Yêu Người Ở Bên Ta

Margot bật khóc khi chúng tôi nói với cô về việc đang làm hợp đồng mua ngôi nhà, mẹ chồng tôi còn biểu hiện mạnh mẽ hơn khi khẳng định rằng thông tin đó chính là sự đền đáp cho lời cầu nguyện của bà. Phải nói là, Margot rất dễ khóc ngay cả thời còn chưa mang thai, cô bật khóc suốt mỗi lần lên thăm hay khi nghe một vài đoạn nhạc trong "Những hành khúc trọng thể" đón tiễn chúng tôi, và Stella đã cầu nguyện nhiều hơn bao giờ hết để con trai bà trở về nhà sinh sống sau quá nhiều năm "lên miền Bắc". Thế nhưng. Sự thật vẫn chẳng có sự trở về nào sau tất cả những hành động đó người ta không thể cứ loanh quanh lẩn quẩn với tình cảm gia đình tha thiết được.

Vậy nên khi mùa xuân đến New York, quyết định dứt khoát, chớp nhoáng đưa ra sau món bánh quế nướng, một đêm mất ngủ, và cảm giác tội lỗi quá lớn của tôi đã đem đến sự thay đổi khủng khiếp đó.

Thật may, khi Andy hân hoan thông báo trước cho hãng luật của anh về chuyện thôi việc, cũng như tôi, ít nhất cũng có vẻ có cảm giác mâu thuẩn nửa chờ đợi nửa lo âu về chuyến đi sắp tới của hai vợ chồng, mặc dù sự quan tâm của anh vẫn dành nhiều hơn cho những chuyện quan trọng và gần như rạo rực đắm chìm trong đó - giống hệt với cảm giác của những học sinh năm cuối trung học hướng tới buổi liên hoan chia tay và ngày tốt nghiệp. Anh hăng hái vạch kế hoạch gặp gỡ bạn bè thân thiết của chúng tôi, lên lịch cho những bữa tiệc tối chia tay tại những nhà hàng yêu chuộng của chúng tôi, vội vàng đặt vé các buổi diễn tại sân khấu Broadway mà chúng tôi đã dự tính từ cả thế kỷ là sẽ đi xem. Một buổi sáng thứ Bảy, anh còn khăng khăng rủ tôi thuê tàu ra xem Tượng Thần Tự do - một biểu tượng mà tôi dám chắc chỉ được ngưỡng mộ từ những khung cửa sổ máy bay, tựa như một công trình để tự hào. Rồi khi chúng tôi đang chịu đựng cảnh khách tham quan đông đúc, trời mù mưa, và một gã hướng dẫn viên với cái giọng đều đều như tra tấn, Andy đề nghị tôi chụp hình phong cảnh xung quanh để chúng tôi có tranh trang trí trong ngôi nhà mới. Tôi trêu anh, nhưng không thể thôi nghĩ rằng một bức ảnh đóng khung chụp Cảng New York, dù có ngoạn mục tới mức nào (nếu tôi có thể nói như vậy về những bức ảnh của mình) thì cũng sẽ không thể nào đem lại sự khuây khỏa khi tôi nhớ nhung những nguồn năng lượng khó tả của New York.

Nói về cảm giác này, chính những điều nhỏ bé lại là những điều làm tôi nhớ hơn cả vào lúc chúng tôi hoàn tất mọi công việc ở thành phố và nôn nao đón chờ ngày tháng Sáu chia ly của chúng tôi. Đó là sự phong phú trong từng ngày của cuộc đời tôi - những thứ mà trước đây tôi hầu như chẳng mấy lưu tâm nhưng lúc này bỗng thấm đầy xúc cảm. Đó là con đường dạo bộ đến chỗ làm và tình bạn âm thầm của tôi với những người đi làm bằng vé tháng khác được nhen nhóm lên từ những giao lộ xung quanh tôi. Đó là những câu đùa cợt hào hứng của Sabina và Julian trong phòng làm việc của chúng tôi, và mùi hăng hắc từ những ấn phẩm của Oscar. Đó là cái cau mày nhăn nhó của người thợ giặt khô cho chúng tôi khi anh ta quả quyết thắt nút chiếc túi nhựa bọc đống áo sơ mi của Andy rồi chúc chúng tôi một ngày tốt lành bằng giọng Thổ Nhĩ Kỳ, và người thợ tỉa móng tay Hàn Quốc của tôi vui vẻ đề nghị tôi "chọn sơn móng đi", mặc dù cô ta biết rõ rằng tôi luôn mang theo đồ dùng của mình. Đó là điệu đung đưa lắc lư của tàu điện ngầm nghiêng nghiêng theo nhịp đường ray và cảm giác sung sướng khi nhào vào taxi trong một đêm cuối tuần rộ rịp ở khu Village. Đó là món Burger trong tiệm P.J.Clarke’s, món sủi cảo ở Chinatown Brasserie, món bánh vòng ở quầy tạp hóa cạnh nhà tôi. Đó là ý niệm rằng khi bước ra khỏi khu nhà tập thể của mình, mỗi ngày tôi đều sẽ thấy những điều mới mẻ. Đó là vô khối sự lựa chọn và con người, là vẻ đẹp đô thị tinh nguyên, là những cơ hội bất tận ở khắp mọi nơi.

Tha thiết nhất trong những nỗi nhớ này là Leo - sự hiện diện thường trực của anh trong tâm trí tôi, cùng với đó, tôi phiền muộn nhận ra rằng mình hoàn toàn gắn Leo với New York và ngược lại. Điều đấy, trên thực tế, có nghĩa là rời bỏ New York cũng mang lại cảm giác khủng khiếp như rời xa anh vậy.

Mặc dù thế, không một lần nào tôi liên lạc với anh. Không liên lạc ngay cả khi tôi nghĩ ra ít nhất nửa tá lý do liên quan đến công việc gần như hoàn hảo và vô khối cách biện minh khôn khéo rằng thì tại sao mà thân thiết hơn một chút lại là điều tốt đẹp cho tất cả mọi người. Không liên lạc ngay cả khi sự cám dỗ mạnh mẽ tới nỗi làm tôi thực sự cuồng loạn - theo đúng cách mà tôi tưởng tượng mình sẽ cảm nhận về cocain nếu có khi nào dùng nó.

Hơn thế nữa, tôi kiên quyết giữ quan điểm rõ ràng rằng đúng đối lập với sai, trắng đối lập với đen, và một trăm phần trăm chung thủy với Andy. Như một chính sách bảo đảm tuyệt đối, tôi nỗ lực để giữ anh sát bên minh bất cứ khi nào có thể, có nghĩa là gần như toàn bộ thời gian anh không vướng công việc tại hãng luật. Tôi nài nỉ anh đi cùng tới công sở hoặc những buổi chụp hình, đi theo anh tới phòng tập thể hình, và lên kế hoạch để lúc nào cũng được ăn cùng nhau. Tôi thường xuyên chủ động va chạm cơ thể với anh - kể cả trong phòng ngủ và trên các hẻm phố giữa chốn công cộng. Tôi nói với anh thương xuyên rằng tôi yêu anh, nhưng không bao giờ nói một cách học vẹt máy móc. Nhiều hơn thế, tôi thật sự nghĩ về từng chữ, chúng có ý nghĩa gì. Yêu như là một động từ. Yêu như là một cam kết.

Trong mọi khoảnh khắc tôi đều tự nói với mình rằng tôi sắp sửa kết thúc chuyện này rồi. Cảm xúc của tôi sẽ sớm quay về quỹ đạo của nó, và mọi thứ sẽ trở lại bình thừơng - hay ít nhất là trở về trạng thái trước khoảnh khắc trên giao lộ đó. Và, nếu nó không bình thường được trước khi tôi đã về Atlanta, trong một môi trường mới, rất xa Leo.

Nhưng khi nhiều ngày đã qua đi, và thời khắc rời thành phố tới gần, tôi nhận ra mình vẫn băn khoăn không biết chính xác bình thường đã là như thế nào. Mọi thứ có bình thường không khi Andy và tôi bắt đầu hò hẹn? Mọi thứ có bình thường không vào cái thời điểm chúng tôi đính hôn hay khi sánh bước trên thánh đường? Có phải tôi đã từng thật sự quên hẳn Leo? Vào một thời điểm nào đó tôi từng chắc chắn rằng câu trả lời là có. Nhưng nếu việc gặp lại Leo - và khẽ chạm vào tay anh - có thể làm cuộn trào lên bao nhiêu tầng bậc cảm xúc trong trái tim tôi, thì có thực là tôi đã từng không còn yêu anh theo cách mà người ta vẫn nghĩ về chuyện không còn yêu tất cả những người khác ngoại trừ người mình cùng chung sống? Nếu câu trả lời là không thì liệu dòng chảy thời gian và sự thay đổi địa lý có thật sự giải quyết được vấn đề. Và bất chấp câu trả lời đó ra sao, thì đâu là câu hỏi chính xác cho mối quan hệ giữa tôi và Andy?

Mọi chuyện còn rối hôn khi tôi mơ hồ, lạ lùng cảm nhận ra rằng nổi niềm này không hoàn toàn xa lạ - tôi đã từng trải qua một vài cảm xúc y như vậy trước đây rất lâu khi mẹ tôi qua đời. Những sự việc được so sánh ở đây không giống hệt nhau bởi chẳng có yếu tố bi kịch nào trong việc rời xa New York và không còn được nói chuyện với Leo. Nhưng, theo một cách u buồn khó gọi thành tên chính xác, chúng có một sự trùng hợp nhất định.

Vậy nên vào một buổi tối muộn khi Andy ra ngoài cùng bạn bè, tôi đành chiu thua mà gọi cho chị gái, hy vọng có thể tìm ra lối thoát hợp lý - và những từ ngữ chính xác - để diễn đạt cảm xúc của tôi lúc này mà không tâng bốc ý nghĩa của Leo hay là giảm sự tôn kính đối với ký ức về mẹ chúng tôi.

Suzanne nhận điện thoại của tôi trong tậm trạng vui vẻ - và nói rằng Vince cũng đang đi ra ngoài cùng bạn bè, với anh ta đó là chuyện cơm bữa. Chúng tôi nói chuyện phiếm một lúc và rồi tôi mải mê nghe những than phiền của chị về tuần qua, hầu như toàn là những chuyện liên quan tới Vince kèm thêm dăm ba câu chuyện hấp dẫn chị cóp nhặt được trong lúc phục vụ trên máy bay. Câu chuyện làm tôi thích thú là một bà già dở hơi trong khoang hạng nhất đã làm đổ cốc nưóc hoa quả trộn Bloody Mary không chỉ một lần, cũng chẳng phải hai lần mà tới ba lần lên vị khách kế bên bà ta và rồi nổi điên lên khi Suzanne từ chối phục vụ bà ta cốc thứ tư.

"Nổi điên như thế nào?" tôi hỏi, luôn luôn thích thú - và kinh ngạc về những vở bi hài trên máy bay.

"Bà ta gọi chị là đồ chó cái. Hay đấy chứ, hử?"

Tôi cười lớn và hỏi sau đó chị làm gì, biết chắc rằng sẽ có một màn trả đũa nào đó.

"Chị gọi mấy người quản lý an ninh tới gặp mụ già say xỉn đó ở ngoài cổng."

Cả hai chúng tôi cùng cười phá lên.

"Bà ta nói đúng đó. Chị thực sự là đồ chó cái," tôi nói,

"Chị biết mà," chị nói. "Đúng là phải gọi chị như vậy."

Chúng tôi lại cười, và một lát sau, Suzanne bỏ qua câu chuyện đó và hỏi tôi xem có nghe gì từ Leo không.

Tôi định nói với chị về chuyến bay, nhưng quyết định rằng đó là điều mà tôi phải mãi mãi giữ bí mật, bất khả xâm phạm. vậy là tôi chỉ nói không và thở dài lớn đến nỗi khiến nó lại dẫn dắt câu chuyện tiếp tục.

"U ừ," chị hỏi. "Còn gì nữa đây?"

Tôi suy nghĩ một vài giây - rồi sau đó thú nhận rằng kể từ khi rời Los Angeles tôi vẫn tiếp tục cảm thấy nhớ Leo trong một nỗi nhớ chưa lúc nào vơi bớt. Rằng tâm trạng của tôi lúc này nhắc tôi nhớ đến "mùa đông năm đó" - vốn là cách nói giảm đi mà chúng tôi thường dùng để nhắc về cái chết của mẹ để chúng tôi không phải khơi gợi lên tất thảy nỗi đau buồn.

"Oa, Ellen," chị nói. "Em đang so sánh việc không được nói chuyện với Leo với cái chết của mẹ?"

Tôi lập tức kịch liệt phản đối và rồi nói thêm, "Có lẽ chỉ là vì em quá sầu muộn khi phải rời xa thành phố này… tất cả những sự thay đổi."

"Vậy thì… thế nào nào. Em đang so sánh việc rời khỏi New York với cái chết?"

"Không. Không hẳn là chuyện nào trong cả hai cái đó," tôi nói, nhận ra đáng lẽ mình không nên phiền toái khi cố gắng truyền tải một cảm xúc mơ hồ đến thế, ngay cả là với chị tôi.

Nhưng với tính cách của Suzanne, chị ép tôi phải giải thích. Tôi suy nghĩ một lát rồi nói với chị rằng nó còn vượt lên trên cả cảm giác về sự kết thúc đang dần đến, và càng cố gắng để chuẩn bị tinh thần đón nhận những điều sắp tới, tôi càng thật sự không biết phải chờ đợi điều gì. "Và nỗi lo sợ cứ bao trùm lên suốt những ngày chờ đợi," tôi ngập ngừng nói. "Giống như với mẹ… Chúng ta biết trước mấy tuần rằng sự kết thúc đã đến rất gần. Cái chết của mẹ chẳng phải điều gì bất ngờ. Vậy mà... nó vẫn có cảm giác giống như một sự bất ngờ, không phải thế sao?"

Suzanne khẽ nói phải, và trong khoảnh khắc tôi biết rằng cả hai chúng tôi đang lặng lẽ hồi niệm lại ngày hôm đó khi giáo viên chủ nhiệm xuất hiện trong lớp học của mỗi chị em tôi rồi cùng chúng tôi chờ đợi bên ngoài cột cờ và lớp tuyết dày che phủ tầng tầng, cho đến khi cha tôi tới đón chúng tôi và đưa chúng tôi về nhà gặp mẹ lần cuối cùng.

"Và rồi sau đó," tôi nói, buộc mình không được khóc hay khơi gợi thêm bất kỳ chi tiết hiển hiện nào khác của cái ngày khủng khiếp đó hơn cả những ngày tiếp sau. "Em thật sự cảm thấy mong mỏi đến mức tuyệt vọng được kết thúc năm học, để bắt đầu nhịp sống mới… một không gian mới nơi em không phải thường xuyên nhắc nhớ tới mẹ…"

"Phải rồi," Suzanne nói. "Đi cắm trại hè năm đó quả là một sự giải khuây."

"Đúng vậy," tôi nói, nhận ra đó là một phần động lực khiến tôi chọn một trường đại học cách xa Pittsburgh, nơi mẹ chưa bao giờ đến thăm hay nhắc tới, với những người không biết rằng tôi không còn mẹ. Tôi nuốt khang và nói tiếp, "Nhưng cùng lúc đó, em càng muốn rời khỏi ngôi nhà cùng tất cả những kỷ niệm về mẹ và nước mắt của bố - thậm chí cả chị nữa - thì em càng lo sợ rằng khi em đi xa, hay thời gian trôi qua, hay khi em làm bất cứ điều gì khác với những điều chúng ta đã làm khi còn mẹ, chúng ta có thể sẽ đánh mất hoàn toàn nhanh hơn nữa. Và chúng ta sẽ hầu như… xóa bỏ mẹ khỏi cuộc sống."

"Chị biết chính xác điều em muốn nói," Suzanne nói. "Chính xác… Nhưng… Ellie…"

"Sao cơ?" tôi khe khẽ hỏi, biết rằng một câu hỏi khó sắp được đặt ra cho tôi.

Chắc chắn rồi, Suzanne nói, "Tại sao em lại không muốn xoá bỏ Leo?"

Tôi suy nghĩ một lúc rất lâu, sự im lặng bao trùm lên cả không gian. Nhưng mặc dù rất cố gắng, tôi vẫn không thể nghĩ ra một câu trả lời hợp lý - hay thậm chí là bất cứ một câu trả lời nào cho chuyện đó.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui