Đi ra hết đường cát biển, có bậc tam cấp dẫn lên cổng chào. Cổng được xây dựng chủ yếu bằng gỗ kết hợp với gạch, đá. Chỉ một lối đi duy nhất, có hai cột đá trụ biểu ở hai bên to cỡ hai người ôm, mỗi cột đều được chạm khắc hình rồng như đang từ dưới chân cột lượn vút bay lên trời.
Cổng thiết kế hình chữ nhật, kết cấu hệ đấu-củng*, mái lợp ngói âm dương. Nóc mái được đắp hai hình rồng đối xứng, đang há rộng miệng trước ngọc quý. Tổng thể qui mô của cổng chào khi nhìn rất khí thế và hoành tráng.
Nhưng điều làm Ngọc Mai đắng lòng nhất bây giờ chính là chữ được ghi trên cổng chào. Chỉ biết nhìn và nhìn thôi chứ không biết chữ gì với chữ gì.
Cái quỷ gì đây, mọi người nói tiếng Việt nhưng viết chữ thể loại gì thế này? Sống hai mươi năm trên đời đều được công nhận là thành phần trí thức, trôi dạt đến nơi này lại hóa mù chữ.
Đúng vậy! Là mù chữ, với kiến thức ngôn ngữ có hạn về Anh văn và Pháp văn, đủ đối phó với ngành dược cô đang theo học. Thì thật xin lỗi với thể loại chữ trên cổng chào kia mà tuyên bố chắc nịch là cô không biết.
Ngọc Mai nghĩ nghĩ hồi lâu cảm thấy không đúng, cho dù là trôi dạt đến nước Tây không thuộc nước Việt Nam của thế kỷ 21, ở đây không viết ngôn ngữ nước Việt Nam thì nói tiếng Việt làm gì?
Nhưng quái ở chỗ ông Hai Tánh là người nước Đông, cũng nói tiếng Việt Nam, văn phong nói cũng không khác người Việt hiện đại là mấy. Vậy giả thuyết xuyên về quá khứ của nước Việt Nam là không có khả năng.
Vì chữ viết thời tổ tiên của Việt Nam trải qua rất nhiều thăng trầm và sóng gió.
Từ thời vua Hùng Vương dùng chữ viết Khoa Đẩu ngày nay chúng ta gọi là chữ Việt cổ. Vào thời hai Bà Trưng bị Đông Hán đô hộ, người Việt Nam dùng chữ Nho hay còn gọi là chữ Hán.
Đến năm 938 Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán, người Việt giành quyền tự chủ thoát khỏi nghìn năm Bắc thuộc, mượn dạng chữ Hán người Việt sáng tạo ra chữ Nôm* hay còn gọi là Quốc âm. Đến đầu thế kỷ 17, chữ quốc ngữ chính thức được ra đời cho đến ngày nay.
Chữ nước Tây nơi này cũng dùng ký tự Latinh, nhưng tuyệt nhiên không giống chữ Việt Nam từ xa xưa cho đến nay. Chỉ còn khả năng còn lại, là hai cha con bị xuyên đến thời không của thế giới khác hay một thế giới song song, giống như trong các thể loại phim giả tưởng cô thường hay xem.
Nhưng thế giới này có liên quan gì đến tổ tiên Việt Nam hay không? Qua bao thời kỳ sáng tạo và vay mượn chữ viết, biết đâu có một nhóm người Lạc Việt nào đó tìm đến nơi này sinh sống, rồi tự sáng tác ra một loại chữ viết khác. Giả thuyết này có vẻ thuyết phục, nhưng lại vướng ở chỗ tiếng nói.
Cũng giống như chữ viết, tiếng nói của người Việt Nam cũng trải qua thăng trầm không kém. Có khác chăng là tiếng nói thì không dễ bị tiêu diệt, thiêu hủy, hư hao hay mất mát. Tiếng nói cũng trôi theo dòng chảy lịch sử, và cùng chung hoạn nạn với số phận nổi chìm của dân tộc.
Vì cái gốc rễ tiếng nói người Việt Nam do các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học nổi tiếng khắp thế giới cho rằng người Việt Nam có chung họ hàng với hai loại ngôn ngữ nguyên thủy, là ngữ hệ Thái và ngôn ngữ Nam Á.
Cho nên dù có trải qua hơn ngàn năm bị đô hộ, ngôn ngữ Việt Nam chẳng những không bị tiêu diệt, trái lại còn phong phú thêm. Đến thời vua Quang Trung, tiếng nói dân tộc Việt mới được xem là ngôn ngữ chính thức, nhưng lại một lần nữa lận đận vào thời Pháp thuộc. Mãi đến năm 1945 tiếng mẹ đẻ mới là ngôn ngữ chính thức của dân tộc Việt Nam.
Tiếng nói của người Việt Nam chạy theo dòng thời gian của lịch sử không theo quy ước chung nào. Tùy phong thổ, vùng miền, địa phương mỗi nơi nói mỗi khác.
Vì vậy, một đứa bé nào nếu có điều kiện cắp sách đến trường khi đủ tuổi đi học, đều sẽ trải qua môn chính tả được xem là môn khắc nghiệt thời trẻ trâu của mọi trẻ em Việt Nam.
Mọi người có thể tưởng tượng, nếu như dân rặt ba miền của Việt Nam cùng nhau đứng một chỗ nói chuyện, thì thể nào một hồi cũng sẽ là “ông nói gà bà nói vịt” cho mà xem. Dù nghĩa không thay đổi nhưng nghe sẽ rất lạ tai.
Quay lại vấn đề tiếng nói của dân nước Tây nơi này, họ dùng ngôn ngữ hoàn toàn là tiếng mẹ đẻ Việt Nam, thậm chí giọng nói rất giống người miền Nam, cách nói chuyện y như người hiện đại, mặc dù giờ giấc vẫn dùng từ khắc để tính cũng không nói lên được là họ có dây mơ rễ má gì với tổ tiên Việt Nam.
Vậy tiếng nói của họ vì sao lại dùng ngôn ngữ Việt Nam thời hiện đại? Nếu giả thuyết cũng có người như hai cha con cô trôi dạt đến nơi này, vậy thì cũng gặp vấn đề là áo bà ba và chữ viết.
Vì chiếc áo bà ba* của người Việt Nam xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19. Thời kỳ này người dân Việt Nam còn đang đau đầu với tiếng mẹ đẻ và chữ quốc ngữ, vua Thành Thái còn đang nỗ lực đưa chữ quốc ngữ tìm được chỗ đứng thời Pháp thuộc.
Vậy chắc một điều là bộ đồ bà ba người Tây nơi này mặc cũng không liên quan gì đến Việt Nam, vả lại theo Baba từng nói áo bà ba nơi này cũng không giống với áo bà ba của người dân Nam Bộ.
Càng phân tích càng thấy rối, rối quá thì thôi không nghĩ nữa, vì có nghĩ cũng không có kết quả.
Ngọc Mai quay qua nhìn Baba từ nãy đến giờ cũng đứng bất động kế bên, khẽ khàng lên tiếng, sợ nói lớn khiến tâm hồn yếu đuối mỏng mảnh mong manh của ông sẽ vỡ vụng mất:
"Baba à, chúng ta mù chữ rồi!"
Ông Ba nhìn hàng chữ cũng không thấy sốc lắm, ngược lại ông cảm thấy rất lạc quan. Dự định của ông là ổn định để ít gây chú ý trước, sau đó nhờ người hỏi thăm rồi kiếm cách về nhà.
Mạng sống này ông vừa mới giành giật với ông trời, không lý nào mới thấy chút khó khăn đã chùn bước. Ông Ba nhún nhún vai, vẻ mặt bất cần đời lên tiếng:
"Không biết chữ thì không biết chữ, sợ gì chứ. Cứ đi vào cái đã, chưa gì mất tinh thần là không tốt."
Ngọc Mai nhướng mắt mỉm cười thích thú. Thật không bất ngờ nha! Tính cách của Baba chưa bao giờ làm cô thất vọng mà.
Không thèm nhìn hàng chữ nữa, ông Ba ngồi bệt luôn xuống đất, kéo khóa balo lấy đôi giày và cái nón yêu dấu ra, ông Ba nhìn nón rồi liếc Ngọc Mai không biết nghĩ gì lại dẹp trở vô balo. Thấy Ngọc Mai đang nhìn mình, ông chỉ chỉ vào chân của cô:
"Chúng ta bây giờ thuộc thành phần được hoan nghênh, nếu có khác biệt cũng bình thường, tội gì làm khổ bản thân nha."
Đi qua cổng chào, phía trước là con đường lót đá rộng rãi trải dài thẳng tăm tắp, bốn làn xe hơi bốn chỗ đều có thể chạy qua lại dễ dàng. Nhìn bên trái và bên phải hai bên đường đều có mặt bằng kiến trúc hai tầng kéo dài cả đoạn đường thành nhiều gian nhà liên tục san sát nhau.
Tòa nhà đầu tiên cả hai bên đường là tòa kiến trúc xây cao hơn các dãy nhà còn lại, tạo điểm nhấn giống hai cái đầu rồng to lớn, phần đầu sát biển phần thân là các dãy nhà kéo dài san sát dọc suốt hai bên đường, nhìn bằng mắt thường vẫn chưa thấy đuôi rồng kết thúc chỗ nào.
Hai tòa nhà đầu tiên ở hai bên đường đều được xây trên thềm, xung quanh dựng hành lang nối liền nhiều gian liền kề, kết hợp hài hòa giữa các chất liệu gỗ, gạch, ngói và có cả đá làm chân cột, nền nhà lát gạch vuông.
Mỗi tòa nhà đều có hai mặt tiền. Một mặt đối diện biển, một mặt hướng mặt tiền đường, mỗi mặt tiền có một bảng gỗ gắn trước cửa nhà, khắc chữ nhìn nội dung đều khác nhau. Hai cha con có nhìn thấy nội dung chữ cũng không hiểu gì. Các cửa đều mở rộng, trước mỗi cửa đều có để hai bức tượng đá kỳ lân uy mãnh.
Hiện tại trên đường vô cùng vắng vẻ, không thấy một bóng người nào. Sau khi ngắm nghía đủ hai cha con không biết bên nào là trạm đăng ký, cứ theo bản năng bên nào gần nhất bước vào bên đó hỏi thăm.
* Hệ đấu-củng: Các khối gỗ (đấu) và các tay xà ngắn (củng) được cắt gọt sao cho khi chồng lên nhau chúng sẽ đan cài vào nhau để tạo thành một khối thống nhất. Nguồn tham khảo: Wikipedia.org
* Chữ Nôm: Ý của tên gọi chữ Nôm là đây là thứ chữ dùng để ghi chép tiếng nói của người phương Nam (tức người Việt, xưa kia người Việt tự xem mình là người phương Nam, còn người Trung Quốc là người phương Bắc). Nguồn tham khảo: Chinese.com.vn
* Áo bà ba: trong những thế kỷ trước, áo bà ba đã xuất hiện tại Việt Nam. Thông qua việc buôn bán, người Việt Nam có thể đã giao lưu văn hóa với người Peranakan, cách tân kiểu áo của họ để có được "áo bà ba". Nguồn vi. Wikipedia.org/
Nguồn tham khảo chữ viết, tiếng nói Việt Nam qua các thời kỳ:
vi. Wikipedia.org/
http://quanlygiaoduc.dnpu.edu.vn/van-lang-thoi-hung-vuong-da-tung-co-chu...
https://vnexpress.net/chu-quoc-ngu-ra-doi-tu-khi-nao-3677922-p2.html
http://.vns.edu.vn/index.php/vi/nghien-cuu/viet-ngu-hoc/1682-quoc-ngu...
https://.facebook.com/son.tran9085
https://nghiencuulichsu.com/2018/03/11/tieng-noi-va-chu-viet-cua-nguoi-v...