Sau khi tham gia tang lễ của người bạn, tôi lại nhận nuôi đứa con trai còn đi học của cô ấy.
Ban đầu, tôi chỉ định đợi lễ hạ táng kết thúc thì sẽ lập tức đi ngay, nhưng lại nhìn thấy đứa bé trai bị một đám người lớn bao vây ở giữa.
Tôi dựa vào một cái cây gần đó, tò mò nghe ngóng một lát.
Đám người này động tay động chân muốn nuốt phòng ở và tiền của thằng bé ấy mà.
Bọn chúng tỏ thái độ sẽ nuôi thằng bé đến khi trưởng thành, lời trong lời ngoài rất xảo trá, ẩn ẩn giống như chúng đang tặng cho thằng bé một ân huệ lớn lao.
Nhưng lại không tính chia di sản của mẹ thằng bé cho nó lấy một đồng.
Tôi nghiêng đầu liếc nhìn ảnh chụp của người phụ nữ đang cười dịu dàng trên bia mộ, âm thầm tức giận mắng:
“Đám giả nhân giả nghĩa, tớ đã nói người thân ruột thịt cũng chẳng đáng tin, cậu lại không nghe! Bây giờ, chúng đang bắt nạt đứa con trai mồ côi cả cha lẫn mẹ của cậu kìa.”
Nhưng tôi cũng không muốn đưa tay giúp thằng bé, tôi có ân với mẹ nó chứ không phải nó, tôi cũng không phải Bố Tát sống.
Tôi chỉ tò mò thằng bé này sẽ làm thế nào, có khóc lóc hay vẫy đuôi lấy lòng đám người kia không thôi.
Nhưng thằng nhóc chỉ cúi đầu đứng ở đó, không nói một lời.
Không vui gì cả.
Tôi vỗ vỗ tay, tính về nhà.
Nhưng đột nhiên, thằng bé lại ngẩng đầu lên nhìn về phía tôi.
Hốc mắt của thằng bé đỏ hồng, ánh mắt xuất hiện một chút chật vật nhưng lại quật cường và đề phòng.
Một phút đó, dường như tôi thấy bản thân mình nhiều năm về trước, cũng đã giống như một con tang gia khuyển muốn cắn người như thế.
Tôi và thằng bé đối diện nhau, không ai dời được tầm mắt.
“Này, nhóc có muốn ở với tôi không?”
Tôi nhướng mày cười nói với thằng bé.
Đám người vừa rồi còn hùng hổ dọa người kia, mới phát hiện còn có một người ngoài như tôi ở đây.
Trên mặt của bọn họ xuất hiện vẻ sượng trân, giây tiếp theo lại thẹn quá hóa giận, nói: “Đây là chuyện trong nhà!”
Tôi không thèm quan tâm, lắc mông đi đến trước mặt đứa bé trai, thu ý cười của mình nói: “Tôi là bạn của mẹ nhóc, cô ấy có ơn với tôi, nên tôi sẽ nhận nuôi nhóc, nhưng…”
Tôi đưa mắt liếc sang những người khác, gằn từng chữ: “Di sản bị mấy người này trộm đi, sau này nhóc có giỏi thì tự mình lấy về, tôi sẽ không giúp nhóc.”
Đám người kia như bị kéo xuống quần lót, la hét ầm ĩ mắng tôi nói nhăng nói cuội.
Tôi chỉ nhìn chằm chằm vào đứa bé trai kia, nói: “Đương nhiên, nhóc cũng có thể chọn đi theo bọn họ, tự chọn đi.”
Cuối cùng, thằng bé về nhà với tôi.
Sau khi tôi sắp xếp phòng ở cho thằng bé xong, thì một cảm giác khó chịu khi có người xa lạ xâm lấn lãnh thổ của mình bắt đầu trồi lên.
Tôi không nên dẫn thằng bé này về.
Tôi hơi bực bội mà chui vào phòng sách, mượn bản thảo để giảm đi cảm xúc khó chịu này.
Chương 2
Ngày hôm sau, tôi bị tin nhắn của khách hàng trên WeChat đánh thức.
Tối hôm qua, sau khi sửa xong bản thảo, tôi đã gửi thẳng cho khách hàng rồi.
Đây là đơn hàng đầu tiên sau khi tôi thành lập phòng làm việc.
Nói là phòng làm việc thôi, chứ chỉ có hai người tôi với bạn thân Diệc Hoan.
Khách hàng này rất khó hầu hạ, thiếu điều yêu cầu “Ngũ thải ban lan hắc*”
(*) Năm màu đen sặc sỡ, ý chỉ yêu cầu khó trên trời.
Cũng may, bản thảo được sửa tối hôm qua cũng khiến cho đối phương hài lòng rồi.
Tôi xoa xoa cái cổ cứng đờ, rồi đi ra khỏi phòng sách.
Tôi vừa liếc sang bàn ăn ở phòng khách thì đã thấy một bóng người im lặng ở đó, dọa tôi sợ giật nảy mình.
Tôi có chút tức giận, mắng: “Không lên tiếng ngồi ở đó làm gì!”
Lập tức thằng bé ngây ngốc, giống như bị cơn tức vừa mới xuống giường của tôi dọa sợ.
Sau đó, thằng bé lại giả về bình tĩnh mà cầm một tờ giấy trên bàn đưa cho tôi.
“Xin lỗi, sau này cháu sẽ để ý hơn. Đây là đơn thỏa thuận cháu nghĩ ra, dì xem được chưa.”
Tôi chả hiểu gì mà đi đến ngồi xuống đối diện với thằng bé, cầm lấy đọc sơ qua, thiếu chút nữa chửi tục.
Bên A, để trống.
Bên B: Bùi Húc.
Trong đơn thỏa thuận đại khái nói rằng, bên B ở nhờ trong nhà của bên A, toàn bộ phí sinh hoạt và phí phát sinh, cộng với phí học trung học phổ thông sẽ tính hết cả gốc lẫn lãi sau một năm bên B tốt nghiệp đại học.
Tôi cách một tờ giấy liếc người đối diện, trong lòng trồi lên cảm xúc muốn trêu đùa.
“Làm sao nhóc chắc chắn rằng sau một năm mình tốt nghiệp đại học là có thể trả lại hết. Bây giờ, nuôi trẻ con cũng rất nhiều chi phí. Thêm vào đó, vì sao chỉ có phí trung học phổ thông, phí học đại học và sinh hoạt không cần tôi bỏ ra sao?”
Mặt của Bùi Húc đỏ lên, đầu hơi cúi xuống, nói: “Có thể bổ sung vào trong đơn thỏa thuận, nếu đến hạn vẫn chưa trả được thì lãi suất sẽ tính lên gấp bội.”
Sau đó, thằng bé lại hơi vội vàng giải thích: “Cháu sẽ trả lại, dì yên tâm. Thành tích học tập của cháu rất tốt, lên đại học có thể xin học bổng, học ở trung học phổ thông thì vào cuối tuần và có tiết nghỉ cháu sẽ đi làm bán thời gian, trả phí học đại học và sinh hoạt, cháu còn có thể…”
“Được rồi.” Càng nghe càng quá đáng, tôi không phải không nuôi nổi thằng bé này.
Còn nghĩ đi làm bán thời gian, bây giờ có bao nhiêu ông bà chủ có lòng dạ hiểm độc, chúng sẽ nhắm vào chức vụ của học sinh rồi ép uổng, tìm đủ mọi mánh khóe để cắt giảm tiền lương.
Tôi từng trải qua, nên thằng bé này không cần phải trải nghiệm một lần nữa.
“Nhóc nên chuyên tâm đặt hết công sức vào việc học đi, còn chuyện làm thêm gì đó có nghĩ cũng đừng hòng. Tôi có tiền, nuôi nổi nhóc. Còn cái đơn thỏa thuận này không cần thiết phải ký, coi như tôi trả ơn cho mẹ nhóc đi.”
Tôi đặt đơn thỏa thuận trên bàn, đứng dậy chuẩn bị đi rửa mặt.
“Nếu dì không ký, cháu sẽ không ở nơi này nữa.”
Có thấy phiền không, tự nhiên bày vẻ đạo đức giả ở đây làm gì? Tôi rất muốn mắng thằng bé.
Nhưng khi tôi thấy sự nghiêm túc và cứng đầu của Bùi Húc, rồi lại nhìn sống lưng thẳng tắp trong nắng sớm của đứa bé trai này.
Đột nhiên tôi phát hiện, đây không chỉ là một tờ giấy thỏa thuận nợ nần, mà là tự trọng cuối cùng còn sót lại của một con “tang gia khuyển” như nó.
Tôi ngồi xuống lại, cầm lấy cây bút rồi lưu loát ký một cái tên ở dưới phần ký của bên A: Hạ Mộ.
Tôi nhìn người đối diện như đang nhẹ nhàng thở ra một hơi, có chút buồn cười nói: “Dọn dẹp một chút rồi ra ngoài ăn sáng. Sau đó đi siêu thị mua đồ dùng sinh hoạt cho nhóc, nếu tôi nhớ không lầm thì còn có hai tuần nữa là đến khai giảng rồi? Cần cái gì thì đến lúc đó đi mua.”
Tôi nhìn thằng bé, nói: “Chắc là bây giờ đám người thân ruột thịt sói mắt trắng* kia đã vào nhà nhóc dọn dẹp rồi. Đến siêu thị trước đã, nhân tiện tôi đưa nhóc về nhà một chuyến, có đồ vật gì không thể bỏ đi được thì tự mình lấy về. Sau này, nhóc cứ gọi tôi là Hạ…”
(*)vô ơn.
Tôi hơi lúng túng dừng lại, so sánh số tuổi và mối quan hệ của cả hai, để thằng bé gọi “Dì” thì già quá, còn gọi “Chị” thì rất quái lạ.
“Hạ Mộ, tôi sẽ nấu cơm, không cần đi ra ngoài ăn đâu.” Nói xong, thằng bé đứng dậy đi đến tủ lạnh của nhà bếp.
Được rồi, cứ gọi thẳng tên là ổn.
Nhưng giây tiếp theo, thằng bé lại không giấu nổi nỗi khiếp sợ, quay đầu nhìn tôi.