Anh đã cảm nhận được tất cả vẻ đẹp hùng vĩ và cũng rất thơ mộng của quê nàng. Nàng đã dẫn anh vào động Tam Thanh, leo lên thật cao để nhìn cho rõ hòn Vọng Phu. Thiên nhiên kỳ vĩ đã khắc chạm hình người thiếu phụ chung thủy, sắt son, bất chấp thời gian, tắm mưa, gội nắng quanh năm suốt tháng ôm con vòi vọi ngóng mong chồng. Sự chờ đợi kiên nhẫn đến không ai dám bác lại cái điều phi lý ấy. Nàng đứng dậy như một biểu tượng cho lòng chung thủy quê nàng. Và nàng đứng đây như một biểu tượng cho sự trừng phạt của thần linh đối với tội lỗi của con người.
Hồi ấy, anh đứng im lặng, ngước nhìn bức tượng của thiên nhiên, tay đặt lên ngực, nơi trái tim anh đang xúc động, nói: “Em thấy không, có những nhầm lẫn không sao xóa nhòa. Nó mãi mãi là bài học uôn đời!” Lúc ấy nàng nhìn anh, hồn nhiên cười: “Anh cứ như một triết gia vậy”.
Hồi ức cho anh nhớ lại, lúc ấy anh im lặng nhìn nàng… Dường như anh đang linh cảm một điều gì… Nhưng rồi nghĩ mãi, anh cũng chẳng hiểu điều gì sẽ xảy ra.
Thế rồi anh lên đường. Anh đi bằng được, không ai cản nổi… Và anh đã bị thương. Anh đã lẩn trốn… Nhưng rồi… anh lại phải trở về quê nàng. Nàng yêu anh, một tình yêu trong sáng, mạnh mẽ… Với một thương tất trên mình, anh nghĩ cái điều mà anh linh cảm gờn gợn hồi nào ấy, chắc là cái thân thể tàn tật này đây. Và anh yên tâm trở về với nàng.
Anh đón nhận tình yêu của nàng như dòng sông đón nhận những lạch suối khôi nguyên từ trên núi đổ về. Đẹp đẽ, êm đềm, tình yêu đến với anh ngòn ngọt như trái quả đầu mùa, như màu lá xanh, mát dịu mùa xuân, lành mạnh, sáng trong… Anh thầm nghị, thế là đời công bằng, đã trả lại cho anh tình yêu và hạnh phúc sau bao năm tháng tủi hổ, nhục nhằn…
Một đứa con ra đời. Một thằng cu giống anh như tạc. Anh nghĩ thế và mãn nguyện. Nhưng em lại nói: «Con giống ông ngoại quá, anh ạ.» Anh không cãi. Bởi anh chưa một lần thấy bố em. Ông ra đi không để lại một dấu vết nào, dù là một tấm ảnh cỡ 3x4.
Em lại bồng con ra tắm ở con sông Kỳ Cùng. Anh khuyên em: «Bây giờ là mùa đông. Nước sông thiếu điều đóng băng. Thằng bé chết cóng mất!» Em lắc đầu, đáp: «Đấy là phong tục quê em, anh ạ».
Và quả thật, đứa con anh không việc gì. Nó ngoan và chóng lớn. Đúng ba tháng biết lẫy, sáu tháng biết bò… Suốt ngày anh quanh quẩn bên nó. Mỗi khi xa con, dù là một vài giờ, anh đã thấy nôn nao. Lúc nào anh cũng muốn hôn nó, cắn vào hai mà mịn như hai quả đào tơ của nó. Còn nó thì cứ đẩy anh ra, lục lọi vào góc tủ, gầm giường. Chưa một lần anh dám nghĩ, lúc nào đấy anh sẽ xa nó. Nó là linh hồn của anh. Nó là con tim của anh.
Thế mà bây giờ nó đang ở kia, trên tay mẹ nó, trong đáng đêm cô quạnh. Anh và nó đang bắt đầu một quãng cách. Quãng cách ấy rồi đây càng lúc càng xa, và chắc chắn không bao giờ rút ngắn lại được. Anh ôm đầu và kêu lên: Con tim và khối óc có nhẽ nào cứ ngược dòng nhau mãi mãi thế này. Con tim thì khao khát, cháy bỏng. Còn khối óc lại lạnh băng, tàn nhẫn như một vị quan tòa.
Anh nghĩ rằng, bây giờ tàu chắc muộn. Nhưng đối với anh, điều ấy có nghĩa gì, ngược lại càng hay. Anh có thêm một ngày ở ke ga mà hướng về cái làng quê êm đềm đầy những kỷ niệm quê em. Anh có thêm một ngày gần con dù là trong ý niệm.
Trầm ngâm, suy tư triền miên trong những nỗi dằn vặt đớn đau vô hạn, anh đứng chông chênh trên đôi nạng gỗ như thế không biết đến bao giờ nếu không có người đi ngang qua. Anh không rõ đấy là ai, nhưng ông ta đã kéo anh về với hiện tại…
-Anh ra ga phải không?
-Vạng.
-Anh bị thương à?
-Vâng.
-Phải chị và cháu đang đứng đằng kia không?
-Chắc là thế. Tôi không nhìn thấy gì nữa…
-Anh đưa túi tôi xách cho. Chị ấy nhờ tôi giúp anh.
-Cảm ơn bác.
-Ta đi kẻo nhỡ tàu.
Cũng may, con tàu rời ga chậm hơn hai tiếng. Cái ga miên sơn cước vào đêm mùa đông u tịch, buôn như một linh hồn chết. Gió đuổi xô nhau như chơi trò trốn tìm của trẻ thơ chạy huỳnh huỵch từ trong các dãy núi đá đổ xuôi theo hai thanh ray dồn về các hốc tối của nhà ga. Từng tốp người gà gật trước cái rát không gì che chắn, tê buốt. Những cụ già run lập cập trong những chiếc áo bông to sù, cũ kỹ được may từ thời mới lập gia đình. Những bà buôn, gục đầu trên những sọt hàng, chập chờn trong những cơn mơ lời lãi. Mấy chú ếch ồm ộp ngay cái hồ bom đầu nhà ga như răn đe cái đám trẻ con. Con tắc kè ôm ngọn cây cụt phía bên kia đường tàu, tiếc rẻ cho thân phận cô đơn của mình, tiếng nó nghe chua xót. Xa xa,một ngọn đèn dầu hiu hắt của người gác ghi đang gà gật.
Trên nền trời, những ngôi sao hiếm hoi, nhạt thếch, ẩn hiện trong những lớp sương dày, trắng đục. Trăng đã lên, mấp mé đầu ngọn núi không rõ hình hai, lúc như bầu vú của người phụ nữ căng sữa, lúc tựa cái đầu con ễnh ương hếch ngược,
Từ xa xa, tiếng hú man rợ của con tàu dội tới khua cái đám người đang uể oải bật dậy, rộn rịp, sôi động. Người ta la lối, chen lấn, người ta xô đẩy, mắng mỏ nhau bằng đủ thứ ngôn từ… nhà ga.
Thật vất vả Linh mới len lên được cái bậc toa tàu sau cùng. Anh đứng như thế với đôi nạng gỗ suốt đêm. Người đàn ông tốt bụng đã trao cho anh cái túi du lịch khi xuống sân ga cuối cùng.
Hà Nội quen thuộc quá! Nhà ga sau trận bom B.52 năm 1972 đã xây lại theo một kiến trúc mới nửa tây nửa ta.
Anh tìm lại cái bậc tam cấp, nơi trước đấy anh đã ngồi với thúng bánh mì ế ẩm và lần đầu tiên gặp người con gái hốt hoảng chạy đi chạy lại trên cái khung đường ray tàu điện. Mọi hình ảnh đều trở lại với anh, hết sức quen thuộc, cảm như sờ nắn được. Anh ngồi như thế im lìm, chìm trong những suy tư, trong những dòng hồi ức.
Hồi ức để làm gì? Suy tư để làm gì? Anh cũng không biết nữa. Anh chỉ biết rằng từ đây anh đã bắt đầu một cuộc đời mới cứ chờn vờn trước mắt anh. Anh cảm thấy hổ thẹn. Những năm tháng ở Trường Sơn cùng đồng đội chống chọi với kẻ thù quá ngắn ngủi, gần như không thấm vào đâu so với cái chặng đời dài 22 năm của anh. Rất tiếc là anh bị thương quá sớm. Ngược lại, những ngày vô vị trong trại giam, những ngày đêm lang thang kiếm sống ở bến xe, nhà ga, gầm cầu lại quá dài. Và nữa, những ngày trong trại điều dưỡng, anh đã cố làm một điều gì có ý nghĩa, dù nhỏ cho đời. Đấy là những ngày buốn u ám như mùa đông nhưng không đến nỗi nặng nề. Anh đã lẩn tránh tất cả. Hồi ấy tâm trạng đầy bi quan. Anh chạy trốn thực tại. Đối với anh, đời là một bể trầm luân. Anh sợ cái bể trầm luân ấy. Lần đầu tiên anh nghĩ về cái thuyết nhà Phật: Sắc sắc không không. Con người cuối cùng rồi cũng trở về với vĩnh cữu, mãi mãi hư vô… Cuộc sống trần thế có hạn. Cuộc sống dương gian là vô hạn có cũng như không, không cũng như có, tất cả trên đời chỉ là hư ảo…
Nhưng rồi anh không lẩn trốn được nó. Hạnh phúc lại đến và anh ôm choàng lấy nó, cảm nhận tất cả những gì tinh tế của tình yêu. Anh hoàn toàn không ngờ đấy chính là những ngày tội lỗi. Anh nghĩ đến Chúa. Giá anh là một con chiên ngoan đạo, anh sẽ quì trước Người, cầu nguyện, ăn năn và sám hối, mong Người phán xét và sẵn sàng nhận tất cả mọi hình phạt để cho tâm hồn đỡ ray rứt.
Không hiểu cái anh thuyền chài kia, sau một chuyến đi biển về ngồi bắt chấy cho vợ và nhận ra vết sẹo trên đầu… em gái mình(3), anh ta có quằn quại đau đớn trước tội lỗi của mình như anh hôm nay hay không? Không hiểu anh ấy có đủ nghị lực để làm lại cuộc đời hay không?
Còn anh, nơi cái bậc tam cấp nhà ga này, anh đã làm lại hơn một lần cuộc đời ô nhục của anh. Và bây giờ, cũng tại nơi đây, anh lại suy nghĩ để tiếp tục một cuộc sống khác, hoặc kết thúc nó. Ôi, cái ngã ba đường nghiệt ngã! Anh dường như không nhận ra ranh giới sống – chết nữa. Nhiều lần, anh nói như tâm sự với Sen – cô gái giang hồ nhưng có nhân cách – rằng cuộc sống không có mục đích còn tối tăm hơn nhiều lần cái chết.
Anh đã không chết, vì anh muốn tìm ra sự thật về hai người bố. Nhưng anh đã không làm được điều đó. Anh vẫn coi như thế là món nợ cuộc đời anh chưa trả được…
Giá anh gặp được Sen. Người con gái này có bản lĩnh hơn anh. Chắc chắn cô sẽ là chỗ dựa cho cuộc đời tội lỗi của anh hôm nay. Cô ấy đã yêu anh, một tình yêu không quy lụy, một tình yêu chân thành và tự trọng. Nhưng rồi anh đã khước từ. Không tự ái, nhưng anh hiểu cô buồn…
Thằng Súng, đứa em trai cô sắp vào đại học. Dù sao anh cũng đã làm được một điều có ích… Không biết bây giờ cô ấy đang ở đâu? Hơn sáu tháng rồi, anh không nhận được tin tức của Sen… Anh lo sợ… Chiến tranh là sự tàn bạo có ý thức…
Một phụ nự mặc quân phục đến ngồi trước anh. Anh giương to đôi mắt, nhìn thẳng vào gương mặt chị ta.
-Vào trong kia mà ngồi cho đỡ rét!
-Chị Loan!
Bây giờ thì anh đã trở về với thực tại…
-Đi đây vậy?
-Em đi vào thăm mộ ông cụ em.
-Cuối cùng em đã tìm ra…
-Vâng… khi ông không còn nữa.
-Thế à! Chị chia buồn với em… Còn ông bố dượng kia?
-Em cũng không rõ lắm. Nhưng vẫn thế, đầy quyền lực. Sen có về báo cáo thành tích ở đấy…
-Tất cả vẫn còn khép kín?
-Nạn nhân đã chết rồi! Nhưng bác Phương nói thế hệ em, và Châm, con trai bác, sẽ khám phá ra mọi tội lỗi của thế hệ bác.
-Đây cũng chỉ là ước muốn.
-Em tin hơn chị. Chị đi đâu đây?
-Bác sĩ Tâm đã bị bắt vì một lý do thật vô căn cứ… Chị đi tìm một vị tướng, người đã được bác sĩ Tâm cứu sống lúc ở chiến trường. Nhưng ông đi vắng…
-Em không bao giờ tin bác sĩ Tâm có thể làm điều gì ác, phản lại nhân dân! Không thể như thế. Đấy là một bác sĩ tài năng và có nhân cách. Lần nào đấy em đã nói với chị. Chính trị viên Dậu còn “đì” anh ấy đến mệt…
-Thôi chị em mình vào trong này đi… Em mua vé chưa, đưa giấy tờ và thẻ thương binh đây, chị lấy cho.
Linh đã đứng dậy đi theo chị Loan, nhưng mặt cứ nghệch ra, dài ra. Anh không thể nào hiểu nổi… “Tội ác bao giờ cũng bắt đầu bằng những con người cụ thể”. Vừa khập khiễng trên đôi nạng, anh vừa nghĩ…
-Chị Loan, sao lại có cái chuyện như thế được… Chị trả lời hộ em đi. Có phải mọi con người trung thực đều bị cuộc đời ghét bỏ không chị?
-Chẳng phải bao giờ cũng thế đâu…
-Còn gì nữa… Chị có công nhận với em rằng cuộc đời này còn nhiều những tay đểu giả nhân danh Đảng. Loại này có cái đầu mềm nhũng và cái lưởi biết xoay chiều… Còn những người trung thực thì cái đầu họ rắn quá và cái lưỡi chỉ biết nói một đường ngay…
Loan im lặng. Thật tình chị không biết trả lời với người chiến sĩ đáng tuổi em chị như thế nào đây. Chị hiểu, cuộc đời của anh ta cũng cay đắng quá… Và dường như phảng phất trên gương mặt anh ta một nét gì đấy thật khó hiểu… Dường như nó không phải là một nét buồn về sự mất mát một người cha… Anh ta đúng là cong người của bi kịch…