Sau khi nói cảm tạ với Trương thẩm, Tiêu Thái và Phó Nguyệt đưa Tiêu Giản về nhà.
Sau khi ăn xong, Phó Nguyệt vào căn phòng phía đông, lấy bút mực và giấy ra đặt ở trên bàn, ghi sổ.
Hôm nay ra cửa một chuyến, mua thuốc cho A Giản, mua vải và một ít thứ linh tinh vụn vặt, tổng cộng chi hai lượng bạc.
Tiêu Thái giao cho nàng hơn bảy lượng bạc, lập tức chỉ còn dư lại hơn năm lượng.
Lần này mua chỉ thêu và vải lụa, Phó Nguyệt dự tính một mình nàng có thể làm được bảy cái túi tiền trong một tháng, năm cái mặt quạt, còn thừa lại nguyên liệu thì tận dụng làm một ít hoa lụa.
Mặt quạt và túi tiền thì có thể bán với giá cao, lấy tay nghề mà nàng học được, đoán chừng có thể bán giá gấp một hoặc hai lần người thường.
Trừ đi mọi chi phí, một tháng nàng có thể kiếm được một lượng bạc.
Mỗi tháng có thể ổn định thu vào một hai lượng, tuy kém mức lương tháng lúc nàng ở Triệu phủ, nhưng ở vùng nông thôn này đã là nhiều.
Phải biết rằng, hiện tại ở trong thôn, một thanh niên độ tuổi lao động đi ra bến tàu làm cu li bốc vác hàng hóa thì một tháng cũng chỉ kiếm được hơn 300 đồng; tiểu tử thứ ba của nhà trưởng thôn biết một ít chữ, nghe nói ở trong thành làm tiểu nhị, một tháng tiền công được hơn 600 đồng đã được mọi người hâm mộ, ngạch cửa trong nhà đều bị bà mối giẫm nát, Trương thẩm còn đang cẩn thận chọn lựa nữa đó.
Có điều Phó Nguyệt vẫn không thỏa mãn.
Hiện tại A Giản cần phải uống thuốc, tạm thời là khoản chi lớn nhất trong nhà.
Đệ ấy đã năm tuổi, Phó Nguyệt muốn chờ đệ ấy thân thể khỏe lại thì sẽ đưa đệ ấy vào trong thành đọc sách.
Trong thôn không có trường tư thục, muốn đi đọc sách phải mỗi ngày đi vào trong thành.
Mỗi năm đưa quà nhập học cho sư phụ trường tư thục, giấy và bút mực đều phải chi một khoản khá lớn.
Cho nên trong thôn không có nhiều đứa trẻ được đi học.
Nhưng học chữ đọc sách, vĩnh viễn là con đường thăng quan tiến chức mà mọi người hướng về.
Mặc kệ là biết chữ hiểu lý lẽ, hay là tương lai có chí hướng thi khoa cử, đều phải học.
Phó Nguyệt sẽ không luyến tiếc chi số tiền này.
Huống chi, tương lai bọn họ cũng sẽ có con của chính mình, tỉ mỉ nuôi dưỡng dạy dỗ sẽ lại chi một khoản lớn nữa.
Phó Nguyệt tính toán một phen, suy xét đến tay nghề mà mấy năm nay nàng học được, xác định có hai kế hoạch kiếm tiền trong tương lai.
Trước hết thêu thùa để tích cóp bạc để trang trải chi phí cuộc sống, sau đó sẽ làm cửa hàng bán đồ điểm tâm.
Người dân coi ăn uống là quan trọng hàng đầu, mặc kệ ở thời đại nào, dân chúng luôn muốn ăn cơm.
Ở Triệu phủ nàng cố ý học nấu ăn với nữ đầu bếp, hơn nữa còn các loại món ăn hiện đại mà nàng biết làm, nàng tin tưởng thông qua khẩu vị cùng sáng tạo mới mẻ vẫn có thể đứng vững gót chân.
Xác định kế hoạch phát triển trong tương lai, Phó Nguyệt nhẹ nhàng thở phào.
Có phương hướng, bản thân sẽ không mơ hồ.
Phó Nguyệt ở chỗ này vùi đầu viết viết vẽ vẽ, Tiêu Thái cũng dọn dẹp xong xuôi rồi đi vào phòng.
Tiêu Thái lẳng lặng đứng ở phía sau Phó Nguyệt một hồi lâu, thấy nàng hết sức chuyên chú ghi chép và lên kế hoạch.
Chờ nàng ngừng bút, Tiêu Thái mới mở miệng: “Nương tử à, chữ của nàng thật là đẹp.”
Thấy ánh mắt hắn biết những chữ này, Phó Nguyệt thuận miệng hỏi: “Chàng đã từng đọc sách sao?”
Tiêu Thái lắc lắc đầu, “Không…… Nương ta đã dạy ta một ít.”
Phó Nguyệt hơi tò mò, nhà bá tánh bình dân dưới triều Lý, nếu nhà nào có tiền nhàn rỗi thì sẽ có khuynh hướng cho nam đinh trong nhà đi đọc sách thi khoa cử, nữ tử đọc sách thì chỉ có nhà nào giàu có hoặc nhà quan lại quyền quý.
Vị mẹ chồng này biết chữ chẳng lẽ là đến từ nhà có nhiều của cải sao? Nhưng Tiêu gia sinh hoạt tương đối khó khăn, cũng chưa từng nghe thấy Tiêu Thái nhắc tới thân thích họ hàng nhà ngoại.
Thấy Phó Nguyệt tò mò, Tiêu Thái chậm rãi nói cho nàng.
Về chuyện của nương, ở trong thôn cũng có một ít lời ra tiếng vào, thay vì để Phó Nguyệt nghe được lời bàn tán đoán mò của người trong thôn, chi bằng để chính hắn nói cho nàng nghe..