Những Người Khốn Khổ


trong khu rừng lớn giữa Chelles và Montfermeil trời tối mịt và lạnh.

Ngày hôm âý, hai bốn tháng mười hai 1823, trời nắng chói chang nhưng buổi chiều khi ngọn gió bấc thổi về người ta có cảm giác như đang giữa mùa đông nghiệt ngã.

Một người đàn ông đang sải bước trong đám cây cuối cùng của khu rừng.

Ông dừng bước trong đám cây cuối cùng của khu rừng.

Ông dừng lại trong phút chốc bên con suối và uống nước trong lõm bàn tay mình rồi tiếp bước về phía ngôi làng.

Qua lớp trang phục cũng như qua toàn bộ con người, người đàn ông đó có vẻ là một thứ ăn mày lịch sự.

Ông đội một chiếc mũ tròn, cũ kỹ và được chải gội cẩn thận.

Ông mặc một chiếc áo rây đanh gốt bằng nỉ màu vàng đã sờn sợi ra.

Nhìn vào mái tóc bạc phơ, vầng trán nhăn nheo, làn môi nhợt nhạt của ông, người ta ước lượng ông phải ngoài sáu mươi.

Nhưng dáng đi vững chãi của ông, vẻ chắc khỏe trong mọi sự vận động của ông cho thấy ông chỉ trạc năm mươi.

Ông cầm một cây gậy nơi bàn tay và dưới cánh tay ông cắp một cái gói nhỏ buộc trong một chiếc khăn tay.

Trong đáy mắt của ông có một vẻ tĩnh lặng bi thảm.

Hai tháng trước, ông đã trốn khỏi nhà tù nơi người ta đưa ông tới theo nguyện vọng của ông tại tòa đại hình và kết án ông khổ sai chung thân.

Trước khi bị giam cầm vĩnh viễn ông đã hoài công cầu xin được phép đến tận Montermeil để tìm một đứa bé mà ông muốn trả về cho người mẹ đang hấp hối.

Thần công lý không bận tâm với một sự ngẫu nhiên cỏn con đến thế.

Một người đàn bà đang chết bởi đứa con đang ở nơi cách xa chị ta, điều đó không thể làm cho luật pháp phải dừng bước được.

Và Javert, người mà ông cựu thị trưởng ngỏ lời cầu xin ân huệ đó, đã chỉ nhún vai với một vẻ miệt thị độc ác.

Trong gian phòng của bịnh viện nơi Fantine, người nữ công nhân đáng thương mà lòng tốt của ông Madeleine đã đưa ra khỏi cảnh khốn cùng và đói khát, nhưng chị vẫn không thoát khỏi bệnh tật và cái chết, chị đang hấp hối, viên thanh tra cảnh sát đã tóm cổ con người đang cúi sát bên chị rất lâu.

Và Jean Valjean trong cơn tuyệt vọng đành đưa hai cổ tay chịu còng.

Tại nhà tù ông trở thành số 9430.

Nhưng khi ông đi rồi, sự thịnh vượng của tỉnh M...!biến mất.

Các xưởng đều đóng cửa, thợ thuyền phân tán khắp nơi.

Lương bổng hạ, thất nghiệp tràn lan, vỡ nợ đều khắp, tất cả đều tàn lụi.

Bản thân nhà nước, trong việc thu thuế, nhận ra có kẻ nào đã bị đè bẹp ở đâu đó.

Mặc dù vậy, Jean Valjean không thể chịu đựng số mệnh của mình quá lâu.

Ông đã tự nộp mình để hoàn thành một hành động công lý.

Nhưng một nhiệm vụ khác đang chờ ông.

Ông đã thì thầm thề với Fantine đang ngắc ngoải rằng con gái của chị, cô bé Cosette mà chị vẫn mong đợi xiết bao trong cơn bạo bịnh của mình, sẽ được hạnh phúc, tránh khỏi sự khốn cùng và sự ruồng rẫy đã làm cho cuộc sống người nữ công nhân đáng thương phải kiệt quệ nhanh chóng.

Và nhờ có lời hứa đó mà Fantine đã mỉm cười mà chết.

Jean Valjean đã vượt ngục để làm tròn lời thề đó.

Ông đã lợi dụng cơ hội đầu tiên trong lúc làm lao dịch nơi mạn một chiếc tàu đang sửa chữa trong cảng Toulon.

Ông đã liều mạng cứu một thủy thủ đã trượt chân từ lá buồm của một cột buồm lớn và rơi xuống.

Trong lúc rơi, người thủy thủ đó đã bám vào một sợi dây nhưng không thể nào rút lên được.

Jean Valjean xin viên sĩ quan trực cho phép đi cứu anh thủy thủ coi buồm đang kiệt lực.

Bằng một nhát búa, ông đã chặt đứt phăng sợi xích liền với vòng sắt đeo ở cổ chân ông, rồi bằng sự nhanh nhẹn của một con mèo rừng, ông lao vào đám buồm chảo của con tàu.

Bám chặt vào một sợi dây, ông buông mình xuống tận con người đang kiệt quệ và đưa anh ta trở lên bằng cách cắp anh ta trong đôi cánh tay của mình.

Sau đó trong lúc đám đông những người đang chứng kiến vừa nhiệt liệt tán thưởng vừa kêu lên:"Nhờ ơn đức của ông này!", ông lo trở xuống để tiếp tục việc lao dịch của mình.

Nhưng trong lúc ông chạy trên một trục buồm thấp, người ta trông thấy ông ngập ngừng, lảo đảo rồi rơi tõm xuống biển.

Người ta hoài công tìm xác ông đến chiều, và hôm sau tờ báo ngày ở Toulon đăng mấy dòng này:

"Hôm qua một tù nhân khổ sai trong buổi lao dịch nơi mạn tàu Orion khi cứu một thủy thủ trở về đã rơi xuống biển và chết đuối.

Người ta đã không tìm ra xác ông ta.

Người ta đoán chừng ông ta rơi vào những cây cọc thuộc mũi đất xưởng đóng tàu.

Người đàn ông đó mang số tù 9430 tên là Jean Valjean"

Thật ra Jean Valjean không rơi xuống biển mà ông đã nhảy xuống đó.

Bơi giữa hai làn nước, ông đã lướt đi dưới ruột con tàu đang thả neo đậu và đã trốn trong một chiếc xuồng con.

Tối đến ông lại bắt đầu bơi và đến bãi biển cách mũi Trun không xa, ông vào một quán rượu là nơi cất gửi, thay quần áo của bọn tù khổ sai vượt ngục.

Sau đó, lần theo một lộ trình tăm tối và khúc khuỷu ông đến Paris.

Ông không thiếu tiền.

Lá thư ông viết cho Laffitte chủ nhà băng trước vụ án ở Arras cho phép ông lấy lại tiền của mình.

Ông chôn dấu phần lớn số tiền đó ở một nơi chỉ có ông biết và khâu dính những tờ giấy bạc còn lại trong lớp lót của chiếc áo rây đanh gết của mình.

Người ta tưởng ông đã chết, ông thấy yên tâm về mình, ông chỉ còn có mỗi một mục đích: gặp lại cô bé Cosette.

Ông bước xuống xe ngựa từ Chelles và đi xuyên rừng để tới nhanh hơn.

Bất chợt, một tiếng rên rỉ khiến ông dừng bước.

- Ôi lạy Chúa, lạy Chúa! - Một giọng trẻ con kêu lên trong hãi hùng và tuyệt vọng.

Ông cúi xuống trên một bụi rậm và vầng trăng hiện ra giữa hai đám mây cho ông thấy hình dạng mảnh khảnh mà một thùng nước đầy làm cho trĩu xuống như một cụ già.

Ông nắm lấy cái quai của thùng nước và nâng cô lên:

- Quá nặng đối với cháu, - ông nói - cái thùng nước mà cháu phải mang đấy.

Hãy đưa cho ông thùng nước.

Cô bé ngẩng đầu lên, một giọt lệ lấp lánh trong đôi mắt xanh biếc rất to của cô.

Cô nhìn người đàn ông lạ mặt với một vẻ tin cậy bất ngờ.

- Cháu bao nhiêu tuổi?

- Tám tuổi, thưa ông.

- Cháu ở có xa không?

- Dạ, cách đây một khắc đồng hồ ạ.

- Vậy cháu không có mẹ à?

- Cháu không tin là có.

- Cô bé trả lời với một tiếng thở dài - Những người khác đều có mẹ.

Còn cháu thì không bao giờ có.

- Cháu tên gì?

- Cosette.

Jean Valjean giật nẩy người như chạm phải điện.

Ông cúi xuống cô bé và nhìn cô bằng tất cả tâm hồn mình.

Một khuôn mặt gầy guộc và xanh xao hiện ra một cách mơ hồ trong ánh sáng mờ nhạt của bầu trời.

- Thế ra ai, - ông tiếp lời - ai đã sai cháu đi tìm nước ở trong rừng vào giờ này?

- Bà Thénardier.

- Cô bé nói và khi đọc lên cái tên đó cô thấp giọng trong một cơn run rẩy.- Đó là bà chủ của cháu, bà chủ nhà trọ.

Trong nhà không còn nước.

Đêm nay ông nhất định đến trọ tại quán đó.

Cháu hãy dẫn ông đi.

Nhưng mà cháu hãy nói cho ông biết, tại nhà bà Thénardier không có người giúp việc nào khác ngoài cháu sao?

- Đúng vậy, thưa ông...!Nghĩa là có hai cô gái, Eponine và Azelma.

Đó là con của bà Thénardier.

Họ có những con búp bê xinh đẹp cùng nhiều đồ đạc, áo quần, họ chỉ chơi, họ chỉ đùa.

- Cả ngày?

- Dạ.

- Còn cháu?

- Cháu thì cháu làm công việc.

- Cả ngày?

Cô bé ngước đôi mắt to nhìn lên và đáp giọng nhỏ nhẹ và buồn bã.

- Dạ.

Họ đến làng.

Cosette hướng dẫn người đàn ông lạ mặt trên các con đường.

Làng đang kỳ hội chợ, các cửa hiệu thắp nến sáng choang, bày ra những món đồ chơi trẻ con để thu hút khách.

Trong một cửa hiệu, một con búp bê to tướng cao gần hai piê (khoảng 60 cm) mặc áo dài bằng nhiễu màu hồng với những bông vàng trên đầu, nó sáng rực trên một nền vải trắng toát.

Nó có bộ tóc thật và đôi mắt bằng sứ.

Cosette ném về phía nó một cái nhìn vụng trộm đầy ngưỡng mộ.

Một chập sau, Jean Valjean và cô bé dẫn đường đã đến trước cửa quán "Thầy đội trận Waterlo".

Đó là một ngôi nhà một tầng với vẻ ngoài buồn thiu.

Một tấm bảng hiệu to tướng thể hiện một bãi chiến trường nơi đó người ta có thể mơ hồ nhận ra một người đang vác một đồng đội ở phía trên cửa.

Cosette e dè mở cửa.

Trong gian phòng mù mịt khói ống tẩu, mấy người đánh xe chở hàng đang ngồi với ông chủ quán, Thénardier, người đàn ông nhỏ thó tuổi năm mươi, gầy gò xanh xao, góc cạnh, xương xẩu, với cái nhìn tinh quái, nụ cười luôn điểm trên môi.

Tóm lại, một con người mạt hạng hoàn toàn, trước khi mở cái quán tồi tàn tại Monfermeil, đã đi dò đường sau các đạo quân của Napoléon, buôn bán đầu này, cướp giật đầu kia.

Giai đoạn này của cuộc đời ông ta cho phép ông ta được nhiều lần đóng vai trò một người anh hùng và một người cứu nạn.

Gần lò sưởi, Bà Thénárdier đang canh chừng một cái nồi, bà là người mà cô bé luôn hãi hùng khi phải nói chuyện.

Đó là một người đàn bà tuổi trạc bốn mươi, đồ sộ khủng khiếp, có râu ria.

Bà làm mọi việc trong nhà, dọn giường, làm phòng, giặt giũ, nấu nướng và lúc nào cũng quát tháo ầm ĩ.

Bên bà, Cosette giống như một con chuột nhắt hầu hạ một con voi.

Bà hết mực kính trọng ông chồng luôn áp đặt lên bà tất cả âm mưu độc địa của ông ta, và bà yêu con.

Tất cả sự chân thành của bà dừng lại ở đó.

Người đàn ông và người đàn bà đó chính là sự xảo quyệt và sự hung ác kết hợp với nhau, sự móc nối ghê tởm và khủng khiếp trong đó Cosette cảm thấy mình bị nghiền nát, xé tươm.

Năm năm trước, khi Fantine đáng thương giao con mình cho vợ chồng ông chủ quán này, chị không nghĩ mình đã giao đứa con gái yêu cho bọn người vô nhân đạo.

Thế mà chưa tới sáu tuổi Cosette đã bị ông Thénardier và vợ buộc phải thay một người giúp việc.

Tất cả chỉ có lợi cho họ: họ moi tiền người mẹ vừa làm cho chị tin rằng con mình được chăm sóc chu đáo, và họ không phải trả công cho cô bé giúp việc.

Một bà chủ dã man, một ông chủ độc địa.

Và giữa hai con người này, cô bé Cosetle phải làm việc đến hụt hơi, phải run sợ, phải câm nín.

- Kìa! Con ranh bẩn thỉu,- bà Thénardier hét lên khi thấy Cosette bước vào - sao lâu thế? Mày có muốn tao đấm vỡ mặt mày không?

- Thưa bà! - Cosette ấp úng - Có một ông đến ở trọ đây ạ.

Tức thì vẻ mặt cáu gắt, bậm trợn của bà Thénardier đổi sang dịu dàng, tử tế ngay.

Tuy nhiên khi bà xem xét trang phục của người khách thì vẻ mặt dịu dàng, tử tế của bà tan biến ngay.

- Ông vào đi,- bà nói - nhưng tôi báo trước với ông là tôi không còn chỗ đâu nhé.

- Không sao bà muốn cho tôi ở đâu cũng được, ở gác trên cùng, ở chuồng ngựa, tôi sẽ trả tiền như một phòng vậy.

- Bốn mươi xu và trả trước, bà Thénardier nói giọng điếc tai.

Jean Valjean móc một đồng năm frăng từ trong túi và ném nó lên bàn.

- Của bà đó.

- Một đồng năm frăng - Bà Thénardier nghĩ thầm với một sự kính trọng bất ngờ.

Và bà rời khỏi lò sưởi để nhường chỗ cho người khách sưởi ấm.

- Ông có dùng bữa ăn khuya không ạ? - Bà hỏi.

- Bánh mì và phô mát.

Jean Valjean đáp, tâm trí ở đâu đâu.

Ông nhìn Cosette gầy gò xanh xao trong bộ quần áo rách bươm không che kín thân thể, cô run lập cập.

Giữa những lỗ thủng của bộ quần áo, người ta nhận rõ dấu vết của những quả đấm hoặc ngọn roi da mà bà Thénardier đã giáng tới tấp lên cô chỉ cần một cơ hội cỏn con.

Tất cả con người của cô bé này chỉ thể hiện một ý tưởng sự sợ sệt.

Đôi mắt sâu hoắm của cô gần như đã lụi tắt vì mãi khóc, hai khóe miệng của cô thì đầy lo âu.

Ngồi co ro nơi chiếc bàn to, bằng cái nhìn buồn bã và thèm thuồng cô nhìn đăm đăm vào hai đứa bé con nhà Thénardier, Eponine và Azelma, vừa bước vào phòng và đang ngồi gần lò sưởi với con búp bê của chúng.

Chúng ăn mặc một cách ấm áp và đỏm đáng, những bím tóc dài của chúng được trang hoàng bằng những dây băng, cả hai đều lanh lợi, sạch sẽ, mập mạp, tươi tắn và khỏe mạnh trông khá đẹp mắt.

Eponine và Azelma không ngó ngàng gì tới Cosette.

Đối với chúng, cô chẳng khác gì một con chó.

Ba cô bé này cộng lại chưa tới hai mươi bốn tuổi nhưng họ đại diện cho cả xã hội loài người: một bên là sự thèm muốn, một bên là lòng khinh miệt.

Bà Thénardier đang đi đi lại lại trong phòng chợt nhận ra Cosette thay vì làm công việc đã chỉ nhìn hai con bà đang nô đùa.

- À? Tao bắt quả tang mày đấy nhé! - Bà hét lên.

- Mày làm công việc như thế đó hả? Tao sẽ bắt mày làm việc bằng roi da đây.

- Này bà, - Jean Valjean ôn tồn nói - bà cứ để cháu nó chơi.

- Nó phải làm mới có ăn.

- Bà Thénardier vừa tiếp lời vừa thẳng chân đạp vào Cosette.

- Từ sáu tháng nay mẹ nó không trả tiền cho chúng tôi nữa, nhưng nó vẫn cứ phải ăn cơ mà.

Người mẹ này chẳng đáng gì cả, chị ta bỏ rơi con mình.

Có lẽ chị ta đã chết rồi cũng nên.

Jean Valjean chăm chú nhìn vào lò lửa.

Ông còn đang mơ màng thì giọng nói chát chúa khiếp đảm của bà Thénardier kéo ông ra khỏi sự trầm tư của mình.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận
Quảng Cáo: Coin Cua Tui