Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân


Đúng lúc này...

Nguyễn Đông Thanh chợt nói:

“Chuyện to co làm bé thì cũng đơn giản.

Thế nhưng sắp tới tại hạ muốn làm một chuyện, còn phải nhờ các vị gia chủ đừng có ngáng đường.”

“Không dám.

Không dám.

Nguyện hết sức trợ giúp đại nhân.”

Cổ Trạch Dao chính đang sầu không biết phải dâng lên thứ gì mới có thể khiến Bích Mặc tiên sinh hồi tâm chuyển ý, thì lại nghe gã lên tiếng nói bỏ qua chuyện hôm qua.

Y thị còn tưởng là mình nghe nhầm, phải đến lúc Cổ Trạch Thâm đứng bên cạnh khẽ đá chân vào cạnh ghế một cái nhắc nhở, y thị mới kịp thời đáp lại.

Tuy không rõ vì sao một kẻ có thể tiện tay đánh Phật đạo tõe ra làm hai lại không trực tiếp sai sử thế gia bọn họ làm việc cho gã, song hiện giờ Cổ Trạch Dao không dám nhiều chuyện.

Có thể xuất phát điểm của bọn họ quá thấp, thế nên mới không nhìn ra nguyên nhân Bích Mặc tiên sinh cần phải hợp tác cùng bọn hắn.

Nguyễn Đông Thanh gật đầu, nói:

“Cố phu nhân khách khí rồi.

Chẳng là tại hạ gần đây đọc lại sổ sách của Chưởng Ấn phủ, cảm thấy kẻ tiền nhiệm xử án có nhiều oan sai, nên muốn lật lại một vài án năm xưa.

Có điều tiền căn hậu quả trong đó liên lụy đến chuyện từ nhiều năm trước, thế nên còn cần các vị cho mượn gia phả đọc một phen.”

Thời xưa, các gia tộc lớn thường ghi chép lại một số chuyện liên quan đến tiên tổ nhà mình, lấy đó làm vẻ vang với hương thân.

Văn bia thần phả, gia phả ngọc phả, gọi chung lại là dã sử.

Nếu chính sử là thái độ của giới cầm quyền, của Nho gia sử quan, vậy thì dã sử nói lên thái độ của một bộ phận dân chúng đương thời.

Nguyễn Đông Thanh còn nhớ tỉ như Đoàn Thượng, trong chính sử đương nhiên không được nói mấy lời tốt đẹp, nhưng ở quê hương lại nhiều chỗ lập đền thờ, đời đời hương khói.

Đương nhiên, đây cũng không phải nói chính sử thiếu công bằng, dã sử chắc chắn đúng.


Chỉ đơn giản là một góc nhìn khác của cùng một sự kiện mà thôi.

Cuối cùng, lịch sử có những chỗ mãi mãi tối, có những chỗ tranh tối tranh sáng.

Cứ như phóng sự năm nọ của VTV nói về “đúng sử” thì thật chẳng biết đâu mà lần, Nguyễn Đông Thanh nghe mà không rõ người viết có hiểu gì về sử hay không.

Thành thử...

Nguyễn Đông Thanh dự định thử xem trong ngọc phả của các gia tộc lớn ở Bạch Đế này liệu có ghi chép gì về chuyện của Lê Minh Đức hay không.

Sau đó...

Cổ Trạch Dao quay về nhà thông báo cho các gia chủ, Nguyễn Đông Thanh thì tiếp tục cùng hai người Hồng Đô, Lã Vọng Thiên dạo phố.

Đi chưa được bao lâu, đã thấy trong một quán trà gần đấy xuất hiện một công tử áo trắng, tay nắm một cây quạt xếp, chính đang nước bọt phun năm thước.

Bích Mặc tiên sinh mới đầu còn không chú ý, nhưng vừa đi mấy bước đã nghe loáng thoáng nào là Bao Chửng, Công Tôn Sách, Triển Chiêu thì không khỏi giật mình.

Đưa mắt nhìn kỹ, mới phát hiện té ra là người quen.

Công tử áo trắng kia ngoại trừ Lâm Cảnh Trung ra thì còn ai vào đây nữa?

Mới đầu Nguyễn Đông Thanh cũng không quá chú ý đến mấy cậu ấm cô chiêu mộ danh đến Quan Lâm này.

Thế nhưng trước là chuyện tiếp đãi Thượng Quan Trường Không, sau là chuyện phối hợp chống dịch cũng khiến gã cảm thấy bọn họ làm người không tệ, cũng chú ý hơn đến những tiểu thư công tử này.

Ngoại trừ Hoàng Sở Sở, Lâm Cảnh Trung cũng coi như là một nửa thủ lĩnh của hội đệ tử ký danh.

Nguyễn Đông Thanh hắng giọng ho khan, bước vào trong quán trà.

Người ở dưới ban đầu cũng chỉ muốn kết giao với đại công tử của Binh Bộ Thượng Thư Lâm Doãn Hành, về sau nghe Lâm Cảnh Trung kể chuyện Bao Thanh Thiên chính đến chỗ gay cấn, cũng có phần hứng thú.

Bấy giờ đột nhiên có người xen ngang, không khỏi lấy làm khó chịu.

Thế nhưng Lâm Cảnh Trung vừa nhác thấy ba người mới vào quán, vội vàng cúi đầu hành lễ:

“Tiên sinh.”


Nói xong, gã mới nhận ra mình quen miệng, vội vàng cười trừ:

“Không đúng.

Hiện tại phải xưng là đại nhân mới phải.”

Đoạn lại đứng thẳng lưng, đưa tay về phía Nguyễn Đông Thanh, nói:

“Vị này chính là Bích Mặc tiên sinh đại danh đỉnh đỉnh, cũng là người đã viết câu chuyện ta vừa kể cho quý vị.”

“...”

Nguyễn Đông Thanh nghe Lâm Cảnh Trung giới thiệu mình là người viết Bao Công, không khỏi giật mình.

Thế nhưng gã còn chưa kịp giải thích, thì bên dưới đã nhao nhao có người lên tiếng.

“Chẳng lẽ chính là vị dùng một bài thơ tân thoại khiến tiên hiền khóc than, vãng thánh rơi lệ, Bích Mặc tiên sinh?”

“Cũng là người đánh biến dạng Phật đạo?”

“Tác giả Truyền Kỳ Mạn Lục Nguyễn Đông Thanh?”

“Truyền Kỳ Mạn Lục đáng là gì? Bích Mặc thi tập mới thật là chân bảo!”

“...”

Người bên dưới nhao nhao lên tiéng, khiến Nguyễn Đông Thanh muốn nói xen vào hay giải thích cũng không được.

Hắn hằm hằm nhìn Lâm Cảnh Trung, chính đang muốn đòi một lời giải thích thì bên cạnh đã nghe Hồng Đô truyền âm:

“Tiên sinh, chuyện này đều do Hồng Vân tiên tử sắp xếp, sau tất có đại dụng.

Vẫn xin tiên sinh phối hợp.”

“...”

Nguyễn Đông Thanh nghe là cô hàng xóm làm, chỉ biết thở dài, dằn cảm giác khó chịu trong bụng xuống.


Chờ đám người an tĩnh lại, Bích Mặc tiên sinh mới hỏi:

“Không ngờ lần này tại hạ nhận chỉ đến đây nhậm chức còn có thể trùng hợp gặp được công tử.”

Lâm Cảnh Trung cười:

“Thực ra cũng không phải trùng hợp.

Mục đích của tại hạ và mọi người xưa nay vẫn không đổi, muốn bái vào môn hạ tiên sinh.

Nay ngài đến Bạch Đế, chúng ta đương nhiên là theo sau.

Chẳng qua là tại hạ ở Bạch Đế có người quen, nên đến trước một bước, giúp mọi người thuê nhà, tránh làm phiền đến dân chúng như lần trước.”

“Được...!được rồi.

Vậy thì các cậu thích làm gì thì làm đi.”

Nguyễn Đông Thanh mặt méo xẹo, nói chuyện nghe cũng cứng nhắc.

Lời nói trái lương tâm như vậy quả thật khiến hắn kém chút không nói được ra khỏi miệng.

“Vậy ngày khác chúng ta nhất định đến bái phỏng tiên sinh.”

Lâm Cảnh Trung chắp tay, cúi đầu.

oOo

Nguyễn Đông Thanh về phủ Chưởng Ấn thì ngoài cửa đã đứng đầy người, xe ngựa nối đuôi nhau kéo dài đến hàng chục trượng.

Ngoại trừ sách vở, ngọc thạch, còn có không thiếu lụa là gấm vóc.

Bích Mặc tiên sinh biết đây là thế gia sĩ tộc mượn cớ đưa gia phả “phong bao phong bì”, nên bảo Hồng Đô phàm những thứ không nằm trong thỏa thuận với Cổ Trạch Dao thì từ chối toàn bộ.

Bao nhiêu sách vở, ngọc giản thu được thì hắn ôm đến chỗ Cố Văn, cùng nhau tra duyệt lại sự tình khi trước.

Lại qua vài ngày, dưới sự dốc lòng điều trị của Dư Tự Lực, thương thế của Vương Long Mã Hổ đã ổn định lại.

Mà Lã Vọng Thiên, Hồng Đô lại tra ra được trước đó Lê Minh Đức đã có qua lại với ngục tốt.

Chạy đến phủ Chưởng Ấn chẳng qua là một kế hoãn binh, cốt muốn kéo dài thời gian, đợi lúc Nguyễn Đông Thanh kịp phản ứng thì hai người Vương, Mã đã bị ngục tốt đánh đến độ vết thương chuyển xấu mà tiêu đời.

Mà nếu không phải Trương Triều, Triệu Hán xuất hiện, có lẽ lần này Vương, Mã phải nấp sau nải chuối thật.

Cùng ngày, Lê phủ bị phong tỏa, Lê Minh Đức bị tống vào ngục.


Dân chúng thành Bạch Đế không khỏi bàng hoàng.

Hồ Ma Huyền Nguyệt, Hoắc Kim Trọng và Hoàng Thanh Nhàn cũng bị bất ngờ vì cách hành xử “lôi lệ phong hành” trái hẳn với dáng vẻ thường ngày của Nguyễn Đông Thanh.

Lê Minh Đức có tiếng là anh hùng, lúc này sa vào ngục, không thiếu dư luận bắt đầu bàn tán rằng Nguyễn Đông Thanh có ý hại hiền.

Cũng may lúc này mấy người Hoàng Sở Sở, Lâm Cảnh Trung lên tiếng đính chính, lại thêm thế gia sĩ tộc cũng mượn cơ hội này giao hảo với Bích Mặc tiên sinh mới dằn được dư luận trong thành xuống.

Mà lúc này, trong khi thành Bạch Đế thấp thỏm không yên, Nguyễn Đông Thanh chính đang hỏi hai người Vương Long, Mã Hổ về động cơ gây án.

Hai người Vương, Mã mới đầu biết gã là Chưởng Ấn quan mới thì cũng thủ khẩu như bình, không chịu nói nhiều.

Phải đến khi tận mắt thấy Lê Minh Đức bị giải vào ngục, theo sau còn có một số con cháu thế gia từng tra tấn hành hung mình, bọn hắn mới chịu kể rõ đầu đuôi.

Bốn người Trương Triều, Triệu Hán vốn là con cháu của tướng thủ thành Bạch Đế, trấn giữ Ải Thị bây giờ.

Chuyện năm xưa cũng không phải Lê Minh Đức đến Bạch Đế báo tin, sau đó hiệp trợ thủ thành.

Sự thật kẻ hàng Tề không phải ai khác, chính là Bát Chỉ Anh Hùng bây giờ.

Hai ngón tay là tự hắn chặt đi, để “hợp lý hóa” câu chuyện của mình.

Mà vận lương quan vì sự phản bội của hắn, hành tung bị Hữu Dực quân biết được, cuối cùng chết trận.

Sau đó, Lê Minh Đức lại dẫn đường cho quân Tề đến công hãm Ải Thị.

Khi chiến tranh Tề – Việt kết thúc, sở dĩ Lê Minh Đức có tiền làm ăn, êm ấm thành viên ngoại là bởi năm xưa hàng Tề, nhận được tiền muôn bạc vạn.

Vì Lê Minh Đức phản trắc, quân Ải Thị không nhận được tiếp tế, cuối cùng đành phải dùng hôn chiêu rút thăm chịu chết, ăn thịt nhau để mà sống.

Cha mẹ bốn người Vương Long, Mã Hổ không muốn con mình phải lâm vào cảnh dùng thịt người kéo dài tính mạng, bèn giấu bọn họ trong hầm ngầm.

Bốn người bọn họ đào được một cái ổ chuột, lấy đó làm thức ăn mới sống sót được.

Về sau, bốn người trốn khỏi Ải Thị, đến nơi khác mưu sinh.

Có một ngày bốn người vô tình nghe được câu chuyện về “Bát Chỉ Anh Hùng”, không khỏi lấy làm ngờ vực.

Vương Long Mã Hổ bán hết gia sản, lần theo dấu câu chuyện nhiều năm mới tìm được nguồn cơn: Lê Minh Đức mèo khen mèo dài đuôi, dùng câu chuyện này để che giấu hành động năm xưa của mình.

Vương Long, Mã Hổ vốn định báo chuyện này cho quan Chưởng Ấn, nào ngờ lại phát hiện lão đi đêm với Lê Minh Đức.

Hai người đói ăn vụng, túng làm liều, bèn lẻn vào Lê gia trang định bụng tự mình giết kẻ thù.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận