Nước Mắt Của Nắng - Nụ Cười Của Mưa

Đang căng thẳng thì điện thoại réo chuông ầm ỹ khiến tôi giật bắn người. Tôi vừa nghe máy thì đầu dây kia đã vang lên giọng nói trầm ấm của Lưu Ninh:
- Cậu đang làm gì thế? Đi xem pháo hoa không?
- Cậu đến đón tớ đi. Nhanh nhé.
Tôi cúp máy rồi ôm mặt khóc. Tiếng đập cửa phía ngoài đã ngắt từ khi nào. Nép mình vào cánh cửa, tôi lắng nghe động tĩnh ở bên ngoài. Năm phút, rồi mười phút, tiếng bước chân chạy rầm rầm lên cầu tháng. Có lẽ Lưu Ninh đã đến.
Tôi bấm máy gọi cho Lưu Ninh, khi thấy tiếng chuông rung ở phía ngoài, tôi thở phào nhẹ nhõm. Khi mở cửa ra, chiếc điện thoại trong tay tôi rơi xuống đất. Choang…. Á…. Tôi hét lên. Nước mắt lăn theo vô thức, tôi chưa kịp đóng cửa lại thì bàn tay ấy nắm chặt lấy tay tôi, tay kia thì gỡ chiếc mặt nạ đang đeo. Miệng tôi há hốc nhìn “kẻ lạ mặt”, tay còn lại không ngừng đưa lên đập bồm bộp vào ngực “hắn”.
- Sao cậu ác thế? Doạ tớ như thế, ngất thì sao? – Tôi vừa khóc, vừa cười, vừa la, vừa hét nói với Lưu Ninh – Cậu có biết là lúc nãy có người đập cửa ầm ầm không, tớ phát khiếp lên được.
Lưu Ninh cúi xuống nhặt điện thoại, vừa lắc lắc điện thoại vừa bụm miệng cười.
- Lúc nãy cũng là cậu hả? – Tôi hỏi.
Cậu ấy cúi mặt, cố nhịn cười.
- Tưởng cậu can đảm lắm, hoá ra cũng chỉ gan chuột nhắt. – Dứt lời, Lưu Ninh ôm bụng cười khoái chí.
- Cậu có biết là gần đây tớ luôn có cảm giác bị rình rập không? Cái nhà đối diện đã đủ làm tớ sợ rồi, cậu lại còn…
- Cậu có nói đâu mà tớ biết. Nhà đối diện làm sao? Chỉ tớ xem.
Tôi không ngại ngần kéo tay Lưu Ninh đi. Tôi căng thẳng bao nhiêu thì cậu ấy thong thả thoải mái bấy nhiêu. Đến bên cửa sổ, Lưu Ninh cầm tấm rèm cửa định kéo ra.
- Từ từ đã. – Tôi ngăn.
- Sao thế?
- Dạo này tớ luôn nghĩ khi tớ mở rèm cửa ra thì sẽ có một cái đầu bù xù be bét máu lắc lư ở đó.
- Khiếp. Nói làm tớ cũng sợ theo. Chả trách ban nãy hét ầm ỹ. Thế có kéo ra không?
Tôi khẽ gật đầu, tay víu vào vạt áo khoác của Lưu Ninh.
Một. Hai. Ba. Lưu Ninh đếm rồi kéo rèm cửa, nhà đối diện hoàn toàn im ắng. Không có dấu hiệu gì đáng nghi ngại hay e sợ. Lưu Ninh còn ngó lên ngó xuống ô cửa sổ tìm “cái đầu bù xù be bét máu lắc lư” rồi ra vẻ thất vọng vì không tìm được gì. Tôi thì thở hắt ra một tiếng.
- Đi, nhanh không không kịp xem pháo hoa.
Lưu Ninh quay lưng lại, kéo tay tôi. Bỗng từ phía sau Lưu Ninh có một luồng sáng. Từ phía dưới, pháo bông được bắn lên rực rỡ và nhiều màu sắc. Bên nhà đối diện, căn phòng bỗng vụt lên ánh sáng. Một hình trái tim được xếp bằng những chiếc đèn quả trám sáng chói, bên trong là dòng chữ “I Love U” cũng được xếp bằng đèn. Lưu Ninh xoay người, kéo tôi đứng song song với cậu ấy. Một tay nắm chặt lấy tay tôi, tay kia rút bông hồng trong vạt áo.
- Lệ Dương, làm người yêu tớ nhé! – Lưu Ninh nhỏ nhẹ rủ rỉ.

Tôi ngước mắt lên nhìn cậu ấy. Đôi mắt nâu nhạt chất chứa yêu thương đang nhìn tôi. Tối nay, buổi tối của ngày cuối năm Lưu Ninh đã dắt tôi biết bao nhiêu cung bậc của cảm xúc. Từ buồn bã cô độc đến nghi ngại, rồi sợ hãi. Giờ đây, cậu ấy phủ lấp tất cả mọi thứ bằng một điều tôi không nghĩ sẽ đến bất ngờ như vậy.
- Lệ Dương! – Lưu Ninh gọi khẽ tên tôi.
Trái tim tôi đã loạn nhịp hoàn toàn. Cầm bông hồng trên tay, tôi bước lại gần, lúng túng hôn nhẹ lên môi cậu ấy. Lưu Ninh ôm tôi vào lòng. Ấm áp.
Tiếng ầm ầm lại liên tiếp đập vào cửa. Tôi buông Lưu Ninh ra, mặt xám lại hơi sợ sệt.
- Mở cửa đi, Lệ Dương.
Tôi vừa mở cửa thì một cơn bão ập vào nhà. Đó không phải ai khác chính là Lưu Linh. Cô bạn mang theo một chai rượu vang cùng một ít đồ ăn vặt. Tôi nhìn hai người họ nhấm nháy với nhau. Tôi cười thật tươi để giấu đi nụ cười nhạt khoé miệng.
- Hoá ra là hai người thông đồng với nhau. Lưu Linh không về nội ăn tết à?
- Có chứ, hôm nay tao bảo bố qua đón giao thừa với mày cho đỡ buồn nên mượn luôn xe. Tí nữa về nhà nội. Nhà nội tao gần mà. Người lớn ở nhà cũng toàn chơi mạt trượt.
- Chứ không phải “câu kết” với Lưu Linh à?
Cả hai bọn họ lại phá lên cười. Bỗng dưng tôi trở thành người yếu thế. Từ lúc đó, nhà tôi nhộn nhịp lên hẳn. Hai người họ nhắc lại từ chuyện tôi vì ám ảnh căn hộ đối diện nên gặp ác mộng đến các công đoạn chuẩn bị ra sao. Lưu Linh than phiền việc ngồi ngoài trời rét vừa nơm nớp tôi nhìn ra cửa sổ vừa chuẩn bị tinh thần bắn pháo bông. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã nhập cuộc theo họ mà khúc khích cười.
Chúng tôi nói chuyện rôm rả đến lúc giao thừa. Lưu Ninh nói cậu đã thuê căn hộ đối diện nhà tôi từ lâu, nhưng vì kế hoạch tỏ tình nên không nói cho tôi biết. Tôi muốn hỏi Lưu Ninh nhưng lại giữ lại trong lòng.
Quá mười hai giờ, Lưu Linh phải về nhà nội nên chúng tôi giải tán. Lưu Ninh cũng về căn hộ đối diện còn tôi mắt nhắm mắt mở dọn gọn lại bãi chiến trường rồi cũng lăn lên giường mà ngủ, không còn chút nghi ngại về kẻ biến thái lạ mặt.
Sáng dậy, tôi gọi điện cho Tiếu Vũ kể lại chuyện đêm qua. Anh chỉ nói vỏn vẹn ba chữ “Anh tin em”.
Tôi kéo rèm cửa sổ nằm lười biếng nhìn ra ngoài trời. Thời tiết hôm nay khá đẹp, bầu trời cao và xanh, nắng vàng nhảy tung tăng trên mái nhà muốt tuyết đối diện. Trong tôi, bỗng yên bình trở lại. Tôi nghĩ mình chỉ như đứa trẻ khi xưa, đứa trẻ vẫn hay chào Tiếu Vũ mỗi tối đi ngủ và mỗi sáng tỉnh giấc.
Cộc… cộc… cộc… Tôi biết là Lưu Ninh đang ở ngoài nhưng tôi từ tốn, để anh ấy chờ đợi. Khoảng hơn mười phút sau, tôi ra mở cửa khi có cậu ấy gõ cửa dăm bảy lần và trong máy có hai cuộc gọi nhỡ.
- Năm mới vui vẻ! – Lưu Ninh chìa ra một bao lì xì nho nhỏ trước khi bước vào nhà.
Tôi cười tít mắt, hào hứng nói.
- Cảm ơn cậu. Năm mới vui vẻ. Vạn sự như ý.
- Khách khí gớm. Nghỉ lâu thế này thì định làm gì, có đi chơi đâu không? – Lưu Ninh hỏi khi đã ngồi xuống ghế.
- Tớ chưa biết nữa, cũng chưa biết là làm gì hay đi đâu. Định qua tết vài ngày nếu quán café mở lại rồi thì tớ đi làm thôi. Tiếu Vũ cũng bảo tớ đến nhà anh ấy chơi, nhưng tớ hơi ngại.
- Tiếu Vũ? – Lưu Nịnh ngạc nhiên pha lẫn ganh tị hỏi.

- Ừ, có nhiều chuyện tớ chưa kể cho cậu nghe.
Tôi đi pha một bình trà hoa cúc, xếp thêm một đĩa bánh quy. Dựa vào vai Lưu Ninh, tôi xoay xoay cốc trà, ngúc ngắc nói. Lưu Ninh ngồi bên tôi, thỉnh thoảng buông tiếng thở dài hờ hững.
“Tớ chỉ là con nuôi của mẹ. Trước đây, tớ cũng sống ở cô nhi viện, bị lạc rồi trở thành trẻ lang thang. Mẹ đã đưa tớ về và nhận nuôi tớ. Chắc cậu hiểu cảm giác ấy đúng không? Lệ Dương cũng là cái tên mẹ đặt cho tớ. Cậu biết vì sao tớ tên là Lệ Dương không, chính vì cái tên của Tiếu Vũ đấy. Mẹ rất yêu Tiếu Vũ nhưng phải để anh ấy trở về với bố. Điều này đã là bí mật cho đến khi em và anh ấy vô tình gặp nhau. Bức ảnh ấy đấy – Nước mắt của Nắng, cứ như là định mệnh vậy. Nếu không có sự gặp gỡ ấy có lẽ bí mật chỉ là bí mật. Nhưng giờ, Tiếu Vũ cũng đã biết rồi.”
Từ lúc nào Lưu Ninh đã nắm chặt tay tôi. Là gì? Sự đồng cảm hay một cảm xúc nào khác. Chúng tôi, ba con người, ba cuộc sống nhưng có một góc nhỏ nào đó trong tim tôi thấy xót xa. Số phận đưa đẩy những đứa trẻ thiếu cha thiếu mẹ đến với nhau. Có phải, sợi dây của định mệnh đã gắn kết chúng tôi với nhau?
“Cậu không biết đâu, hôm trước ấy. Nhìn Tiếu Vũ đứng trước mộ mẹ với vẻ thất thần, tớ không cầm được nước mắt. Tớ luôn coi Tiếu Vũ như anh trai mình, tớ nhận thấy sự mất phương hướng của anh ấy, anh ấy không biết rằng tớ là con nuôi của mẹ, vẫn nghĩ rằng chúng tớ là anh em.” Chúng tôi im lặng rất lâu. Tôi lặng lẽ lưu giữ từng khoảnh khắc, từng sự thay đổi trên nét mặt Lưu Ninh. Đôi mắt cậu ấy sắc lạnh, ánh lên điều mà tôi chưa từng thấy, chưa từng hiểu.
Máy tôi chợt rung lên, là Tiếu Vũ gọi.
- Alo, em đây.
- Em đang làm gì thế?
- Em đang ngồi nói chuyện với Lưu Ninh thôi.
- Ừ, anh sợ em ở nhà một mình buồn thì anh qua, có Lưu Ninh ở đó thì anh yên tâm rồi.
Lưu Ninh với tay, bảo tôi đưa máy cho cậu ấy.
- Tiếu Vũ à, tôi Lưu Ninh đây. Trưa nay cậu qua đây ăn cơm với bọn tôi đi. Tôi cũng có chuyện muốn nói với cậu.
- Thế cũng được. Lát nữa tôi qua.
Lưu Ninh khiến tôi bất ngờ. Không biết cậu ấy muốn nói chuyện gì với Tiếu Vũ.
- Làm gì mà đứng như cột điện giữa nhà thế? – Lưu Ninh châm chọc tôi – Tớ chỉ muốn chào hỏi anh vợ cho phải phép thôi mà.
Dứt lời Lưu Ninh vụt chạy để né tránh đòn móng vuốt của tôi. Hai chúng tôi đuổi nhau rầm rầm chạy khắp nhà. Mãi sau cả hai đứng nhìn nhau thở hồng hộc, đưa tay lên miệng ra hiệu im lặng.
- Không được làm ồn. Nhà dưới có trẻ con (đang ngủ).
Rồi hai đứa ngồi bệt hẳn xuống đất, khúc khích cười.
Đến trưa thì Tiếu Vũ đã có mặt. Lưu Ninh đã chuẩn bị vài món tủ. Anh mang hai phong bao lì xì cho chúng tôi. (Theo phong tục người Trung Quốc chỉ mừng tuổi cho người trong gia đình). Chúng tôi nói chuyện khá vui vẻ. Lưu Ninh và Tiếu Vũ khá hợp nhau, họ nói chuyện ăn ý, nhất là những chuyện về ẩm thực. Lưu Ninh nói về những món ăn cậu ấy đã được học, còn Tiếu Vũ lại nói về tiểu xảo khi chụp ảnh cho những món ăn và cả sự thích thú khi được nếm những món ăn ấy nữa. Tôi không nghĩ là hai người ấy nói chuyện với nhau thoải mái như vậy, như là đã quen nhau từ rất lâu.
Đến chiều, cả hai cùng ra về. Nhưng sau chiều hôm đó Lưu Ninh biến mất bặt vô âm tín. Chiếc rèm cửa sổ bên nhà anh kéo kín mít. Tôi gọi điện rất nhiều nhưng anh không nghe máy, chỉ nhắn tin nói rằng anh vẫn ổn và có việc phải đi xa.

Đến ngày thứ ba, sự bồn chồn và lo lắng khiến tôi gọi điện cho Lưu Linh, cô bạn nói còn đang bận ở nhà ngoại mà cô ấy cũng không liên lạc được với Lưu Ninh. Tôi gọi điện cho Tiếu Vũ, anh bắt máy sau hồi chuông dài:
- Anh đây! Đúng lúc anh đang cần tìm em.
- Sao thế anh?
- Bố anh bảo đón em sang nhà chơi cho đỡ buồn.
- Lưu Ninh đi đâu mấy hôm nay không liên lạc với em rồi. Không biết là có chuyện gì.
- Chờ anh sang rồi có gì mình nói chuyện nhé.
Nửa giờ đồng hồ sau Tiếu Vũ đã đến đón tôi. Dáng vẻ của anh khá thản nhiên, không bù cho tôi, rối bời. Chưa khi nào sự vắng mặt của Lưu Ninh khiến tôi bất an đến vậy.
Cơn sóng dồn dập xô bờ, xô đi những yên bình muôn thuở.
Bờ cát dài đón nhận những đợt bọt trắng xoá không ngừng.
Tôi, run rẩy cô đơn giữa đại dương mênh mông…
Tôi và Tiếu Vũ đến Lưu Ninh trước khi sang gặp bác Vỹ Đông. Chúng tôi gọi cửa, gọi điện nhưng bên trong không có người. Lủi thủi thất vọng đi xuống tầng, Tiếu Vũ đi ở bên an ủi tôi rằng mọi thứ đều ổn. Mãi sau này tôi mới biết vì sao khi ấy Tiếu Vũ lại điềm tĩnh đến vậy.
Trên xe, Tiếu Vũ nói anh đã liên hệ với người ký tên trong nhiều đơn thuốc, bệnh án của mẹ tôi. Ông ấy là một bác sỹ ở thành phố khác được bác Vỹ Đông liên hệ định kỳ để đến thành phố này điều trị bệnh ẹ tôi.
- Em có muốn gặp ông ấy không? – Tiếu Vũ hỏi.
- Từ đây đến đấy bao xa hả anh?
- Hơn hai tiếng đồng hồ. Bây giờ mình đi, nhanh thì trưa, chậm thì chiều là về đến nhà rồi.
Không hiểu sao khi ấy tôi căng thẳng đến cực độ. Hai tay tự nắm chặt vào nhau. Rít chặt mồ hôi, dù ở bên ngoài đang khá lạnh. Tuyết rơi mạnh, táp vào cửa kính khiến Tiếu Vũ tập trung lái xe mà không để ý đến tôi. Thế cũng tốt. Tôi có một góc cho riêng mình.
Trời trở nên xám xịt, tuyết đâm vào không gian theo đừng đợt gió, tuyết xoáy vòng, tuyết gào thét cùng cuồng phong. Rét buốt, gió bão, tuyết rơi – bão tuyết đáng sợ lạnh lẽo mà không bằng cơn cuồng phong tức giận, hận thù của con người. Tôi chỉ mong, sự ra đi của mẹ tôi chỉ là do ông trời sắp đặt.
Do tuyết rơi nên gần ba tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến nơi. Dò theo địa chỉ ghi ở một vài đơn thuốc. Chúng tôi tìm đến bệnh viện A. May sao hôm ấy vị bác sỹ ấy đến trực. Ông tầm ngoài năm mươi tuổi, khuôn mặt phúc hậu hiền từ. Ông đưa chúng tôi vào phòng riêng khi chúng tôi nói tên mẹ - bệnh nhân của ông.
Ông chậm rãi ngồi xuống, gỡ gọng kính, tay vân vê điếu thuốc lá.
- Bác hút thuốc được chứ? – Ông hỏi cho có lệ rồi kéo ngăn bàn, lấy chiếc bật lửa châm thuốc.
Giọng đều đều, ông kể về thời gian ông chữa bệnh ẹ. Đó là khoảng thời gian không ngắn. Năm năm. Là tôi quá vô tâm mà không nhận ra điều ấy. Năm năm mẹ đau, mẹ kiên cường chống đỡ với bệnh tật, chăm sóc tôi để tôi yên tâm học hành. Tôi khóc nấc lên. Chưa bao giờ tôi tự trách mình đến thế. Vậy mà tôi luôn nghĩ mình là đứa con ngoan, là đứa con làm mẹ vui, là nguồn động viên an ủi mẹ.
Tiếu Vũ không khóc nhưng tôi biết trong lòng anh rất đau đớn. Tay anh siết mạnh vai tôi.
- Bác cũng rất buồn. Khi bất lực nhìn bệnh nhân của mình cận kề với cái chết mà không thể làm được gì.
Vị bác sỹ nói, tay vẩy tàn thuốc vào chiếc gạt tàn thuỷ tinh bé xíu. Khói mờ mờ bay theo hướng chậu ngũ gia bì ở góc phòng.
- Các cháu đi cẩn thận nhé. – Ông nói khi nhìn trời tuyết mịt mùng.

Bởi khuôn mặt tèm lem của tôi nên Tiếu Vũ nói đưa tôi về nhà thay vì đến nhà anh. Trên đường về, Tiếu Vũ đưa điện thoại cho tôi nói chuyện với bác Vỹ Đông. Tôi ngần ngại tìm một lý do là bạn tôi bất chợt gọi điện đến nhà tôi để tụ tập nên tôi phải quay về nhà ngay. Bác hỏi thăm tôi vài câu rồi cúp máy.
Dù điều tôi mong đợi là sự thật nhưng tâm trạng tôi không khá lên bao nhiêu, thậm chí còn tệ hơn. Nếu tôi quan tâm đến mẹ hơn, có lẽ tôi sẽ cố gắng hơn nữa để làm mẹ vui. Tôi sẽ gặp Tiếu Vũ sớm hơn để nói với anh rằng anh là con trai của mẹ. Để anh đến gặp mẹ. Để cả anh, cả mẹ, cả tôi đều không cảm thấy hối hận.
Trên đường về, tôi ngủ gục trên ghế. Đôi mắt nhoè nước cần được nghỉ ngơi. Trái tim mệt mỏi của tôi cũng vậy.
- Lệ Dương, sắp đến nhà rồi. Em có muốn ăn gì rồi mới về không? - Tiếu Vũ lay lay tôi dậy.
Tôi dụi mắt nhìn ra ngoài, đã vào đến trung tâm thành phố. Hàng quán hầu như đều đóng cửa.
- Đầu năm thế này, hàng quán nào mở hả anh?
Tiếu Vũ không nói gì, tiếp tục lái xe. Sau đó chúng tôi vào ăn tại một “nhà hàng” vỉa hè. Khói bốc lên nghi ngút từ những xiên thịt, rau và nồi canh lớn.
- Anh rất muốn ăn ở vỉa hè mà không ai đi cùng anh cả.
- Thì anh tự ăn một mình cũng được mà.
- Ai lại đi ăn một mình.
- Nhưng nhất định phải vào một ngày tuyết rơi ngập đường ngập phố thế này sao.
- Đầu năm mở hàng cho người ta, em kêu ít thôi. Ngại thì mua rồi mang vào xe ăn.
- Ăn ở vỉa hè là ăn ở vỉa hè, còn mang vào xem, lắm chuyện.
Tôi chọn gần chục xiên cho vào hai chiếc cốc giấy lớn, Tiếu Vũ chăm chú nhìn rồi nhanh nhảu cầm thêm sáu bảy xiên. Bác bán hàng còn tặng chúng tôi thêm hai xiên khiến số xiên chúng tôi mua nhiều quá mức. Kéo Tiếu Vũ chạy vào trước cửa toà nhà bên cạnh. Cả hai vừa xuýt xoa vì lạnh và đói.
- Sao anh lấy thêm làm gì, em lấy thế này là đủ cả hai ăn rồi mà.
- Anh thấy ít.
- Ít thì ăn đi. – Tôi cầm một xiên mực viên đưa cho Tiếu Vũ.
Một phần vì đói, một phần vì háo hức nên Tiếu Vũ ăn khá nhiều. Anh nhanh chóng giải quyết quá nửa số xiên chúng tôi mua. Và cười như một đứa trẻ. Tôi thở hắt ra. Giờ điều tôi có thể làm chỉ là khiến Tiếu Vũ vui, vì mẹ.
Tiếu Vũ đưa tôi về khi đã “thoả ước mơ”.
- Anh luôn muốn mình được làm những điều bình thường như những người khác. Lên đại học còn đỡ, thi thoảng anh được ở lại trường, không thì bố mẹ luôn gọi anh về nhà. Ngày ba bữa đều là người giúp việc nấu cơm.
- Sau này em đưa anh đi. Nhé.
Tiếu Vũ đưa tay ra đòi ngoắc tay làm dấu. Tôi lí lắc cười, chìa tay ra ngoắc. Đó là những khoảnh khắc đẹp nhất tôi có về anh.
Chúng tôi không về nhà ngay mà ghé qua nhà Lưu Ninh trước khi về. Đến cửa, tôi gọi cho Lưu Ninh, ở bên trong đổ chuông nhưng Lưu Ninh tắt máy đi. Tôi định gõ cửa thì Tiếu Vũ giữ tay tôi lại. Bên trong còn có một người khác và họ đang tranh luận với nhau.


Truyện đánh dấu

Nhấn để xem...

Truyện đang đọc

Nhấn để xem...
Nhấn Mở Bình Luận