Hôm nay ở viện, ngoài nhóm thực tập sinh của trường An Nhiên, còn một tốp của các bạn trường khác.
Hình như hôm nay cả hai nhóm cùng chung một giờ học chẩn đoán bệnh tim.
Sau đó lại qua phòng lấy máu phụ việc tiếp.
Kết thúc việc ở phòng lấy máu, cả đám líu ríu theo thầy hướng dẫn bắt đầu đi học cận lâm sàng.
Bước vào phòng khám, bác sĩ hướng dẫn bọn cô đang khám cho bệnh nhân của thầy ấy.
Bệnh nhân nữ năm mươi lăm tuổi, trong một lần tình cờ đang đi siêu thị thì té xỉu, bị đột quỵ nhưng vì không được cấp cứu kịp thời và đã liệt nửa người.
Khi được đưa tới viện bác ấy trong tình trạng hôn mê, sau khi hồi sức cấp cứu đã giữ được mạng nhưng giờ bác không thể đi lại.
Oái ăm thay bác chưa bao giờ đi khám bệnh nên giờ đột quỵ rồi lại phát hiện thêm dạ dày cũng đang có vấn đề.
Phát hiện có khối u, đau đớn hơn là đã di căn.
Tóm lại không thể kể ra nữa vì nó quá bi đát.
"Các bạn hãy quan sát khu vực vùng bụng bên này, chỗ này có khối u và đang phát triển, các bạn có thấy khu vực này hơi sưng bất thường không?"
Bác sĩ hướng dẫn đang thăm khám trên vùng bụng cho bác ấy vừa giảng giải cho chúng tôi: "Bệnh nhân hay lo lắng thái quá, hoàn cảnh sống cũng không thoải mái, dẫn tới hay bị trầm cảm và buồn phiền.
Ai cho tôi biết trạng thái này về lâu dài có tốt cho người bệnh không?"
"Trầm cảm kéo dài có thể làm bệnh nhân đau dạ dày, vì khi trầm cảm khiến dạ dày tiết ra acid gây viêm loét."
"Tốt!" Giọng thầy nhỏ hơn: "Đối với những bệnh nhân hay lo lắng thái quá, các bạn nhớ tốt nhất tìm những lời trấn an càng nhiều càng tốt thay vì nói thẳng vô mặt bệnh nhân rằng cô/chú bị giai đoạn nặng này nọ.
Nếu có thể hãy nói chuyện với người nhà của bệnh nhân thì tốt hơn.
Còn nữa tránh để cảm xúc lấn át khi thăm khám cho bệnh nhân."
Bác sĩ hướng dẫn (người quen của gia đình) vừa nói vừa liếc sang An Nhiên, cô vội vàng cụp mắt ngó sang chỗ khác.
"An Nhiên không phải tránh né, thầy muốn nhắc nhở con, nhiều khi con đặt cảm xúc quá nhiều, đôi khi dẫn đến chẩn đoán sai lầm, có nghe tôi nói không mà cúi mặt xuống?"
"Tất nhiên con đứng đây nên nghe rõ thầy ạ!" Cô cũng có điếc đâu.
Có vài kẻ hí hí phụ họa, cười cợt cô.
Yên tâm đi, một lát cũng tới lượt họ bị thầy điểm danh.
"Quốc Trường cười cái gì, lặp lại xem tôi vừa nói gì?"
Cho chừa cái tật.
"Thầy..
thầy nói không được để cảm xúc lấn át chúng ta."
"Câu trước nữa tôi nói gì?"
"Thầy nói hết giờ thăm khám cho bệnh nhân này rồi ạ!"
"Em giỏi lắm.
Cuối giờ lâm sàng hôm nay, ở lại sao chép kết quả thăm khám cho tôi."
Giọng thầy như vọng từ âm ty địa ngục.
Vài đứa cà chớn vỗ vai Quốc Trường: "Chúc mừng mày, tối nay sao chép hết đống bệnh án là giỏi hơn tụi tao rồi, chậc chậc ghen tị chết mất.
Cuối tuần này thi khỏi ôn bài nha mậy, sao bệnh án là thuộc bài luôn rồi hahaha."
"Các em im lặng, trật tự đi ra khỏi phòng bệnh, tôi nói bao nhiêu lần rồi, phòng bệnh nhân không được ồn ào, các em là những bác sĩ tương lai, phải tập đứng đắn từ bây giờ."
"Dạ rõ thưa thầy!"
Lớp lục đục kéo nhau ra khỏi phòng bệnh.
An Nhiên bị thầy gọi lại: "An Nhiên tới phòng tôi."
An Nhiên đành bước theo thầy hướng dẫn, cô nói Mỹ Anh đi trước, tí nữa gặp nhau ở phòng lấy máu.
Bước vào phòng, thầy hướng dẫn phủ đầu: "Nói! Hôm qua giờ giải phẫu con đã bỏ đi đâu?"
"Con có ở đó mà thầy." An Nhiên lí nhí.
"Tôi chờ con khai thật, nói thật sẽ được khoan hồng."
Thầy vừa nói vừa ngã ra sau ghế, trông thoải mái ra phết, hễ cứ bắt được nhược điểm của cô giống như thầy tìm được chân lý vậy.
Mấy lần như vậy nhìn mặt thầy thấy ác gì đâu.
"Dạ..
dạ..
đại khái..
đại khái con có đứng đó nhìn một chút rồi con buồn đi vệ sinh, con chạy ra đi vệ sinh chút ạ."
"Lí do rất hay, rất nhanh, thầy có nên nói con thông minh?"
"Con nói thật mà thầy.."
Cô còn chưa nói hết câu, thầy đã đập bàn cái rầm, giật mình chứ chẳng chơi, không biết cái bàn có vỡ không.
"An Nhiên, thầy nói bao nhiêu lần rồi, sao không cố gắng khắc phục hả? Biết mình sợ máu, biết mình choáng, thì phải cố gắng nhìn cho nhiều vào, thay vì chạy thì phải đứng đó chịu đựng cho qua cơn choáng, rồi con sẽ quen.
Sao mà con yếu đuối quá vậy, con không chịu khó được giống ông ngoại con, rồi còn giáo sư Thanh nữa.
Cậu và ông ngoại là bác sĩ khoa não, tim mạch hàng đầu, còn con thì sao?"
"Con thấy con cũng đâu có tệ đâu thầy."
Thầy mạt sát con quá ạ!
"Con không chịu khó, về lâu dài thấy khó khăn quá sẽ bỏ.
Phải chi con chịu thương chịu khó giống cô ấy.
Mẹ của con càng khó là không chịu từ bỏ, luôn quyết tâm vượt qua nó đó."
Rồi, thầy lại nhớ dĩ vãng xa xưa, lại nhớ tới người mẹ quá cố của cô, lấy cô ra mà so sánh với người trong lòng thầy, bảo sao cô thắng nổi đây trời.
Thầy cũng nên công bằng một chút chớ.
"Còn con cứ đụng tới máu là chạy ra, tới lúc quan trọng con làm sao? Hôm qua bác sĩ Ánh nói định chỉ cho con một thủ thuật quan trọng trong giải phẫu, vừa quay qua thì không thấy con đâu.
Con có biết thầy phải nhờ vả bác Ánh thế nào không?"
"Con biết bác Ánh là người tình si của thầy." An Nhiên cướp lời.
"Tôi không nói tới vấn đề này." Thầy quát: "Con nghiêm túc một chút cho thầy."
"Vâng!"
"Không cần trưng vẻ mặt tội nghiệp cho tôi nhìn.
Từ giờ trong giờ bác Ánh, con không được chạy ra khỏi phòng, cẩn thận thầy nghe một lần nữa là chặt chân con."
Thầy ác như cá thác lác!
"Bây giờ nói chuyện chính.
Con đã chuẩn bị cho kỳ thi bác sĩ nội trú tới đâu rồi, cuối tuần rảnh thì chạy qua chỗ thầy, nơi nào chuyên sâu không hiểu thì hỏi tôi."
Thầy quá nhiệt tình với cô, lo lắng cho cô vô điều kiện.
Cô biết thầy nhớ thương người mẹ quá cố của cô và cho tới giờ thầy vẫn không kết hôn.
Cô thật hâm mộ tình yêu chung thủy của thầy.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, thầy vẫn không quên được mẹ.
Vì quá yêu nên thầy dồn hết tình thương sang cho cô.
Lo lắng như người cha yêu thương con gái ruột của mình.
Nhiều khi cô nghĩ hâm mộ mẹ thật, làm sao mà có được một người yêu mình đến mức bao nhiêu năm rồi vẫn không thay đổi.
Cô nghĩ chuyện chỉ có trong tiểu thuyết ngôn tình nhưng mà lại vịn vào đời.
Thầy rất cao ráo, con nhà có điều kiện, bác sĩ ưu tú, đẹp trai ngời ngời, khối bác sĩ nữ bu như ong thấy mật, vậy mà ế.
Không phải ế vì bị chê, mà do thầy chê người ta.
Cô nghĩ do cái bóng của mẹ quá lớn, không ai có thể vượt qua vị trí của mẹ trong lòng thầy.
"Con lại không tập trung, đang suy nghĩ cái gì? Thầy nói con có quan tâm không vậy?"
"Con có nghe thầy nói mà, con biết rồi, từ giờ con sẽ cố gắng khắc phục nỗi sợ ạ."
"Thầy gia hạn cho con từ giờ tới giờ giải phẫu tuần sau phải khắc phục triệt để cho thầy, có nghe không hả? Lại nhìn đi đâu vậy?"
Cô đang nghĩ miên man thì thầy đã xuất hiện trước mặt, ôi mẹ ơi!
"Cái tội không tập trung." Thầy cốc một cái rõ đau lên trán cô.
An Nhiên xoa trán, đau đến muốn mếu.
"Đau quá thầy ơi."
"Đau như vầy cho con nhớ.
Giờ thì về đi, nhớ là phải chăm chú học siêng vào cho thầy.
Có gì cần thì gọi thầy.
Đi Đi."
"Thưa thầy con đi."
Như được đại xá An Nhiên chạy ào ra khỏi phòng, bởi vì tâm trạng hưng phấn quá độ nên não không điều khiển kịp xuống chân, nó va vào cạnh bàn cái rầm, đau đến kêu cha gọi mẹ.
Thầy bảo đứng lại coi có sao không nhưng cô quê quá co giò chạy thẳng.
* * *
An Nhiên và Mỹ Anh sau khi phụ việc xong ở phòng lấy máu, hai đứa đèo nhau ra quán cháo gần cổng trường, ăn xong lại vào thư viện tự học.
Cuộc sống sinh viên các cô như cỗ máy đã được lập trình: Sáng giảng đường, chiều qua viện, tối tự học, mệt nhưng mà vui.
Mãi cho tới 11 giờ đêm, An Nhiên mới lết về tới nhà, tắm rửa giặt giũ xong cũng 12 giờ.
Sáng mai lại phải vào viện trực sớm nên cô lấy điện thoại, định chỉnh chuông báo thức.
Ồ thôi chết rồi, trưa giờ cô tắt điện thoại, quên béng việc phải gọi lại cho chị Khanh, giờ gọi lại chắc nghe chửi.
"Alo!"
"Em chết đâu mất xác giờ mới gọi chị hả?" Chi Khanh rống to.
An Nhiên bèn để điện thoại ra xa tai.
"Em đi học, trong giảng đường không thể nghe điện thoại, hết pin rồi quên sạc luôn."
"Nhiều lí do quá ha, được chị thua.
Giờ nói chuyện chính.
Ngày mai tập trung của cuộc thi Hoa hậu, các thí sinh phải có mặt vòng sơ tuyển."
"Em bận, em không.."
"Im, để chị nói hết.
Em bận chị biết, cho nên chị đăng ký có mặt ở cuối giờ cho em, em học xong ra tranh thủ ghé một tiếng là đủ."
"Nhưng em không muốn tham gia mà."
"Coi như chị xin em đi, chị lỡ đăng ký mất rồi."
"Không đi thi có sao đâu chị.
Khối người đăng ký rồi bỏ."
"Chuyện người ta chị không biết, nhưng chị mặt mũi trong ngành này.
Em là gà của chị, em bỏ sao chị ăn nói với người ta."
"Vậy chị ép em đi thi chị có gì để ăn nói với em không?"
"Em được lắm.
Là lỗi của chị, tại chị tào lao, lẽ ra nên hỏi ý em trước, chị làm gì cũng sai."
"Thôi em xin, em đi là được, chị đừng sử dụng chiêu này nữa."
"Nói câu này nãy giờ thì tốt biết mấy, chị đã không lải nhải nữa rồi.
Mai em học xong, cứ ở trường, chị sẽ qua đón em, rồi một tiếng sau chị trả em lại trường."
"Thôi mắc công chị chạy qua chạy lại, chỗ em ngược đường với chị.
Để em tự đi ạ!"
"Không, chị kiên quyết."
"Thôi, thôi được rồi ạ, em sợ chị.
Chẳng qua chị sợ em trốn."
"Em hiểu vậy là tốt."
Bỏ điện thoại xuống, An Nhiên tỉnh ngủ hẳn.
Thi với chả thố, thật không hiểu nổi chị ấy.
Tại sao cứ bảo cô thi cho bằng được.
Tướng tá thế này thi thố gì trời.
À thôi chết rồi, quên hỏi chị ấy ngày mai phải chuẩn bị gì.
Mà kệ đi, càng xấu càng tốt, rớt ngay vòng đầu, đỡ mệt.
Thật là mong chờ quá đi..