Yêu Người Ở Bên Ta

Trong một khoảnh khắc cảm giác buồn bã thì ít mà thấy kỳ lạ thì nhiều, tôi đứng ở cửa sổ phòng ngủ, quan sát Andy lùi xe chầm chậm rồi từ từ phóng xuống lối đi, bật xi nhan khi rẽ vào đường chính. Tôi gần như có thể nghe thấy âm thanh phát ra từ chiếc đèn - blíc, blíc, blíc - trong tiếng êm ru của chiếc xe vẫn nguyên mùi mới của anh, và thuyết phục bản thân rằng một người đàn ông còn nghĩ được đến đèn xi nhan thì không tức giận quá lắm đâu. Tôi không chắc đây là một niềm an ủi hay là một bằng chứng phức tạp chỉ ra rằng chúng tôi không phải dành cho nhau. Rằng lời ngụ ý của Suzanne là đúng - chúng tôi thiếu cảm xúc nồng nhiệt, thuần túy chỉ có một cuộc hôn nhân ân cần, vui vẻ, mà giờ đây thậm chí cũng không còn vui vẻ như thế nữa.

Tôi rời khỏi cửa sổ, tự nhủ rằng tôi không tìm kiếm bất kỳ kiểu thử thách nào, dù là cách này hay cách khác. Có thể tôi đang chối bỏ, nhưng tôi chỉ muốn lên chuyến bay sáng mai, và tới New York, làm công việc của mình, gặp Leo, và cố để cảm thấy dễ chịu hơn về mọi thứ - quá khứ ấy, cuộc hôn nhân của tôi, tình bạn của tôi và Margot, sự nghiệp của tôi, bản thân tôi. Tôi không chắc điều đó sẽ xảy ra như thế nào, nhưng tôi biết rõ nó sẽ không xảy ra nếu tôi ở nguyên đây, trong ngôi nhà này.

Tôi lại tắt chiếc đèn ngủ bên phía Andy và chui vào giường, cảm thấy như thể mình nên khóc, nhưng nhận ra với cả nỗi sợ hãi lẫn nhẹ nhõm rằng cảm xúc của tôi lúc này là thứ phiên bản lắng dịu, mờ nhạt của những gì tôi cảm thấy mới mấy phút trước đây khi Andy còn ở trong phòng với tôi. Thật sự thì, tôi vô cùng điềm tĩnh và không vướng bận đến nỗi gần như thể tôi đang quan sát phần kết một cuộc cãi nhau to giữa cặp đôi nào đó khác, chỉ đợi để biết xem chuyện gì sẽ xảy ra: Cô ấy sẽ ở lại hay sẽ ra đi?

Tôi nhắm mắt, mệt mỏi, và chắc hẳn chỉ cần cố gắng một chút là có thể ngủ ngay được. Nhưng tôi không cho phép mình cố; ít nhất là về phía mình tôi cũng phần nào có lý, và giấc ngủ hẳn sẽ tước cái sự có lý ấy đi mất, biến tôi thành cô vợ nhẫn tâm cứ việc ngủ ngon suốt đêm torng khi người chồng khổ sở của cô ta đang lái xe lòng vòng trên những đường phố vắng tanh.

Thế nên thay vì ngủ, tôi cố gọi cho Andy, khấp khởi chờ đợi được nghe giọng trả lời vui vẻ của anh cài vào điện thoại với nền nhạc là tiếng còi taxi hỗn độn quen thuộc. Đừng bao giờ đổi lời chào ghi âm ấy nhé, gần đây tôi có nói với anh vậy, không chắc vì tôi muốn lưu giọng nói vui vẻ của anh hay là âm thanh ồn ào của New York trong nhạc nền, Dù sao đi nữa, Andy không nghe máy lần này - hay bất kỳ lần nào trong ba lần tôi ấn nút gọi lại. Rõ ràng, Andy không muốn nói chuyện với tôi, và bởi vì chẳng biết phải nói gì với anh, tôi không để lại lời nhắn. Tôi quyết định không gọi đến nhà Margot, nơi mà tôi khá chắc là cuối cùng anh sẽ tới. Cứ để họ kéo bè chống tôi. Cứ để họ mời thêm Stella qua, mở một chai rượu ngon và ầm ĩ tức giận trong sự ưu việt của họ. Cứ để họ làm việc họ còn tôi làm việc tôi. Tôi nhìn sâu vào bóng tối, dù cảm thấy cô độc nhưng vẫn vô cùng hân hoan vì được một mình.

Một lát sau, tôi bồn chồn đi xuống cầu thang, nơi mọi thứ vẫn gọn gàng ngăn nắp chìm trong bóng tối y như khi Andy và tôi đi ngủ. Tôi đi thẳng đến tủ rượu, rót vodka trực tiếp vào một cái ly nhỏ. Uống rượu một mình mang đến cảm giác giống như một cách sáo mòn thể hiện nỗi buồn, mà tôi thì tuyệt nhiên không muốn là một kẻ sáo mòn. Tuy nhiên, vodka chính thực là cái tôi cần lúc này, và cái Ellen muốn cảm giác như cũng là điều quan trọng nhất trong đêm. Hoặc giả tôi chắc chồng mình sẽ nói vậy.

Tôi đứng giữa gian bếp, đột nhiên cũng thấy thèm không khí trong lành, bèn đi đến cửa sau, để ý thấy Andy đã cài lại chuông báo động trước khi anh đi; có thể anh ghét tôi, nhưng anh vẫn muốn tôi an toàn. Chí ít đó cũng là cái gì đấy, tôi nghĩ, trong khi ngồi xuống bậc cấp trên cùng, địa điểm yêu thích nhất của tôi ở Atlanra, nhấm nháp vodka và lắng nghe không gian yên lặng oi nồng, đặc quánh, văng vẳng tiếng dế kêu.

Lâu sau khi đã uống cạn rượu, gọi cho Andy lần cuối, trở vào lại bên trong, khóa cửa sau lại, và cho chiếc cốc vào bồn rửa, tôi nhìn thấy lời nhắn của anh. Tôi chẳng biết sao đã không nhận ra nó lúc trước, khi mà nó nằm ngay giữa quầy bếp, viết trên một tập giấy nhớ màu vàng - đúng kiểu chúng tôi thường lưu lại giấy nhớ cho những lần hoàn toàn khác hẳn. Cho "Anh yêu em" và "Một ngày vui vẻ anh nhé," hay "Cần thay dao cạo." Lòng tôi chùng xuống khi tôi cầm tấm giấy hình vuông lên, dưới ánh đèn bếp, đọc những chữ cái in hoa của Andy:

NẾU EM ĐI, ĐỪNG TRỞ VỀ.

Tôi bóc tờ giấy nhớ ra khỏi tập và băn khoăn suy nghĩ, không phải về chuyện tôi nên làm gì sáng mai, mà đơn giản là nên làm gì với chính lời nhắn này. Tôi sẽ viết trả lời vào những dòng trống bên dưới chỉ thị của anh? Vo tròn để trên mặt quầy? Ném vào sọt rác? Dán vào sổ nhật ký của tôi như kỷ vật buồn cho một quãng thời gian buồn? Chẳng lựa chọn nào có vẻ thật hợp lý - thế nên tôi dán nó trở lại tập giấy nhớ, cẩn thận đặt cho thẳng mép để làm ra vẻ chưa ai từng động đến, chưa ai từng đọc. Tôi nhìn tờ giấy một lần nữa, cảm thấy nhói lên nỗi hối tiếc nuối xót xa mạnh mẽ rằng chúng tôi đã thành ra kiểu cặp đôi không chỉ cãi nhau giữa đêm khuya mà còn để lại tối hậu thư trên tập giấy nhớ trong bếp.

Chúng tôi thậm chí còn có thể trở thành cặp đôi ở Buckhead mà người đời bàn tán qua ly cocktail tại câu lạc bộ. Đã nghe chuyện Ellen với Andy chưa? Nghe những gì cô ta làm rồi chứ? Anh ta đã thiết quân luật thế nào?

Tôi có thể nghe thấy lời của đủ những Ginny trên đời này: Rồi chuyện gì xảy ra?

Cô ta bỏ đi.

Rồi anh ấy bỏ cô ta.

Tôi đứng ở quầy bếp một lúc lâu, thoáng nghĩ lại quá khứ xa xôi và rồi quá khứ mới vừa đây, và một vài khoảnh khắc chen vào giữa, tự hỏi liệu tôi có nên tin lời Andy nói. Tôi đi đến kết luận rằng có. Andy có thể thay đổi suy nghĩ, nhưng ngay lúc này, anh chủ ý như thế.

Tuy nhiên, thay vì sợ hãi, hoặc dừng mình lại theo bất kỳ cách nào, tôi cảm thấy càng thêm bình tĩnh, quyết tâm, phẫn nộ khi tôi đi lên cầu thang và chui vào lại trong chăn. Sao anh dám đặt ra một giới hạn? Sao anh dám không cả cố gắng hiểu cảm nhận của tôi? Sao anh dám dồn tôi vào góc với những hạch sách của anh? Tôi thử đổi vị trí, tưởng tượng ra Andy, da diết nhớ nhà, ao ước được kết nối lại với điều gì đó hay ai đó. Và rồi tôi nhận ra rằng đó chính là lý do tôi chuyển tới Atlanta. Với anh. Vì anh. Đó là lý do tôi ở đây lúc này.

Tôi chìm vào giấc ngủ, mơ mộng lung tung, những chi tiết tầm thường về chuyện trút vỏ bọc chiếc ghế nằm trong phòng ngủ, đánh đổ tách trà ngọt lên bàn phím, rồi chốt lại vào phút cuối là về bộ trang phục gypsy mặc tạm cho một bữa tiệc Halloween trong xóm. Những giấc mơ, dù cho suy xét kỹ lưỡng cỡ nào, cũng hoàn toàn không thể hiện ra rằng tôi đang ở trên một giao lộ, trong một cuộc khủng hoảng.

Khi tôi tỉnh hẳn là lúc bốn giờ năm mươi chín, một phút trước khi chuông báo thức sẽ kêu. Tôi ra khỏi giường, tắm gội, mặc quần áo và làm mọi việc với thái độ thản nhiên như thể một ngày công tác bình thường. Tôi thu dọn thiết bị máy ảnh, sắp xếp lại va li, in vé máy bay, còn xem cả thời tiết ở New York. Khoảng mười lăm độ và rải rác có mưa. Thật lạ, chẳng thể nhớ mười lăm độ cảm giác ra sao nữa, có lẽ bởi vì tôi đã sống trong nơi thời tiết nóng quá lâu rồi, thế nên tôi dồn sự chú ý vào cơn mưa, gói thêm chiếc ô và một cái áo gió màu đen.

Trong suốt thời gian đó, tôi nghĩ về lời nhắn của Andy, tự nhủ mình lúc nào cũng có thể quay lại vào phút cuối. Khi mặt trời lên, mình có thể quyết định ở lại. Mình có thể bắt chuyến tàu MARTA đến sân bay, chen người qua cửa an ninh, thơ thẩn đi hết đường cổng bay, và rồi vẫn có thể về nhà.

Nhưng trong sâu thẳm, tôi biết chuyện đó sẽ không xảy ra. Tôi biết rằng tôi đã ở rất xa khi Andy trở về nhà và nhìn thấy lời nhắn của anh, vẫn nằm y nguyên trên mặt quầy bếp bằng cẩm thạch.

Năm tiếng lơ đãng trôi qua, tôi thấy mình đã tới bãi taxi ở sân bay LaGuardia, những thanh âm, mùi vị, cảnh vật, tất cả đều quá ư thân thuộc đến nhói lòng. Nhà, tôi nghĩ. Mình đang ở nhà. Hơn cả Pittsburgh, hơn cả Atlanta, hơn mọi nơi trên đời. Thành phố này, chính dãy taxi, cảm giác giống như trở về nhà.

"Chị đi đâu vậy?" một cô gái đứng sau tôi hỏi, cắt ngang miền cô đơn của tôi. Với chiếc quần jean xé, tóc đuôi ngựa, và một chiếc ba lô to đùng, trông cô giống như sinh viên. Tôi tưởng tượng ra rằng cô sắp nhẵn túi và đang hy vọng có người chia sẻ tiền taxi vào thành phố.

Tôi húng hắng cổ họng, nhận ra ngày hôm nay mình chưa nói chữ nào. "Queens," tôi nói, hy vọng cô đến Manhattan. Tôi không có hứng thú nói chuyện, nhưng không nỡ nào xua cô đi.

"Ôi, tuyệt," cô nói. "Tôi đang mong chúng ta có thể đi cùng taxi… tôi định đi xe bus, nhưng tôi đang vội quá."

"Cô đi đâu?" tôi hỏi, không phải vì tôi thực sự muốn biết, mà vì tôi có thể thấy rõ cô đang vô cùng mong tôi hỏi. Tôi cá là có dính dáng đến con trai. Con trai luôn luôn có dính dáng.

Quả nhiên, cô nói, "Tới chỗ bạn trai của tôi. Anh ấy sống ở Tribeca."

Cô nói Tribeca một cách trang trọng, như thể cô mới phát âm trôi chảy được từ ấy vài lần trước đó. Có lẽ cô cũng chỉ vừa biết nó là viết tắt của Triangle Below Canal Street. Tôi còn nhớ khi tôi biết mẫu tin thú vị này - cũng như còn nhớ rõ tôi từng phát âm sai tên phố Houston Street, nói là cái tên ấy giống với tên thành phố lớn nhất bang Texas, và Margot đã sửa lại cho tôi, thừa nhận rằng cô cũng nói nhầm như vậy ngay ngày hôm trước.

"Ừm," tôi lẩm bẩm. "Một khu rất tuyệt."

"Dạ," cô nói, tôi nhận ra đó là ngữ âm vùng Minnesota hoặc Canada. "Anh ấy vừa mới tìm được một cái tổ cực kỳ ở đó." Cô trau chuốt với từ cái tổ mà tôi chắc chắn là anh chàng kia đã sử dụng để gây ấn tượng với cô. Tôi tự hỏi liệu cô đã đến cái nơi "cực kỳ" ấy chưa, tưởng tượng ra chỗ đó thật chật hẹp và tăm tối - nhưng như thế nào đấy vẫn hết sức tuyệt vời.

Tôi mỉm cười, gật đầu. "Thế cô sống ở đâu?"

Cô lôi một chiếc áo khoác jean nhàu nhĩ từ cái túi kéo ra, trong khi tôi nghĩ áo jean trên quần jean - không đẹp. Cô cài áo sát cổ, trông thế càng tệ hơn, và nói, "Toronto… Bạn trai tôi là họa sị."

Một câu nói chẳng ăn nhập vào đâu vang lên vẻ tự hào một lần nữa chứng minh tình yêu của cô, chứng minh rằng mọi thứ đều dẫn về anh chàng kia hết.

Thật nguy hiểm, tôi nghĩ, nhưng chỉ mỉm cười đáp lại và nói, "Hay quá," lòng tự hỏi họ đã gặp nhau như thế nào, họ đã bên nhau được bao lâu, liệu chăng cô sẽ chuyển tới New York sống cùng anh ta. Chuyện của họ sẽ kết thúc ra sao. Nếu như nó sẽ kết thúc.

Đoàn người tiếp tục đi, đưa tôi tới gần Leo thêm vài phân nữa.

"Thế… chị về nhà à?" cô hỏi.

Tôi nhìn cô bối rối một lát cho tới khi cô hỏi rõ thêm, "Chị sống ở Queens?"

"Ồ… không," tôi nói. "Tôi tới gặp một người ở đó… vì công việc."

"Chị là nhiếp ảnh gia?" cô hỏi.

Trong một thoáng, tôi hết sức ngạc nhiên trước trực giác của cô, nhưng rồi nhớ ra mấy túi đồ và thiết bị của mình.

"Đúng rồi," tôi nói, cảm thấy yêu bản thân mình hơn biết bao bởi khoảnh khắc này.

Tôi là nhiếp ảnh gia. Tôi đang ở New York. Tôi sắp gặp Leo.

Cô cười tươi nói, "Tuyệt quá."

Thế rồi chúng tôi lên tới đầu hàng, tôi chào tạm biệt người bạn mới không tên của tôi.

Tạm biệt chị," cô nói hết sức vui vẻ. Cô vẫy tay - một cử chỉ hơi kỳ cục khi ta đứng gần sát ai đó.

"Chúc may mắn," tôi bảo cô.

Cô cảm ơn, nhưng nhìn tôi với ánh mắt thăm dò, như thể băn khoăn tự hỏi may mắn ảnh hưởng tới điều gì. Tôi rất muốn nói với cô là rất nhiều. May mắn ảnh hưởng lớn lao tới mọi điều. Nhưng thay vì làm vậy, tôi mỉm cười với cô, rồi quay sang đưa đồ đạc cho anh lái xe.

"Đi đâu?’ anh ta hỏi khi cả hai chúng tôi đã vào trong xe.

Tôi đọc cho anh ta dòng địa chỉ đã hằn sâu trong trí nhớ bao năm, hồi hộp kiểm tra lại lớp trang điểm bằng gương hộp phấn. Tôi chỉ chải mascara và son bóng, cố chống lại mong muốn trang điềm đậm hơn, cũng như buộc mình cột tóc lên và mặc thật đơn giản với quần jean, áo sơ mi trắng tay gấp và đi giày bệt màu đen. Chuyến đi này có thể không thuần túy là vì công việc, nhưng ít nhất tôi đã ăn mặc đúng với tính chất công việc.

Tôi căng thẳng lôi điện thoại ra khỏi túi khi Leo nhắn tin cho tôi: Em đến chưa?

Tim tôi đập thình thịch khi tôi tưởng tượng anh vừa mới tắm xong, xem đồng hồ, chờ đợi tôi.

Tôi nhắn lại: Trên taxi. Gặp anh lát nữa.

Gần như ngay lập tức, anh nhắn cho tôi chỉ một mặt cười, điều đó làm cho tôi bình tĩnh trở lại, nhưng cũng khiến tôi ngạc nhiên. Leo chưa bao giờ là chàng trai gửi tin nhắn với biểu tượng cảm xúc, trừ khi tính đến cái mặt hai chấm - gạch ngang :- / thỉnh thoảng anh thêm vào cuối e- mail, trêu chọc đôi môi hơi lệch của tôi - một điều mà Andy chẳng bao giờ để ý, hoặc, ít nhất, chẳng bao giờ chỉ ra.

Tôi mỉm cười với chiếc điện thoại, bất chấp tâm trạng của tôi - thực sự thì cũng không tệ, nhưng cũng không đồng nghĩa với nụ cười. Rồi tôi lôi tai nghe ra, bật iPod lên và nghe Ryan Adams hát bài "La Cienega Just Smiled", một trong những bài hát yêu thích nhất của tôi, có thể khiến tôi cảm thấy hoặc thực sự hạnh phúc hoặc vô cùng buồn bã, tùy khi. Ngay lúc này, tôi có cả hai, và khi lắng nghe lời bài hát, tôi ngạc nhiên vì sao hai cảm xúc ấy lại song hành gần nhau đến vậy.

Em giấu anh nơi thẳm sâu tâm trí

Tốt biết bao nhưng, thật tệ, nó làm em đau đớn.

Tôi kích tiếng to lên trong khi tôi nghe như văng vẳng tiếng mẹ, "Con sẽ điếc tai đấy, Ellie." Rồi tôi nhắm mắt, nghĩ về Leo, rồi Andy, rồi lại Leo.

Rốt cuộc, tôi nghĩ, chẳng phải luôn là về một chàng trai hay sao?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui