Sang tuần tiếp theo, vị tiến sĩ ở bên Mỹ kia đích thân đến Việt Nam để khám bệnh và đánh giá mức độ thử nghiệm thuốc trên người ông tôi.
Trước khi tiến hành việc này tôi vẫn rất lo lắng, tôi rất sợ lỡ xảy ra chuyện gì thì mình sẽ mãi mãi mất đi ông, cho nên từ lúc gặp bác sĩ đến khi họ xác nhận có thể thử thuốc thì tôi đứng ngồi không yên được, cứ bồn chồn giống như ruột gan có lửa vậy.
Có lẽ Thành cũng hiểu được nỗi lo trong lòng tôi nên suốt quá trình này anh đều ở cạnh tôi, anh nói “Mỗi người đều có số phận của riêng mình, chẳng ai quyết định được số mệnh của ai cả.
Nếu ông ở lại với chúng tôi thì đó là phúc phần mà chúng tôi được hưởng, còn nếu như ông ra đi thì hãy coi đó là một sự giải thoát nhẹ nhàng.
Không phải nhẹ nhàng cho chúng tôi, mà là nhẹ nhàng cho ông, chấm dứt mọi đau đớn trong kiếp này”.
Khi nghe những lời ấy, chẳng hiểu sao tôi lại có thể gục vào vai anh khóc ngon lành.
Tôi nói:
– Em không dám mong ông sống đến trăm tuổi gì cả, chỉ mong ông có thể chờ đến ngày Mimi ra đời thôi.
Lúc ông tỉnh ông vẫn luôn mong thế, em cũng mong thế…
– Ừ, ông muốn được thấy Mimi nên ông sẽ kiên cường đến tận phút cuối cùng, thế nên em cũng phải vui vẻ lên.
Em có vui vẻ động viên ông thì ông mới có động lực để cố gắng được, biết không?
Tôi mếu máo gật đâu:
– Em biết rồi.
Anh khẽ cười, đưa tay lên lau nước mắt vẫn dính tèm lem trên mặt tôi:
– Khóc xấu thế mà cũng khóc, con học theo bây giờ.
Cười lên anh xem nào.
– Cười mới xấu.
– Đẹp, cười anh xem nào.
– Không mà.
Vì có anh động viên nên cuối cùng tôi cũng hạ quyết tâm ký giấy xác nhận đồng ý dùng thuốc thử nghiệm kia trên người ông.
Bình truyền đầu tiên, khi chảy được 1/3 thì đột nhiên ông bị sốc, mất huyết áp, mất mạch, tim ngừng đập.
Các bác sĩ lập tức ép tim cấp cứu, cuối cùng hơn 10 phút sau cũng dần dần có mạch trở lại.
Tiến sĩ người Mỹ kia đánh giá tình hình cơ thể ông một lần nữa rồi quyết định truyền thêm một bình thứ hai, nhưng truyền xong xuôi rồi mà ông tôi vẫn không tỉnh lại.
Tiến sĩ giải thích với tôi rằng, cần phải để cơ thể có thời gian để tiếp nhận thuốc, từ đó kích thích sản sinh ra các tế bào khỏe mạnh lấn át được sự phát triển của tế bào ung thư, rồi gì gì mà kích thích hồi phục các cơ quan bị tổn thương, những thuật ngữ chuyên môn tôi không rõ, nhưng đại loại vì các bác sĩ bảo chờ nên tôi chỉ có thể kiên nhẫn chờ đợi.
Ba ngày sau, khi truyền hết bình truyền thứ 4, tôi mới hỏi:
– Thời gian tiếp nhận thuốc là bao lâu hả bác sĩ?
– Trong vòng 2 tuần, nếu có chuyển biến thì các chỉ số cơ thể sẽ tốt lên, nếu không thì cơ thể sẽ c.hế.t dần chế.t mòn.
Hai tuần này chúng tôi sẽ ở Việt Nam theo dõi, có kết quả sẽ thông báo với gia đình ngay.
– Vâng, cảm ơn bác sĩ.
Hai tuần bình thường thì trôi qua rất nhanh, nhưng đối với tôi, thời gian này trôi qua chậm chạp và nặng nề kinh khủng.
Tôi không dám rời ông nửa bước, ngày nào cũng túc trực bên cạnh giường bệnh của ông, đi ngủ cũng thấp tha thấp thỏm.
Thành sợ tôi mệt nên có mấy lần bảo tôi về nhà nghỉ ngơi một bữa, nhưng tôi sợ mình về rồi, lỡ có chuyện gì cũng không kịp từ biệt ông lần cuối.
Thế nên tôi nhất quyết lắc đầu:
– Lúc trước bố mẹ mất, em vẫn chưa có nhận thức nên không biết gì cả.
Nhưng giờ em lớn rồi, từ nhỏ đến lớn em chỉ có một mong ước thôi, được ở bên cạnh ông cho đến khi ông nhắm mắt xuôi tay.
Thế nên anh đừng bắt em về nữa, cho em ở đây đi, em không sao đâu mà.
– Quỳnh Chi, nếu em cứ thế này thì sẽ mệt đấy.
Còn có con trong bụng nữa, Mimi cũng cần nghỉ ngơi.
– Em biết rồi, từ giờ em sẽ ăn ngon ngủ kỹ, không lo lắng nữa.
Nhé, em không sao đâu, anh đừng lo.
Lần nào anh cũng không nói được tôi nên chỉ có thể thở dài.
Tôi nằm bên cạnh mới đưa tay lên, nhẹ nhàng sờ môi anh rồi lại sờ mắt anh, thấy vẻ mệt mỏi ẩn hiện dưới hai đầu lông mày ấy, tự nhiên cũng thấy lòng nặng nề vô vàn.
Gần một tháng nay ông tôi nằm viện, nghe nói các cổ đông lớn đang bắt đầu đấu đá tranh giành lợi ích, hai bà cô không giúp thì thôi, còn tung tin ông tôi sắp mất rồi tranh thủ khuấy đảo nội bộ công ty, khiến Hằng Phong bây giờ như một nồi canh thập cẩm vậy, một mình Thành giải quyết chắc sẽ rất đau đầu.
Tôi vướng ông nội và cả Mimi nên không giúp được anh, chỉ có thể nói:
– Anh cũng cố gắng nhé, bây giờ là lúc Hằng Phong cần anh nhất, anh phải cố lên.
Một thời gian nữa thôi.
Em sinh xong Mimi sẽ quay về công ty phụ anh.
– Anh không sao.
Anh ôm tôi vào lòng, mỉm cười rất nhẹ nhàng:
– Em cứ sinh Mimi khỏe mạnh là được rồi.
Anh gánh vác được, không cần lo lắng gì cả, biết không?
– Vâng, em biết mà.
Nhưng vẫn thương chồng, một mình gồng gánh cả giang sơn.
– Đâu có, còn có hậu phương là vợ con nữa mà.
– Ừ nhỉ?
Tôi rúc vào ngực anh, trong lòng tràn ngập tình yêu thương vô bờ bến:
– Quên mất, anh còn có em và Mimi nữa mà.
Thời gian chầm chậm trôi đi, cuối cùng cũng gần hết tuần thứ hai.
Các bác sĩ nói cơ thể ông tôi đã bắt đầu có chuyển biến, dù rất chậm và rất nhỏ thôi, nhưng đã có chuyển biến nghĩa là tín hiệu vui rồi.
Tôi nghe được tin này thì mừng ơi là mừng, định cầm điện thoại gọi báo cho Thành thì lại thấy chị Uyên nhắn tin đến.
Chị ta nói:
– Sáng ngày mai tôi sẽ về nước.
Trò chơi bắt đầu chứ nhỉ?
Tôi khẽ nhíu mày.
Thời gian qua lu bu với chuyện của ông quá nên tôi quên béng đi chị ta, không ngờ chị ta lại về nước nhanh thế.
Dù sao nhân tình của chồng đã mất công thách thức thì tôi cũng sẽ tiếp đến cùng, thế nên tôi nhắn lại:
– Thời gian cụ thể đi.
– 9h sẽ hạ cánh.
Nếu anh ấy đến, tôi thắng.
– Được.
Nếu anh ấy không đến, thì chị cút cho xa vào.
– Cứ đợi đấy rồi xem ai sẽ thua ai.
Tôi nghĩ ngày mai là chủ nhật, theo bình thường thì Thành sẽ nghỉ cả ngày để ở bệnh viện với tôi, lúc đó tôi sẽ tìm cách giữ anh ở lại, dù sao chuyện chị ta về nước cũng chẳng phải vấn đề quan trọng.
Chủ yếu là anh có muốn đi hay không.
Nếu anh đi thì coi như tôi chẳng còn gì để nói.
Còn nếu anh ở lại… dù chị ta không rời xa anh như lời hứa cũng được, chủ yếu tôi biết mình thắng là đủ!
Nhưng cuối cùng, kết quả lại nằm ngoài dự liệu của tôi, nếu không muốn nói là thật sự khiến tôi thất vọng.
Ngày hôm sau, mới 7h sáng anh đã nói với tôi anh phải ra ngoài, tôi biết anh đi đâu nhưng vẫn hỏi:
– Em tưởng hôm nay anh được nghỉ mà.
Sao thế hả anh? Có việc gì à?
– Ừ.
Anh có ít việc.
– Tý nữa em đi siêu âm Mimi, anh không định đi với em à?
Rõ ràng từ khi biết tôi có thai, lần nào siêu âm Mimi anh cũng sắp xếp công việc để đưa tôi đi.
Nhưng lần này tôi bảo đi siêu âm thì nét mặt anh lại hiện rõ vẻ khó xử, anh bảo:
– Đợi sang đến buổi chiều được không? Chiều anh có thời gian, anh sẽ đưa em đi
– Bác sĩ hẹn lịch khám vào sáng nay.
– Để anh gọi điện thoại nhờ bác sĩ dời lịch vào buổi chiều.
– Không.
Lịch vào buổi sáng thì cứ thế đi vào buổi sáng đi.
– Quỳnh Chi.
Buổi sáng anh phải đi có việc, để sang buổi chiều rồi đi.
– Việc của anh quan trọng hơn hay em và con quan trọng hơn?
Trước giờ, tôi dù bướng bỉnh nhưng lại chưa từng ép anh phải lựa chọn thứ gì, cho nên bây giờ khi tôi nói ra như vậy, Thành cũng đủ hiểu là tôi kiên quyết và nghiêm túc.
Anh sững sờ nhìn tôi:
– Quỳnh Chi, đang có chuyện gì à?
Tôi vẫn không muốn nói chuyện cá cược với anh, sợ anh nghĩ tôi ghen tuông mù quáng nên chỉ bảo:
– Không sao.
Không có chuyện gì cả.
– Nếu không có chuyện gì thì tại sao hôm nay em nhất quyết không muốn anh đi?
– Chẳng có lý do gì cả, tự nhiên em muốn thế thôi.
Em háo hức muốn gặp con, muốn đi siêu âm buổi sáng.
Thành có lẽ cũng phát hiện ra tôi nói dối, nhưng vì tôi khăng khăng không chịu trả lời thật nên anh cũng không truy hỏi nữa.
Cuối cùng, anh thở dài:
– Được rồi.
Sau đó, anh thật sự không đi nữa, nhưng trái tim thì dường như không đặt ở chỗ tôi.
Anh sốt ruột đến mức cứ chốc chốc lại nhìn đồng hồ, sau đó lại cầm điện thoại lên xem giờ, bộ dạng sốt ruột chưa từng có.
Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ thấy một người điềm tĩnh như anh trở nên nôn nóng như vậy, cũng chưa bao giờ thấy anh thở dài nhiều như thế, nỗi thất vọng trong lòng cứ tích tụ lại rồi lớn dần lên.
Cuối cùng, khi nó lớn đến mức tôi không nhẫn nhịn được nữa, tôi mới hạ quyết tâm hỏi anh:
– Việc gì mà quan trọng với anh thế?
– Chuyện công ty.
Quỳnh Chi, anh đi một lúc rồi về ngay, được không?
– Anh đừng đi.
Hoặc nói rõ với em rồi hãy đi.
Tôi nghĩ nếu chị ta dùng chuyện gì đó đe dọa anh, anh cứ thẳng thắn nói với tôi là được.
Nếu anh thật lòng thật dạ coi trọng tôi thì chẳng có lý do gì không chia sẻ với tôi.
Nhưng cuối cùng, thật đáng buồn, anh vẫn lựa chọn không nói.
Lúc ấy, cảm giác thất bại cùng ấm ức mà không nói được, yêu hận đan xen khiến tôi không thể phân biệt nổi thật giả.
Dường như trong lòng còn có một màn sương mù dày đặc, tôi lại không thể thấy mặt trời xuyên qua đám mây nên không thẳn thắn đến cùng, cũng im lặng chiến tranh lạnh với anh.
Chúng tôi cứ như vậy giằng co cho đến 9h sáng thì điện thoại anh rung lên, thông báo có tin nhắn đến.
Lần này, Thành không kiên nhẫn được nữa, đọc xong tin nhắn kia thì đứng phắt dậy:
– Quỳnh Chi, anh phải đi.
Một lúc thôi rồi anh sẽ về.
Buổi chiều anh sẽ đưa em đi siêu âm, anh hứa.
– Anh đi vì cái gì? Anh đi đâu.
– Anh có việc.
– Hôm nay lịch trình làm việc ở công ty không có, cũng không có hợp đồng nào phát sinh.
Thế thì việc của anh là gì? Việc gì mà quan trọng đến mức em đã nói anh ở lại rồi nhưng anh vẫn đi?
Anh hé miệng, muốn nói gì đó nhưng nghĩ thế nào rồi lại thôi.
Ánh mắt anh tràn ngập khó xử và bối rối nhìn tôi, sau đó thở hắt ra một hơi:
– Quỳnh Chi, anh phải đi.
– Lý do vì gì? Chỉ cần anh nói ra lý do, nếu đúng có chuyện bắt buộc phải đi, em sẽ để anh đi.
– Chuyện này… tạm thời anh chưa thể nói được.
Nhưng anh đi nhanh thôi, anh sẽ về sớm rồi đưa em đi siêu âm được không?
Sự phẫn nộ trong lòng tôi phút chốc bứt tung ra, không đợi nghe anh nói hết câu đã gào lên:
– Lúc nào cũng nói tạm thời không thể nói cho em biết được, lần nào cũng lấy lý do đó ra nói.
Thế thì lúc nào mới nói được? Anh cho em là cái gì thế? Là con rối suốt ngày ở nhà đợi anh, anh nói gì cũng phải tin, anh bảo gì cũng phải nghe à?
– Quỳnh Chi, em bình tĩnh đi.
Anh thật sự có việc.
Trước giờ chuyện gì có thể nhường nhịn, anh đều nhường nhịn.
Nhưng hôm nay em nghe anh một lần đi, anh đi một lúc sẽ về ngay.
– Không bao giờ.
– Quỳnh Chi.
– Anh đến sân bay phải không?
Cuối cùng, tôi vẫn không nhịn được nói ra những lời ấy.
Mà Thành có lẽ cũng đã đoán được lý do tôi không cho anh đi nên không hề bất ngờ, anh chỉ quay đầu đi nơi khác, hít vào một hơi thật dài rồi nói:
– Quỳnh Chi, anh không làm gì có lỗi với em.
– Không làm gì có lỗi? Anh đến sân bay đón nhân tình của anh mà nói không có lỗi? Anh còn muốn không có lỗi thế nào nữa? Định đợi hai người lên giường với nhau rồi mới là có lỗi đúng không?
Có lẽ vì lúc bầu bì, tâm sinh lý thay đổi nên tôi không giữ được bình tĩnh, cũng có thể vì hơn một năm nay anh chưa hề thẳng thắn nói cho tôi biết ràng buộc giữa anh và chị ấy là gì, khiến tôi luôn có cảm giác bất an.
Anh chọn đến bên cạnh chị ta mà không ở bên tôi khiến tôi như một con nhím bị chọc xù lông lên, cay nghiệt nói với anh:
– À không phải.
Trong chuyện này, chính em mới là người chen chân vào giữa anh và chị ấy mới đúng.
Ngay từ đầu anh đã nói một năm sau sẽ ly hôn, tại em cố chấp, em cứ nghĩ có Mimi thì anh sẽ một lòng một dạ với em.
– Anh đã nói với em rồi, anh và Uyên không có gì cả.
– Thế tại sao bây giờ anh vẫn đến sân bay? Nếu không có gì cả tại sao lại phải đến đón chị ta?
Lần này, anh lại tiếp tục lặng im không nói.
Không rõ có bí mật lớn lao gì mà đến mức ngay cả giây phút tôi nổi nóng lên, anh vẫn nhất quyết không hé răng.
Tôi có cảm giác như anh của bây giờ không còn là anh của ngày trước nữa, không còn là một người luôn dịu dàng nhường nhịn tôi, dung túng cho những ngỗ ngược của tôi.
Anh lúc này chỉ nghĩ đến chị ấy!
Lòng tôi bất giác trở nên vô cùng chua chát, tôi thất bại hỏi anh:
– Vì chị ta giữ clip nóng của hai người à?
– Không phải.
– Chị ta nắm được bí mật của anh?
– Không.
– Thế tóm lại là cái gì anh nói đi.
Ngày hôm nay nếu anh không nói rõ ràng cho em thì anh đừng đi đâu cả.
Nếu anh không nói mà vẫn bước khỏi đây một bước, chúng ta chia tay.
Nhắc đến hai chữ này, đột nhiên anh sững sờ nhìn tôi, nhìn rất lâu, sau đó hai mắt từ từ trở nên đỏ ngầu.
Bàn tay anh lặng lẽ siết chặt lại thành quyền, thanh âm phảng phất mang theo sự nhẫn nhịn kiềm chế:
– Em đang có bầu, đừng nói những chuyện vớ vẩn.
Tâm trạng của người mang thai không ổn định, anh sẽ coi như chưa từng nghe mấy lời kia.
Giờ em cứ ở đây với ông, anh đi rồi anh sẽ về.
Không đến 3 tiếng đâu, 30 phút cũng được, anh đi rồi anh sẽ về.
Nói xong, anh không đợi tôi trả lời đã lập tức xoay người rời khỏi phòng, lúc ra đến cửa đụng mặt thím Chung còn dặn dò thím ấy để ý tôi.
Còn tôi, cảm giác thua cuộc giống như đã ăn mòn toàn bộ lý trí của tôi khi đó, tôi không chấp nhận được mình thua nên phát đ.iên lên, vơ được gì trên bàn đều ném thẳng ra cửa:
– Anh đi đi, đi mau.
Đi được thì đừng quay lại đây nữa.
Mimi không có người bố như anh.
Đi đi.
Có một chiếc cốc đập vào lưng anh, Thành lập tức dừng bước, nhưng anh chỉ đứng lại đúng một giây, không thèm quay đầu lại nhìn tôi rồi lạnh lùng bước tiếp.
Nhìn bóng anh rời đi, tôi mới phát hiện ra mình thực sự đã thua rồi, thua đến thảm hại, thua tới mức không ngóc đầu lên được.
Trước kia, tôi nổi nóng thì anh sẽ dỗ dành tôi, nhưng bây giờ dù tôi có mang thai Mimi thì anh vẫn sẽ rời đi, anh chọn chị ta chứ không chọn tôi.
Mẹ nó, cảm giác này thật sự rất buồn cười.
Thật đáng buồn và thật đáng cười, bởi vì tôi đã ngu ngốc tin anh có tình cảm với tôi.
Bởi vì tôi ngu ngốc cho rằng khi có Mimi rồi, anh sẽ toàn tâm toàn ý với gia đình nhỏ này.
Nhưng bây giờ thật sự tôi sai rồi.
Có lẽ chị ta đã đúng, đây không phải ngôn tình cẩu huyết mà là một sự thật quá cay đắng mà tôi không chấp nhận được.
Anh đưa chị ta sang Nhật không phải vì tôi mà là vì chị ta, anh sợ tôi sẽ làm gì tình nhân và con trai của anh nên mới tìm cách đưa chị ta thoát khỏi tôi.
Còn tôi ở nơi này thì vẫn ngây thơ cho rằng anh đang bảo vệ mình, tin rằng sinh Mimi rồi cả nhà chúng tôi sẽ mãi mãi bên nhau.
Đến giờ, người phụ nữ anh yêu và con trai về nước thì anh rời bỏ tôi đi đón là đúng rồi.
Nếu không phải thế, tại sao anh lại không dám thẳng thắn nói lý do với tôi?
Thím Chung vừa bước vào phòng đã nghe tiếng ầm ỹ, tưởng tôi và anh chỉ cãi nhau bình thường nên vội vàng chạy đến, bảo tôi:
– Quỳnh Chi, có chuyện gì thì bình tĩnh nói chuyện chứ.
Trước giờ Thành có bao giờ làm gì sai đâu, chuyện gì nó cũng nhường nhịn con mà.
Sao giờ là nổi nóng đập phá thế này?
– Thím ơi, thím không hiểu đâu.
– Con đang có bầu, đừng có tức giận.
Giận là ảnh hưởng đến em bé đấy.
Mimi trong bụng biết bố mẹ cãi nhau lại buồn bây giờ.
– …
– Tý nữa Thành về lại lành ngay thôi ấy mà.
Tôi không nghĩ đến chuyện làm lành, không nghĩ được gì cả, chỉ cảm thấy lòng rối loạn như một mối tơ vò.
Có phẫn nộ, có tủi thân, có thất vọng, có đau lòng và cả giận hờn oán trách, nhưng vì nghĩ đến Mimi ở trong bụng, sợ con bé sẽ buồn nên tôi đành tự ghìm mình lại, hít sâu thở ra mấy hơi cho đến khi bình tĩnh mới đáp:
– Cháu không sao đâu, thím đừng lo.
– Ừ, không sao là tốt rồi.
Vợ chồng trẻ, cãi nhau là chuyện bình thường.
Nhưng đầu giường cãi nhau cuối giường làm hòa nhé, Thành nó là người tốt, đừng vì mấy chuyện mâu thuẫn nhỏ nhặt mà làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
– Vâng, cháu biết rồi.
Giờ cháu đến phòng khám đi khám, thím gọi lái xe đi, cháu với thím đi.
– Ừ.
Tôi theo bác sĩ sản khoa riêng nên cứ đến lịch sẽ đến khám, việc đổi từ sáng sang chiều cũng chẳng có gì khó khăn, nhưng vì tôi không muốn anh ra sân bay đón chị Uyên nên mới khăng khăng đi khám buổi sáng.
Bây giờ, dù tôi và Mimi có đi khám thì anh cũng không bận tâm nữa, thế nên tôi cũng chẳng quan tâm đến việc anh có đưa đi hay không, chỉ một mình cùng thím Chung đến phòng khám.
Trên đường đến đó, tôi nhận được thêm một tin nhắn của chị Uyên.
Lúc này đã hơn 9h, chị ta đã đáp xuống sân bay nên mới nhắn đến cho tôi:
– Em gái, em thua rồi.
Tôi không nhắn lại, chỉ lẳng lặng nuốt mọi cay đắng uất ức vào trong đáy lòng.
Chị ta không buông tha, tiếp tục gửi thêm một tin:
– Thứ ràng buộc chắc chắn nhất không phải là đứa con, hay tờ đăng ký kết hôn đâu.
Ràng buộc không bao giờ chia cắt được chỉ có thể là tình yêu thôi.
Bởi vì anh ấy vẫn luôn yêu chị nên mới lựa chọn chị.
Thật ra thì chị cũng dùng một ít thủ đoạn đấy, chị nói nếu anh ấy không đến thì chị sẽ phá thai.
Tất nhiên anh ấy không muốn mất đứa con trai này nên sẽ đến.
Em thua rồi, rời xa anh ấy đi thôi.
Một giọt nước mắt tôi chực rơi xuống, nhưng tôi ngay lập tức gạt đi.
Tôi nghĩ, mình có thể rơi nước mắt vì cha mẹ, vì người thân, thậm chí là vì anh, nhưng tôi không thể khóc vì một kẻ như chị ta được.
Tôi không muốn bẩn mắt nữa, chỉ lặng lẽ tháo sim rồi bẻ đi, sau đó ném thẳng cả điện thoại lẫn sim ra bên ngoài.
Thím Chung ngồi bên cạnh thấy tôi thế mới dỗ dành:
– Quỳnh Chi, đừng giận nữa.
Có gì rồi từ từ nói chuyện.
Mimi bây giờ là quan trọng nhất.
– Vâng, cháu biết bây giờ Mimi quan trọng nhất, cả ông nữa.
Ngoài ra, chẳng ai có ý nghĩa gì cả.
Thím Chung không khuyên được tôi nên cuối cùng chỉ có thể lén lút thở dài một tiếng, tôi cũng im lặng suốt chặng đường, đến khi dừng xe mới nặng nề ôm bụng xuống.
Tôi đứng trên vỉa hè chờ thím Chung quay lại xe lấy sổ khám bệnh, nhưng lúc này từ phía sau lưng lại vang lên những tiếng nẹt pô chói tai của xe phân khối lớn.
Tôi giật mình, vừa định quay lại nhìn thì thấy một chiếc xe lao như bay về phía tôi, tốc độ nhanh đến mức tôi chưa kịp tránh đã nghe “Rầm” một tiếng.
Cả người tôi bị bắn lên không trung, cùng thời khắc này dường như có một thứ gì đó tuột ra từ thân thể tôi…giống như là linh hồn tôi…
Tôi còn chưa cảm nhận rõ đó là thứ gì đã thấy mình rơi Bịch xuống đất, tiếp theo một nỗi đau đớn như xé từng miếng thịt ngay lập tức dội vào đầu óc tôi.
Xung quanh, có tiếng người hoảng hốt hét lên, cũng có những âm thanh ầm ầm của xe phân khối lớn nhỏ dần, nhỏ dần rồi biến mất.
Tôi nằm bẹp dưới đường, hai mắt bị những dòng máu ấm nóng che phủ, không nhìn thấy bất cứ thứ gì, chỉ thấy thân thể mình đau vượt ngưỡng chịu đựng của con người nên đã mất sạch cảm giác lẫn tri giác.
Đầu óc mơ mơ hồ hồ cảm nhận thấy cái c.hế.t lúc này đã ở rất rất gần tôi.
Nhưng tôi không hề sợ c.hế.t, tôi chỉ cần Mimi của tôi còn sống và được sống nên cố rướn chút sức tàn của mình để đưa tay, ôm lấy con bé trong bụng tôi.
Cổ họng tôi thốt không thành tiếng, trong đầu chỉ liên tục lẩm bẩm:
– Mimi, không sao rồi… không sao rồi…