Chương 07
Sau khi vượt qua đèo Ngoạn Mục, chiếc xe tải của hãng nước mắm Hương Biển chạy vào địa phận huyện Đơn Dương. Nơi đây, người ta trồng nhiều cây ăn trái và những vườn rau lá xanh ngắt làm cho ánh nắng gay gắt của mùa hè dịu đi. Chiếc xe tải dừng lại trước một đại lý bán nước mắm Hương Biển. Thạch nhảy xuống xe, đi vào gặp bà chủ đang ngồi sau quầy hàng tạp hóa.
- Chào bác, cháu đến giao nước mắm.
- Cậu cho tôi lấy một trăm chai loại một lít và năm mươi can nhựa loại năm lít.
Thạch chạy ra phía sau xe tải. Anh tài xế đã nhảy lên khoang xe chuyển những thùng, những can nước mắm cho Thạch bưng vào đại lý. Khi đã đủ số lượng, Thạch lấy sổ ra viết hóa đơn đưa cho bà chủ ký. Rồi anh lấy hóa đơn tháng trước, đưa cho bà chủ thanh toán tiền.
Khi bước ra sau nhà rửa tay, Thạch ngạc nhiên thấy một vườn hoa như hoa huệ nhưng cánh hoa màu vàng dịu như hoa mai mùa xuân. Thạch hỏi bà chủ nhà tên loại hoa. Bà nói:
- Đó là cây hoa kim châm. Người ta luộc hoa rồi phơi khô bán cho những người nấu miến gà, miến lươn. Người Tàu gọi nó là cây “Vong ưu thảo”, dùng để chữa bệnh đau tim, giúp an thần.
- Có thật nó chữa được bệnh đau tim không bác?
- Thật mà. Chồng tôi nhờ ăn hoa kim châm và sắc rễ của nó uống mà đỡ đau tim.
- Cháu có người nhà bị bệnh đau tim, bác có thể cho cháu một bụi hoa đem về trồng?
- Được thôi, trồng nó cũng dễ như trồng cây sả vậy.
Bà chủ lấy xẻng, xúc một bụi hoa kim châm còn cả rễ và đất, cho vào một chậu nhỏ bằng nhựa. Thạch cầm chậu hoa, cám ơn bà chủ nhà rồi bước ra xe tải.
Tài xế cho xe chạy được một đoạn, một đứa nhỏ chạy băng qua đường khiến anh phải thắng gấp. Thạch chúi người về phía trước, cây hoa bị kẹp giữa ngực anh và cốp xe. Anh la lên:
- Chết rồi!
Anh tài xế hỏi:
- Anh bị tức ngực hả?
Thạch lắc đầu, nhìn bụi hoa.
- May quá! Nó chưa bị rụng hoa.
- Hoa gì mà anh quý dữ vậy?
- Hoa kim châm.
- Nó ăn được không?
Rất ngon và đại bổ. Anh ăn miến gà và miến lươn mà thiếu hoa kim châm là mất đi hương vị.
- Hoa nào “ăn” được thì phải “quý” là đúng rồi!
Anh tài xế cười, sang số cho xe chạy nhanh. Thạch vội lấy tờ báo quấn quanh chậu hoa, sợ gió làm gãy thân cây. Xe chạy đến Đức Trọng. Chợt nhớ lời hẹn với Tuấn, Thạch nói tài xế dừng xe trước một trạm bưu điện. Anh chạy vào gọi điện thoại về Sài Gòn.
- Alô, Tuấn hả? Thạch đây.
Tiếng Tuấn:
- Sao, ông quyết định bao giờ về?
- Cám ơn ông đã tìm cho tôi một công việc tốt hơn, nhưng tôi quyết định ở lại đây làm việc.
- Suy nghĩ kỹ chưa?
- Kỹ rồi. Tôi vừa tìm thấy một loài hoa “Vong ưu thảo”. Nó sẽ giúp cho một người thân của tôi quên đi ưu phiền.
- Biết đâu nó sẽ lại làm ông ưu phiền.
- Tôi chấp nhận miễn sao người đó được vui.
- Có lãng mạn qua không đấy?
- Không. Rất thực tế. Giúp cho một người được vui, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc.
- Ông đang làm tôi buồn.
- Vì sao?
- Thiếu một bạn nhậu!
- Ha! Ha! Hẹn sẽ gặp lại sau.
Hải lái ghe đánh cá chở Hiệp và Quế Lan đi thăm hòn Lao Câu. Hòn đảo này rộng khoảng mười ngàn mét vuông, nằm cách bờ biển Tuy Phong 7 km. Trên đảo có hàng ngàn khối đá với hình thù rất kỳ lạ nằm xen kẽ với những cây cổ thụ và những thảm cỏ xanh mướt. Đảo đã được qui hoạch làm khu du lịch sinh thái biển vì có những rạn san hô nhiều màu sắc. Ngày thường ở đảo chỉ có một ít khách du lịch nhưng vào dịp lễ hội, người dân địa phương đi ghe ra đảo vui chơi rất đông.
Hải neo ghe lớn ngoài khơi, thả thuyền thúng xuống rồi chèo đưa Hiệp và Quế Lan vào đảo. Hải kéo thuyền thúng lên bãi, lấy kính lặn đưa cho hai người bạn rồi hướng dẫn họ cách sử dụng. Hải lặn một hơi xuống biển, bơi tìm một rạn san hô ở gần đảo rồi trồi lên đưa tay vẫy Hiệp và Quế Lan.
Hiệp hỏi:
- Em bơi khá không?
Quế Lan cười:
- Ở Sài Gòn, em vẫn thường đi bơi ở hồ bơi Yết Kiêu với bà chị.
- Nhưng bơi ở biển này em phải thận trọng vì thường có sóng ngầm.
- Em không sợ sóng ngầm mà chỉ sợ “sóng lòng”.
Hiệp cười:
- Cả hai đều khiến người ta dễ chết!
Hiệp và Quế Lan cùng bơi ra chỗ Hải. Ba người kéo kính lặn che kín mắt rồi cùng lặn xuống biển. Hải bơi trước dẫn đường, Quế Lan bơi theo và Hiệp bơi phía sau. Những cành san hô muôn màu dập dờn trước mắt họ. Những chú cá màu sắc sặc sỡ ẩn mình trong rạn san hô, nghe tiếng động sợ hãi bơi túa ra đụng chạm vào người họ. Khung cảnh thật thần tiên! Quế Lan định ngợi khen nhưng nước biển mặn chát làm cô vội mím chặt môi…
Buổi trưa, họ bơi về đảo nghỉ ngơi dưới tàn một cây cổ thụ. Hải lấy bếp gaz nấu ốc hương, chem chép và ghẹ đãi hai bạn. Những hải sản này Quế Lan đều đã ăn tại nhà hàng máy lạnh Ngọc Sương ở Sài Gòn. Nhưng ăn hải sản ở một nơi bốn bề lộng gió biển, cô cảm thấy hương vị của chúng ngon hơn rất nhiều.
Buổi chiều, Hải lấy ghe trở về bến. Những đám mây đen từ đâu kéo đến như báo hiệu một cơn mưa. Nhưng trời không mưa mà nổi gió lớn. Biển động. Những con sóng dâng cao đập vào ghe, bọt nước bắn lên trắng xóa. Hiệp hỏi Quế Lan đang đứng dựa lưng vào buồng lái.
- Em có bị say sóng không?
Quế Lan lắc đầu:
- Em có cảm tưởng đang ngồi trên xe đò chạy vào con đường nhiều ổ gà.
- Giỏi! vậy em làm dâu xứ biển được rồi. Đồng ý không?
Quế Lan cười
- Đợi khi em lên đất liền có bị “say” không, mới quyết định được.
Ghe chạy vào cửa sông, con nước đã êm. Hải tìm một chỗ trống ở bến, lái ghe vào rồi tắt máy. Hiệp nhảy lên bờ, đưa tay kéo Quế Lan lên theo. Trân đã đứng đợi ở trên bờ gọi vọng xuống.
- Anh Hải, bữa nay có cá không?
Từ buồng lái, Hải nhô đầu ra, trả lời:
- Không có. Sáng nay anh chở anh Hiệp đi chơi. Tối mới đi đánh cá.
Hiệp đi đến vỗ vai Trân.
- Chà, em mau lớn dữ!
Trân tươi cười
- Chào anh Hiệp. Em tưởng đến Tết anh mới về thăm nhà.
- Hè này ở Sài Gòn nóng quá, anh đưa bạn gái về đây tắm biển. Đây là Quế Lan bạn anh. Còn đây là Trân, con chú Sáu.
Trân nhìn Quế Lan.
- Chào chị.
- Chào em, chị đã nghe chú Sáu nói về em.
Vừa lúc đó, Đông - trưởng phòng kỹ thuật của hãng nước mắm lái xe Honda chạy đến.
- Này Hiệp, có Long và Thuận ở Nha Trang mới vào. Nhóm bạn học cũ của tụi mình đang tụ họp ở nhà tôi. Mời ông đến chơi cho vui.
Hiệp vui vẻ nói.
- Lâu quá bạn bè mới có dịp gặp nhau. Tôi sẽ đi với ông.
Quay qua Trân, Hiệp nói:
- Em dẫn chị Lan về nhà giùm anh.
Rồi Hiêp nhảy lên xe cho Đông chở đi. Trân dẫn Quế Lan đi dọc theo bờ sông để về hãng nước mắm Hương Biển. Trên đường tấp nập những người gánh cá từ bến đem bán cho các hãng nước mắm. Mùi cá tanh nồng bay trong không khí.
Quế Lan bước đi chậm rãi, hỏi:
- Anh Thạch dạy em học có dễ hiểu không?
Trân lém lỉnh trả lời:
- Thầy Thạch dạy vui lắm chị ơi! Nhiều lúc em tức cười muốn chết!
- Anh ấy hết cau có rồi à?
- Em có thấy thầy cau có hồi nào đâu!
- Vậy mà ở Sài Gòn, anh ấy luôn cau có khó chịu.
- Chị quen thầy Thạch lâu chưa?
- Hơn một năm rồi.
- Hai người vẫn còn thân với nhau?
Quế Lan thở dài.
- Đã chia tay.
Trân ngạc nhiên hỏi:
- Có phải vì anh Hiệp?
- Không. Vì anh Thạch. Mấy tháng trước đây, anh ấy bị mất việc làm nên đâm ra cau có khó chịu. Chị cố gắng an ủi nhưng anh ấy vẫn cảm thấy hụt hẫng và bỏ đi. Không ngờ chị lại gặp anh Thạch ở đây. Thấy anh ấy làm việc cực nhọc, chị cảm thấy xót xa.
- Chị có thương anh Hiệp không?
Quế Lan gật đầu.
- Một ngày nào đó em sẽ hiểu. Người ta thương một người nhưng vẫn còn nhớ đến mối tình đầu của mình.
Hai người dừng lại trước cổng hãng nước mắm Hương Biển. Quế Lan nói:
- Em lên phòng chị nói chuyện chơi.
- Cảm ơn chị. Em phải về nhà nấu cơm. Em sẽ ghé thăm chị bữa khác.
Xe tải chạy vào gara ở phân xưởng cho nước mắm vào chai. Thạch ôm chậu hoa kim châm đi nhanh về xóm chài ở ven biển. Mặc dù chậu hoa đã bọc giấy báo, Thạch vẫn lấy lưng che gió cho cây hoa, khi anh đi trên bãi biển thường có những cơn lốc cuốn cát bay mù trời.
Thạch đứng ngoài hàng rào nhà chú Sáu, gọi lớn:
- Trân ơi! Trân!
Trân đang nấu cơm sau bếp vội chạy ra mở cổng và la lên:
- Anh Hai đi Đà Lạt về! Anh mua trái dâu cho em hả?
Thạch đi vào, ngồi xuống hiên nhà và đặt túi giấy báo ở kế bên.
- Cái này còn quý hơn trái dâu nhiều. Em múc cho tôi một ca nước, nhanh lên.
Trân chạy vào nhà rồi cầm ra một ca nước bằng nhựa đỏ, đưa cho Thạch.
- Nước mưa để dành đó. Anh Hai uống đi cho đỡ khát.
- Không phải cho tôi mà cho cây hoa này.
Thạch gỡ lớp giấy báo bao quanh chậu hoa, tưới ca nước lên cây hoa rồi cười mãn nguyện.
- Bây giờ em cho tôi một ca nước. Tôi khát quá!
Trân cầm cái ca chạy vào nhà rồi mang ra một ca nước đầy. Thạch cầm ca nước uống một hớp dài cho đã khát.
- Cây hoa gì vậy anh Hai?
- Hoa kim châm.
Trân ngắm nhìn bông hoa màu vàng đơn sơ, lắc đầu.
- Sao anh Hai không mua cây hồng nhung về trồng. Hoa hồng nhung đẹp hơn hoa này nhiều.
- Nhưng hoa hồng nhung không ăn được.
- Còn hoa này ăn được hả?
- Hoa kim châm luộc sơ qua rồi phơi khô nấu với miến ăn rất ngon. Nhưng quan trọng hơn, nó còn là một cây thuốc. Tên chữ Hán của nó là “Vong ưu thảo” có nghĩa là cây giúp người ta quên đi ưu phiền. Rễ và hoa của nó phơi khô rồi nấu nước uống có thể chữa được bệnh tim. Nó dễ trồng như cây sả nên tôi xin một cây đem về cho em trồng.
Trân lắc đầu.
- Em không cần nó. Em có thuốc uống rồi.
Thạch giảng giải.
- Thuốc uống là để chữa cơn đau cấp kỳ. Còn cây kim châm em nấu uống đều đặn mỗi ngày sẽ chữa dứt hẳn bệnh đau tim.
- Vậy người mà anh Hai cần tặng cây hoa này không phải là em mà là chị Quế Lan.
Thạch sửng sốt:
- Quế Lan?
- Em vừa nói chuyện với chị Quế Lan. Chị ấy nói vẫn còn thương anh Hai, vì vậy chị ấy rất cần cây “Vong ưu thảo”.
- Giữa tôi và Quế Lan mọi chuyện coi như đã xong. Cây hoa này rất cần cho bệnh tim của em.
- Không, em hết bệnh rồi!
Trân hất chậu hoa ở hiên xi măng rơi xuống sân cát rồi em bỏ chạy vào nhà, đóng cửa lại.
Thạch cúi xuống, ấn cây hoa vào chậu và hốt đất bỏ vào. Anh đặt chậu hoa lên hiên nhà, nhìn đóa hoa vàng lẻ loi, anh lẩm bẩm:
- Không biết mày là “Vong ưu thảo” hay là “Đa ưu thảo”?
Chương 08
Trong ánh sáng đèn điện nhợt nhạt của nhà lều, Thạch nằm đọc báo ở giường. Chú Sáu mở cửa đi vào, tay cầm chai rượu.
- Cậu uống với tôi vài ly.
Thạch nhổm dậy:
- Đợi cháu nướng một con khô mực.
Thạch xách ấm nước đang nấu ở trên bếp than đặt xuống nền nhà. Anh bỏ con khô mực một nắng lên trên những cục than đỏ hồng. Con mực còn hơi tươi, nuớc tiết ra trên bếp than kêu xèo xèo. Thạch cầm râu con mực nướng kéo lên, bỏ vào chiếc đĩa ở trên bàn.
Chú Sáu rót rượu vào hai chiếc ly nhỏ:
- Mời cậu!
- Mời chú!
Uống xong ly rượu, Thạch xé một miếng mực nướng bỏ vào miệng nhai.
- Có chuyện gì mà chú nhậu đột xuất vậy?
Chú Sáu uống xong ly rượu, khà một tiếng:
- Tôi có chuyện này khó nói với cậu quá…
- Chú cứ nói đi. Coi cháu như người trong nhà vậy mà.
Chú Sáu nhăn trán suy nghĩ, rồi nói:
- Tôi cám ơn cậu đã giúp đỡ con Trân rất nhiều. Nhưng tôi xin cậu đừng… gặp nó nữa.
Thạch ngạc nhiên, hỏi:
- Sao vậy chú?
Chú Sáu thở dài.
- Bà vợ tôi chết vì bệnh tim nhưng một phần cũng vì hờn ghen. Ngày trước, tôi đi đánh cá xa bờ, nhiều khi phải đem cá vào bán tận Phan Thiết, Hàm Tân. Mỗi lần tôi về nhà là bả mè nheo đủ thứ chuyện, nghi tôi có bồ bịch ở mấy nơi đó. Khi bả mất, tôi nản quá đi đánh cá kiếm sống cầm chừng. Dạy thằng Hải học rành nghề, tôi giao ghe cho nó rồi lên bờ sống bằng nghề làm nước mắm để được gần gũi, chăm sóc cho con Trân. Tánh con nhỏ cũng y hệt má nó, hay hờn ghen. Tôi không muốn vì cậu, bệnh tim của nó bị nặng hơn.
Thạch phân bua:
- Nhưng cháu có làm gì sai quấy đâu?
- Tôi mới về thăm nhà, thấy con Trân nằm vật vã trên giường, hỏi mãi nó mới nói: Cậu vừa tặng nó một cây hoa chữa bệnh tim. Ý cậu muốn nói nó không khỏe mạnh bằng cô Quế Lan!
- Trời đất! cháu đâu có ý đó. Cháu chỉ muốn Trân mau hết bệnh nhờ cây hoa kim châm.
Chú Sáu lắc đầu.
- Phụ nữ rắc rối lắm. Hiểu được họ không phải dễ!
Thạch đứng dậy.
- Để cháu đi nói chuyện với Trân, cháu không muốn Trân hiểu lầm.
Chú Sáu nắm tay Thạch, kéo tay lại:
- Cậu ngồi xuống đi. Cậu càng giải thích nó càng hiểu sai ý cậu và mọi chuyện sẽ rắc rối hơn. Tôi nghĩ tốt hơn hết, cậu cứ để nó một mình rồi nó sẽ tự hiểu.
Thạch ngồi xuống ghế, rót một ly rượu đầy rồi uống cạn một hơi.
Chú Sáu cũng rót một ly rượu, uống cạn.
- Cậu đừng buồn. Tôi hiểu ý tốt của cậu. Cậu hãy tạm ngưng gặp nó ít bữa, nó sẽ nguôi ngoai và quên đi chuyện vừa qua.
Chiều chủ nhật Thạch lững thững đi đến nhà thờ. Mấy tuần nay anh đều đến phụ cha Tâm đàn Organ cho ca đoàn tập hát. Anh hy vọng sẽ gặp Trân ở đây. Không muốn chú Sáu buồn, nên anh không đến nhà chú để gặp Trân.
Cha Tâm đang ngồi dạo đàn, thấy Thạch bước vào nhà thờ ông vẫy tay gọi anh. Thạch đi đến bên cha, ông chỉ bản nhạc đặt trên đàn Organ.
- Con đàn thay cha bản thánh ca này cho ca đoàn hát. Cha bận công việc một lúc sẽ quay lại.
Thạch liếc nhìn ca đoàn, không thấy Trân đứng ở hàng đầu. Có lẽ em tới trễ. Thạch ngồi xuống ghế dạo đàn, ca đoàn cất tiếng hát theo:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.
Bản nhạc vừa chấm dứt, cha Tâm đã quay lại. Ông đặt tay lên vai Thạch:
- Hôm nay con không được khỏe hả? Con đã đàn sai nhịp nhiều chỗ.
Thạch đứng dậy, gãi đầu:
- Xin lỗi cha. Đầu óc con đang bị rối!
- Con đừng đàn thánh ca nếu đầu óc không thanh thản.
Cha Tâm ngồi vào ghế đàn, Thạch liếc nhìn ca đoàn rồi lặng lẽ đi ra khỏi nhà thờ.
Một con cá voi chết, trôi dạt vào xóm chài. Cả thị trấn bàn tán về chuyện này. Đối với ngư dân, đây là một điềm lành vì lâu lắm rồi “ông” mới xuất hiện. Họ tin “ông” đã chọn làng họ làm nơi an nghỉ, nên “ông” sẽ che chở cho con cháu đi biển được bình an và giúp đỡ họ bắt được nhiều cá.
Ngư dân dựng rạp ở bãi biển để lo tang lễ cho “ông”. Thạch cũng tò mò đến xem. Anh hy vọng sẽ gặp Trân trong dịp này vì nhà chú Sáu cũng gần ở nơi cúng “ông”.
Ngư dân địa phương và ngư dân ở vùng lân cận kéo đến rạp xem đông nghẹt. Tiếng kèn, tiếng trống vang lên như đám tang một ông nhà giàu. Không nghe có tiếng khóc, chỉ nghe có tiếng cười và tiếng trò chuyện của người dân. Thạch cố chen vào xem. Con cá voi dài chừng ba mét, nằm trong lồng tre giả làm quan tài. Một tấm vải đỏ phủ lên mình cá, chỉ để lộ cái đầu cá đen bóng. Một người đàn ông mặc áo tang trắng, đầu quấn khăn tang đang quì lạy “ông”. Người ta nói chính người đàn ông đó đã thấy “ông” nằm trên bờ đầu tiên, nên được nhận làm “con trưởng”.
Thạch chen ra ngoài, đi lòng vòng tìm Trân. Tình cờ anh lại gặp Hiệp và Quế Lan cũng xem cá voi. Hiệp bắt tay anh:
- Tôi rất vui khi biết anh đã làm việc đắc lực cho cha tôi. Tôi cũng muốn về đây giúp ba điều hành công việc của hãng nước nắm, nhưng tôi còn phải thực tập cho xong hai năm ở Viện Tim Sài Gòn.
Thạch mừng rỡ hỏi:
- Anh học chuyên ngành tim?
- Phải.
- Thật là may. Trân đang bị bệnh tim nằm ở nhà. Anh có thể đến khám bệnh cho Trân?
- Sao tôi không nghe chú Sáu nói chuyện này? Được rồi, để tôi phóng xe về nhà lấy đồ nghề. Quế Lan đứng đây đợi anh trở lại. Nhà chú Sáu cũng ở gần đây.
Hiệp đi đến bãi giữ xe, lấy xe Dream phóng đi dọc theo bờ biển. Thạch và Quế Lan đi ra sát mé biển, thoát khỏi đám đông ồn ào. Những con còng bỏ chạy khi họ tiến đến gần. Tiếng sóng biển rầm rì ở trước mặt họ.
- Chốc nữa em hãy đến thăm Trân
- Sao anh lại muốn em đến đó?
Thạch kể lại câu chuyện tặng Trân cây hoa kim châm và sự hiểu lầm đã xảy ra. Rồi anh nói:
- Trân nghĩ anh và em vẫn còn tình cảm nên đã hờn ghen.
- Nghĩa là anh muốn giữa anh và em mọi việc phải chấm dứt hẳn?
- Điều đó không tốt đẹp cho em sao?
- Em sẽ không đến thăm cô bé đó.
- Anh năn nỉ mà. Em hãy giúp anh một lần.
- Anh đã yêu cô bé đó?
- Anh chỉ muốn giúp Trân vượt qua khỏi căn bệnh đau tim.
- Anh cũng biết tình yêu không phải là lòng thương hại.
- Nhưng tình yêu là phải biết giúp nhau vượt qua khổ đau.
- Em hay cô bé đó đang khổ đau?
- Anh.
Trân nằm trên giường, ngó qua cửa sổ. Ánh nắng buổi chạng vạng như đọng lại trên những tàng lá dương đang đứng im phăng phắc ngoài sân. Em nghe có tiếng kèn, tiếng trống từ rạp cúng “ông” vẳng lại. Em muốn chạy ra xem nhưng ba đã ngăn cấm. Ba không muốn em nhìn thấy cái chết của “ông”, dù là một đám tang vui. Ba sợ em xúc động sẽ ảnh hưởng đến trái tim đau yếu. Phải kìm nén những xúc động. Không được vui quá, không được buồn quá. Như vậy suốt đời em chỉ được buồn vui chút chút?
Hải dẫn Hiệp và Quế Lan vào nhà. Hiệp tươi cười đến bên giường Trân.
- Em bị mệt hả? Uống thuốc gì rồi?
Hải lấy ở trên bàn một bịch nylon đựng thuốc, phim chụp tim và toa thuốc của bác sĩ, đưa cho Hiệp:
- Tôi đã cho nó uống mấy thứ thuốc này theo toa của bác sĩ ở bệnh viện tỉnh.
Hiệp xem phim chụp tim, đọc toa thuốc rồi trả lại Hải. Anh mở hộp đồ nghề, lấy dụng cụ ra đo nhịp tim cho Trân.
- Nhịp tim hơi bị yếu. Em phải vui lên, con tim em mới vui vẻ đập mạnh hơn. Em cứ u sầu, con tim em cũng buồn theo và đập yếu xìu. Để anh chích cho em mấy mũi thuốc bổ. Ngày mai em có thể đi chơi được rồi. Nhưng đi từ từ thôi nha, đừng đi vội vã dễ bị ngã. Ngã lần này không bị đau tim mà bị u đầu!
Mọi người bật cười. Quế Lan nói:
- Em đi từ từ cũng bị ngã vậy.
Hiệp cười:
- Tại em có trái tim đặc biệt nên “ngã” cũng phải đặc biệt, khác với mọi người!
Quế Lan nguýt Hiệp:
- Bác sĩ gì mà đoán bệnh như thầy bói!
Hiệp chích thuốc cho Trân xong, anh dẫn Hải ra ngoài nói chuyện riêng.
Quế Lan ngồi xuống giường hỏi Trân:
- Chị thấy ở hiên nhà em có chậu hoa màu vàng là hoa gì vậy?
- Thầy Thạch nói đó là hoa kim châm, tên chữ hán là “Vong ưu thảo”. Nó giúp người ta quên đi ưu phiền.
Nhìn khuôn mặt tái xanh và lo âu của Trân, Quế Lan thấy xao lòng. Cô giả bộ cười lớn:
- Anh Thạch xạo hết biết. Hồi ở Sài Gòn, anh ấy cũng tặng chị một cành hoa trúc đào và nói hoa đó sẽ giúp người ta quên đi ưu phiền. Sau đó chị đọc sách mới biết nhựa hoa trúc đào rất độc, ăn vào là chết ngay. Thì ra anh ấy muốn nói “quên đi ưu phiền” là theo nghĩa đó. Chỉ vì anh Thạch tánh ba xạo mà chị chia tay anh ấy. Chị mến anh Hiệp tánh thật thà, không nói “lời có cánh” như anh Thạch vì anh Thạch làm nghề tiếp thị mà. Nếu anh Thạch tặng chị chậu hoa kim châm, chị sẽ quăng ra đường ngay và nó sẽ thành hoa “Vong mạng thảo”. Trời sắp tối rồi, chị về. Hôm nào em rảnh đến nhà anh Hiệp, tụi mình cùng hát karaoke.
Quế Lan đứng dậy, nén tiếng thở dài bước vội ra ngoài hiên. Trân nằm nghe tiếng xe gắn máy nổ giòn rồi mất hút. Em gượng ngồi dậy, đi từ từ ra ngoài hiên, ôm chậu hoa kim châm vào nhà để ở đầu giường. Vuốt ve những cánh hoa màu vàng, Trân lẩm bẩm:
- Người ta hắt hủi mày, tao sẽ chăm sóc mày!