Hamlet Trương
Lời ngỏ
Gửi những người thương,
Để tôi kể cho bạn nghe câu chuyện về một cậu bé và ước mơ. Có một cậu bé nặng gần 90kg, nhưng lại thích làm ca sĩ - một nghề mà đòi hỏi rất nhiều những yếu tố bề ngoài lẫn nội lực bên trong. Vốn không phải là con nhà làm nghệ thuật nên cậu bé không biết phải bắt đầu từ đâu, cậu nhìn thấy sân khấu với một khoảng cách xa ơi là xa.
Cậu bé nghĩ, để đến một nơi người ta cần phải có phương tiện và những chiếc cầu. Lúc đó cậu chỉ có một giọng hát yếu ớt, mỏng dánh, nên cậu nghĩ cậu cần phải có: Bài hát. Vậy là cậu tập sáng tác nhạc một cách tự nhiên nhất, đó là nghe nhạc và bắt chước cấu trúc bài hát rồi sáng tạo những giai điệu của mình. Năm cậu học lớp mười một cậu có trong tay bài hát trọn vẹn đầu tiên, đó là bài “Giống anh nhưng không phải là anh”. Cậu đi học hát, cậu giảm cân gần 30kg...
Cậu tìm thấy chiếc cầu đầu tiên: Làm cộng tác viên báo chí. Cậu làm công việc này từ lúc không biết gì đến khi cậu có rất nhiều mối quan hệ với nhiều người trong giới nghệ thuật. Rồi nhờ đó cậu tìm thấy chiếc cầu thứ hai: Công ty giải trí. Cậu làm việc ở công ty giải trí với nhiều vai trò từ biên tập chương trình, điều phối chương trình đến việc đưa những ca khúc của mình cho ca sĩ hát. Cứ vậy từ từ từng bước một, sau bảy năm trời cậu bé đã bước lên sân khấu lần đầu tiên và hát bài hát do chính mình sáng tác. Đó là một con đường dài, dài đến nỗi cậu bé - là tôi - không còn muốn kể nhiều nữa. Giây phút tôi chạm đến ước mơ của mình, cũng là lúc tôi buộc mình phải suy nghĩ: Mình có thực sự cần phải là một ca sĩ?
Có nhiều hạnh phúc mà mang vác mãi cũng trở thành gánh nặng. Những nỗi buồn khi mình quá chậm chân trong khi những người bạn cùng tuổi khác bắt đầu từ sớm và đã thành công, những nỗi ghen tị khi mình thua kém bạn bè dù mình cũng có những khả năng nhất định, những nỗi chán chường vì chờ đợi đôi khi không dễ chịu ấy! Và cả những thất vọng khi nhận ra mình đang bị thao túng chỉ vì mình để người khác thấy được ước mơ.
Rồi tôi dừng lại.
Tôi nghĩ, nếu tôi không là một ca sĩ tôi có thể là một người làm truyền thông vì tôi đã viết rất nhiều trong bảy năm qua. Bộ sưu tập của tôi có đến hàng ngàn bài báo lưu lại những cuộc phỏng vấn với rất nhiều ngôi sao Việt Nam.
Nếu tôi không là một ca sĩ, tôi có thể là một người soạn nhạc! Tôi sẽ gửi cho những giọng ca tuyệt vời những bài hát mà tôi tâm đắc nhất!
Nếu tôi không là một ca sĩ, tôi sẽ viết thêm nhiều sách cho bạn đọc! Đã là cuốn thứ năm rồi và chưa có dấu hiệu dừng lại...
Tôi có thể dẫn chương trình Radio cho bạn nghe trước khi ngủ...
Tôi có thể làm người dẫn chương trình truyền hình, cũng vui phết!
Chỉ cần không nhất quyết phải làm ca sĩ, thì tôi có hàng chục con đường thênh thang khác để bước. Chính lúc “buông” sự cố chấp với ước mơ đó, tôi lại tìm thấy chính mình và bắt đầu có nhiều sân khấu hơn để hát. Tôi mơ hồ hiểu, hóa ra bảy, tám năm trời qua không phải là thời gian để thực hiện ước mơ ca sĩ, màlà thời gian để rèn luyện kỹ năng. Khi đã có kỹ năng, nếu may mắn thì nó sẽ trở thành tài năng, tất cả kỹ năng - tài năng sẽ bảo vệ cuộc sống của bạn.
Tôi hôm nay với suy nghĩ rất khác đó có thể sẽ làm cậu bé “tôi” năm xưa thất vọng - cái cậu bé mà “bằng mọi giá phải làm ca sỹ” ấy, cậu bé mà chỉ cần không tập trung theo đuổi một ước mơ ca sĩ duy nhất thì sẽ cảm thấy mình như thất bại hoàn toàn ấy... Nhưng ai rồi cũng khác. Con người phải lớn lên và thay đổi dù có khi họ phải mất rất nhiều thời gian để nhận ra điều ấy.
Tôi đang sống những tháng ngày thanh xuân hạnh phúc nhất: Làm những gì mình thích!
Mỗi lần bước ra sân khấu, ngoài việc cảm ơn Tổ nghề, tôi còn phải cảm ơn chính bản thân mình vì có lẽ mình đã may mắn bước ra khỏi vòng suy nghĩ cạn cợt để không mất quá nhiều thời gian. Mối quan tâm duy nhất của tôi hiện tại là bằng những công việc của mình, những ca khúc tôi hát hay những cuốn sách tôi viết, có thể mang lại cảm hứng cho những người trẻ, sưởi ấm và đi cùng họ qua những bão giông của công cuộc trưởng thành. Có thể nhiều năm nữa tôi vẫn chỉlà một nghệ sĩ nhỏ bé nghêu ngao hát những câu ngớ ngẩn, nhưng trong đường đua của tôi với chính tôi ngày hôm qua, thực sự đã khác rất nhiều.
Cuốn sách này là món quà cũng như lời cầu chúc của tôi dành cho bạn!
Tôi chúc bạn “rồi cũng khác”, cũng tức là chúc bạn sẽ biết mình phải làm gì với cuộc đời mình bên cạnh những ước mơ thuở nhỏ. Suy cho cùng, so với “muốn mà không được” hay “có rồi lại mất” thì “không còn muốn một thứ gì đó nữa” vẫn dễ chịu hơn, và tự khắc, bạn lại có nhiều hơn!
Thương!
Hamlet Trương.
Thân nhưng không thương
Người để thân đã ít, lại còn phải xét chuyện thân - thương?
Từ bé đến lớn, mỗi dịp lễ Tết là y như rằng nhà tôi có rất nhiều đồ. Tết Trung Thu nhiều bánh, Giáng Sinh nhiều lịch, Tết âm lịch nhiều bia. Đồ của người ta biếu bố tôi nhiều vô số kể, mỗi người một ít, góp lại thành nhiều. Hiện tại, bố tôi gần về hưu, quà cáp ít dần đều, mọi thứ ít dần đều.
Dĩ nhiên nhà tôi chả ai để ý những chuyện đó, nhưng tôi hay đùa lơi, kiểu ối xời ơi, Tết này chả có bia thùng đem bán nữa rồi! Và may mắn thay, vì chả bao giờ ai trong nhà này đặt sự chú ý vào những đồ ngoài thân đó, nên khi chúng ra đi, cũng chả ai buồn.
Tôi thấy bố tôi có ông bạn già gần nhà, hay ngồi nhậu nhẹt kể lể này nọ. Ngày xưa có lần trường bắt đóng tiền học mà tôi quên không xin, đến trưa quáng quàng lên thì bố đã đi làm. Bố tôi kêu qua nhà chú T,nói chú đưa đi, tối ông đưa lại. Trong bụng tôi nghĩ, chắc hai ông thân nhau lắm đây, sao bạn bố nhiều thế mà khi cần lúc nào cũng chỉ muốn nhờ vài người thân nhất. Mơ hồ trong tôi tự hiểu rằng, “thân”, cũng có nhiều loại.
“Thân”, là chỉ những mối quan hệ qua thời gian lâu ngày đã trở thành quen thuộc, và một số quy tắc ứng xử thỉnh thoảng có thể được châm chước xóa nhòa nếu đôi bên dễ tính.
“Thương”, là cảm giác quý mến, muốn quan tâm đến đối tượng đó và mang đến cho họ niềm vui, chia sẻ lợi ích không cần lý do và không cần điều kiện.
Chúng ta có rất nhiều người “thân”, cũng có nhiều “người thương”, cũng có nhiều người “thân” nhưngkhông “thương”.
Bạn sẽ bảo tôi ôi cái ông này lại huyên thuyên, chia nhỏ khái niệm ra để làm gì, được gì cơ chứ!?
Nhưng bạn thân mến, khi bạn càng nhìn nhận mọi thứ rõ ràng, bạn sẽ bớt tổn thương hơn nhiều lắm.
Có lần tôi qua nhà đón cô bạn thân xuống nhà mình chơi. Nhà tôi thì xa trung tâm Sài Gòn gần bốn mươi lăm phút chạy xe, chở bạn xuống, ăn uống no nê xong tôi sinh ra làm biếng. Mỗi khi lười đón đưa ai, tôi sẽ gửi tiền taxi cho họ để họ về.
Về lý, bạn tôi đi xe taxi mát mẻ thoải mái, tôi thì không phải ra nắng hay phí sức chạy đi chạy về. Một công đôi chuyện.
Nhung về tình thì như vậy là không hay, cho thấy sự thiếu tinh tế, không hết lòng. Quả thật là cô bạn tôi cô ấy “ghim”, có mấy lần nhắc lại vẫn cảm thấy giận. Vì đã có nhiều lần cô ấy giúp tôi chạy ra chạy vào giữa nhà tôi và trung tâm Sài Gòn, mà cô có than nắng, có than mệt bao giờ đâu?
Cũng có đôi khi, tôi thấy vài người bạn đi với nhau. Nhưng theo quan sát của tôi, họ vốn dĩ không phải là những người cùng một tuýp. Thậm chí có người chẳng ưa gì nhau, nhưng buồn quá, cô đơn quá, nên đi chung đại cho có tụ. Mà đời này hễ làm cái gì cho “có tụ”, thì nó đều trật quẻ và chẳng đi tới đâu.
Giống những người thứ gì cũng có, chỉ là không có hạnh phúc.
Tôi quan niệm, tình bạn cũng cần say mê.
Một mối quan hệ không có sự say mê là một mối quan hệ chết. Nhiều khi công nhận mình “mê” bạn thì ngại, nhưng sự thật là tình bạn khắng khít là nhờ mê mẩn nhau, cái gì cũng muốn nói, thứ gì cũng muốn sẻ chia. Giống như người mẹ có đứa con rồi, thì suốt ngày chỉ muốn ôm con.
Hay những cậu bé tìm được món đồ chơi mơ ước bao lâu, sẽ giữ cạnh cả ngày.
Bạn bè cũng vậy.
Hồi xưa có khi chúng tôi đi lang thang ngoài đường ngày Tết như dở hơi, chúng tôi coi hai bộ phim liên tục vào suất chiếu cuối cùng và rạp chỉ có vài người. Nói chung chúng tôi làm mọi thứ điên rồ nhất, miễn là có nhau thì mọi thứ trở thành hợp lý.
Có những câu chuyện có thể nói mãi đến vài năm,
Những nơi chốn nhắc mãi đến vài năm,
Và những người tình nào của mỗi người gây đaukhổ thế nào đều hiện lên trán mỗi đi nhắc lại.
Phải thương nhau, thì mới có thể lắng nghe và ghi nhớ...
Tình thân thương đó, phân biệt sớm chừng nào thì hay chừng đó. Bởi lẽ cuộc đời không quá dài, để chúng ta dành thời gian cho những người không xứng đáng.
Những người thân rất thương không nói lời mà biết chắc rằng khi đã buông ra thì không bao giờ vết thương có thể lành trong lòng bạn mình.
Những người thân rất thương biết đâu là điểm dừng, ọi thứ.
Những người thân rất thương không mang cái tôi quá lớn vào câu chuyện chung, không đòi hỏi người thân phải xem mình là ông này bà nọ, không hàm hồ nghĩ rằng tình bạn là sự ban phát.
Những người thân rất thương muốn biết chuyện gì xảy ra với bạn, muốn nâng đỡ bạn, muốn dành cho bạn điều mà họ tin rằng sẽ làm bạn hạnh phúc.
Họ cho bạn thứ mà họ không tùy tiện trao tặng người dưng.
Họ nghe được điều xảy ra trong tim bạn, dù bạn chưa nói.
Họ tin rằng bạn xuất sắc trong cuộc đời của bạn, trong điều bạn làm, dù kết quả có như thế nào.
Có lẽ tôi đã làm bạn chạnh lòng, bởi có khi lúc này nhìn lại, bạn không biết mình còn có bao nhiêu người.
Như vậy, xác định một tình thân không thể đo bằng năm tháng, mà đo bằng cái “thương” mình dành cho họ. Cái thương đó thì tính bằng hiểu và chấp nhận. Cứ nghĩ đơn giản, như những người tình, có khi họ chẳng làm gì cho ta, nhưng ta cũng vẫn muốn ở cạnh và yêu thương họ. Tình thân cũng từa tựa vậy, họ chẳng làm gì cho ta cả, nhưng chính trong lúc ta ở cạnh họ, đã thấy mình bình an và thanh thản lắm. Còn khi ở cạnh, mà ta bất an, ta không muốn nghe họ nói những lời buồn, ta ngán ngẩm khuôn mặt, ta không thích đụng chạm, không muốn hỏi han, ta đùa không thấy vui... thì ta nên tự hiểu rằng có lẽ tình cảm đã đến điểm chết. Chỉ có hai lựa chọn, một là cho nhau thời gian để bảo toàn năng lượng, hai là hẹn lại ngàn sau.
Tình thân thương là vô biên. Nhưng đó chỉ khi là tình ruột thịt. Còn những tình cảm còn lại, không khéo thì đều trở thành thứ có hạn kì. Nhất là khi một trong hai bắt đầu có dấu hiệu trân trọng cái tôi của mình hơn tất cả, hoặc nhân danh tình thân để phớt lờ những quy tắc xử sự nhằm tổn hại lợi ích của nhau, hay đơn giản hơn là không còn thẳng thắn được với nhau nữa.
Thỉnh thoảng chúng ta sẽ than trời, sao đều là người lớn, đều tự tin vào trí thông minh của mình, vậy mà giữ một người bên cạnh lâu dài cũng không thể làm được? Vì sao tha thứ cho kẻ thù thì dễ, mà tha thứ cho bạn thân lại khó gấp ngàn lần?
Bởi chúng ta không phải là thánh, tim không đủ rộng để chịu thấu mãi những lời buồn.