Cô Gái Đồ Long

Ðoạn y lớn tiếng hỏi:
-Tại hạ chấp chưởng Thần Quyền môn, bình sinh chỉ học có một môn quyền pháp, nên tại hạ chỉ xin lãnh giáo quyền pháp của tiền bối vài hiệp.
Vừa nói xong, y múa quyền đấm Tạ Tốn ngay.
Quyền của y rất kỳ lạ, không tấn công thì thôi, đã ra tay là đấm luôn ba quyền một lúc, quyền sau mạnh hơn quyền trước rất nhiều, nhờ vậy y mới được mệnh danh là Quá Tam Quyền. Quyền của y có thể đánh chết một con bò đực, lợi hại vô cùng.
Y cũng biết tình thế này phải tấn công thật lẹ mới hạ nổi đối thủ vì một khi Tạ Tốn còn bị nắm bùn bịt miệng thì y không thể vận hơi sức đánh lại được.
Mà đối phương cứ nín hơi đấm ra, quyền lực không sao mạnh được.
Quá Tam Quyền đấm được hai quyền, Tạ Tốn giơ tay ra chống đỡ hình như sức lực yếu ớt, chớ không mạnh như lúc quật chết Kim Bàng.
Khi y đấm quyền thứ ba, liền quát lớn một tiếng:
-Quyền thứ ba!
Quyền thứ ba của Quá Tam Quyền lợi hại nhứt, đã có rất nhiều anh hùng bị thiệt mạng bởi quyền cuối này.
Lúc ấy Mạc Kình mặt đỏ như gấc, hai mắt đã nảy đom đóm lửa, không sao chịu đựng được.
Mạc Thiếu bang chủ thấy cha đang lâm nguy, mà Tạ Tốn đang mải đấu với Quá Tam Quyền, bèn nghĩ ra một kế để cứu cha.
Y thuận tay rút một kim trâm trên đầu của một nữ trại chủ nhắm nắm bùn ở giữa miệng Mạc Kình ném tới, để soi lỗ hổng cho cha y hít không khí mới.
Ngờ đâu, cái trâm ấy phi tới ngang Tạ Tốn, Tạ Tốn trông thấy vội đưa tay ra bắt và phóng ngược lại Mạch thiếu bang chủ.
Mạch thiếu bang chủ thất thanh kêu lên một tiếng!
Thì ra cái trâm đó đã đâm mù mắt y.
Lúc ấy quyền thứ ba của Quá Tam Quyền vừa đánh trúng bụng dưới của Tạ Tốn, thế mạnh như sấm như gió.
Quá Tam Quyền đoán chắc nếu Tạ Tốn không giơ tay ra đỡ cũng phải né tránh.
Nhưng bất cứ y tránh trái né phải, hoặc nhảy cao hoặc lui về sau cũng không sao tránh nổi thế quyền đó.
Ngờ đâu Tạ Tốn vẫn đứng yên như thường.
Quá Tam Quyền cả mừng vì quyền đó thế nào cũng đánh trúng bụng dưới của kẻ địch.
Nhưng khi quyền của y đấm trúng Tạ Tốn, y cảm thấy như đấm phải sắt đá và đau buốt tận xương.
Y biết là nguy tai đến nơi ,vội thâu quyền lại nhưng không sao rụt tay lại được nữa.
Tạ Tốn bỗng giơ tay ra, rờ vào lưng của Quá Tam Quyền, rút thắt lưng Quá Tam Quyền ra, rồi quấn vào cổ Quá Tam Quyền hai vòng, thắt một cái gút kế thả tay hắn ra.
Quá Tam Quyền thâu quyền lại, nhưng cổ đã bị Tạ Tốn thắt bằng thắt lưng và nhấc bổng lên, nên thân hình y tựa như đằng vân.
Tiếp theo đó Tạ Tốn xách Quá Tam Quyền ra treo ở một cành cây cạnh đó. Cái gút thắt chặt càng thâu càng chặt, Quá Tam Quyền cứ giơ quơ tay múa chân, muốn giơ tay cởi cái thắt gút đó ra nhưng không sao cởi được.
Chỉ trong thoáng cái, y thấy hình bóng Thôi Phi Yến hiện ra trước mắt,và nàng đang tự tử chết một cách thảm khốc.
Y vừa sợ vừa ăn năn, bên tai chỉ nghe nói văng vẳng:
-Lưới trời không thưa chút nào, ác giả ác báo.
Tạ Tốn quay đầu lại thì Mạc Kình hai mắt đã lòi ra và tắt thở lâu rồi.
Y liền giở nắm bùn ở miệng Mạc Kình ra, rờ tay lên mũi tên đó thử xem, đoạn tự bỏ nắm bùn ở miệng ra, rồi ngẩng mặt lên trời cả cười và nói:
-Hai người này bình sinh tác ác, tác quái, hôm nay bị báo ứng như vậy cũng đã muộn lắm rồi.
Vừa nói xong, Tạ Tốn đã trợn mắt nhìn hai kiếm khách của Côn Luân một lúc lâu, Cao Tương mặt tái mét. Nhưng chúng vẫn hai tay cầm kiếm, tỏ vẻ không sợ gì cả.
Thuý Sơn thấy chỉ trong nháy mắt, Tạ Tốn đã giết bốn thủ lãnh của bốn đại bang hội cùng một lúc, đủ thấy võ công của y cao siêu khôn cùng.
Quả thực từ xưa tới giờ chàng chưa thấy ai tài giỏi đến thế, nên chàng thấy y sắp hạ Cao, Tương hai người liền đứng dậy lớn tiếng nói:
-Theo lời Tạ tiền bối vừa nói, thì mấy người vừa bị Tạ tiền bối hạ sát đều là những tay tàn ác, tội đáng chết có dư, nhưng tiền bối cứ giết bừa như vây, không phân biệt nếp tẻ thì Tạ tiền bối có khác gì mấy người kia đâu?
Tạ Tốn cười nhạt đáp:
-Khác lắm chứ. Tôi võ công cao siêu, chúng võ công thấp kém, theo luật tự nhiên thì người mạnh thắng, kẻ hèn bại. Chỗ khác là ở đó.
Thuý Sơn tiếp:
-Người đời khác cầm thú ở chỗ biết phân biệt thị phi. Nếu cứ ỷ mình mạnh mà hiếp kẻ yếu thì có khác gì cầm thú đâu?
Tạ Tốn lại cười nhạt đáp:
-Chẳng lẽ trên thế gian này việc gì cũng có phân biệt thị phi hay sao? Cứ đem chuyện hiện thời ra mà nói, lúc này người Mông Cổ đang làm vua chúa giết bao người Hán thì cứ việc ra tay. Chẳng lẽ trước khi giết, vua Mông Cổ phải nói thị phi với Ngũ hiệp rồi mới ra tay hay sao? Vua Mông Cổ muốn lấy tiền bạc của người Hán, cứ việc giơ tay ra lấy là được, nếu người Hán nào không chịu đưa là y cầm đao chém luôn, chẳng lẽ y phải nói thị phi với Ngũ hiệp trước rồi mới ra ta cướp của giết người hay sao?
Thuý Sơn lẳng lặng giây lát rồi nói tiếp:
-Người Mông Cổ tàn bạo , hung ác, hành vi không khác gì cầm thú. Người có chí nào chẳng nghiến răng thống hận chúng, và chẳng ngày đêm mong mỏi xua đuổi bọn Mông Cổ ra khỏi bờ cõi, lấy lại sơn hà.
Tạ Tốn vội vã tiếp:
-Xưa kia, người Hán mình làm vua, chẳng lẽ vị vua chúa nào cũng biết phân biệt thị phi cả hay sao? Nhạc Phi là một vị đại trung thần như vậy, tại sao Tống Cao Tôn giết ông ta? Tần Cối với Giả Tự Ðạo là hai tên đại giân thần, tại sao chúng lại được quyền cao chức trọng, hưởng tận phú quý vinh hoa.
Thuý Sơn vội đáp:
-Các vua nhà Nam Tống trọng dụng bọn gian thần, giết hại người trung lương,bãi chức Hàn Thế Trung, giết Nhạc Phi, nên sơn hà xã tắc mới lọt vào tay dị tộc. Những vị vua này đã trồng ác nhân mới hái ác quả. Như vậy, thị phi chẳng phân biệt rõ ràng là gì?
Tạ Tốn lại trả lời:
-Kẻ ngu đần si muội và vô đạo là vua của Nam Tống, còn những người bị quân Nguyên và quân Kim tàn sát lại là người Hán. Xin hỏi ngũ hiệp, những dân ấy tội tình gì mà phải chịu đựng những tai hoạ như vậy?
Thuý Sơn không biết trả lời sao cho phải, mặt đỏ tía tai đứng thừ người ra.
Tố Tố thấy vậy vội xen vào:
-Dân chúng vô quyền vô dũng, tất nhiên chịu để cho người ta tha hồ chém giết. Nên có câu: Bá tánh như cá nằm trên thớt, mặc cho bạo chúa chém giết. Như vậy là chuyện rất thường.
Thuý Sơn liền tiếp lời:
-Chúng ta chịu khổ chịu cực, học hỏi võ công, cũng chỉ mong thân oan cứu khổ cho người, diệt cường bạo, giúp kẻ yếu. Cũng như Trang Tử nói: kiếm cũng có ba loại, một là kiêm thiên lữ, hai là kiếm chư hầu, ba là kiếm thứ nhân. Kiếm của chúng ta học được, chỉ là kiếm thứ nhân thôi. Kiếm của chúng ta trên chém đầu cổ, dưới quyết can phế, không khác gì con gà đang chọi, nhưng cũng đủ tư cách khử trừ gian tà, giúp đạo chính nghĩa. Tạ tiền bối là một vị
anh hùng vô địch, nếu đem võ công tuyệt thế ra hành đạo thiên hạ thì chúng sinh đều đội ơn đức.
Tạ Tốn liền hỏi lại:
-Hành hiệp trượng nghĩa có ích lợi gì nào? Tại sao chúng ta lại phải hành hiệp trượng nghĩa như thế?
Thuý Sơn theo học sư phụ từ hồi còn thơ ấu, trước khi học võ, chàng đã biết sự trọng yếu của hành hiệp trượng nghĩa ra sao rồi.
Sở dĩ chàng học võ cũng chỉ muốn dùng để hành hiệp thôi. Hành hiệp là căn bản, mà học võ là việc phụ. Trong thâm tâm không bao giờ chàng nghĩ tới câu hành hiệp có ích lợi gì? Tại sao lại phải hành hiệp?
Vì vậy Tạ Tốn hỏi tới câu đó, chàng không sao trả lời được.
Ngẩn người ra giây lát, chàng mới lên tiếng đáp:
-Hành hiệp trượng nghĩa là để thân trường chinh nghĩa hữu thiện báo, ác hữu ác báo.
Tạ Tốn cười ha hả và hỏi tiếp:
-Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo ? Thật là nói bậy. Phái Võ Ðang của các ngươi chỉ thích đọc sách Trang Tử, chắc người nào người nấy đều học thuộc lòng cuốn sách ấy, phải không? Nếu vậy, tôi hãy hỏi ngũ hiệp: Trong cuốn sách đó Trang Tử nói: "Người có địa vị cao cả nhất trên thế gian này là hoàng đế, mà hoàng đế vẫn chưa phải là người có toàn đức, vì trận đại chiến ở cánh đồng Trảo Lộc, Hoàng Ðế đã khiến máu chảy trăm dặm. Ngoài Hoàng Ðế ra, còn sáu mươi người nữa được thiên hạ cho là cao cả nhứt thời là : Nghiêu, Thuấn, Vũ ,Thang,Võ Vương và Văn Vương. Nhưng sáu người đó đều có những hành vi khả ố cả,vẫn không thể gọi là những kẻ toàn được". Mấy lời ấy nghĩa lý gì? Ngũ hiệp có hiểu chăng? Những người đại nhân, đại hiền quân như vậy mà còn giết người đổ máu hàng trăm dặm. Tôi giết có mấy người, máu chảy có một bước thôi, như vậy vẫn chưa thể nói là tàn bạo được?
Thuý Sơn không ngờ Tạ Tốn hình thù thô lỗ, không khác người rừng mà học vấn lại uyên bác thế, nên chàng càng khâm phục Tạ Tốn vô cùng, bèn nói tiếp:
-Bài học của tiền bối vừa nói là một bài nguỵ tác của người sau này, chớ không phải nguyên tác của Trang Tử.
Tạ Tốn lại hỏi:
-Dầu là nguỵ tác của người sau này đi nữa, những lời đó cũng có nghĩa lý phải không?
Thuý Sơn đáp:
-Tuy bài ấy có nghĩa lý, nhưng họ bảo Nghiêu,Thuấn là người bất tử bất hiếu, chỉ là lời nói cầu toàn trách bị thôi.
Tạ Tốn cười nhạt một tiếng rồi tiếp:
-Thế nào gọi là cầu toàn trách bị? Sự thật tội ác của Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang còn nhiều hơn nữa. Như là Thuấn phóng Nghiêu ở Bình Dương, Thang phóng Kiệt ở Nam Sào chẳng hạn. . .Như vậy chẳng là khuyết đức hay sao?
Thuý Sơn ngẩn người giây lát, rồi đáp:
-Tiểu tử học thức còn kém, chưa hề đọc tới những cổ thư ấy bao giờ, nên không sao biết rõ được hành vi của cổ nhân.
Tạ Tốn tay cầm Lang nha bổng, tay cầm Ðồ Long đao nói tiếp:
-Nếu Ngũ hiệp bảo chuyện cổ xưa không có bằng chứng cụ thể thì tôi nói chuyện bây giờ.
Ngũ hiệp vừa nói, thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, nhưng sự thật việc thiên hạ có được như thế đâu? Ví dụ như chuyện Ngũ Tử Tư, Hàn Tín, Bạch Khởi chẳng hạn, họ đều là những người trung tín lương thiện mà rốt cuộc cũng bị ác báo.
Thuý Sơn thấy Tạ Tốn nói rất phải cúi đầu nghỉ thầm:
-Mấy người đó đều là danh tướng các đời, mà không có một người nào được chết yên ổn.
Nghĩ tới đó, chàng cảm khái thở dài một tiếng, lại nghe Tạ Tốn hỏi tiếp:
-Sau những người tôi kể trên, lại còn Văn Chúng đại phu phò Câu Tiễn,sau bị Câu Tiễn giết chết. Giới Từ Thôi theo hầu vua Tan châu du liệt quốc, sau cũng bị Tấn Văn Công thiêu chết. Hắc Quang tận trung với nhà Hán, sau cả nhà bị vua Hán chém chết. Lục Tốn bảo tồn giang sơn cho Ðông Ngô mà còn bị Tôn Quyền nghi kỵ, vì thế uất ức mà chết. . .
Y cứ nói thao thao bất tuyệt. Có những cổ nhân Thuý Sơn chưa biết,cũng có người chàng chưa nghe nói tới bao giờ, đủ thấy Tạ Tốn rất thuộc kinh sử, còn thuộc hơn cả các túc nho nữa.
Tuy Thuý Sơn ngẫm nghĩ không nói năng gì, nhưng trong lòng chàng bắt đầu hoài nghi tám chữ: "Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo" của cổ nhân dạy không chắc là đúng cả.
Tạ Tốn lại nói:
-Không có việc gì thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo cũng chưa chắc là đúng hẳn. Ngũ hiệp cứ thử nhìn xa một chút, sẽ thấy những kẻ làm việc ác chẳng đặng hưởng tận sự phú quí vinh hoa là gì? Ví dụ như Lưu Bang chẳng hạn, khi bại trận đẩy con cái xuống dưới bể để đào tẩu. Cha y bị bắt Hạng Võ tuyên bố sẽ đem giết và nấu ăn. Ngờ đâu y lại trả lời Sở Bá Vương rằng: "khi nào giết cha tôi và nấu ăn thì chia cho tôi một bát". Y là con người bất hiếu, bất tử, đại gian đại ác đến thế, mà không những được làm vua chúa khai quốc, công được thọ chung chính phẩm nữa. Như vậy có thấy ác báo gì đâu?. . .
Thuý Sơn vội đỡ lời:
-Tạ Tiền bối nói rất phải. Từ xưa tới nay vua chúa đa số là những kẻ gian ác, mà họ vẫn được hưởng sung sướng, trái lại các tướng soái rất trung thành mà không được thiện quả. .
Nhưng, nói tóm lại, đó là đạo trời, chúng ta là người trần không thể nào biết rõ hết được. Quí hồ ta làm việc gì cũng vậy, chỉ mong yên lòng yên dạ thôi, và ta thấy việc nghĩa là phải làm mà đã làm thì không quản ngại gì tới hoạ phúc cả.
Tạ Tốn liếc nhìn Thuý Sơn một hồi rồi nói:
-Xưa nay tôi vẫn nghe nói tôn sư Trương Tam Phong tiên sinh võ công tuyệt thế. Tiếc thay tôi chưa có duyên phận gặp được ông ta. Ngũ hiệp là cao túc của ông ta, mà kiến thức tầm thường đến thế? Như vậy, Trương Tam Phong cũng chả hơn bạn là bao, tôi khỏi cần gặp ông ra nữa.
Thấy võ công và văn học của Tạ Tốn đều cao siêu không lường,Thuý Sơn đã tỏ vẻ hâm mộ vô cùng. Bây giờ bỗng nhiên Tạ Tốn miệt thị tới sư phụ mình, chàng không sao nhịn được hậm hực đáp:
-Sức học của sư phụ tôi cao bằng người trời, những kẻ phàm phu tục tử không sao biết rõ.
Võ công của Tạ tiền bối quả thật cao siêu, tiểu tử hậu sinh tự thấy còn kém rất xa, nhưng trước mắt ân sư thì tiền bối chỉ là một thất phu thôi.
Nghe chàng nói có vẻ quá kiêu ngạo, Tố Tố vội kéo tà áo chàng một cái, và nháy mắt ra hiệu bảo chàng đừng nói tiếp nữa. Chàng nghĩ thầm:
-Ðại trượng phu dầu chết, cũng không khi nào để cho người nhục mạ đến ân sư .
Ngờ đâu Tạ Tốn không hề tức giận chút nào, chỉ lẩm bẩm tự nói:
-Trương Tam Phong là người sáng lập ra môn phái, chắc võ công đặc biệt hơn người. . . Có lẽ ra không giỏi bằng y, nhưng thế nào cũng có một ngày ra sẽ lên núi Võ Ðang lãnh giáo y một phen. Chẳng hay Trương Ngũ Hiệp giỏi nhất môn võ công nào? Ngũ hiệp có thể giở ra cho tôi kiến thức xem?
Tố Tố thấy xác của Kim Bằng, Mạc Kình,Quá Tam Quyền và những người khác nằm ngổn ngang dưới đất, mà người nào đấu với tên mà đầu đó cũng đều thiệt mạng. Giờ đây Tạ Tốn khiêu chiến với Thúy Sơn, nàng biết võ công của Thuý Sơn tuy cao siêu, nhưng so với Tạ Tốn còn kém xa, nên nàng vội đỡ lời:
-Tạ tiền bối, hiện giờ con đao Ðồ Long đã lọt vào tay tiền bối rồi, và ai ai cũng khâm phục văn học và võ công của tiền bối cao siêu uyên bác khôn lường thì tiền bối còn thử thách Ngũ hiệp làm chi nữa?
Tạ Tốn vội hỏi:
-Chẳng hay cô nương có biết mấy câu thơ của Ðồ Long đao, mà các cố lão vẫn tương truyền từ xưa tới nay không?
Tố Tố lẹ miệng đáp:
-Thưa có ạ.
Tạ Tốn lại nói:
-Con dao này là vật chí tôn của võ lâm, ai có con dao này trong tay có thể ra hiệu lịnh mà không ai dám làm trái. Vậy con dao này có bí mật gì khiến nổi quần hùng trên thiên hạ phải khâm phục đến thế?
Tố Tố tiếp lời:
-Tạ tiền bối bác học như vậy, tất phải hiểu biết sự bí mật ấy, chẳng hay Tạ tiền bối có thể nói cho chúng tôi biết được không?
-Chính tôi cũng chưa biết rõ điều bí mật ấy. Sau khi lấy được con đao này, tôi phải kiếm một nơi thật thanh tịnh, để nghỉ ngơi mấy năm liền, xem có thể nghĩ ra điều bí mật ấy không?
-Phải đấy. Tạ tiền bối tài trí hơn người, nếu tiền bối không nghĩ ra được thì người khác lại càng không hiểu nữa.
-Hì hì, họ Tạ này vẫn chưa phải là kẻ ngông cuồng tự cao tự đại. Nói tới văn võ học thì Không Văn đại sư trưởng môn của phái Thiếu Lâm, Trương Tam Phong đạo trưởng của phái Võ Ðang và hai vị trưởng lão của hai phái Côn Luân và Nga Mi nữa, đều là những người tuyệt học đương thời. Nói tới thông minh trí tuệ thì Bạch My Ưng Vương giáo chủ Bạch Mi Giáo của cô nương cũng có thể gọi là một người rất giỏi về tài trí.
Tố Tố vội đứng dậy đáp:
-Ða tạ tiền bối đã quá lời khen ngợi.
-Tôi chắc có rất nhiều nguời đang ghen tị tôi đã lấy được con dao này. Nhưng ngày hôm nay, trên đảo Vương Bàn Sơn này, không ai địch nổi ta cả. Hân giáo chủ có ngờ như thế đâu phải không? Ông ta yên trí một mình Bạch Ðàn chủ đã đủ đối phó với các người của các môn phái tới dự, nhưng có ngờ đâu giữa đường có họ Tạ này xen vào. . .
Tố Tố xen lời nói:
-Không phải Hân giáo chủ yên trí như thế đâu. Chỉ vì ông ta đang bận,không sao phân thân được tới đây.
-Người ta vẫn thường khen ngợi mưu kế của Hân giáo chủ không bao giờ thất thố cả. Nhưng hôm nay, con dao này lọt vào tay tôi rồi thì Hân giáo chủ đã bị mất tiếng.
Sở dĩ Tố Tố bàn cãi với Tạ Tốn là vì nàng muốn tên ma đầu này quên chuyện thử tài với Thuý Sơn, nên nàng lại tiếp:
-Ðây là số trời đã định,Tạ tiền bối lấy được con đao này một cách dễ dàng, mà người khác tốn mất bao nhiêu tâm huyết cũng không chiếm nổi, đủ thấy phúc trạc của Tạ tiền bối thâm hậu biết bao?
-Từ khi con dao này ra đời đến giờ, đã qua không biết bao nhiêu tay. Nhưng chủ nhân nào cũng bị mạng vào thân, thậm chí còn mất mạng nữa. Ngày hôm nay tôi lấy được con dao này, biết đâu mai kia chẳng có người tài ba hơn tới giết mà cướp con dao đi?
Thuý Sơn và Tố Tố đưa mắt nhìn nhau, cả hai đều thấy lời nói của Tạ Tốn rất thâm ý. Thuý Sơn lại nghĩ tới tam sư ca Dư Ðại Nham chỉ vì liên can đến con dao này mà giờ này vẫn chưa biết ra sao, còn chàng mới thấy được con dao thôi, mà tánh mạng đã bị uy hiếp.
Tạ Tốn lại thở dài một tiếng rồi nói:
-Ngũ hiệp cùng Hân cô nương đều văn võ song toàn và tướng mạo đường đường cả. Nếu tôi ra tay giết cả hai người có khác gì đập vỡ một đôi châu báu quí giá không? Thật đáng tiếc! Nhưng tình thế bắt buộc, tôi biết làm sao được?
Tố Tố kinh hãi vội hỏi:
-Tại sao vậy?
Tạ Tốn đáp:
-Bây giờ tôi lấy được con dao này đem đi, nếu để cho một nguời nào ở trên đảo này sống sót, chỉ vài ngày sau, khắp thiên hạ sẽ đều hay biết tin con đao Ðồ Long đang ở trong tay Tạ Tốn. Thế rồi người này kiếm kẻ nọ tìm, họ Tạ này không phải là anh hùng vô địch, làm sao giữ trọn vẹn con đao Ðồ Long mà không bị người khác cướp mất? Không nói người khác xa lạ vội, hãy cứ nói Bạch Mi Ưng Vương trước. Họ Tạ này đâu chắc đã thắng nổi y?
Thuý Sơn với giọng khinh khỉnh nói:
-Thì ra tiền bối giết người là muốn giữ kín việc nầy đấy?
Tạ Tốn đáp:
-Chính thế!
Thuý Sơn lại hỏi:
-Như vậy tiền bối hà tất phải chỉ trích tội ác của phái Hải Sa, Thần Quyền Môn và Cự Kình Bang như vừa rồi làm gì?
Tạ Tốn ha hả cười đáp:
-Tôi muốn cho bọn chúng chết mà không oán trách gì được, chúng cũng yên tâm mà chết.
Thuý Sơn liền nói mỉa:
-Tiền bối có lòng từ bi lắm.
Tạ Tốn vẫn ung dung đáp:
-Người đời ai chẳng chết một lần. Chết sớm chết muộn có khác gì nhau đâu? Chỉ có Ngũ hiệp vói Hân cô nương tuổi còn trẻ như thế này mà đã phải bỏ mạng trên đão Vương Bàn Sơn mới thật đáng tiếc thôi. Nhưng một trăm năm sau, người đời cũng coi cái chết của hai vị như cái chết của mấy người kia thôi. Năm xưa nếu Tần Cối không hãm hại Nhạc Phi chết chẳng lẽ Nhạc Phi lại được sống cho tới ngày nay sao? Người ta chỉ cần lúc chết không oán hận gì và cũng không cảm thấy đau khổ gì là được rồi. Cũng vì lý lẽ này, tôi định tỷ thí võ công với hai vị một phen,ai thua thì người đó sẽ phải chết, như vậy chẳng công bằng hay sao? Hai vị tuổi ít hơn tôi, tôi để cho hai vị được lợi thế một chút. Nghĩa là hai vị muốn đấu bằng khí giới, quyền cước, nội công ám khí, khinh công, thuỷ công vân vân, tuỳ ý hai vị.
Tố Tố vội hỏi:
-Tiền bối tự phụ thực. Có phải tỷ thí môn gì tiền bối cũng nhận phải không?
Thấy Tạ Tốn quả quyết nàng biết khó mà tránh khỏi tai ách.
Bạch Mi Giáo thấy đảo Vương Bàn Sơn mọc trơ trọi giữa bể, và ỷ có Bạch Thường hai Ðàn chủ võ công cao siêu chắc chắn không có việc gì sơ suất, vì vậy Hân giáo chủ quyết định không cho người tới tiếp viện.
Những điều đó Tố Tố đều biết hết. Nàng còn hỏi Tạ Tốn như vậy là có ẩn ý riêng, người ngoài không sao hay biết được. Nên cả Tạ Tốn cũng ngạc nhiên vô cùng.
Nhưng y là người thông minh tuyệt thế liền hiểu ngay và nghĩ thầm:
-Nếu nàng bắt buộc ta tỷ thí may vá thêu thùa, chải đầu thoa phấn thì nguy tai.
Ðoạn y lớn tiếng nói:
-Phải, nhưng chỉ tỷ thí trong phạm vi võ công thôi, chứ không phải thi ăn uống đâu.
Y vừa nói tới đó, thoáng thấy Thuý Sơn đang cầm cái quạt phe phẩy, liền tiếp:
-Hay là tỉ thí văn chương cũng được. Như là cầm kỳ, thi, hoạ, thơ, từ, phú khúc vân vân. Chúng ta chỉ tỷ thí với nhau một cuộc thôi. Nếu hai vị thua cuộc thì phải tự sát ngay. Hà,một đôi xinh đẹp tuấn nhã thế kia, tôi thực không nỡ ra tay hạ sát chút nào.
Thuý Sơn và Tố Tố thấy Tạ Tốn nói hai người là "một đôi" đều mắc cỡ đỏ bừng mặt.
Tố Tố cau mày hỏi:
-Còn tiền bối thua có tự sát không?
Tạ Tốn vừa cười vừa trả lời:
-Khi nào tôi lại thua hai vị được?
Tố Tố nói tiếp:
-Tỷ thí tất phải có thua có được. Trương Ngũ Hiệp là danh gia đệ tử, văn tài võ học kiêm toàn, biết đâu anh ta lại có một điểm thắng tiền bối?
Tạ Tốn đáp:
-Ngũ hiệp ít tuổi nhu vậy, dù võ công cao siêu đến đâu, nhưng công lực sao bằng tôi được.
Thấy hai người đang cãi lý với nhau,Thuý Sơn nghĩ thầm:
-Nếu tỷ thí võ công, tất nhiên ta phải thua y rồi. Nhưng y đã nói muốn tỷ thí môn nào cũng được, chi bằng ta thi thố khinh công với y? Hay là môn chưởng pháp của ta mới học được?
Nghĩ tới đó chàng liền lên tiếng nói:
-Tạ tiền bối bắt buộc tiểu tử phải ra tay đấu nên tiểu tử không sao từ chối được. Nếu tiểu tử thua tất nhiên phải tự sát trước mặt tiền bối rồi. Nhưng lỡ tiểu tử đấu ngang tài với tiền bối thì sao?
Tạ Tốn lắc đầu đáp:
-Không khi nào! Nếu đấu hoà môn thứ nhất thì chúng ta tiếp tục đấu môn thứ hai. Dẫu sao cũng phải phân rõ thắng bại mới thôi.
Thuý Sơn lại hỏi:
-Vâng,nếu thắng được một thế hay nửa miếng võ, tiểu tử không dám bắt buộc tiền bối phải tự sát, nhưng chỉ mong tiền bối nhận lời cho một điều là mãn túc lắm rồi.
Tạ Tốn đáp:
-Ðược lắm. "Nhất ngôn vi định", vậy Ngũ hiệp cứ nói điều kiện ra đi.
Tố Tố có vẻ lo âu, khẽ hỏi:
-Anh định tỷ thí môn gì với y thế? Liệu có chắc chắn thắng nổi y không?
Thuý Sơn đáp khẽ:
-Chớ dám cả quyết, nhưng tôi cứ tận lực mà thi thố, chớ biết làm sao bây giờ?
Tố Tố lại khẽ nói tiếp:
-Nếu địch không nổi y, chúng ta phải thừa cơ đào tẩu, còn hơn là thúc thủ chịu chết.
Thấy Tố Tố nói như vậy, Thuý Sơn chỉ gượng cười chứ không trả lời, trong lòng nghĩ thầm:
-Thuyền bè đã bị tên hung đồ kia phá huỷ hết. Hòn đảo này lại mọc trơ vơ giữa bể, bây giờ chúng ta biết đi ngõ nào?.
Ðoạn chàng chỉnh đốn lại khăn áo, lấy đôi bút phán quan ở bên lưng ra.
Tạ Tốn thấy đôi bút phán quan của Thuý Sơn liền nói:
-Trên giang hồ vẫn nghe danh Thiết Hoặch Ngân Câu Trương Thuý Sơn, hôm nay chiếc lang nha bổng hai đầu của tôi rất may mắn được lãnh giáo tài ba của Ngũ hiệp. Kìa, chiếc hổ đầu câu bằng bạc vụn của Ngũ hiệp đâu, sao không đem ra nốt?
Thuý Sơn đáp:
-Hậu sinh không tỷ thí võ khí với tiền bối, chỉ muốn thi viết vài chữ thôi.
Nói xong chàng giơ bút phán quan ra viết vào vách đá, chỉ nghe "soẹt soẹt" mấy tiếng, đã viết xong chữ "Võ". Chàng đã vội dùng cây bút bên tay trái cắm vào khe đá, rồi dùng cây bút bên tay phải viết luôn chữ "Lâm".
Một bút và một nét của hai chữ đó đều do Trương Tam Phong khổ công sáng tạo trong lúc đêm khuya, bao hàm đủ các âm dương, cương nhu, tinh thần, khí thế.
Có thể nói những chữ ấy là kiệt tác thượng thừa của phái Võ Ðang, tuy nội lực của Thuý Sơn hãy còn non nên nét bút không được sâu lắm, nhưng bút lục của hai chữ ấy đã hùng biện và sắc bén như lưỡi kiếm mũi kích vậy.
Chàng viết xong hai chữ đó, lại viết thêm hai chữ"Chí" và chữ "Tôn", càng viết càng nhanh, bụi đá rới tựa như rắn lượn vòng hoặc mãnh thú đứng chồm lên vậy. Chỉ trong giây lát chàng viết trọn hai mươi bốn chữ.
Viết đến nét cuối cùng của chữ"Phong", Thuý Sơn dùng câu bạc và bút sắt đẩy mạnh vào vách đá.
Tạ Tốn ngửng đầu lên nhìn ba hàng chữ đó một lúc lâu,lẳng lặng không nói nửa lời, sau cùng mới thở dài nói:
-Tôi chịu thua! Tôi không thể nào viết được những chữ như thế này. Tôi xin chịu thua!
Tố Tố cả mừng vỗ tay la lớn:
-Tạ tiền bối đã thua rồi, vậy không được thoái thác đấy nhé!
Tạ Tốn quay lại nói với Thuý Sơn:
-Trương ngũ hiệp võ học biệt lập một phương pháp mới lạ khiến tôi sáng mắt vô cùng. Tôi rất thán phục, vậy Ngũ hiệp dạy bảo điều gì, xin nói mau.
Trong đời Tạ Tốn luôn sai bảo chớ không bao giờ chịu nghe lịnh ai. Ðây là lần đầu vì lời hứa bắt buộc mà y phải làm đúng theo nên vẻ mặt y rất rầu rĩ.
Thuý Sơn liền đáp:
-Hậu sinh là kẻ hậu tiến, may mắn được tiền bối khen ngợi là quí lắm rồi, còn hai chữ dạy bảo quả thật hậu sinh không bao giờ dám nghĩ tới.
Tạ Tốn lại hỏi:
-Vậy Ngũ hiệp cần tôi làm việc gì?
Thuý Sơn đáp:
-Tiền bối cứ mang con đao Ðồ Long này đi, nhưng phải tha chết cho bọn người này và bắt họ thề độc không được tiết lộ cho ai biết. Chỉ có thế thôi.
Tạ Tốn liền nói:
-Tôi không ngốc như vậy, ai tin được lời thề của chúng chứ?
Tố Tố vội nói:
-Thế ra Tạ tiền bối nói rồi lại nuốt lời. Chính tiền bối nói ai thua thì phải nghe lời người thắng, sao chưa chi tiền bối đã nuốt lời thế?
Tạ Tốn đáp:
-Tôi muốn nuốt lời hứa thì cứ nuốt. Cô nương làm gì nổi tôi nào?
Nhưng như sực nghĩ lại điều gì, y liền đổi giọng tiếp:
-Tôi xin tha tánh mạng của hai vị, còn những tên kia tôi quyết không tha đâu.
Thuý Sơn nói tiếp:
-Hai vị kiếm sĩ của phái Côn Luân đều là danh môn đệ tử xưa nay chưa làm điều gì tàn ác cả. . .
Tạ Tốn vội ngắt lời chàng:
-Cái gì ác với thiện, tôi không biết. Hai vị mau xé một miếng giẻ nhét vào tai và bịt mũi kín lại, đừng để nghe một tiếng động nào cả, như vậy mới khỏi nguy đến tính mạng.
Giọng nói của y rất khẽ hình như sợ người khác nghe thấy.
Thuý Sơn và Tố Tố đưa mắt nhìn nhau không hiểu Tạ Tốn có ý gì. Nhưng lời nói của Tạ Tốn rất thận trọng, chắc bên trong thế nào cũng có dụng ý, nên cả hai liền xé vạt áo nhét vào tai và bịt mũi ngay, và còn lấy bàn tay bịt bên ngoài nữa.
Ðột nhiên hai người thấy Tạ Tốn há mồm to tựa như đang rú, tuy hai người không nghe nhưng cũng cảm thấy khó chịu.
Thừa lúc bọn Bạch Mi Giáo đang ngơ ngác vì tiếng rú kinh khủng, Tạ Tốn thổi thuốc độc vào mặt Cự Kình Bang,Hải Sa Bang và Thần Quyền Môn. Chỉ trong giây lát, người nào người nấy vẻ mặt hình như đau đớn khó chịu, lúc sau đều ngã lăn ra đất, chân tay co quắp, lăn lộn.
Cao, Tương của phái Côn Luân thấy vậy kinh hãi vô cùng, vội ngồi xếp bằng tròn, nhắm nghiền hai mắt lại, vận dụng nội lực để chống lại tiếng rú và thuốc độc của Tạ Tốn.
Thuý Sơn thấy trán của Cao,Tương hai người, mồ hôi ròng ròng và bắp thịt trên mặt run lên từng hồi, chứng tỏ nội lực của họ không chống nổi tiếng rú và chất độc kia.
Tạ Tốn ngừng rú và thổi thuốc độc, đồng thời giơ tay ra hiệu bảo Thuý Sơn và Tố Tố buông tay và moi giẻ trong tai ra, rồi nói với hai người:
-Những người này chết giấc cả, nhưng tính mạng vẫn được an toàn. Tuy vậy sau khi thức tỉnh, thần kinh của họ sẽ bị rối loạn, không nhớ và không nói được những chuyện đã qua.
Trương ngũ hiệp bảo giờ tôi đã làm và tôi đã tha giết bọn họ ở trên Vương Bán Sơn đảo rồi đó.
Thuý Sơn lẳng lặng nghĩ thầm:
-Ngươi tuy không giết họ,nhưng những người đó sống cũng như chết, có lẽ còn thảm khốc hơn là bị giết.
Chàng thấy Tạ Tốn tàn nhẫn như vậy, trong lòng đã oán hận vô cùng. Nếu lúc đầu chàng không dùng giẻ bịt tai bịt mũi, không biết chàng sẽ ra sao, khó mà đoán biết được.
Chàng thấy bọn Cao Tắc Thành và Bạch Quy Thọ nằm chết giấc dưới đất, mặt vàng khè, trông thảm thê vô cùng.
Tạ Tốn bình thản nói:
-Chúng ta đi thôi.
Thuý Sơn hỏi:
-Ði đâu bây giờ?
Tạ Tốn đáp:
-Ði về chứ còn đi đâu nữa? Việc dương Ðao lập oai ở Vương Bàn Sơn Ðảo này đã kết thúc rồi, chúng ta ở lại đây làm gì?
Thuý Sơn và Tố Tố nhìn nhau nghĩ thầm:
-Chúng ta còn phải chung thuyền với tên ma đầu này một đêm thì trong mười hai thời giờ đó, không biết còn xảy ra bao nhiêu chuyện nữa?
Tạ Tốn đưa hai người đên một ngọn núi nhỏ ở phía Tây của đảo. Ðó là một hải cảng nhỏ, nơi ấy đã có sẵn một chiếc thuyền ba buồm. Thuyền này của y dùng để đi đến đảo.Tạ Tốn đi tới gần thuyền liền cúi chào hai người và mời:
-Mời hai vị xuống thuyền.
Tố Tố cười nhạt đáp:
-Sao lúc này Tạ tiền bối lại khách sáo thế?
Tạ Tốn đáp:
-Hai vị xuống thuyền của tôi, tất nhiên là khách quý, vậy bổn phận tôi là phải tiếp đãi tử tế.
Ba người xuống thuyền rồi, Tạ Tốn liền ra lệnh cho thuỷ thủ nhổ neo.
Trên thuyền có tất cả mười sáu, mười bẩy thuỷ thủ. Người cầm lái chỉ dùng tay ra hiệu, chớ không nói nửa lời, dường như họ đều câm cả. Tố Tố ngạc nhiên vô cùng nghĩ thầm:
-Tên này giỏi thực! Sao y lại khéo chọn thuỷ thủ đều câm và điếc như thế?
Tạ Tốn hình như đoán biết ý nghĩ của Tố Tố, liền cười nói:
-Có gì khó đâu! Tôi chỉ việc tìm một chiếc thuyền, mà những thuỷ thủ trên đó không biết chữ, rồi đục vào màng nhĩ và cho chúng uống thuốc câm.
Thuý Sơn nghe nói rùng mình kinh hãi, càng ghét hận thêm.
Trái lại Tố Tố vừa vỗ tay vừa nói:
-Hay lắm! Hay lắm! Những thuỷ thủ trên thuyền đã câm và điếc lại còn mù chữ nữa, như vậy tiền bối có điều gì bí mật hẳn không sợ bị tiết lộ. Và vì tiến bối cần chúng lái thuyền, chớ không thì chắc tiền bối cũng đã đâm cho chúng mù mắt luôn.
Thuý Sơn lườm nàng một cái và khiển trách:
-Hân cô nương, cô là một thiếu nữ sao lại tàn nhẫn đến thế? Ðây là một thảm khốc nhất trần gian, thế mà cô còn cười được?
Tố Tố le lưỡi, rụt cổ, đang định lên tiếng biện bạch, nhưng nàng thấy sắc mặt Thuý Sơn giận dữ, vội dừng lại ngay.
Tạ Tốn lại tiếp:
-Sau này trở về đại lục, tôi sẽ dùng kim châm cho mắt chúng mù luôn.
Thấy thuyền đã kéo buồm, Thuý Sơn liền đở lời:
-Thưa Tạ tiền bối! Thế còn những người trên đảo thì sao? Tiền bối đã phá hết thuyền bè của họ thì làm sao họ trở về đại lục được?
Tạ Tốn đáp:
-Trương ngũ hiệp là người rất tốt, nhưng phải cái đa sự. Ta cứ để cho chúng ở trên đảo tự sinh tự diệt có hơn không?
Thuý Sơn biết Tạ Tốn là người không thể khuyên bảo được nên đành làm thinh. Khi thuyền rời đảo chàng nghĩ thầm:
-Những người trên đảo đa số là những người tác oai tác quái, nhưng họ bị đối xử như vậy quả thực là thảm khốc, nếu không ai tới cứu, mười ngày sau họ sẽ chết hết.
Sau chàng lại nghĩ tiếp:
-Nếu hai đệ tử của phái Côn Luân chết trên đảo này, thế nào sư phụ của họ cũng đi tìm. Lúc ấy một trận phong ba trong võ lâm sẽ vì đó nổi lên .
Mấy năm gần đây, Võ Ðang thất hiệp tung hoành trên giang hồ,bất cứ việc gì họ cũng thắng thế. Thuý Sơn không ngờ hôm nay lại bị bó chân bó cẳng và tính mạng cũng nằm trong tay người.
Chàng vừa bực mình vừa tức giận, cúi đầu suy nghĩ không hề để ý đến Tố Tố và Tạ Tốn đang nói chuyện hay làm việc gì.
Lát sau tiểu đồng dọn thức ăn và rượu lên, rồi rót ba chén để lên trên bàn.
Tạ Tốn liền lên tiếng:
-Ðể tôi dạo đờn tiếp quí khách, mong Trương ngũ hiệp và Hân cô nương chỉ giáo cho.
Ðoạn y lấy cây đờn treo trên vách xuống, thử dây rồi khảy luôn.
Thuý Sơn không thạo âm nhạc, nên không hiểu Tạ Tốn khảy những gì, chàng chỉ nhận thấy tiếng đàn rất bi đát, u oán càng nghe càng thêm buồn. Nghe tới đoạn sau, chàng không sao cầm được lệ, nước mắt nhỏ dài trên hai má.
Tạ Tốn gạt năm ngón tay một cái, một tiến "keng" vang lên, tiếng đờn dứt liền, rồi gượng cười nói:
-Tôi định khảy đàn cho nhị vị được khuây khoả, ngờ đâu lại làm cho Trương tướng công sầu tư, tôi đáng phạt phải uống một chén.
Nói xong, y cầm chén rượu lên uống cạn. Thuý Sơn liền hỏi:
-Chẳng hay khúc đầu của Tạ tiền bối vừa khảy đó là khúc nhạc gì? Xin chỉ giáo cho tại hạ rõ.
Tạ Tốn đưa mắt nhìn Tố Tố, hình như muốn nàng trả lời hộ, nhưng y thấy Tố Tố lắc đầu tỏ vẻ không biết liền trả lời Thuý Sơn rằng:
-Khúc nhạc này là Kê Khang đời nhà Tấn, lúc Kê Khang sắp chết chém đã đờn bản nhạc này.
Thuý Sơn kinh hãi hỏi tiếp:
-Bản nhạc này có phải là Quảng Lăng Tấn không?
Tạ Tốn đáp:
-Phải đấy:
Thuý Sơn lại hỏi tiếp:
-Theo lời đồn đại cuả các người xưa thì sau khi Kê Khang bị chém, khúc nhạc Quảng Lăng Tán này không ai dám đờn lại nữa, vì sao Tạ Tiền Bối lại kiếm được bản nhạc này và kiếm được ở đâu?
Tạ Tốn vừa cười vừa trả lời:
-Kê Khang là người rất có ý tứ, trong sách sử nói y là một người rất giỏi về văn chương,hay nói tới lời lẽ của Trương Tử và cũng là người rất nghĩa hiệp. Như vậy Kê Khang chẳng là người hợp tánh với Trương tướng công là gì? Lúc Chung Hội làm quan to,
?????????
Nghe nói Trương Tăng Dao vẽ rồng không điểm nhỡn. Hễ ông điểm nhỡn con mạc long nào là con ấy bay lên trời tức thì. Nhưng tôi không tin chuyện ấy có thật. Tuy vậy tướng công thử xem bút pháp của y không kém gì hai mươi bốn chữ mà tướng công đã viết trên vách đá.
Thuý Sơn liền đáp:
-Những chữ của hậu sinh viết đó xấu xí không tả, sánh sao được với cổ nhân.
Từ khi vào trong thuyền tới giờ,Tạ Tốn thuyết cổ luận kim,bình thơ thuật văn, không khác gì một nhà đại nho giả.
Thuý Sơn trong lòng rất khâm phục, nhưng hễ nghĩ đến hành vi tàn nhẫn của y thì lại ghét hận vô cùng.
Sau đó Tạ Tốn bàn với Tố Tố về chuyện Ngu Hồ Loan Hoa Thạch Hổ cả giận một cái, liền giết bằng vạn người.
Thuý Sơn không muốn nghe những chuyện ấy,liền quay mặt nhìn ra ngoài cửa sổ, ngắm phong cảnh. Chàng thấy mặt trời lúc bầy giờ sắp lặn xuống dưới bể.
Ðang nhìn cảnh bỗng nhiên chàng giật mình kinh hãi nghĩ thầm:
-Tại sao mặt trời lại xuống phía sau thuyền thế?


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui