái. Thấy Lục Thủy, Thanh Yên đã đi theo mình cả một buổi
sáng có chút mệt mỏi, tôi bèn dẫn theo một mình Hoan Hỷ Nhi rời phủ. Đến nơi, trông thấy cơ man những diều là diều được treo trên các ống trúc
nhỏ. Người bán diều là một ông lão, đang ngồi bên sạp hàng chăm chú làm
con diều mới.

Tôi vừa liếc mắt đã trông thấy trên sạp hàng của ông có một chiếc diều giống hệt chiếc hôm qua nhặt được, bèn
lại gần hỏi: “Ông ơi, cái diều này bao nhiêu tiền?”

Ông lão không nhìn tôi, chỉ liếc mắt nhìn chiếc diều một cái, nói: “Chiếc này không bán”, sau đó cúi đầu tiếp tục công việc.

A? Sao lại không bán? Không bán thì treo lên làm gì?

“Cháu có điều không hiểu. Nếu không bán thì ông treo con diều lên làm gì ạ?” Tôi cẩn thận hỏi.

“Không bán thì không được treo à?” Ông lão cũng không ngẩng đầu lên, giọng cằn nhằn.

Hay, hay, hay cho một ông lão bán diều! Cậy của nhà mà bắt nạt khách phải không? Vì chân tướng, tôi, tôi… nhịn!

“Vậy, tất cả diều ở đây đều không bán ư?” Tôi nén giận hỏi tiếp.

“Chỉ có con này không bán!” Giọng ông lão vẫn mang nét bực bội.

Ơ… thú vị! Chỉ có mỗi cái này không bán, quả nhiên là có vấn đề!

“Ông bán diều phải nhìn người ạ? Chẳng lẽ là cháu có chỗ nào không vừa mắt
ông nên ông mới không chịu bán cái diều này cho cháu?” Tôi tỏ vẻ vô cùng chân thành, bày ra gương mặt ngượng ngập, đôi mắt long lanh ngân ngấn
nước nhìn ông ta.

Ông lão rốt cuộc cũng liếc tôi một cái, lạnh giọng nói: “Cái diều này ai mua lão cũng không bán”.

A? Nhất định có vấn đề.

“Vậy thì… Cho cháu hỏi, ngoại trừ ông ra, ông có biết nhà nào có bán con
diều có đuôi phượng giống hệt như vậy không ạ? Cháu thực sự rất thích
kiểu dáng này, muốn mua một chiếc về”. Tôi thăm dò.

“Không biết!” Ông lão đáp lời rất dứt khoát.

… Ông lão này là ai vậy? Thái độ vậy? Tôi chọc vào ông rồi ư? Xem thái độ của ông kìa! Có người đối xử với một thiếu nữ đáng yêu như ông sao?
Đừng tưởng rằng nói một câu “Không biết” là có thể đuổi bản cô nương đi! Diều làm thủ công thì mỗi nhà sẽ mỗi khác, dù cùng là diều đuôi phượng
nhưng họa tiết bên trên sẽ không giống nhau! Bản cô nương đã thuộc lòng
họa tiết trên con diều nhặt được rồi, trông giống hệt con diều của ông!
Đừng có giả vờ là đại gia với tôi! Xem tôi có bắt ông hiện nguyên hình
hay không!

“À… Hình như là có đấy. Hôm qua cháu còn
thấy có một người thả con diều giống hệt, đuôi diều nhuộm màu vàng hoa
cúc, họa tiết hình bán nguyệt, uốn lượn quanh co…” Nói đến đây thì ngây
ra. Tôi nhớ lại câu thứ ba: “Vũ lâm linh xử linh không hưởng”. Chẳng lẽ
là ứng với chỗ này?

Đang suy nghĩ, chợt thấy cổ tay
bị nắm, ông lão kia chẳng biết từ khi nào đã bật dậy, nắm chặt lấy tay
tôi, mắt trừng trừng như sắp rớt ra, ép hỏi: “Cô nhìn thấy cái diều ấy ở đâu?”

Ha ha, hiện nguyên hình rồi! Chỉ là… diều ông bán còn hỏi tôi trông thấy ở đâu? Tôi đang định hỏi ông bán cho ai kìa!

Tôi còn chưa kịp trả lời, Hoan Hỷ Nhi đứng phía sau đã xông lên kéo tay ông lão ra, tức giận nói: “Ông lão to gan! Còn không mau buông tiểu thư nhà ta ra!”

Nói cũng đúng, tuổi của ông lão này cũng
bằng tuổi cha tôi rồi, sao có thể nắm tay một cô nương ngay giữa đường
thế này cơ chứ? Tôi bèn xoay xoay rút cổ tay mình ra, tỏ vẻ hốt hoảng,
nói: “Ông lão, ông làm gì thế? Mua bán không được thì vẫn còn nhân
nghĩa. Ông không bán diều cho cháu thì thôi, nhưng cũng không thể ngăn
cháu đi mua diều nhà khác chứ?”

Ông lão giống như
phát điên, căn bản không chú ý đến lời đe dọa của Hoan Hỷ Nhi, vẫn trừng mắt, gầm lên với tôi: “Nói mau! Cô trông thấy cái diều kia ở đâu?”

Ông, ông lão này còn dám dọa tôi? Hu hu hu! Tôi từ khi xuyên qua đến giờ
luôn phải âm thầm nhẫn nhịn, chịu uất ức, bây giờ ngay cả một ông già
trên đường cũng có thể dựng râu trợn mắt lên với tôi rồi?

Tôi tức giận, gương mặt bất giác đanh lại, bình thản nói: “Ông lão, không
giấu gì ông, cháu biết rõ tung tích của con diều kia, nếu ông muốn biết, cháu không phải là không thể không nói ra. Song làm ăn thì phải công
bằng, ông muốn có được đáp án thì phải dùng đáp án để trao đổi mới
phải”.

Ông lão trợn mắt nhìn tôi một lúc mới trầm giọng nói: “Cô muốn biết điều gì?”

Tôi bảo Hoan Hỷ Nhi buông tay ông lão ra rồi nói: “Ông cứ níu tay một cô
nương không chịu buông, chẳng lẽ là sợ cháu chạy mất? Nếu là làm ăn thì
phải bình tĩnh đồng lòng hợp tác mới đúng”.

Ông lão nhìn tôi không chớp mắt, chầm chậm buông tay ra, lạnh lùng nói: “Cô hỏi đi!”

Thấy ông lão bình thường trở lại, tôi cũng không làm mặt lạnh nữa, mỉm cười
nói: “Cháu chỉ muốn hỏi là ông có từng bán cho ai một chiếc diều giống
hệt như chiếc này không? Ông có nhớ được đặc điểm ngoại hình của người
đó?”

Ông lão trợn mắt hung ác nhìn tôi, nói: “Không! Loại diều này của lão chưa từng bán cho ai!”

Hả? Là tôi tính sai hay ông lão này đang lừa tôi?

“Bây giờ đến lượt cô cho lão biết cái diều giống thế này cô trông thấy ở đâu?” Lão lại ép hỏi.

Tôi mỉm cười nhưng lòng không vui, đáp lại: “Ông lão à, câu hỏi này của ông và đáp án ông vừa cho cháu rất mâu thuẫn đấy! Ông đã nói là chưa từng
bán loại diều này, vậy làm sao mà cái diều này lại rơi vào tay người
khác?”

“Việc này không liên quan! Cô chỉ cần trả lời câu hỏi của lão!” Lão gằn giọng.

Tôi thản nhiên cười nói: “Nếu ông không trả lời câu hỏi của cháu thì cháu
sẽ không trả lời câu hỏi của ông được, bởi vì… có lẽ mục đích của ông và cháu giống nhau, đều muốn tìm ra người sở hữu con diều đó”.

Ông lão chấn động, vừa giật mình vừa cảnh giác trầm giọng hỏi tôi: “Cô tìm người đó làm gì?”

“Việc này hình như không liên quan đến ông”. Tôi cười nói: “Cháu có một đề
nghị, ông nghe thử xem thế nào: Ông nói hết những gì ông biết cho cháu
nghe, cháu cũng sẽ kể hết những gì mình biết với ông, sau khi tìm được
người đó thì ai muốn làm gì cứ làm, không can thiệp vào chuyện của nhau. Thế nào?”

Ông lão nhìn chằm chằm vào tôi một lúc, rốt cuộc cũng gật đầu, thở dài nói: “Nói đi, cô muốn biết điều gì?”

Tôi cười một tiếng, nói: “Cháu muốn biết vì sao ông không chịu bán con diều đuôi phượng này? Nếu ông không bán thì sao lại có người có nó?”

Ông lão hơi chán nản, chầm chậm ngồi xuống bên sạp hàng, ánh mắt ảm đạm,
nhỏ giọng nói: “Loại diều đuôi phượng này… là con gái lão tự tay làm…
tổng cộng chỉ có hai con. Lão treo con diều này ở đây, cũng như… cũng
như con gái lão vẫn còn ở bên lão…” Nói đến đây, giọng ông nghẹn ngào.

Tôi bắt đầu xúc động, nhưng không muốn cắt ngang lời lão, chỉ đành nghe
tiếp. Ông nói: “Đứa con gái ngốc của lão là đứa lòng dạ ngây thơ. Mẹ nó
mất sớm, từ nhỏ đến lớn, có tâm sự gì nó đều nói với lão, chưa bao giờ
giấu diếm hay nói dối. Ai… con gái lớn thì không thể giữ trong nhà mà…
Chẳng biết từ khi nào, nó bắt đầu có điều giấu lão, suốt ngày hồn phách
cứ như để trên mây. Lão tuy là người thô tục, nhưng cũng biết… nó có
người yêu rồi. Lão gặng hỏi mấy lần mà nó không chịu nói. Có vài lần về
nhà lão còn nghe thấy nó khóc thút thít trong phòng… Ai…” Ông lão vừa
nói vừa không kìm được lòng mà rơi lệ, vội vàng giơ tay lau đi, kể tiếp: “Lão sợ nha đầu ngốc đó bị người khác lừa, bèn lặng lẽ theo dõi nó mấy
lần, ai ngờ nha đầu này cũng tinh ranh lắm, lần nào lão cũng bị nó cắt
đuôi… Ai… Cho đến một hôm… sau khi lão bị nó cắt đuôi, lại trông thấy…
thi thể… của nó”.

“Đã xảy ra chuyện gì?” Tôi biết hỏi như vậy là thất đức, nhưng tôi muốn biết chân tướng.

Ông lão bưng mặt, thấp giọng nói: “Nha đầu ngốc… nó… nó nghĩ quẩn… tự tử…”

… Tại sao? Vì chuyện gì mà có thể vứt bỏ người cha cô đơn của mình để tự
tử? Vì một nam nhân? Vì một nam nhân khiến nàng phải trốn trong phòng
len lén khóc? Vì một nam nhân không dám quang minh chính đại xuất hiện
trước mặt cha nàng, nói rằng: cháu sẽ làm cho con gái bác được hạnh
phúc?

Ai, cô gái này đúng là ngốc hết phần của người khác!

“Vì thế, ông muốn tìm người có con diều này, bởi vì đó rất có thể là người đã hại con gái ông phải tự tử?” Tôi hỏi.

Ông lão đắm chìm trong nỗi bi thương bị mất con, nhất thời không nói nên
lời, chỉ đành khẽ gật đầu. Một lúc sau, kìm nén được nỗi lòng, ông ngẩng lên nhìn tôi, hỏi: “Lão đã nói hết mọi chuyện với cô nương, cô nương
cũng nói cho lão biết đi. Rốt cuộc là cô nương trông thấy con diều đó ở
đâu?”

“Con diều ấy…” Tôi cắn môi, “Rơi xuống hậu hoa viên nhà cháu”.

Ông lão ngây ra, một lúc sau mới lẩm bẩm: “Chính xác là… cô cũng không biết ai là chủ nhân con diều?”

Tôi gật đầu. Đây là sự thật, ít nhất thì đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm ra được người đó là ai.

Ông lão trầm mặc một lúc lâu, thấp giọng nói: “Cô đi đi, lão mệt rồi”. Nói
dứt lời bèn đứng dậy thu dọn quầy hàng, trông như chuẩn bị về nhà.

Thấy ông sắp đi, tôi do dự một lát, rốt cuộc vẫn cất lời hỏi: “Con gái ông… được tìm thấy… ở đâu?”

Bóng lưng rời đi của lão run lên, cũng không quay đầu lại, đáp: “Đình Lan Dạ”.

Đình Lan Dạ. Quả nhiên là đình Lan Dạ.

Đưa mắt nhìn ông lão đã đi được một đoạn, tôi gọi Hoan Hỷ Nhi tới, nhỏ
giọng nói: “Ngươi âm thầm đi theo ông lão, xem xem ông ấy ở đâu, đừng để ông ấy phát hiện ra. Sau đó, ngươi hỏi thăm hàng xóm xem tên của con
gái ông là gì, qua đời hôm nào, có từng trông thấy nàng đi cùng một nam
nhân khác bao giờ chưa… Tuyệt đối đừng khiến họ nghi ngờ. Ta chờ ngươi ở quán trà kia, ngươi hỏi thăm xong thì quay lại tìm ta”.

Hoan Hỷ Nhi đang tuổi thiếu niên, thấy được tôi trọng dụng thì rất hào hứng
muốn lập công, bèn chạy đi luôn. Tôi vào quán trà gần đó, gọi một bình
trà, ngồi xuống nghỉ ngơi đợi tin. Tầm một tiếng đồng hồ sau thì Hoan Hỷ Nhi vội vàng chạy tới, trán ướt đẫm mồ hôi. Tôi bảo hắn ngồi xuống, lại rót chén trà đưa cho hắn giải khát, Hoan Hỷ Nhi được sủng mà vừa mừng
vừa lo, không kịp thở đã mau chóng báo lại: “Tiểu thư, tiểu nhân đã thăm dò được địa chỉ nhà ông lão họ Nguyễn kia. Con gái ông ta tên là Nguyễn Linh Nhi, biết làm diều. Hai cha con khi trời ấm áp mát mẻ thì bán
diều, trời lạnh thì ông lão đan giỏ, con gái vẽ nét thêu cho tiểu thư
nhà giàu quanh vùng. Nguyễn Linh Nhi chết ngày sáu tháng sáu năm ngoái,
nghe hàng xóm nói là bị một nam nhân phụ bạc vứt bỏ, vì quá đau lòng nên đâm đầu vào cột tự tử. Chỉ là chưa từng có ai trông thấy nam nhân đó
nên không biết tin này có chính xác hay không”.

Thanh ngọc án đầu xảo lộng mai,

Thước kiều tiên lộ sổ bồi hồi.

Vũ lâm linh xử linh không hưởng,

Ô dạ đề thanh thốn thốn khôi.

Ngày sáu tháng sáu, đình Lan Dạ, Nguyễn Linh Nhi, bia khắc lời thề.

Câu đố tựa như đã được giải đáp, nhưng vì sao… tôi vẫn có cảm giác khó quên?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui