Zoo

Sự khác nhau giữa nhiếp ảnh và điện ảnh gần giống sự khác nhau giữa haiku và tiểu thuyết.

Haiku giống thơ tanka và các thể loại thơ khác, đặc trưng nằm ở lượng chữ ít hơn hẳn tiểu thuyết. Phải nắm bắt được những rung động trong khoảnh khắc rồi thể hiện vào bài thơ chỉ hạn chế trong một số chữ. Tác giả cảm nhận thế giới rồi dùng những câu chữ ngắn gọn nói lên mọi xúc cảm của mình.

Mọi tình tiết trong tiểu thuyết đều mang tính liên tục. Miêu tả tâm lý liên tục, hình thức miêu tả thay đổi theo diễn biến các tình tiết. Tâm lý nhân vật thể hiện qua các sự kiện phát sinh trong tiểu thuyết thường không giống nhau. Nếu chỉ trích ra một đoạn thì đó là miêu tả, nhưng nếu để các đoạn văn miêu tả ấy gắn kết với nhau, thì đó là miêu tả những sự “thay đổi.” Hình thức miêu tả tâm lý nhân vật sẽ biến đổi từ trang đầu đến trang cuối tác phẩm. Quá trình biến hóa này là một tuyến đường cong lên xuống, và đó là một câu chuyện. Xét theo phương diện toán học, nếu chia nhỏ một tiểu thuyết, ta sẽ được những bài haiku hoặc thơ, và nếu chia nhỏ một câu chuyện, ta sẽ được các đoạn miêu tả.

Ảnh là một cách miêu tả. Chụp ảnh là nghệ thuật chớp lấy cảnh vật trong một khoảnh khắc thu vào một cái khung, chẳng hạn như miêu tả khuôn mặt một cậu bé đang khóc. Vậy nên nhiếp ảnh gần với haiku hoặc thơ. Giữa hai thứ đó có sự khác biệt giữa hình ảnh với văn tự, nhưng chúng đều chung mục đích nắm bắt được một khoảnh khắc quan trọng, sau đó lưu giữ lâu dài.

Bây giờ chúng ta có vài chục, vài trăm tấm ảnh liên tục nhưng không giống nhau. Chúng ta trải các tấm ảnh ra, sắp xếp chúng theo trật tự thời gian chụp rồi lật chúng thật nhanh. Hiện tượng dư ảnh sẽ xuất hiện và thể hiện cả một khoảng thời gian. Ví dụ như ban đầu là hình ảnh đứa trẻ khóc, nhưng sau cùng nó lại mỉm cười. Điều này khác với một tấm ảnh duy nhất. Mỗi tấm ảnh không hoàn toàn khác nhau, chúng chỉ tiếp nối nhau. Từ ảnh khóc đến ảnh cười là một quá trình, nghĩa là chúng ta có thể nhìn thấy những nét thay đổi tâm lý của đứa trẻ. Xâu chuỗi “khoảnh khắc”, ta được “thời gian” và cuối cùng có thể miêu tả được mọi “biến hóa.” Nói cách khác, sắp đặt ra một câu chuyện, chính là điện ảnh. Bản thân tôi hiểu là như vậy.

Sáng nay lại có ảnh nhét vào thùng thư của tôi. Đây là lần thứ mấy rồi nhỉ? Tình trạng này đã kéo dài trên trăm ngày nhưng tôi vẫn không thể lờ nó đi được. Trong không khí lạnh giá của buổi sớm, cảm giác chông chênh, căm tức và tuyệt vọng lại đồng thời ập đến khi tôi nhìn thấy tấm ảnh trong thùng thư nhà mình. Tôi đành cầm tấm ảnh ra, đứng bất động. Ngày nào cũng như ngày nào.

Người gửi không cho ảnh vào phong bì mà thả luôn vào thùng thư. Ảnh chụp một xác người, là xác cô bạn gái ngày trước của tôi. Cái xác nằm trong hố đất ở một nơi nào đó, từ phần ngực trở lên đã không còn nguyên vẹn. Khuôn mặt bị phân hủy lở lói, không thể nhận ra những đường nét khi xưa.

Mức độ phân hủy có vẻ nhiều hơn so với tấm ảnh hôm qua. Nhưng sự biến đổi này rất nhỏ, nhìn thoáng qua sẽ không phân biệt được, chỉ thấy vài chỗ dòi bọ lúc nhúc thì có khác biệt.

Tôi cầm ảnh bước vào nhà rồi scan nó vào máy tính của mình. Tất cả những tấm ảnh nhận được trước đây đều được lưu trong máy tính. Tôi còn lần lượt đánh thứ tự nữa. Người bạn gái của tôi giờ đây tồn tại dưới hình thức này.

Trong tấm ảnh đầu tiên tôi phát hiện, nàng vẫn còn là hình người. Tấm ảnh hôm sau, khuôn mặt chỉ hơi sạm đi các vùng khác không có biến đổi gì rõ rệt. Nhưng ngày qua ngày, các tấm ảnh nhét trong thùng thư thể hiện nàng càng lúc càng khác.

Tôi không kể với bất cứ ai về chuyện những tấm ảnh, và chỉ mình tôi biết rằng nàng bị sát hại, coi như biến mất khỏi thế gian.

Tôi vốn yêu nàng tha thiết. Tôi và nàng từng cùng xem phim ZOO, tôi không hiểu lắm nhưng nàng ngồi bên lại xem rất say sưa.

Trong phim có những đoạn tua nhanh hình ảnh miêu tả quá trình mục rữa của rau quả và động vật, chẳng hạn táo hoặc tôm. Trước hết chúng thâm lại, quắt queo, bị vi khuẩn tấn công và bốc mùi khó ngửi. Trên nền nhạc nhẹ nhàng của Michael Nyman, những cái xác động vật không còn giữ được hình dạng ban đầu, sự biến đổi này hết sức xúc động. Giống như một con sóng lớn cuốn phăng mọi thứ, tất cả đều biến mất. Bộ phim này là một câu chuyện về quá trình mục nát của các loại sự vật.

Xem phim xong, tôi và bạn gái lại đi chơi vườn bách thú. Tôi lái xe, nàng ngồi bên cạnh. Khi xe đang chạy, nàng chỉ vào tấm biển phía trước và nói:

Anh nhìn kìa! Trùng hợp thật đấy.

Biển quảng cáo có hàng chữ tiếng Nhật “Vườn thú: Đi thẳng 200 mét rẽ trái.” Bên dưới là hàng chữ tiếng Anh tương ứng, mấy chữ cái ZOO gây ấn tượng rất mạnh với tôi.

Tôi đánh vô lăng, rẽ trái, xe chạy vào bãi đỗ xe của vườn bách thú. Vườn thú hôm nay rất vắng vẻ, có lẽ là do thời tiết cứ lạnh suốt. Không có tuyết rơi nhưng

sắc trời âm u, phủ đầy mây trĩu nặng. Hai chúng tôi bước đi trong khu vườn, khắp chốn nồng nặc mùi hôi của động vật. Dù bạn gái tôi có mặc áo khoác nhưng giá rét vẫn làm vai nàng run lên.

Không thấy bóng người nào nhỉ. Dạo trước em có nghe nói mọi người chẳng thiết đến đây nữa, các vườn thú và khu vui chơi khắp cả nước đang sắp phải đóng cửa đến nơi.

Giọng nàng nhỏ dần rồi tan vào không khí. Chúng tôi lần lượt đi qua các chuồng thú. Hẳn là vì trời rét quá nên các con vật đều tiu nghỉu, ánh mắt đờ đẫn. Chỉ có một con khỉ xấu xí vẫn rất linh hoạt, đi lại nhảy nhót trong chuồng. Chúng tôi bước lại gần chuồng đứng xem nó một lúc. Trên mình nó có vài chỗ tuột cả lông, trông ghê ghê. Trong chuồng chỉ có mỗi con khỉ này, nó cứ đi đi lại lại trên nền bê tông.

Trước khi quen nàng, cuộc sống của tôi rất mệt mỏi. Nàng là cô gái đầu tiên tử tế với tôi. Buổi đi chơi vườn thú cùng nhau hôm ấy giờ đã trở thành dĩ vãng xa xôi. Nàng mất tích vào một dịp cuối thu.

Hồi đó tôi rất lo lắng, hay là bạn gái tôi gặp phải chuyện gì bất trắc? Cảnh sát thì không đều tra đến nơi, họ chỉ coi như nàng bỏ nhà ra đi. Gia đình nàng đồng tình với quan điểm này. Nàng đột nhiên mất tích, không phải bỏ nhà thì là gì?

Tôi scan tấm ảnh của nàng bỏ vào thư mục ảnh trong máy tính, sau đó cất tấm ảnh vừa nhận được vào ngăn kéo. Trong ngăn kéo đã có hơn một trăm tấm ảnh kiểu này, xếp chật cứng.

Tôi nhấp chuột khởi động một phần mềm xem và biên tập video nổi tiếng. Tôi chọn “Phát chuỗi hình ảnh”, sau đó chọn tấm ảnh đầu tiên của bạn gái, cuối cùng trong “Tùy chọn phát hình ảnh”, tôi chọn “12 khung hình/giây.”

Thế là những tấm ảnh tĩnh của bạn gái tôi biến thành một đoạn phim kiểu hoạt hình, chúng lần lượt nối đuôi nhau xuất hiện theo thứ tự với tốc độ 12 hình/giây. Đây vốn là phần mềm để sản xuất phim hoạt hình.

Quả trình phân hủy của bạn gái tôi hiện ra rất rõ. Những đám dòi bọ tràn đến như một cơn sóng, phủ lên người, đục khoét da thịt rồi vội vã bò đi.

Mỗi sáng ngày ra, sau khi nhận được một tấm ảnh ở thùng thư, tôi lại bổ sung vào độ dài của “bộ phim” này 1/12 giây nữa. Sau đó tôi mở ra xem, vừa xem vừa lẩm bẩm:

“Ta nhất định phải tìm ra tên tội phạm!”

Chắc chắn kẻ chụp xác bạn gái tôi là tên hung thủ đã sát hại nàng. Điều này tôi hiểu rất rõ.

“Ta sẽ bắt hắn phải đền tội!”

Tôi đã thề như vậy sau khi cảnh sát tuyên bố ngừng điều tra tìm người.

Thực ra có một vấn đề mang tính quyết định và có khả năng sẽ phá hoại nhân cách của tôi. Nhưng tôi chẳng thèm quan tâm.

“Đồ khốn! Kẻ sát nhân đang ở đâu?”

Mỗi câu nói của tôi đều là một lời thoại. Tôi đang diễn trong khi thâm tâm nghĩ những chuyện khác hẳn, nhưng việc diễn xuất khiến hiện thực bớt cay đắng.

Nói cách khác thì tôi chỉ đang cố lờ đi những điều mình đã làm và cứ tiếp tục

điên cuồng lùng kiếm tên sát nhân. Nhưng tôi sẽ chẳng bao giờ tìm ra hắn.

Bởi vì, kẻ giết người...

... chính là tôi.

Mất nàng, tôi dường như sống trong một thế giới vô thanh. Tôi đứng trước gương, khuôn mặt hốc hác, hai mắt trũng sâu.

Tôi biết chính mình đã giết nàng rồi lại vờ như đang cố gắng đi tìm thủ phạm, hai hành động vô cùng mâu thuẫn. Nhưng tôi không mắc bệnh đa nhân cách.

Tôi thật lòng yêu nàng. Vì không muốn thừa nhận mình đã giết nàng nên tôi dùng cách trốn tránh hiện thực.

Nếu như đâu đó có tồn tại một kẻ hại nàng mà không phải là tôi thì nhẹ nhõm biết mấy. Tôi sẽ không còn phải day dứt vì cái chết của nàng.

“Ai đã nhét những tấm ảnh này vào thùng thư?” “Tại sao hắn lại cho tôi xem những bức ảnh này?” “Thực ra, ai đã giết nàng?”

Tất cả những câu này đều do tôi tự biên tự diễn. Tôi giả bộ không biết hung thủ là ai, rồi căm hận và muốn giết hắn.

Để bảo vệ mình, tôi không cho cảnh sát xem những tấm ảnh này nhưng biện hộ rằng tôi muốn tự mình tìm ra tên tội phạm. Vậy nên đến giờ cảnh sát vẫn cho rằng bạn gái của tôi chỉ là mất tích, còn tôi đắm chìm trong ảo tưởng hão huyền: không cần nhờ cảnh sát, tôi sẽ tự trả thù cho người yêu của mình.

Tôi cứ thế diễn kịch, rồi đến một lúc chính tôi bắt đầu ngờ ngợ có phải mình

đã giết nàng không, hay có một kẻ khác đã giết nàng, còn tôi thì vô tội.

Tiếc rằng những tấm ảnh thả vào thùng thư mỗi sáng đã chấm dứt chuỗi ảo tưởng của tôi. Những tấm ảnh đó nhắc nhở, chính tôi đã sát hại người yêu.

Một tháng sau khi bạn gái tôi mất tích, tức là bước vào tháng Mười một, cảnh sát dừng việc tìm kiếm nàng. Tôi xin thôi việc để tự mình đi tìm tên tội phạm, sắm tròn vai người yêu của một cô gái bị sát hại. Tôi là nhân vật chính trong một vở bi kịch - một con người căm hận kẻ tội phạm và dốc sức cho việc trả thù.

Bước đầu cần làm là đi gặp các người quen của nàng và hỏi họ một số câu. Tôi đã tìm gặp tất cả những người có liên hệ với nàng, ví dụ như đồng nghiệp, người thân, nhân viên trong cửa hàng tạp hóa mà nàng hay đến mua sắm.

“Vâng, vẫn chưa tìm thấy cô ấy. Cảnh sát nói cô ấy bỏ nhà ra đi nhưng tôi không tin. Sao cô ấy phải bỏ nhà đi chứ? Rõ là nói nhăng nói cuội... Nên tôi đành phải làm phiền các vị, mọi người vốn đều quen thân cô ấy. Anh chị có thể giúp tôi không? Rất cảm ơn anh chị. Lần cuối cùng anh chị gặp cô ấy là khi nào? Cô ấy có biểu hiện gì khác thường không? Cô ấy có làm mất lòng ai không? Gần nhà cô ấy có kẻ nào khả nghi? Cô ấy có kể với anh chị điều gì không... Cô ấy chưa bao giờ kể với tôi những điều như thế cả... Chị nói là cô ấy thường đeo nhẫn à? Đúng rồi, đó là cái nhẫn đính hôn tôi mua tặng cô ấy... Kìa, chị đừng nhìn tôi như vậy, tôi đã quá đau khổ rồi...”

Không ai biết tôi giết nàng. Trong mắt họ, tôi là một anh chàng đáng thương, bế tắc vì người yêu mất tích. Xem ra, tôi diễn rất đạt, đến nỗi có một số người không rơi lệ vì bạn gái tôi mà lại rơi lệ vì tôi. Cái thế giới này điên rồi, sao không ai nhận ra tôi đã giết người? Bản thân tôi không thể thừa nhận nhưng họ nên chỉ ra mới phải chứ?

Tự đáy lòng tôi chỉ mong nghe thấy câu “Mày chính là thủ phạm”, tôi vẫn chờ đợi cái giờ phút ấy. Ngay đám cảnh sát nhà nghề cũng không vạch trần tội ác của tôi.

... Tôi mong mình sớm được giải thoát, tôi muốn làm rõ tất cả, muốn thừa nhận mình sát nhân. Nếu không, tôi sẽ phải tiếp tục diễn. Chỉ hiềm, tôi không thể tự thuyết phục mình ra đầu thú, vì tôi sợ, nên tôi chọn cách né tránh vấn đề và ngụy trang tất cả.

Trong một tuần lễ tôi tự điều tra, tức diễn kịch điều tra, tôi vẫn chưa nghe ngóng được gì. Càng lúc tôi càng bế tắc.

“Không có manh mối gì của tên tội phạm, không có tin tức gì?”

Tôi ở một mình trong phòng, tự nói tự nghe, đồng thời thao tác máy tính. Tôi lại mở phim về quá trình phân hủy của người yêu, chăm chú xem một lượt. Khung hình cuối là cảnh nàng bị phân hủy hoàn toàn, trở thành đồ ăn cho vi sinh vật, nàng không còn là hình người nữa mà giống một thứ tôi chưa bao giờ hình dung ra được.

Nói thật tình, tôi cảm thấy tởm lợm. Tôi không muốn theo dõi quá trình con người rữa nát ấy, huống chi đó lại là người tôi yêu. Nhưng tôi buộc phải xem để tự nhắc mình rằng nàng đã bị chính tôi sát hại, rồi ngầm gợi ý rằng mình nên tự thú. Đáng tiếc là lúc nào cũng thất bại.

“Không thể ngồi lì ở đây được, phải đi thu thập thông tin. Muốn điềthuì tra phải xông pha thực tế.”

Không xem phim nữa, tôi đứng dậy, cầm tấm ảnh của nàng và bước ra khỏi nhà. Tôi đi đi lại lại trên phố y như người đang đi tìm nghi phạm thật.

Tôi mang theo bức ảnh chụp nàng trong vườn thú, nàng rất xinh đẹp, sau lưng là chuồng ngựa vằn. Hôm ấy nàng bỗng quyết định phải mua một chiếc máy ảnh thật đắt tiền. Chúng tôi vào vườn thú và chụp những con vật đờ đẫn, hôi hám, một vài tấm cuối mới là chụp bạn gái tôi. Hình ảnh nàng chăm chú nhìn thứ gì đó trước khu chuồng ngựa vĩnh viễn lưu lại trong khung hình.

Tôi bước trên phố, chìa tấm ảnh ra với từng người đi đường. Tự nhiên có người bảo bạn nhìn một tấm ảnh rồi hỏi han, bạn có lúng túng không? Tôi rất hiểu điều đó nhưng tôi buộc phải làm việc này. Có bị thiên hạ coi như một kẻ lang thang thì tôi cũng mặc kệ.

Việc thì mất, tiền dành dụm sắp cạn sạch, có lẽ tôi còn sắp bị tống cổ khỏi căn hộ nhưng không sao, tôi ngủ trên xe là được. Không có gì để ăn, tôi sẽ cướp giật. Phạm tội cũng không sao, tôi chỉ quan tâm đến việc sắm vai kẻ đang điên cuồng tìm hung thủ đã giết người yêu.

Cả một ngày trời tôi đi trên phố tìm tung tích của nàng.

“Bác có biết cô gái trong ảnh này không? Bác có nhìn thấy cô này ở đâu không? Tôi xin bác, bác hãy cho tôi biết...”

Có lần tôi đứng ở một chỗ nói đi nói lại những câu này suốt mấy tiếng đồng hồ, thế là có người trong một cửa hàng gọi điện báo cảnh sát. Rút kinh nghiệm, tôi chỉ đứng một chỗ ít lâu, sau đó lái xe sang phố khác rồi lặp lại hành động y hệt.

Vài bận tôi bị mấy thằng oắt gây sự, thậm chí còn bị đánh nhừ tử trong một con hẻm. Tôi chống trả thì đối phương rút dao ra. Tôi đã mong chúng đâm tôi một nhát trúng tim, thế là tất cả sẽ kết thúc, khỏi phải thừa nhận chính mình đã giết bạn gái. Tôi sẽ chết như một nạn nhân chứ không phải một kẻ sát nhân. Đó là cách duy nhất để tôi thoát sạch tội trạng và bảo toàn danh dự, không cần cầm ảnh nàng đi tìm tên hung thủ vốn không tồn tại, không cần chạy ra phố hỏi người ta về các thông tin hão huyền nữa.

Nhưng tên cầm dao đó không đâm tôi, tôi đành tóm lấy bàn tay cầm dao của hắn rồi cố kéo về ngực mình. Chỉ cần hắn hơi ấn tay thì mũi dao sẽ cắm vào ngực tôi, nhưng thằng nhãi ấy lại bắt đầu run rẩy rồi luôn miệng nói xin lỗi. Mấy gã đứng bên tái xanh mặt mũi. Khi cảnh sát tới, chúng buông tôi ra rồi cuống cuồng bỏ chạy. Lúc đó tôi chỉ muốn hét lên, “Chờ đã! Chúng mày đưa tao đi cùng luôn nhé!”

Người báo cảnh sát là một bà già nhếch nhác bẩn thỉu, chắc bà ta thấy tôi bị lôi vào con hẻm. Bà ta đứng run rẩy sau lưng cảnh sát, người thì còm nhom, áo quần luộm thuộm cổ quái, khó mà tin được là bà ta đang sống ở thời hiện đại. Có khi bà ta không xu dính túi và chuyên ngủ ở những ống cống chật chội nồng nặc mùi xú uế cũng nên. Mặt bà đầy những nếp nhăn rất sâu. Tóc tai bết bẩn, cổ đeo một mảnh gỗ. Thoạt đầu tôi ngỡ bà ta sống bằng cách đeo biển quảng cáo cho một tiệm Pachinko(1) nào đó để kiếm ăn qua ngày, nhưng sự thật lại không phải thế.

(1) Một loại trò chơi giải trí mang tính chất cờ bạc rất phổ biến tại Nhật.

Thứ bà đeo trên cổ là mảnh gỗ nhặt ở thùng rác, trên đó viết mấy chữ ngay ngắn “Tôi đang tìm người.” Bên dưới hàng chữ còn dán một tấm ảnh nam giới, so với tấm ảnh của bạn gái tôi thì cũ hơn nhiều. Tôi hỏi thăm, bà nói đó là cậu con trai duy nhất của bà, đã mất tích hai chục năm nay, còn bà thì liên tục ra đường tìm con. Bà vừa đưa bàn tay nhăn nheo lên mân mê tấm ảnh cũ kỹ, vừa nói bằng thứ tiếng địa phương mà tôi nghe không hiểu hết. Hình như bà rất đau khổ. Ảnh này đã quá cũ rách nhưng bà không còn một hình ảnh nào khác về đứa con nên hết cách rồi.

Tôi quỳ sụp xuống trước mặt bà, trán chạm đất, khóc nức nở. Cả bà và người cảnh sát đứng đó đều ra sức an ủi nhưng tôi cứ lắc đầu quầy quậy.

Trong một căn nhà nhỏ hình như vô chủ trên núi, tôi và bạn gái cãi nhau. Nàng nhìn thấy tấm biển quảng cáo “ZOO” và rủ tôi đến vườn thú, trên đường về phát hiện ra một lối rẽ đã mấy năm nay không đi qua, nàng lại muốn rẽ vào,

có lẽ muốn xem phía trước có gì. Nàng toàn có những hứng thú bất chợt nhưng tôi lại rất thích nàng ở điểm đó.

Cuối đường có một căn nhà nhỏ. Gọi là nhà, thực ra chỉ là một gian phòng ghép bằng những mảnh ván cũ. Hai chúng tôi dừng lại, xuống xe rồi bước vào nhà.

Bên trong có mùi ẩm mốc. Bạn gái tôi thích thú nhìn lên cái trần ọp ẹp cứ như sắp sập xuống. Tôi bèn bấm máy chớp lấy khoảnh khắc này. Kể từ lúc vào vườn thú chụp vô số kiểu, tôi bắt đầu mê máy ảnh.

Đèn flash chớp lên, nàng bỗng nhăn mặt. Chói mắt quá. Nàng gắt gỏng rồi tịch thu tấm ảnh lấy ngay vừa trôi trong máy ra, vò nát. Em rất ghét như thế, nàng nói tiếp, anh quên em đi cho xong! Tôi hỏi, em nói thế là sao, thì nàng đáp rằng không còn yêu tôi nữa.

Bạn gái tôi mất tích từ đó. Một ngày trước hôm cùng đi hóng mát, nàng vẫn đi làm, sau đó đương nhiên là nàng không xuất hiện nữa, vì nàng có rời khỏi gian nhà nhỏ kia đâu.

Có lẽ bạn gái tôi không kể với ai rằng hôm ấy có hẹn với tôi, nếu không thì cảnh sát đã thẩm vấn và tôi đã nhận tội rồi. Tôi chỉ nhận được điện thoại của mẹ nàng, hỏi tôi có gặp con gái bà không. Tình cảm của bà mẹ này xem chừng rất nhạt nhẽo, con gái mất tích mà vẫn bình chân như vại.

Bấy giờ tôi đang nằm run rẩy trong chăn, nghe bà mẹ hỏi, tôi chỉ muốn khai luôn rằng mình đã giết nàng.

“Bác nói sao? Không thấy cô ấy ạ? Bác đã báo cảnh sát chưa? Bác chờ một chút, cháu sẽ sang nhà bác ngay!”

Đầu tôi nghĩ một đằng nhưng miệng nói một nẻo. Và đó là mở đầu cho một màn kịch dài.

Tôi đến nhà bạn gái, nói chuyện với mẹ nàng rồi quyết định báo cảnh sát. Tôi giả vờ muốn biết tung tích nàng, tôi diễn trò lừa dối, tôi sắm vai một gã phát điên vì sự biến mất của nàng.

Còn đây là chuyện xảy ra sau khi tôi cầm theo tấm ảnh bạn gái đi vòng quanh các phố. Một ngày sắp kết thúc, mặt trời đã ngả về Tây. Quay trở lại xe

của mình trong bãi đỗ, tôi ngẩng nhìn những khối nhà mọc san sát xung quanh. Sau lưng chúng là vầng dương sắp lặn, các cột trụ cao to biến thành bóng đen, phủ trùm xuống mặt đất.

“Lại một ngày vô ích.”

Tôi lẩm bẩm. Đang là mùa đông, miệng tôi phả ra những làn hơi trắng xóa. Tôi lần trong túi chiếc áo khoác tả tơi lấy ra tấm ảnh, dịu dàng rê đầu ngón tay khô nứt nẻ qua khuôn mặt nàng.

Xe tôi đậu trơ trọi trong bãi, xung quanh không ai qua lại, bóng tôi đổ dài trên nền bê tông.

“Ngày mai mình nhất định phải bắt được tên tội phạm...”

Hôm nay tôi đã đi bộ quá nhiều, người mệt lử, không chừng ốm lăn ra mất.

Tôi mở cửa xe chui vào ngồi ở ghế lái. Có thứ gì đó trên ghế phụ. “Cái gì thế nhỉ?”

Tôi cầm mảnh giấy vo tròn đó lên, mở ra xem. Một tấm ảnh. Ảnh gì vậy? “Đây là...”

Ảnh bạn gái tôi. Nàng hơi ngẩng đầu, vẻ tự nhiên không hề tạo dáng vô cùng đáng yêu. Phía sau nàng là bức vách được ghép bởi các tấm ván. Góc phải bên dưới tấm ảnh có đề ngày tháng.

“Chuyện gì thế này? Đây chính là ngày cô ấy mất tích.”

Tôi ra chiều khó hiểu. Người yêu tôi đã từng tức giận vò nát tấm ảnh này. “Tại sao nó lại nằm trong xe mình? Không thể hiểu nổi, đây là ảnh khi cô ấy

còn sống. À, đúng rồi, chắc là tên tội phạm đã ném tấm ảnh này vào xe mình.

Khẳng định là thế.”

Tôi mở ngăn đồng hồ xe định cất tấm ảnh vào đó, thì lại phát hiện bên trong có một mảnh giấy.

“Gì nữa đây?”

Ra là hóa đơn của trạm xăng.

“Ngày giờ in trong hóa đơn là ngày cô ấy mất tích, hóa đơn còn in rõ địa chỉ của cây xăng. Làm gì có chuyện này? Hôm ấy mình không đổ xăng, mình chỉ ngồi nhà. Rất có thể là...”

Tôi suy luận, sau đó giả vờ như đã thu được kết luận quan trọng.

“Tên tội phạm dùng xe mình để bắt cóc cô ấy? Chắc chắn là như vậy. Cho nên cô ấy mới dễ dàng bị hắn bắt. Cô ấy tưởng rằng người ngồi trong xe là mình.”

Tôi khởi động máy rồi lái xe đi. Tôi phải đến cây xăng này.

“Vấn đề nằm ở chỗ, nhân viên trạm xăng đã bán xăng nhưng liệu có nhớ người mua không?”

Tôi vừa lái xe vừa lẩm bẩm, đi theo con đường xuyên qua những dãy nhà cao tầng rồi phóng ra ngoại ô. Dọc đường, các khối kiến trúc dần thưa thớt, những ngôi nhà nhỏ đều đượm vẻ hoang vu. Mặt trời đang chìm xuống chân trời, ánh hoàng hôn đỏ ối chiếu qua kính xe rọi vào người tôi. Mọi cảnh vật cứ lùi về phía sau, chỉ có mặt trời vẫn chưa khuất dạng.

Khi tôi đi đến cây xăng thì trời đã tối, bật đèn pha và tiến vào sân, một người đàn ông trung niên bước ra. Ông ta mặc bộ đồ bảo hộ, tay cầm miếng giẻ lau dính xăng dầu. Tôi hạ kính xe xuống, giơ ảnh bạn gái tôi ra cho ông ta xem, “Bác có nhìn thấy cô gái này không?”

Ông ta lộ vẻ hơi ngán ngẩm:

“Cô gái này... rất lâu về trước có đến đây, nói là sẽ đi về hướng Tây.” “Về hướng Tây? Cô ấy đi xe gì ạ?”

“Đương nhiên là ngồi trong xe anh đang lái.” “Thế thì đúng rồi.”

“Chính anh lái nó mà! Trả lời như vậy được chưa? Lời thoại ổn rồi chứ? Ngày nào anh cũng thế này không thấy mệt à? Lặp đi lặp lại một việc không thấy chán hay sao? Mấy tháng đã qua từ lúc tôi bị lôi vào cái trò này của anh, nhưng vì anh là khách quen nên tôi không phàn nàn gì thôi!”

“Bác đừng nói linh tinh! Người lái xe là tôi? Làm gì có chuyện ấy!” Tôi vờ như kinh ngạc. “Đâu có chuyện hôm đó tôi lái xe chở cô ấy.”

Ông chủ cây xăng làm động tác “tiễn khách” ngụ ý đuổi tôi đi cho nhanh.

Tôi bèn nhấn ga tăng tốc, phóng về hướng Tây.

“Khốn kiếp! Rối tinh rối mù lẫn lộn hết cả?” Tôi đập tay vào vô lăng.

“Ông ta dám nói là mình lái xe. Hôm đó mình ở nhà cả ngày kia mà?

Chuyện gì đã xảy ra? Đâu là sự thật, đâu là hoang tưởng.”

Tôi bắt đầu nghi ngờ chính mình, lòng tự tin bắt đầu lung lay. Mấy câu đối thoại với ông chủ cây xăng khiến tôi căng thẳng, vì đó là sự thật. Tôi chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối diện với những chuyện sẽ đến.

Không rõ tự lúc nào tôi đã lái xe vào một rừng cây, cây cối rậm rạp đan xen chắn lối. Đèn pha chỉ chiếu thấy một lối rẽ vào không gian tối đen. Tôi liền phanh gấp.

“Hình như mình đã nhìn thấy cảnh này... Không, không thể nào! Mình chưa từng đến đây kia mà.”

Tôi vòng vào lối rẽ. Đường hẹp, tạm đủ cho một xe đi, dẫn tôi đến một nơi khá rộng rãi. Đèn pha xua tan bóng đêm trước mặt, rọi lên một gian nhà nhỏ bằng gỗ.

“Mình có biết ngôi nhà này...”

Tôi ra khỏi xe, nhìn xung quanh. Không một bóng người. Rừng cây im ắng trong không gian giá lạnh. Tôi mở cốp xe lấy chiếc đèn pin rồi tiến về phía ngôi nhà, mở cửa, bước vào.

Mùi mốc nồng nặc, cảm giác có rất nhiều thứ bẩn thỉu xộc vào phổi tôi. Tôi chiếu đèn pin khắp gian nhà và nhìn thấy một chiếc máy ảnh đặt trên cái giá ba chân đứng ngay ngắn trong bóng tối. Máy ảnh chụp lấy ngay.

Trên nền nhà tung tóe đất là một cái hố. Ống kính máy ảnh chĩa xuống hố.

Tôi bước lại rồi rọi đèn pin xuống cái hố đen kịt.

Tôi đã nhìn thấy. Rồi tôi quỳ sụp xuống. “Mình nhớ ra rồi, sao lại như thế...”

Tôi tiếp tục diễn, màn kịch một người, diễn viên là tôi, khán giả là tôi.

“Thì ra là mình đã giết cô ấy.”

Tôi òa khóc. Nước mắt lăn xuống mặt mũi, rơi xuống nền đất khô tơi tả. Bạn gái tôi đang nằm trong cái hố đó, thi thể đã bị phân hủy nghiêm trọng, héo quắt, dòi bọ chẳng thiết bò đến nữa. Xác nàng co lại, biến thành nhỏ xíu.

“Chính mình đã giết cô ấy. Mình đã phong tỏa những ký ức này, cho nên mình mới quên...”

Toàn là lời thoại tôi nghĩ sẵn. Thực ra tôi không hề quên, tôi vẫn nhớ rõ tất cả. Chẳng qua là tôi đang diễn nên cần phảgitcìnóhnthiữn ết này.

“Mình vẫn đi tìm tên tội phạm, không ngờ tên tội phạm ấy lại chính là mình!

Vì cô ấy tuôn ra những câu quá đáng, mình tức điên, nên đã lỡ tay...”

Tôi vừa nức nở vừa lẩm bẩm, giọng vang khắp căn nhà nhỏ lúc này chỉ có mình tôi. Đèn pin rơi xuống đất, le lói một luồng sáng duy nhất trong nhà.

Tôi chống tay xuống mặt đất giá lạnh, đứng lên. Dù mệt lử, toàn thân cứ như muốn tan ra nhưng tôi vẫn bước đến rìa cái hố và nhìn nàng nằm dưới đó, chìm một nửa trong bùn đất, không còn ra hình người.

“Mình phải báo chuyện này với cảnh sát... mình phải ra đầu thú.”

Tôi quyết tâm làm thế. Đương nhiên đây vẫn là lời thoại, nhưng cũng là ý nghĩ của tôi. Tôi thực lòng muốn ra đầu thú.

“Liệu mình có đủ can đảm không?” Tôi siết chặt nắm tay, tự hỏi. “Mình đã sẵn sàng về mặt tâm lý chưa?”

Tôi nhất định phải làm. Giết người sẽ không thể thoát tội. Tôi phải chấp nhận sự thật rằng, chính tôi đã giết người mà tôi yêu.

“Nhưng quá khó... Để thừa nhận điều này, thật quá khó.”

Tôi lắc đầu, sợ hãi, nước mắt trào ra. Tôi phải làm gì thì mới có thể đi tự thú, thừa nhận tội ác của mình?

“Đến ngày mai thì mình sẽ quên đi tâm trạng lúc này, sẽ quên hết sự thật này. Có lẽ mình sẽ lại phong tỏa ký ức của mình và bắt đầu đi tìm kẻ tội phạm. Mình...”

Tôi đưa tay lên ôm mặt, hai vai rung bần bật. Rồi tôi lại giả vờ nghĩ sang chuyện khác.

“Ừ, đúng! Mình phải nghĩ ra cách gì đó để nhắc nhở mình! Đúng! Chụp ảnh.

Chụp ảnh cô ấy rồi thì mình sẽ không quên được tội ác này.”

Tôi bước đến chỗ máy ảnh, ấn nút mở ống kính. Ánh đèn flash hắt sáng xuống cái hố có xác bạn gái tôi đã bị phân hủy. Xạch! Máy lập tức nhả tấm ảnh ra.

“Hễ nhìn tấm ảnh này thì mình nhớ đến tội ác của mình, có muốn trốn tránh sự thật cũng không được vì mình đã nhìn thấy chuyện mình làm. Mình quyết không né tránh sự trừng phạt.”

Tôi run rẩy đưa ra quyết định. Rồi cầm tấm ảnh bước ra khỏi gian nhà nhỏ. “Phải đến gặp cảnh sát... Mình sẽ đưa họ xem tấm ảnh này và nói: chính tôi đã giết cô ấy.”

Tôi cất đèn pin vào chỗ cũ, leo lên xe, đặt tấm ảnh lên mặt ghế phụ rồi khởi động máy.

Xung quanh là màn đêm. Chân tôi nhấn ga, tiếng động cơ đều đều dưới gầm xe. Lát sau xe chạy ra khỏi khu rừng, bốn bề là đồng không mông quạnh. Đèn pha sáng con đường phía trước, hai bên bóng tối mịt mù.

Cảnh người yêu tôi đang phân hủy lấp loáng trong tấm ảnh trên ghế phụ. Tôi không bật đèn xe nhưng ánh sáng nhàn nhạt hắt ra từ bảng đồng hồ đủ để nhìn lờ mờ.

“Mình phải thành thật với cảnh sát. Phải thừa nhận tội lỗi của mình. Không thể che giấu nữa. Chính mình giết cô ấy, chuyện này vốn dĩ không nên xảy ra. Nhưng thực tế đã xảy ra. Mình không nên làm thế. Nhưng mình yêu cô ấy. Thế là mình đã giết cô ấy...”

Tôi tự nhắc đi nhắc lại mấy lần.

Nhưng tôi biết sau đó chuyện gì sẽ đến. Tôi chỉ dám đọc lời thoại và thừa hiểu bản thân sẽ không ra đầu thú.

Không phải không muốn đi, mà là không thể đi. Thâm tâm tôi muốn nhận tội cho nhẹ nhõm, nhưng tôi không thể hạ quyết tâm, có hạ quyết tâm cũng không thực hiện nổi. Tự tôi biết rất rõ.

Bởi vì mỗi ngày, mỗi tối, tôi đều lặp lại quá trình này. Không chỉ riêng hôm nay, mà ngày nào cũng thế, hễ một ngày sắp kết thúc tôi đều diễn cùng một màn kịch. Vào lúc hoàng hôn, tôi lên xe cầm xem tấm ảnh bạn gái đã nhàu nát. Rồi tôi bắt đầu màn diễn nghi ngờ chính mình. Tiếp đó tôi phóng tới cây xăng, đối thoại với bạn diễn là ông chủ trạm xăng. Ngày nào tôi cũng xuất hiện vào cùng một thời điểm cùng những lời thoại. Sau đó tôi lại đi tìm gian nhà nhỏ cũ kỹ, nhìn xác bạn gái, cuối cùng giả vờ vừa mới nhớ ra rằng chính mình đã giết nàng.

Tiếp đó tôi hạ quyết tâm đi đến sở cảnh sát... Phần này đương nhiên nằm trong kịch bản.

Nhưng vẫn không được như mong muốn. Nếu quyết tâm của tôi không sụp

đổ thì giờ đây tôi đã được đi tù và sống yên ổn trong đó rồi.

Cây xăng đã đóng cửa, tất cả tối om. Đi thêm quãng nữa sẽ nhìn thấy tấm biển quảng cáo. Mỗi lần nhìn thấy tấm biển quảng cáo thì quyết tâm của tôi lại đổ vỡ, tôi rất hiểu điều này, vì tối nào tôi cũng lặp lại ngần ấy việc.

“Vườn thú: Đi thẳng 200 mét rẽ trái.”

Đèn pha sẽ quét lên hàng chữ này trên tấm biển, bên dưới có ba chữ cái tiếng Anh “ZOO” - cái gây ấn tượng mạnh đối với tôi.

Khi nhìn thấy từ này, trong đầu tôi sẽ hiện lên hình ảnh người yêu, hiện lên cảnh chúng tôi cùng xem phim, cùng vào vườn thú, cảnh chụp ảnh, chuyện ngày trước hồi mới gặp nhau lần đầu, khi tôi tâm sự với nàng mình là trẻ mồ côi lớn lên trong cô nhi viện... nàng vốn rất ít cười nhưng đã nhoẻn cười. Tất cả những hình ảnh ấy tràn vào đầu óc tôi. Tấm biển quảng cáo thoáng hiện lên, xe tôi băng qua, tấm ảnh xác chết đang phân hủy sẽ biến thành nàng như khi còn sống, nàng sẽ ngoảnh sang nhìn tôi, đưa tay lên vuốt mái tóc tôi. Chắc chắn trong đầu tôi có những ảo ảnh như vậy.

Như thế, tâm trí tôi sẽ lắng xuống. Không, không thể nào là tôi đã giết nàng! Nhất định tôi sẽ nghĩ như vậy. Xe chạy một lát, tôi sẽ đỗ lại giữa lòng đường rồi khóc òa như một đứa trẻ. Về đến khu nhà, tôi sẽ cầm tấm ảnh trên ghế thả vào thùng thư của mình. Tôi cầu nguyện ngày mai sau khi nhìn thấy tấm ảnh này, tôi có thể thật sự hạ quyết tâm đi gặp cảnh sát. Có lẽ đoạn phim chắp nối sắp được tăng thêm độ dài 1/12 giây có thể củng cố tâm lý vững vàng giúp tôi. Tôi đặt tấm ảnh nàng đã vò nát trước khi chết và tờ hóa đơn mua xăng vào vị trị cũ ở trước mặt, để chuẩn bị sẵn cho hoàng hôn ngày mai. Vở diễn thường nhật của hôm nay đã kết thúc.

Không sai, tôi chẳng biết gì về cái chết của nàng hết. Kết thúc một ngày, tôi vẫn không thừa nhận mình đã giết bạn gái. Điều này là bất biến, tôi giống như con khỉ xấu xí quanh quẩn trong vườn bách thú, cuộc sống mỗi ngày đều lặp lại y hệt. Đến sáng hôm sau, tôi sẽ ra thùng thư và phát hiện thấy tấm ảnh, sau đó đứng đờ ra kinh ngạc. Những việc như vậy không sao thay đổi được.

Xe vẫn chạy trong màn đêm. Con đường này tối nào tôi cũng đi qua. Tôi đã đi trên đó liền mấy tháng trời, và sẽ còn đi bao lâu nữa đây? Sắp nhìn thấy tấm biển quảng cáo. Nó sẽ khiến tôi nhớ lại từng chi tiết khi tôi và nàng ở bên nhau.

Tôi nắm chặt vô lăng, chầm chậm lái xe đến gần tấm biển.

“Chính tôi... Tôi đã giết cô ấy... Là tôi...”

Miệng tôi lẩm bẩm, tôi quyết định rồi. Dù biết là vô tác dụng nhưng tôi cứ cầu mong một sự thay đổi. Tôi cầu mong sau khi xe chạy qua tấm biển quảng cáo viết chữ “ZOO”, thì tôi vẫn duy trì được quyết tâm. Cái cảm giác này hệt như đang trông mong vào một vị thần linh.

Luồng sáng đèn pha quét phía trước vẫn trải dài ra mãi, cỏ cây khô héo hai bên đường vùn vụt lùi về phía sau và biến mất. Sắp đến rồi, sắp nhìn thấy tấm biển quảng cáo quyết tâm của tôi thường sụp đổ khi đi qua chỗ này.

Tôi nín thở khi xe lướt qua đó. Khoảnh khắc ngắn ngủi dường như ngừng lại, có cảm giác chiếc xe đang bồng bềnh bay lên bầu trời tối đen, dừng ở một nơi nào đó trong vũ trụ.

Tôi cho xe chạy thêm một đoạn rồi mới đỗ xe ở giữa lòng đường. Chìa khóa vẫn cắm trên ổ thậm chí quên cả hạ phanh tay, tôi xuống xe. Gió thổi khô mồ hôi trên người, tôi ngoảnh nhìn màn đêm vô tận sau lưng.

Tôi nhớ đến những thứ vừa nhìn thấy qua kính xe, à không, thực tế là tôi không hề nhìn thấy.

Tôi chỉ nghe nói mà thôi. Nghe nói mọi người không đến những nơi này nữa, nên các vườn thú và khu vui chơi trong cả nước đều lần lượt đóng cửa.

Hôm đến vườn thú, chính bạn gái tôi đã nói như vậy.

Tấm biển quảng cáo có chữ ZOO tối qua tôi vẫn nhìn thấy, giờ không còn nữa, chỉ có khoảng không trống vắng. Tôi lái xe qua đó mà không nhìn thấy gì. Bóng dáng người yêu không xuất hiện, nàng không ngồi trên ghế phụ khi tôi phóng xe trên đoạn đường vừa rồi. Tôi thật có tội khi không nhớ đến nàng, nhưng đồng thời cảm nhận rằng đó là lời cảnh cáo thầm lặng của nàng đối với tôi.

Tôi trở vào ngồi lên ghế lái, bắt đầu thầm cầu khấn. Tôi cầu khấn với các vị thần linh chăng? Hay cầu khấn với người con gái đã bị tôi sát hại? Không biết nữa. Nhưng tôi hiểu rằng vở diễn đã hạ màn, sau đây tôi sẽ đến sở cảnh sát để tự thú. Lòng tôi bình tĩnh lạ thường.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui