Đã ba ngày trôi qua kể từ buổi tối hôm ấy. Mấy hôm nay tôi cứ có cảm giác Trân tránh mặt tôi. Biết ý nên tôi cũng cố gắng không làm phiền em dù lòng rất muốn. Nhưng điều khiến tôi lo lắng hơn cả là vẻ mặt em tiều tụy đi hẳn và trông cứ buồn buồn thế nào, cả buổi em chẳng cười lấy một lần, lời nói cũng tiết kiệm một cách quá đáng. Để hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra, tôi gọi thằng Mập vào hỏi chuyện.
“Chuyện anh giao cho chú làm tới đâu rồi!” Tôi mở màn.
Thằng Tuấn Mập cười hì hì ra chiều vui vẻ lắm nói:
“Anh yên tâm, chuyện đã rơi vào tay em thì chỉ từ thành công cho tới thành công thôi. Mấy hôm nay em luôn bám sát đối tượng, cuối cùng cũng nắm được chuyện riêng tư của con bé đó rồi.”
Tôi sốt ruột nói:
“Mau kể anh nghe!”
Thằng Mập uống li nước trên bàn rồi hắng giọng kể:
“Để có được những thông tin em sắp nói với anh đây không phải là chuyện đơn giản đâu, mà sức một mình em thì cũng khó mà làm được. Em theo lời anh để mắt tới con Trân. Nhưng mà con bé này khó tính mà lại chảnh, em cứ tiếp cận là lại bị nó chửi cho, thế nên em mới chuyển sang phương án mới, đó là âm thầm theo dõi. Nhưng cái bản mặt này của em thì nó đã nhẵn rồi còn theo với dõi cái gì, nên em phải nhờ tới thằng Kha, bạn của em, chuyên nghề giả dạng thương binh đi bán vé số, theo dõi con bé. Nhưng mà anh hai à, thằng này nó không có làm free cho anh em mình đâu.”
Tôi hiểu ý nói:
“Cái đấy không cần lo, chỉ cần được việc thì anh tất có thưởng.”
Tuấn Mập cười hì hì nói tiếp:
“Cách đây ba hôm, thằng Kha thấy con Trân ngồi khóc hu hu ngoài phố. Mà con bé này rõ điên anh ạ, tự dưng đi kéo áo một thằng nào đấy rồi leo lên taxi với nó. Thằng Kha đã được em giao nhiệm vụ nên làm sao dám bỏ qua, vội vàng giắt xấp vé số vào lưng quần rồi bắt xe ôm chạy theo. Cái thằng chẳng rõ lai lịch kia dẫn con Trân rúc vào một con hẻm sâu phát khiếp rồi tới một nơi còn phát khiếp hơn nữa. Anh hai đoán coi đó là nơi nào?”
Tôi bực mình nói:
“Mày kể hết luôn đi, đừng có hỏi linh ta linh tinh!”
Tuấn Mập lại cười nói:
“Anh ơi, chỗ đó là ổ của bọn gay, của bọn đi làm trai bao đấy.” Nói tới đây thằng Mập ngã vật ra ghế cười không ngậm mồm lại được.
“Ôi má ơi, anh ơi! Con Trân nó tìm đến chỗ bọn trai bao! Bộ nó không kiếm nổi một thằng bồ ra hồn hay sao! Vụ này mà em kể ra thì chắc cả cái nhà hàng này cười đến lộn ruột mất!”
Tôi tức quá đập bàn bốp một cái quát:
“Mày câm cái mồm lại ngay! Tao cấm mày hé mồm với bất cứ ai, không thì tao đuổi thẳng cổ.”
Phản ứng giận dữ của tôi buộc thằng Mập phải vội bịt miệng nuốt ngay cái điệu cười nham nhở của nó xuống bụng, ánh mắt thì ngơ ngác như đang muốn hiểu xem sao tôi lại tức giận tới vậy.
“Bớt nhây nhớt lại đi. Kể tiếp anh nghe coi!” Tôi dịu giọng trở lại.
“Nhưng anh nói rồi đấy, hé mồm ra là coi chừng.”
Thằng Mập cũng đoán ra ý tôi thích Trân nên cũng không dám trả treo nữa: “Anh à. Thằng Kha nó theo chân tới chỗ đó rồi thì không vào được nữa, chỉ đứng ở bên ngoài nhìn vào dãy phòng trọ tồi tàn như cái lều rách và hôi thối như cái ổ chuột của bọn chúng thôi. Con Trân bước vào một căn phòng như thế, lúc sau lại xách cái phích nước đi ra chỗ bà bán quán, chắc là xin nước, rồi lại trở vào phòng, rồi ở đó lâu lắm mới chịu ra. Thằng Kha đánh điện về báo cho em biết tình hình, em bảo nó giá nào cũng phải tìm hiểu cho bằng được con Trân nó làm cái gì trong đó. Thằng Kha bảo tìm hiểu cũng được nhưng chi phí cao lắm đấy nhé.” Thằng Mập ngừng lại nhìn tôi đầy vẻ nhắc nhở và cầu tài.
Tôi bực mình với cái kiểu câu tiền của nó, liền rút phắt mấy tờ nửa triệu ra quăng lên bàn:
“Đây! Bảo thằng đó cứ làm hết mình cho anh. Thế rồi sao?”
Thắng Mập nói tiếp:
“Được em động viên nhắc nhở, thằng Kha đánh liều đi vào trong dãy phòng trọ với xấp vé số trên tay. Đến trước phòng có con Trân thì nó dừng lại, tìm một khe hở trong số vô vàn khe hở ở mấy căn phòng đó nhìn vào trong. Ra là con Trân nó đang chăm một thằng bị ốm liệt giường trong đó, dọn dẹp nhà cửa, giặt áo rửa chén, y như vợ của thằng đó vậy. Trông mà đến tội! Không những thế, mà ba ngày nay ngày nào nó cũng đến chỗ đó và làm những công việc đó.”
“Ba ngày nay đều tới đó sao?” Tôi la lên, chẳng biết là vì ngạc nhiên hay bực tức, mà cũng có thể do ngỡ ngàng.
Tuấn Mập gật đầu nói:
“Dạ vâng! Mà chuyện hay còn ở khúc sau, anh hai ngồi xuống đi nghe em kể tiếp.”
Trong lòng tôi cảm xúc dâng trào, những suy nghĩ chạy vùn vụt qua đầu, nhưng cũng ráng nhịn lại ngồi xuống. Thằng Mập tiếp tục câu chuyện của mình:
“Cho đến tối hôm qua thì cái thằng trời đánh đó mới đỡ bệnh. Chuyện lạ là nó chửi con Trân như tát nước vào mặt anh ạ. Thằng Kha đứng ngoài nghe mà cũng phải há mồm ra ngạc nhiên. Ban đầu thì cũng nhẹ nhàng thôi, nó bảo con Trân là từ này về sau đừng có đến làm phiền nó nữa nó không thích. Con Trân thì cứ lải nhải khuyên răn thằng đó gì đấy, kiểu như đừng có làm cái nghề này nữa. Rồi bỗng nhiên thằng đấy trở giọng bảo con Trân là đồ mặt dày, cái thứ không biết xấu hổ, là… tùm lum các loại trên đời anh ạ. Con Trân ngồi nghe một lúc chịu không được mới bỏ về, lúc ra thì nước mắt đầm đìa như bị bố đánh.”
Nắm tay tôi cứ xiết lại theo mỗi tiếng chửi mà thằng Mập thuật lại. Trong lòng tôi căm tức đến tột độ. Hóa ra mấy ngày nay trông em tiều tụy đi hẳn, sắc mặt thì bơ phờ, thần trí thì thơ thẩn, lý do là đây. Một lý do quá khủng khiếp và oái ăm làm sao!
Tôi đuổi thằng Mập ra ngoài nói:
“Mày biến ra đi. Lúc khác anh cần sẽ lại gọi.”
Nó tuy vẫn còn hăng kể lắm nhưng không dám trái lời, cụp đuôi đi ra khỏi phòng. Khi chỉ còn lại một mình thì cơn giận trong tôi mới phát tác, đầu tiên là tôi ném cái ly nước vào tường vỡ tan, kế đến tôi gạt phăng đống giấy tờ trên bàn xuống đất, rồi tôi đá liên hồi vào cái ghế sofa, tiếp theo lôi chai rượu nặng trên kệ xuống nốc một hơi gần nửa bình, cuối cùng tôi nằm vật xuống ghế, thẫn thờ nhìn cánh quạt đang quay đều đặn trên trần nhà. Tôi phải làm thế nào với em!? Đó là điều tôi bắt đầu suy nghĩ sau cơn cuồng loạn.
Em yêu hắn sao? yêu một thằng trai bao ruồng rẫy mình sao?