Yêu Người Điên

Nhìn thấy Quân tự nhiên đi lại như thể đây là căn nhà của anh ta, khỏi phải nói tôi ngạc nhiên như thế nào, chẳng hiểu sao lồng ngực lại nôn nao lên cảm xúc lo lắng không tên càng lúc càng dâng đầy. Khi bản thân còn chưa kịp định thần lại thì phía bên cạnh, cô My chủ nhà đã lên tiếng nói với Quân.

- Con cũng biết mò về cái nhà này rồi hả, sao không đi tiếp nữa đi.

Tai tôi ù đi theo từng câu nói của cô, cả người cứng đờ như một xác chết, sống lưng cũng theo đó mà lạnh toát. Con trai, con trai ư? Quân là con trai của cô ấy, là anh trai của bé Minh, cũng là người chủ sau này của gia đình này ư? Sao lại có thể trùng hợp như vậy được chứ.

Trước mặt tôi, Quân lười nhác ngả người xuống chiếc ghế sopha đắt tiền trong phòng khách, hai chân vắt chéo lên bàn, đôi mắt hiện lên nét cười nhìn tôi không chớp, lạnh nhạt đáp lại như có như không với cô My.

- Con dong chơi chán rồi cũng nhận ra nhà mình là tốt nhất nên không bỏ đi được..( hất cằm về phía tôi, Quân hỏi tiếp)...Mà ai đây mẹ, nhìn xinh đấy.

Tâm trạng đang căng như dây đàn cũng được thả lỏng khi Quân cất lời, tôi thở hắt ra một hơi thật dài, vội vàng quay sang cô My gấp gáp nói, mục đích chỉ muốn được rời xa căn nhà này, chứ đứng thêm chút nữa chắc tôi đột quỵ vì đau tim mất.

- Cô à, cháu... cháu xin phép cô cháu về đây ạ. Cháu còn việc ở quán cơm nữa nên...

Nói đến đây tôi ngập ngừng, đôi mắt vẫn rủ xuống chưa một lần dám ngẩng lên nhìn về phía Quân, lòng bàn tay cũng toát hết mồ hôi nhơ nhớp. Cô My cũng không có giữ tôi lại, chỉ gật đầu rồi sai cô giúp việc tiễn tôi ra đến cổng, còn bản thân thì ngồi nói chuyện với thằng con ngỗ nghịch của mình, kể cả khi bước ra khỏi nhà rồi tôi vẫn còn nghe thấy tiếng cô ấy mắng. Nào là cái đồ vô dụng, rồi phá phách, hư hỏng, rồi nhìn người nọ người kia mà học tập. Nghĩ lại thì những từ đó cô My nói ra không được coi là dễ nghe nhưng lại rất đúng để nói về Quân, một kẻ tự cao chẳng coi ai ra gì.

Bước ra đến ngoài đường, đưa mắt nhìn những chiếc đèn lồng đỏ được giăng đầy khắp con phố, hốc mắt tôi chợt trở lên ẩm ướt, thậm chí còn không kiềm chế được lệ đã tràn xuống lăn dài trên má. Tết đến rồi, nhưng tôi vẫn chưa được về quê vì quán bác Lan vẫn chưa nghỉ, có lẽ phải đến tận 28, 29 gì đó. Tết đến rồi, không biết ba với Lưu Sơn ở nhà như thế nào, hai người có khỏe không, có bị dân làng bắt nạt nữa không, sắm sửa đến đâu rồi. Tết đến rồi, liệu anh có ngây ngốc mòn mỏi đợi tôi ở chiếc cổng tre đầu làng nữa hay không, có nhớ tôi như tôi nhớ anh không nữa. Mọi thứ ùa về một lúc khiến hốc mắt tôi cứ thế mà bắt đầu trở nên ẩm ướt.

Đi qua một cửa hàng bán giày dép, tôi lưỡng lự hết nhìn vào bên trong rồi lại nhìn số tiền trên tay của mình, lưỡng lự một lúc thật lâu cũng quyết định đi vào mua cho A Sơn với ba đôi giày mới coi như quà tết cho hai người bọn họ.

Dạo quanh một lượt những chiếc kệ đựng đủ các mẫu mã giày từ rẻ tiền đến đắt tiền, ánh mắt tôi chợt dừng lại ở một đôi giày da rất đẹp, rất thời thượng, nhưng cũng chỉ là dừng lại chứ không có sờ tới. Vì tôi không đủ tiền, với cả Lưu Sơn cũng không gìn giữ được chúng, vài này lại hỏng thôi, như vậy thật lãng phí. Giây phút ấy, tôi đã ước mình có thể giàu lên, có hể kiếm được thật nhiều tiền, thì đã không ngần ngại mà mua cho anh rất nhiều thứ đẹp hơn khác.

Đứng thần người nhìn đôi giày rất lâu, lúc tôi chuẩn bị quay người thì vô tình va chạm phải một cô gái đi ngược hướng với mình khiến mấy đồng tiền trên tay văng xuống. Cũng may chúng không có bay xa nên tôi chỉ cần cúi người xuống là nhặt được, miệng không ngừng rối rít xin lỗi.

- Xin lỗi chị, tôi... chị không sao chứ.

Người con gái trước mặt tôi là một người rất đẹp, mái tóc xoăn dài được nhuộm vàng với gẩy màu bạch kim, phong cách ăn mặc vừa quyến rũ vừa nhẹ nhàng chẳng khác gì một tiểu thư lá ngọc cành vàng được bao bọc trong nhung lụa.

Trước lời xin lỗi của tôi, cô gái ấy chỉ mỉm cười lắc đầu, không hề nói một câu gì hết lướt qua tôi tiến lại quầy giày ngắm nghía cùng với người bạn gái đi cùng, cất giọng buồn buồn nói.

- Cậu nhìn xem, đôi giày này nếu anh Duy đi chắc vừa lắm, đúng size luôn mà.

- Quỳnh, mày cố lên, nhất định mọi người sẽ tìm được anh Duy thôi, mày đừng ủ rũ như thế này nữa, nếu không bố mẹ hai bên sẽ lo lắm.

Cảm giác lúc ấy của tôi đối với câu chuyện của người con gái tên Quỳnh kia chỉ là thấy cô ấy thật đáng thương khi mà phải xa người yêu mình, không hề biết người đó ở đâu chứ chẳng hề có gì khác. Chỉ là tôi không ngờ rằng, cuộc gặp mặt này giữa chúng tôi lại là một sự khởi đầu cho những bi kịch, những nghiệt trái sau này, những đau khổ mà tôi phải đón lấy.

Đi lại về phía quầy giày rẻ tiền nhất, tôi cũng mua được cho ba với Lưu Sơn mỗi người một đôi giá chỉ có 100 nghìn, với người khác không là gì nhưng với những người nghèo như chúng tôi đã là quá chu tất rồi. Thanh toán tiền xong tiền cho nhân viên tôi lại rảo bước thật nhanh đi về phía ngân hàng để gửi tiền, tiền lương gia sư, tiền thưởng, tiền làm ở quán cơm và tiền học bổng trừ các chi phí sinh hoạt hàng tháng đi 1 triệu tôi cũng tích góp được 15 triệu. 15 triệu, con số mà tôi phải cố gắng rất nhiều mới có được.

Cầm chiếc sổ trên tay, nâng niu chúng chẳng khác gì bảo vật, tôi ngước đôi mắt đã đỏ ửng ngẩng lên nhìn bầu trời đầy nắng hanh, khóe miệng không khỏi kéo lên nụ cười nhẹ. Chỉ là đến tôi còn chẳng biết nụ cười ấy là buồn hay vui nữa, tôi chỉ biết hiện tại, tôi muốn bản thân kiếm được đủ 200 triệu, như vậy mới có tiền để đưa Lưu Sơn chữa bệnh.

Trường học cũng đã cho sinh viên nghỉ tết, mọi người hầu như đều mua vé xe về quê hết rồi, chắc cũng chỉ còn có mình tôi là vẫn ở lại nơi đất khách quê người này tất bật với những đồng tiền màu xanh, màu đỏ, tất bật với những bon chen của đô thị nhộn nhịp mà thôi.

Trở về quán của bác Lan, tôi lại tiếp tục với công việc rửa chén, quét dọn, đi giao cơm của mình. Thời gian này tết nhất đến nơi rồi nên bác Lan lại mở thêm một gian nhà chuyên phục vụ ăn lẩu, nên tần suất thời gian tôi ở quán càng kéo dài hơn, có khi đến tận quá đêm vẫn phải lọ mọ dọn dẹp. Nhiều lúc mệt quá muốn xin nghỉ một hôm nhưng nghĩ đi nghĩ lại lại không dám, vì thời gian vừa qua tôi cũng nghỉ quá nhiều rồi, xin nữa e rằng chỉ sợ bác ấy càng thêm khó chịu.

Thật ra tôi biết bác Lan dạo gần đây cũng hay ép giờ tôi, nhưng tôi cũng coi như là không hề hay biết gì. Dù sao thời gian trước tôi khó khăn bác ấy cũng giúp tôi rất nhiều, thôi thì cứ coi như tôi đi chơi muộn thêm 1 - 2 tiếng nữa rồi về phòng trọ vậy. Như vậy cả tôi với bác ấy, cũng không ai ghét bỏ ai.

Bẵng một thời gian qua đi, hôm nay cũng là 28 Tết rồi, trong lúc tôi đang lọ mọ với chồng bát lỉnh kỉnh, bác Lan tiến lại đưa cho tôi chiếc phong bì, bác nói.

- Để đấy ra bắt xe về quê đi con, mấy hôm nay con vất vả quá rồi, thông cảm cho bác nhé.

Tôi ngước lên nhìn bác, tháo găng tay nhận lấy chiếc phong bì bên trong có đựng tiền lương tháng này của mình, nghẹn ngào nhỏ giọng. Có tiền rồi, tôi có thể mua được thức ăn cho ba với Lưu Sơn rồi, chúng tôi sẽ lại được đón cái Tết sung túc rồi.

- Cháu cảm ơn bác, cháu.. cháu rửa xong rồi cháu ra bắt xe cũng được bác ạ, giờ vẫn sớm mà bác.

Bác Lan nghe tôi nói vậy thì thở dài, ngồi xuống phụ giúp tôi rửa hết những thứ còn lại, xong xuôi lúc tôi xách túi chuẩn bị đi về bác còn đưa cho tôi một thùng xốp đựng một ít thực phẩm bác mua ở trong siêu thị. Bác nói với tôi, bác thương gia cảnh tôi nghèo mà ngoan ngoãn, nhưng có lẽ qua tết bác không thuê tôi được nữa, vì quán của bác sẽ đóng cửa.

Lúc ấy tâm trạng tôi thật tệ, vừa buồn cho bác, vừa buồn cho mình, dù sao thì mấy năm làm ở đây, tôi cũng đã coi nó như ngồi nhà thứ 2 đi đi lại lại. Cố dằn xuống cảm xúc trong lòng, tôi cười buồn vâng dạ với bác, rồi đáp.

- Vâng ạ, cháu... cháu cảm ơn bác suốt những năm qua đã tạo mọi điều kiện giúp cháu, nếu không, nếu không cháu chắc cũng chẳng được như ngày hôm nay. Cháu cảm ơn bác nhiều lắm.

Bác Lan ôm lấy tôi, vỗ vai tôi thật nhẹ rồi dắt tôi ra bến bắt xe, hai bác cháu bịn rịn nhau không muốn rời, thậm chí khi xe đi xa rồi, tôi vẫn còn nhìn thấy bác đứng đó nhìn theo rất lâu mới trở vào. Còn về phía Quân, tôi cũng không có gặp lại anh ta kể từ khi tôi chạm mặt với anh ở căn nhà đó, có lẽ anh ta thật sự cũng chịu buông tha cho tôi rồi cũng nên. Chỉ có điều, đến bây giờ tôi vẫn chưa biết bản thân có lên tiếp tục dạy cho bé Minh không nữa. Nếu cứ tiếp tục, chẳng phải tôi ngày nào cũng sẽ phải gặp anh ta hay sao, rồi mọi chuyện biết đâu lại càng thêm rắc rối. Rồii lại còn vụ tôi bị đánh đến thương đầy mình, tôi vẫn là không bao giờ có thể quên được, có lẽ tốt hơn hết vẫn là hạn chế tiếp xúc với tên Quân thì hơn.

Xe chạy mất một ngày tôi mới về đến quê, lại mất thêm vài tiếng nữa mới đi nhờ xe lão Phụng tôi mới về được đến nhà, trời cũng đã tối mịt. Không thấy Lưu Sơn đâu hết mà chỉ nhìn thấy mỗi ba đang lặng lẽ ngồi ăn cơm một mình, chẳng hiểu sao lòng tôi lại thấp thỏm lo lắng khi nhớ lại lời lão Phụng nói lúc đi trên đường.

- Kể từ khi con đi, Lưu Sơn cũng không có sang nhà con nữa, cũng không đi lên rẫy với ba con nữa mà chỉ lặng lẽ ở căn nhà hoang một mình. Với cả thần trí cậu ta ngày này càng thêm nặng hơn rồi, suốt ngày lầm lì ngồi ở trước hiên nhà không nói chuyện hay chào hỏi ai giống như ngày xưa con dạy nữa.

Đứng nhìn ba một lúc rất lâu, tôi cũng quyết định đẩy cổng đi vào, nhỏ giọng cất tiếng gọi. Khoảnh khắc ấy, tôi đã thấy bóng lưng ba cứng đờ trong mấy giây, sau đó vội vã buông xuống quay đầu lại nhìn. Dưới ánh đèn dầu mờ mờ, tôi thấy đôi mắt già nua của ông rưng rưng muốn rơi lệ, khuôn mặt gầy gò đen sạm cũng xuất hiện nhiều nếp nhăn hơn, trên người vẫn là bộ quần áo bông cũ kĩ. Ông nói.

- A Linh, con về rồi đấy à, vào nhà đi không lạnh con.

Tôi dạ một tiếng đáp trả ông, bê những đồ tôi đã mua vào bên trong nhà chính cất gọn, cũng không có hỏi ông về chuyện của Lưu Sơn. Xong xuôi tất cả mọi thứ, tôi mới lặng lẽ cầm hộp bánh mì kem với hộp giày trong ba lô bước ra khỏi nhà, không quên nói lại với ông tôi đi sang căn nhà hoang có chút việc, dù cho ông có đồng ý hay không vẫn sải dài từng bước.

Trái ngược với những gì nhộn nhịp trên thành phố, những đèn nháy nhập nhằng thì quê tôi vẫn chẳng có gì thay đổi. Vẫn là rừng núi hoang vu bao trùm cả một màu tối sầm, vẫn là những căn hộ lập lòe ánh dưới ánh đèn dầu, vẫn là những tiếng róc rách của tiếng nước chảy. Tết ở quê tôi, không có pháo, không có nhạc, không có những cuộc ăn nhậu thâu đêm. Tết ở quê tôi, nhà nào có điều kiện thì gói bánh trưng thịt lợn, nhà nào không có thì cũng cố thịt lấy con gà cúng giao thừa, rồi những ngày sau đó lại trở về với cơm rau đạm bạc, chẳng biết đến bao giờ cuộc sống mới cải thiện.

Đi một lúc cũng tới căn nhà hoang, đẩy nhẹ cổng đi vào bên trong, tôi cũng nhìn thấy Lưu Sơn ngồi bệt dưới giữa bậc nhà, đôi chân trần chẳng có tất có giày, bên cạnh anh là bát cơm độn sắn đã bị ruồi bâu kín. Bốn tháng không gặp, tóc anh đã dài hơn, râu cũng lởm chởm xồm xoàm trên mặt, bẩn thỉu toàn đất cát, móng tay mong chân cũng chẳng cắt, trông thật sự rất dọa người. Nhìn anh như thế, lòng tôi đau như cắt, lặng lẽ tiến lại ngồi xuống đối diện với anh, tôi nhỏ giọng gọi.

- Anh Sơn, em về rồi nè, anh có nhớ em không?

Lưu Sơn ngước lên nhìn tôi, đôi mắt anh vô hồn không có tia cảm xúc nào hết, không gật cũng không lắc, được một lúc lại lặng lẽ cúi xuống nghịch nghịch mấy viên sỏi dưới chân. Tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ có ngày bệnh anh lại nặng đến như lúc này, lầm lì chẳng còn nhí nhảnh. Nếu là ngày trước, nhìn thấy tôi về anh nhất định sẽ nhảy cẫng lên mà vui vẻ, huyên thuyên với tôi rất nhiều điều về những gì anh làm những ngày tôi đi học trên thành phố. Tôi rất muốn hỏi anh rốt cuộc thời gian tôi không có ở đây, anh đã gặp phải chuyện gì mà lại để bản thân như thế này, nhưng rồi nhìn anh như thế, tôi lại không biết hỏi như nào.

Cố dằn xuống những chua xót trong lòng, tôi mở miệng gọi Lưu Sơn lần nữa, chỉ là lúc này giọng tôi đã nghẹn đắng rồi.

- A Sơn, em về anh không vui sao mà lại không để ý gì đến em thế. Anh giận em đi lâu không về à. Vậy cho em xin lỗi nhé, em đi học với đi làm kiếm tiền mua giày mới cho anh nè. Anh xem có thích không?

Thế nhưng, mặc cho tôi nói như thế nào Lưu Sơn cũng không có lên tiếng nói chuyện, cũng chẳng đưa mắt nhìn những thứ tôi mang về cho anh. Vài phút sau đó, anh quay người với bát cơm bên cạnh, đưa những ngón tay bẩn thỉu bốc lên bỏ vào mồm ăn mặc cho sạn đầy ở bên trong càng khiến tôi đau thắt lòng, vội giữ chặt lại lắc đầu khóc nấc lên ngăn lại.

- A Sơn, bát cơm này bẩn rồi, đừng ăn nữa. Em có mua bánh mì kem cho anh ấy, để em đút cho anh ăn nhé.

Nói xong tôi đặt bát cơm trên tay xuống dưới đất, kéo Lưu Sơn dậy đi vào trong nhà ngồi, cẩn thận lấy thìa xúc cho anh từng lớp bánh mì kem, lồng ngực chua xót dữ dội. Cứ nghĩ đến việc mấy ngày vừa qua anh đều ăn không vệ sinh như thế kia, tôi chẳng thể nào mạnh mẽ nổi nữa mà lao vào ngực anh ôm chặt lấy, nức nở thật lớn. Anh của tôi, tại sao ông trời lại bất công đến thế, tại sao ông trời lại luôn muốn đày đọa chúng tôi cơ chứ.

- Linh.... Linh đừng khóc.

Giọng nói vang lên bất thình lình của anh khiến tiếng khóc của tôi ngưng lại, vội vàng thoát khỏi lồng ngực to lớn đưa hai tay lên ôm lấy khuôn mặt tuấn tú trước mặt, kích động hỏi dồn dập.

- A Sơn.. A Sơn, anh không còn giận em nữa đúng không, thật sự không còn giận em nữa đúng không.

Lưu Sơn luống cuống gật đầu, tuy vậy vẫn không chịu nhìn tôi quá lâu, ủ rũ nói buồn bã.

- Không giận.. chỉ buồn... vì... vì Linh lấy chồng, bỏ anh lại.

Tôi ngờ ngợ trước câu nói của anh, lấy chồng ư. Tôi đi học chứ có đi lấy chồng đâu mà anh nói thế. Với cả với một người thần trí như anh thì sao có thể hiểu được cái từ lấy chồng có nghĩa là gì đâu, vậy ai là người nói đây. Là ba hay là người khác.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui